Biển bắt đầu từ sóng

Thứ Năm, 23/07/2020, 12:07
Trên tay tôi là tuyển thơ “Biển bắt đầu từ sóng” dày trên 500 trang, với 108 tác giả đủ các vùng miền trong nước và cả những nhà thơ người Việt đang định cư ở nước ngoài vừa được nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Đà Nẵng chủ biên, gửi tặng.


“Những năm gần đây, bạn đọc và các nhà phê bình thường cho rằng thơ ca hiện nay đang lạm phát, in ấn phát hành nhiều nhưng lại rất hiếm thơ hay. Thực ra nếu nhìn nhận, đánh giá một cách thận trọng và công tâm vẫn có không ít tác phẩm có chất lượng văn học xứng đáng với sự mong đợi của người đọc...”. 

Và, tôi đã dành thời gian mấy tháng để đọc tác phẩm này và đồng tình với nhận định trên và đặc biệt là cách thức tuyển chọn của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, người chủ biên cuốn sách. Chúng ta bắt gặp nhiều tác giả trong “Biển bắt đầu từ sóng”, một đội ngũ làm thơ được chọn lọc, họ là những cộng tác viên thân thiết của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh trong nhiều năm qua trên trang thơ báo Đà Nẵng cuối tuần. 

Cũng phải nói thêm rằng, nếu không say đắm và có một trình độ thẩm thấu thì khó mà làm nên tập sách quý giá này. Cho dù mỗi người một vẻ nhưng tất cả đều chung vẻ đẹp chân thành từ cảm xúc của thi ca. Nhiều giọng điệu riêng là điều đáng quan tâm. Thơ đương đại có mối quan hệ và kế thừa làm mới thơ truyền thống, đa sắc, đa thanh. Một tập thơ nặng ký, đáng đọc.

Tập thơ “Biển bắt đầu từ sóng” - Nguyễn Ngọc Hạnh chủ biên.

Mở đầu là một người trẻ, nhà thơ Hoàng Thụy Anh: “Mọi thứ đều là khởi nguyên/ Nguồn cội/ Võng bầu trời ru lời cố hương” (Cát và Mưa). Thơ đấy chứ các bạn. Một nhà thơ không còn trẻ nữa, nhà thơ Bùi Kim Anh với những câu thơ đầy chiêm nghiệm: “Tôi là một kẻ ngẩn ngơ/ Bỏ nhà, bỏ của, lên chờ vầng trăng/ Một năm có mấy đêm rằm/ Một đời có được mảnh trăng riêng mình (Nhặt trăng). 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều theo tôi là người có công làm mới thơ ở thời điểm sau năm 1975 qua tập thơ “Sự mất ngủ của lửa”, ông đã tạo ra một “cú hích” cho nhiều nhà thơ trẻ sau này. Ông có 5 bài trong tập thơ này. Chủ yếu Nguyễn Quang Thiều làm mới thơ qua những bài thơ tự do về vần điệu. Nhưng, tôi vẫn thích thơ lục bát của ông hơn:

Cài khuy
Xõa tóc
Cúi đầu
Ngập tràn trời đất nỗi sầu thế gian
Phận người hay phận cây đàn
Một dây cô độc dậy ngàn tiếng đau...

(Người chơi đàn bầu của làng Chùa)

Hay “Tôi đi qua khóc, qua cười/ Mang theo cả một tháng Mười mẹ tôi” (Mưa thu). Tôi đã đọc mấy tập thơ và trường ca của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú và hình ảnh người mẹ ở một vùng quê biển mặn làm tôi xao lòng: “Chợ trời họp ở cuối thôn/ Hoàng hôn mẹ, gặp hoàng hôn của người/ Bán mua bỏ chín làm mời/ Đồng xu thì bạc, chợ trời thì xanh” (Mẹ đi chợ chiều). Viết lục bát như vậy không dễ.

