Bâng khuâng đồi Cháy

Thứ Năm, 16/07/2020, 18:20
Đó là một ngọn đồi ngập tràn ký ức mỗi khi tôi đến đây. Từng nẻo đường dốc hay mảnh đất trên dãy đồi đều ẩn giấu bao nỗi niềm con người của một thời tao loạn gió sương. Xưa đó là vùng đồi đầy sỏi đá ong đỏ như son. Khi cái nắng chiếu tới ngọn đồi luôn bừng lên những búp lửa. Dân quanh vùng đều gọi là đồi cháy. Nay chính là di sản "Đồi văn hóa kháng chiến" (Ấp Cầu Đen-Quang Tiến-Tân Yên-Bắc Giang).

Đồi sỏi bỗng hóa đồi Văn

Theo như các cụ kể trước đó dãy đồi được gọi là ấp Ký Nhàn. Nó được gọi theo tên của chủ đất là ông Nhàn làm thư ký cho người Pháp ở trấn Nhã Nam. Ông ta được Pháp cho phép tổ chức khai thác và canh tác ở vùng đồi này (trước năm 1930). Việc gọi dân lập ấp thật khó khăn vì đất ở đây cằn cỗi nhiều sỏi đá ong và thiếu nguồn nước sinh hoạt. Nhiều người dân đến khai hoang đã phải đổ mồ hôi và máu vì đất rắn như đá và nóng như chan lửa. Rồi ông chủ Nhàn cũng bỏ của chạy lấy người vì vùng đất đồi quá cằn cỗi hoang vu. Từ đó dân đổi tên ấp là Đồi Cháy. 

Sau hơn 16 năm khai hoang cải tạo đất đai, dân tứ xứ đến đông vui hơn, chính quyền sở tại đặt tên chính thức là ấp Cầu Đen (vì ấp có chiếc cầu sắt bắc qua con suối quanh dãy đồi). Tuy vậy đất trên đồi coi như vẫn bỏ hoang. 

Tác giả bài viết bên tượng nhà văn Nguyên Hồng.

Nhưng rồi bất ngờ ngọn đồi Cháy trở nên xôn xao tràn ngập đờn ca sáo nhị. Đó là khi anh em văn nghệ sĩ đã lên đồi Cháy tản cư theo lời kêu gọi "Toàn quốc kháng chiến" (19-12-1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là vị trí gần trấn Nhã Nam nằm dọc trên quốc lộ lên chiến khu Việt Bắc chừng 20 cây số. 

Từ đồi Cháy văn nghệ sĩ đi thực tế và vào chiến khu cách mạng rất thuận lợi. Có mặt đầu tiên ở đồi Cháy là hai gia đình nhà văn Nguyễn Hồng và Kim Lân. Rồi lần lượt các họa sĩ Tạ Thúc Bình, Trần Văn Cẩn và gia đình nhà văn Ngô Tất Tố lên nhận đất làm nhà. 

Sau đó chẳng bao lâu đồi Cháy kháng chiến tiếp tục có sự hiện diện của những tên tuổi khác như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Tú Mỡ, Vân Đài, Anh Thơ và Tố Hữu. Riêng trường hợp nhạc sĩ Đỗ Nhuận đặc biệt nhất vì ông đã cưới vợ ở trên đồi Cháy. Cô dâu không ai khác chính là em gái của nhà văn Nguyên Hồng. 

Nếu tính cả các nhà viết kịch nữa thì số lượng văn nghệ sĩ đã lên sống trên đồi Cháy tới 50 người. Họ đã coi ấp Đồi Cháy là quê hương thứ hai của mình trong cuộc kháng chiến trường kỳ gian khó.

Hầu hết mọi người đều phải cấy cày trên mảnh đất do chính quyền xã phân cho dưới chân đồi để lấy thóc ăn. Anh em văn nghệ sĩ đã biến đồi Cháy trở thành một vương quốc âm thanh rộn ràng lời ca tiếng hát. Đêm đêm những ngọn lửa trại bập bùng trong giai điệu âm nhạc. Đó còn là ngọn đồi của những cuộc đàm đạo văn thơ và trưng bày tranh sáng tác phục vụ chiến đấu. 

Ngay năm sau mọi người đã tập trung chuẩn bị ra số báo Văn nghệ đầu tiên (1948). Hàng loạt tác phẩm đã được các văn nghệ sĩ sáng tác trên đồi Cháy để đưa lên chiến khu Việt Bắc. Trong số đó có thể kể đến các tác phẩm nổi tiếng của Kim Lân như "Vợ nhặt", "Con chó xấu xí", "Làng". Hoặc nhà văn Nguyên Hồng đã viết những truyện có giá trị: "Địa ngục và lò lửa", "Đất nước yêu dấu", "Ấp Đồi Cháy". 

Bên cạnh đó bạn đọc thêm yêu mến cái tên Ngô Tất Tố qua những tác phẩm: "Buổi chợ trung du", "Anh Lạc", "Vĩnh Thụy ca"... Tại đây nhà văn Nguyễn Huy Tưởng khởi thảo pho tiểu thuyết "Sống mãi với Thủ đô". Và cũng trên đồi Cháy đã vang lên giai điệu trữ tình và hào hùng của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi khi viết ca khúc "Người Hà Nội" vang dội… Đó là những hình ảnh sống động mà các văn nghệ sĩ đã gây dấu ấn trong giai đoạn chín năm kháng chiến trên đồi Cháy.

