Vườn bí bà May

Thứ Năm, 13/08/2020, 17:38
Bà May nhắm mắt lại và nhớ xem mình đã trồng thứ gì trên mảnh nương trước khi rời đi vào mười năm trước. À, đó là một rẫy bí đỏ. Tháng chín, cuối năm, hoa bí nở vàng rực như khoe mẽ cùng đám lúa nương. Hoa bí đỏ vừa cho quả, vừa là một thứ rau ngọt ngọt, bùi bùi. Ôi, những bông hoa bí rực vàng!...


…còn riêng trái bí
Nhớ giàn đầy hoa…

(T.C.S)

Mấy ngày nay chẳng hiểu sao bà May nhớ quê cũ da diết. Nơi ấy xa lắc và đang mờ dần trong tâm trí bà, hệt như mái nhà, vườn rau bí sau vườn và lũ con cháu cũng đang dần mờ đi trước mắt. Quê cũ bà May đã chìm sâu trong nước hồ thủy điện. Cạnh đó chỉ còn lai một vài mỏm đất nhấp nhô. Ồ, những mỏm đất mỗi sáng bà vẫn ngó lên từ cái nhà cũ. Ngày xưa bà từng trồng đủ thứ rau quả sau vụ gặt lúa rẫy trên những ngọn đồi mấp mô kia.

Bà May nhắm mắt lại và nhớ xem mình đã trồng thứ gì trên mảnh nương trước khi rời đi vào mười năm trước. À, đó là một rẫy bí đỏ. Tháng chín, cuối năm, hoa bí nở vàng rực như khoe mẽ cùng đám lúa nương. Hoa bí đỏ vừa cho quả, vừa là một thứ rau ngọt ngọt, bùi bùi. Ôi, những bông hoa bí rực vàng!... Bà chỉ còn nhớ được vậy. Sắc hoa cứ chập hờn trước ánh mắt đang dần mờ đục của bà lão.

Nắng đã tìm đến khoảng sân trước nhà. Trước mắt bà May, sắc nắng, sắc hoa hòa chan nhảy múa, khiến đầu óc của bà chao đảo.

“Mẹ ngồi xuống đi.” – Khăm, cô con dâu đứng bên cạnh tự bao giờ, nói giọng như ra lệnh - “Kẻo rồi lại ốm ra. Đi viện mùa dịch dã này khổ lắm. Không có xe khách đâu. Anh Lá thì cả tháng nay thất nghiệp không gửi tiền về rồi”.

Bà ngó vẻ cau có của nàng dâu, lặng thinh. Cái gậy dò dẫm từng bước, bà trở về bậu cửa, ngồi lên chiếc ghế mây. Bà biết Khăm cũng tốt tính. Mẹ chồng ốm là cuống lên như bò con lạc mẹ. Thằng Lá, chồng nó, con út bà làm ăn tận trong miền Nam, nửa năm mới về mà chẳng thấy chòm xóm có điều tiếng gì cô con dâu.

Khăm tung nắm thóc cho lũ gà và không nói gì nữa. Trên lưng mẹ, đứa con trai vừa tròn một tuổi vân vi nắm xôi hết cho vào mồm lại bỏ ra khua khoắng như muốn ném đi.

Mười năm trước, bà May cùng chồng và đứa con út về nơi ở mới. Người ta gọi chốn ở mới là khu tái định cư.

“Đi lập bản mới hà? Dời nhà đi hà?”.

Minh họa: Lê Trí Dũng

Bà May hỏi anh cán bộ quần áo màu xanh rêu, mũ cũng xanh rêu, trên mũ có gắn ngôi sao màu vàng, nom như chồng bà hồi xưa đi bộ đội về bản.

“Sao lại phải đi chứ? Ở đây có mất mùa, có bệnh dịch như hồi xưa đâu” .

Anh cán bộ nói vẻ từ tốn:

“Rồi bản mình sẽ chìm trong nước bà ạ, người ta sắp ngăn sông để làm thủy điện”.