Có những bạn thơ trẻ như Trần Ngọc Mỹ ở Hải Phòng, thực lòng tôi chưa nghe tên, chưa đọc bao giờ, nay mới biết nhờ đọc tập thơ này: “Khi ốm người ta dễ vẩn vơ/ Nghĩ những điều bình thường không nghĩ/ Mây bay tan tác phía trời vần vũ/ Gió chạm khẽ/ Đã vở òa thành mưa” (Khi ốm). Nguyễn Thánh Ngã là một người thơ ở vùng đất cao nguyên Lâm Đồng với bài thơ “Sâu đo” có nhiều câu rất thích: “Loài sâu đo hiền lành/ Vẫn đo hoài trong nắng/... Nhưng sâu đo/ không đo nổi chiếc bóng của mình in trên vùng kiệt sức của rừng cây”. 

Tôi đã đọc mấy tập thơ của Trần Tuấn, đã viết về sự làm mới thơ với nhiều tìm tòi, trăn trở của một nhà thơ, một nhà báo gắn bó với vùng quê Đà Nẵng khá nhiều năm, nay tôi bắt gặp một Trần Tuấn vẫn trung thành với cách viết không khoan nhượng với cả chính bản thân mình: “Đừng ai gọi cho tôi nữa/ Làm ơn.../ Một mai chết/ Hãy trồng tôi như cái cây/ Để tôi mọc sâu xuống một cái bóng/ Che cọng cỏ buồn mắt đất phía bên kia... (Đừng gọi cho tôi nữa).

Nhà thơ Phan Huyền Thư trong “Biển bắt đầu từ sóng” với những câu thơ nhiều chiêm nghiệm:

...

Hãy cứ đau
Để biết mình đang sống.
Đợi một ngày
Độc ác cũng sẽ già yếu và run rẩy...
Sự a dua bầy đàn
Qua tuổi dậy thì sẽ nhận ra cạm bẫy.
Tự trưởng thành
Ngộ nhận sẽ tìm thấy bản gốc chân dung.

(Hãy cứ để nỗi đau biết mình đang sống)

Tôi thích khá nhiều câu thơ của những nhà thơ có mặt trong tập sách này: “Thế giới xa ngoài tầm mắt/ Bấm bàn chân thấy hữu hạn đời mình/ Bông hoa gạo cũ trên nền gach ướt/ Có một chiều thăm thẳm chẳng gọi tên” (Có một chiều thăm thẳm - Văn Công Hùng). Hay “Không e thấp không quản cao/ Xanh cùng trời biếc ấm vào thịt da/ Ông bà ta, cha mẹ ta/ Cầm sen đi suốt đường xa nẻo gần” (Khúc sen - Phùng Văn Khai). Đặc biệt, bài “Không đề” của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha chỉ có bốn câu mà ý tứ tưởng như vô cùng:

Đưa người yêu qua nhà người yêu cũ
Rơi cơn mưa ban trưa
Chợt thấy mình tách làm hai nửa
Nửa ướt bây giờ, nửa ướt xa xưa

Và nhà thơ Phan Hoàng với Hoang mang: “Nhiều đêm gối đầu lên hàng đống sách/ Nghe lòng trống rỗng/ Hoang mang” (Chữ nghĩa thị trường). Đúng là hoang mang thật! Ấy vậy mà “chữ nghĩa thị trường” vẫn tiêu tốn không biết bao nhiêu giấy mực thời nay! Còn nhà thơ Hải Đường bất chợt: “Lâu rồi không ngắm những đám mây qua đầu/ Tóc bạc tự bao giờ không để ý/ Tiếng chim ngủ quên trong rừng/ Sớm nay bỗng thức dậy” (Mây vẫn bay). Tiếng chim thức dậy, con người tỉnh thức, ô hay! Mây vẫn bay trên đầu và thi nhân bạc tóc!