Người quay về núi

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ rồi Hà Nội được giải phóng, mọi người lần lượt chia tay đồi Cháy (1954). Một không gian trầm lắng đã trở lại. Tiếng cọp beo lại gầm rú phía rừng xa. Chim muông thôi reo vui bên suối Cầu Đen. Một cuộc chia tay không hẹn trước. Những câu hát chỉ còn là hoài niệm của một thời chín năm kháng chiến. Ngỡ như mọi chuyện lại trở về như trước. Cây sim dại lại mọc um tùm. Đêm đêm những chú quạ gào rát họng tìm mồi. Phía cuối con đường là thành cổ Phồn Xương (Yên Thế) cũng thấp thỏm con mắt ứa lệ nhớ người anh hùng một thuở.


Nhà văn Nguyên Hồng (thứ hai từ phải sang) cùng gia đình tiếp bạn văn quốc tế tại nhà riêng ở ấp Cầu Đen năm 1971.

Không ai nghĩ 5 năm sau có người đã quay về với đồi Cháy (1959). Đó là gia đình nhà văn Nguyên Hồng. Bầu đoàn thê tử mười người kéo nhau lên đồi và ở lại căn nhà lá xưa. Ngọn đồi ríu rít tiếng trẻ nô đùa như ngày nào. Dân ấp Cầu Đen bỗng vui trở lại. Nhiều người cũng theo nhau lên đồi ở san sát bên nhau như thời kháng chiến. Họ hỏi vì sao nhà văn lại về núi ở ẩn. Ông chỉ mỉm cười thân thiện rồi vác chiếc bừa đi xuống ruộng. 

Cả nhà ông đều trở thành nông dân thực sự. Họ cày cấy, gieo mạ, nhổ cỏ, trừ sâu như thời chín năm trước. Nhà văn vừa làm ruộng vừa viết văn. Ông lại cặm cụi như ngày nào ở Hải Phòng viết tiểu thuyết "Bỉ vỏ" và "Bảy Hựu" trên một cái hòm gỗ. Nay là một chiếc chõng tre. Nhà văn Nguyên Hồng cứ ngồi khoanh chân viết miệt mài với chiếc đèn dầu khét lẹt. 

Đó là hình ảnh của một lão nông như một tiên ông từ trên núi xuống. Ngày ngày làm bạn với chiếc chõng tre cùng cây bút viết mực tím và chiếc quạt mo cau. Khi chúng tôi lên ngôi nhà ấy chỉ gặp bà Loan, con dâu thứ hai của nhà văn tiếp đón sau những ngày nhà văn Nguyên Hồng tạ thế (1918-1982). 

Nhắc lại những kỷ niệm xưa, chúng tôi không ngờ bà Loan lại nhớ vanh vách từng chi tiết nhà văn ngồi viết bên hiên nhà. Bà kể ròng rã 16 năm cày ải trên cánh đồng văn chương (1960-1976), nhà văn Nguyên Hồng đã hoàn thành bộ tiểu thuyết dày hàng chục ngàn trang. Đáng kể nhất là "Cửa Biển" (4 tập). Cùng với thời gian này ông còn viết những tác phẩm khác như hồi ký "Một tuổi thơ văn" (1973) và "Những nhân vật ấy đã sống với tôi" (1978). Ấy là chưa kể ông còn cho ra đời bản trường ca "Cửu Long Giang ta ơi" trong thời gian này. Sau đó nhà văn triển khai cho dự án mới. Đó là bộ tiểu thuyết hai tập "Núi rừng Yên Thế" viết về người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám. 

Theo như bà Loan nói, nhà văn Nguyên Hồng không phải ở ẩn như mọi người nghĩ mà vẫn tham gia làm công tác đào tạo nhà văn trẻ (tại Quảng Bá-Hà Nội). Thậm chí ông còn được bầu làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Hải Phòng ngay từ khi mới thành lập cho đến lúc mất (1964-1982). Hồi đó ông vẫn đi lại bằng chiếc xe đạp như con thoi, giữa ấp Cầu Đen khi xuống Hà Nội, hay lúc về Hải Phòng.

Tượng đài cho một di tích

Đến bên cây khế do nhà văn Nguyên Hồng trồng cách đây chừng 70 năm, bà Loan bùi ngùi nhớ lại biết bao ký ức trên ngọn đồi này. Bà nói hai năm trước Hội Nhà văn Việt Nam đã lên đây tổ chức cho lễ nhân 100 năm ngày sinh của nhà văn (1918-2018) xiết bao cảm động. Đồi Cháy lại rạo rực những ký ức của một thời máu lửa chiến tranh. Lời ca cách mạng năm xưa lại dội về âm vang rừng núi Nhã Nam.

Bà Loan còn cho biết mới đây ấp Đồi Cháy đã được lãnh đạo tỉnh Bắc Giang trao cấp chứng nhận Di tích lịch sử "Đồi văn hóa kháng chiến" (2019). Trên đồi vẫn còn đó tượng đài chân dung nhà văn Nguyên Hồng do nhà điêu khắc Anh Vũ dựng tặng. Đó là biểu tượng của chín năm trường kỳ kháng chiến. Nhà văn Nguyên Hồng đã trở lại viết tiếp những tác phẩm văn học, góp phần cho "Di tích văn hóa kháng chiến" trở nên một huyền thoại, trong dòng lịch sử văn học cách mạng của dân tộc ta.

Hình ảnh nhà văn Nguyên Hồng cặm cụi với cây bút trên tay tới hơi thở cuối cùng trong ngày tạ thế đã làm xúc động lòng người. Nhìn cái chõng tre mà lòng lại nhớ thương ông. Chúng tôi không ai không nhớ đến những giọt nước mắt trong tiếng sụt sùi của nhà văn khóc cho nhân vật của mình. Một lão nông chất phác hiền lành. Một tiên ông nhân hậu trên đồi cao luôn nhỏ lệ vì chúng sinh cần lao trên cõi đời này. Đó là nhà văn Nguyên Hồng trên đồi Cháy.

Vương Tâm
.
.