“Ôi cha mẹ ơi. Rồi tất cả nhà cửa, mồ mả ông bà sẽ chìm hết sao?” – Ông Bun, chồng bà bỏ dở điếu thuốc vừa cuốn, chưa kịp châm lửa.

“Đó là chủ trương cấp trên” – Anh cán bộ nói vẻ nghiêm nghị. “Cả làng, cả bản đều rời đi. Gia đình ta sẽ không ở một mình đâu mà lo”.

Đúng là cả bản phải dời đi thật. Nhiều bản khác, người ta cũng phải dời đi, mình ở sao được.

Bà May nhớ khi còn nhỏ bằng trái bí xanh, lần đầu nắm lấy váy mẹ dời bản. Hồi đó, bản chỉ cò mươi nóc nhà. Người ta chỉ ở một chỗ được chừng chục mùa rẫy là rời đi. Người ta dời đi để tránh bệnh dịch, mất mùa. Cứ vậy, chỉ sau vài thế hệ, chẳng ai còn nhớ quê hương bản quả của mình ở đâu nữa. Mấy chục mùa rẫy trước, người ta dời đến cạnh sông Nậm Luông lập bản. Rồi mọc lên cái trường học, nhà ủy ban. Người ta làm rẫy, bắt cá, săn thú nuôi miệng. Bản làng dần đông đúc. Những tưởng sẽ có chốn vùi xương khi hồn vía về trời, ai dè lại phải chuyển đi lần nữa.

Chuyến dời bản ấy rồi ai cũng sẽ nhớ mãi. Người ta cho lên thuyền rồi chở đi cả ngôi nhà gỗ lớn. Có người đã được làm cho nhà mới, chỉ cần dọn đến ở. Riêng ông Bun thì nhất quyết phải mang được cái nhà cũ đi. Lao tâm khổ não lắm, đến nỗi đứa con trai lớn cũng đã phải bỏ mạng vì căn nhà, ông lão không muốn bán nó đi.

Ngày chuyển đến làng mới cả bản vừa mừng vừa lo. Mừng vì chốn này rộng rãi hơn quê cũ. Người ta mở hội ăn mừng, hội cúng bản mới. Cuộc linh đình cứ thế kéo dài cả nửa tháng. Trong túi ai cũng sẵn chút ít là tiền đền bù của dự án thủy điện. Người ít kẻ nhiều nhưng với nhiều nhà đây là lúc rủng rỉnh nhất trong đời.

Rồi những cuộc say cũng tiêu biến, người ta trở về với mỗi lo thường nhật. “Về đây không làm rẫy lúa được. Làm ruộng thôi” – Ông Chủ tịch xã nói oang oang trong khi ai nấy đang khật khà bên ché rượu cần. Có người buông vòi hút lắc đầu ngao ngán. Riêng ông Bún vẫn ngồi lặng thinh. Trong đầu ông Bún đang nghĩ đến tương lai của gia đình. Gạo ăn nhà nước cho gia đình lão ăn mãi rồi sẽ cạn veo.

Sáng hôm sau, lão gọi thằng Lá dậy sớm tìm đến dòng suối cạnh thửa đất được chia ngăn dòng, đắp đập dẫn nước vào bãi hoang khẩn ruộng. Hai cha con làm miết cho đến kỳ xong việc thì được chừng dăm đám ruộng. Những mảnh ruộng là thứ duy nhất ông Bun để lại cho vợ con trước khi về trời.

Chồng bà May là người đầu tiên chôn cất ở khu rừng ma mới.

Năm tháng qua, lão Bún nhà bà May đã có thêm những người bạn. Bà May nghĩ: Rồi sẽ đến cái ngày của mình. Thấm thoắt đã mười năm, bà vẫn trụ vững như một cái cây già nua bị bứng đi trồng nơi đất khách.

Thằng Lá điện thoại bảo về thôi, dịch dã không làm ăn chi được. Cô con dâu gắt: “Về thì ăn cái gì?”. Trong cái màn hình nhỏ xíu, nom thằng con trắng mà queo quắt như mảnh sắn phơi nắng. Mắt sâu, trán gồ lên, có lẽ nó cũng nghĩ nhiều lắm rồi mới quyết định về.