Với nhà thơ trẻ Nguyễn Thị Anh Đào lại mang nỗi buồn cố hữu của thi nhân: “Thác nhớ/ Lội ngược đời con gái/ Soi hư vô trong dáng hạ huyền/ Có ai đợi nỗi cô đơn đầu ngõ...” (Thác nhớ). Còn trong Vở diễn, Nguyễn Việt Chiến lại phát hiện ra một tấn trò đời:

Nhưng chỉ sau đêm diễn
Cánh màn nhung khép rồi
Là giáo gươm, vương miện
Lại xếp vào kho thôi...

(Vở diễn)

Và nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ quê Quảng Nam Đà Nẵng, đang sống ở Sài Gòn với “Chiều mưa uống rượu” đã buồn, rượu ngấm càng buồn hơn, cửi áo xưa cho gió bay... nhưng nỗi buồn vẫn là nỗi lòng thi nhân muôn thuở!

Mưa rụng thêm hồn tôi nữa đây
Chiều tàn. Rượu hết. Sầu chưa say
Mai về tay níu vai cầu cũ
Cửi áo xưa buồn cho gió bay

Nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Trọng Tạo đã đi xa, đi về cõi vĩnh hằng vẫn để lại nhiều câu thơ hay cho người đọc: “Bao nhiêu chờ đợi trên đời/ Bỗng dưng anh hiểu khi ngồi đợi em” (Đợi) hoặc “Có thương có nhớ có khóc có cười/ Có cái chớp mắt đã ngàn năm trôi” (Đồng dao cho người lớn). 

Vẫn là mưa, nhưng mưa của Hồ Đăng Thanh Ngọc: “Có người nghe tiếng chuông chiều trong buổi chiều mưa/ Để tiếng chuông bây giờ vẫn ướt” (Tiếng chuông ngân trong mây). 

Chị Vạn Lộc (Vũ Thị Hội) cũng là một người thơ tôi mới nghe tên lần đầu, nhưng bốn câu thơ trong bài “Trăng và bóng” làm tôi như đã quen biết lâu rồi: “Dăm ba sợi tóc bạc/ Trên mái tóc đen huyền/ Em soi gương nhổ tóc/ Nhổ cả thời hoa niên”.

Và Phùng Hiệu (Phùng Văn Hiệu) được giới thiệu là chủ biên Văn Chương Phương Nam có bốn bài in trong tập này, tôi thích những câu thơ gây ấn tượng mạnh trong bài “Quét rác”: “Chị quét cả đời, rác chẩy về đâu/ Khi dấu chân giẫm mòn tuổi tác/ Và tháng năm rót dần khô cạn/ Sáu mươi năm mà rác vẫn tuần hoàn...”.

Nhiều, còn nhiều bài thơ, câu thơ hay mà tôi thích của nhiều tác giả trong tập sách này, nhưng do bài báo có hạn tôi không thể đưa hết, mong bạn đọc và các tác giả lượng thứ. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh chủ biên “Biển bắt đầu từ sóng”, tôi nghĩ là một người hết lòng vì thơ, cũng hết sức khiêm tốn trong tập thơ này, vẫn là người thơ “mang thơ từ làng ra phố” với tập thơ “Phơi cơn mưa lên chiều” ra mắt bạn đọc ở Thủ đô Hà Nội hồi năm 2018. “Nhan sắc” là một trong những bài thơ của anh mà tôi tâm đắc: “Nhan sắc em chín lịm vào trong/ Như quả ngọt đồng làng/ Như tầng tầng câu thơ đa nghĩa/ Mơ hồ một cõi mênh mang”. Hay mấy câu trong bài thơ “Câu thơ mắc cạn”, về sắc, không giữa cuộc đời này:

Vừa như có lại như không
Ô hay cái sự đeo bòng cỏ cây
Như là sấp ngửa bàn tay
Như là sấp ngửa ai bày...
                                    Trần gian...

Viết tại nhà vườn Sóc Sơn 7-2020

Dương Kỳ Anh
.
.