Trong bữa cơm tối đầu tiên con trai xa nhà trở về, bà May bắt con gà trống làm lễ gọi vía cho nó. Người đã về, cũng phải gọi hồn vía nó về chứ. Cô con dâu thì chẳng tỏ ra vui hay buồn. Nó ngồi bồng con nhìn chồng làm thịt gà. Bà May đứng cạnh soi đèn, miệng bảo:

“Mai mốt, mi đưa mẹ về thăm lại bản cũ. Ta sợ mắt sắp mờ, đến chết cũng không nhìn thấy gì nữa đâu”.

Cậu con trai không gật đầu, nhưng hôm sau vẫn có một chuyến đi. Lá thuê hẳn một chiếc xe chở mẹ về quê cũ. Đến bến thuyền, bà May cứ ngớ người ra, chẳng thể hình dung được đường về quê cũ bây giờ lại mênh mang nước đến vậy. Dẫu rằng bà vẫn thường hỏi thăm những người bỏ nơi tái định cư trở lại bản xưa sinh sống. Họ bảo ở chỗ mới không quen, về chốn cũ mà nuôi con trâu, con gà, đánh cá ăn thôi. Nghe vậy biết vậy chứ ai ngờ làm bản bây giờ đã thành ra cái hồ nước, chẳng còn nhận ra thứ gì nữa.

Một người bà con đón bà May trên ngọn đồi ngày nào bà vẫn lên trỉa rẫy. Từ ngọn đồi, bà nhìn ra sau lưng nơi thuở trước, vào mỗi ngày, bà vẫn hay ngồi ngó lên. Ở đó giờ chỉ có một hồ nước xám ngắt. Vài cái cây chết héo khẳng khiu như đang cố nhoi lên, chối từ  số mệnh.

Vậy là không nhìn được cây dừa trước nhà rồi. Mộ thằng Cả. Trời ơi! Mộ nó cũng chìm dưới nước kia rồi. Dẫu đã nghe người ta nói lại, bà cũng đã mua theo nắm hương để thắp vọng cho thằng Cả đây rồi nhưng vẫn không muốn tin cho đến khi trước mắt bà là mênh mông nước.

“Để con giúp mẹ châm hương cho anh cả” – Lá nói.

Cầm nắm hương trên tay, bà May chẳng biết khấn gì. Nước mắt chảy theo những nếp nhăn xuống gò má, xuống cằm. “Cả ơi, ngày trước mẹ sinh con ở rẫy bí, ở rừng, rồi gỗ rừng lại đè chết con… Hồn vía con nơi nao phù hộ cho mẹ, cho em được khỏe!...”.

Lá cũng chỉ lặng thinh. Ngày Cả mất, nó còn nhỏ, không nhớ rõ mặt anh và nỗi đau cũng phần nào đó mờ nhạt.

Bà trở lại căn chòi của người bà con trên rẫy. Anh ta cũng có một cái nhà ở bản mới, nhưng đã bỏ hoang, dắt díu vợ con về lại quê cũ sinh nhai. Ngoài vườn, đám dây bí đỏ đang bò lan trên mặt đất, vài cái hoa đã nở.

Nơi này ngày trước ta cũng trồng bí mà. Ta đã sinh thằng Cả ở đất này mà. Bà May nói chẳng biết để cho ai nghe.

Đã cuối chiều, Lá giục mẹ:

“Về thôi. Ở đây không có nhà mình nữa đâu mẹ”.

Lúc này, bà May mới đưa trong túi một gói hạt nhỏ trao cho chủ nhà:

“Ta tính về đây ở để trồng vài gốc bí. Nhưng không được nữa rồi. Mắt đã mờ, mà đất này không như xưa nữa. Ta cho mi cái gói hạt để mà trồng thay ta nhé”.

Những cái hạt này mình đã giữ suốt mười năm rồi, chẳng biết có còn lên cây, bà lão nghĩ, có lẽ mình đã lẩn thẩn quá.

Bản Tảu, 9/5/2020

Truyện ngắn của Hữu Vi
.
.