Trinh

Thứ Năm, 22/10/2020, 11:10
Đôi mắt Trinh long lanh. Giọng nói Trinh ấm áp. Đôi vai tròn lẳn. Bộ ngực nây nẩy. Cặp mông tròn vo… Trinh là cô gái có những đường cong tuyệt mỹ. Nhưng trên tất cả có lẽ phải kể đến nước da của Trinh. Mặc dù là thôn nữ chân lấm tay bùn nhưng trời phú cho Trinh có nước da trắng hồng từ mặt, từ cổ, từ vai, từ ngực đến bắp chân tròn…


Gió nồm nam mát rượi. Năm gian nhà gỗ của bà cụ Nhữ rải đầy ánh trăng. Hôm nay cụ Nhữ đi ăn giỗ bên ngoại không về. Chỉ có Trinh là cháu ở nhà. Chồng cụ là anh ruột ông ngoại Trinh. Cụ ông mất đã lâu. Hai cụ chỉ có một con trai độc nhất, đó là bác Nhự. 

Bác Nhự đi B từ năm 1959, bảy năm nay không có tin tức gì.  Cho nên bố con Trinh phải ngày đêm sớm tối trông nom cụ. Được cái, ngoại bát tuần nhưng cụ vẫn còn khỏe. Trinh thường xuyên ở bên cụ, vì thế năm gian nhà cũng đỡ trống vắng.

Đã hai mươi sáu cái mùa bánh chưng đi qua trong đời nhưng Trinh chưa hề có một “mảnh tình vắt vai” nào. Không hiểu sao ông trời lại bất công làm vậy? Nhà chín chị em, trừ hai ông anh và một cậu em Trinh đi chiến trường, còn lại năm chị em của Trinh đều đã đề huề gia thất. Chỉ có Trinh là ế. 

Nào Trinh có xấu xí lắm đâu! Trinh chỉ bị một khiếm khuyết nhỏ ngay từ lúc mới sinh ra. Đó là môi bên trái hơi bị sứt. Giá cái ngày ấy như bây giờ thì có lẽ khiếm khuyết ấy sửa chữa được. Trừ có mỗi khiếm khuyết ấy, còn lại có thể nói Trinh là một cô gái hoàn hảo. 

Đôi mắt Trinh long lanh. Giọng nói Trinh ấm áp. Đôi vai tròn lẳn. Bộ ngực nây nẩy. Cặp mông tròn vo… Trinh là cô gái có những đường cong tuyệt mỹ. Nhưng trên tất cả có lẽ phải kể đến nước da của Trinh. Mặc dù là thôn nữ chân lấm tay bùn nhưng trời phú cho Trinh có nước da trắng hồng từ mặt, từ cổ, từ vai, từ ngực đến bắp chân tròn…

Có phải tất cả đàn ông ở cái làng này đều mù cả rồi sao? Không có một thằng đàn ông nào nhìn thấy? Bao nhiêu năm trời, kể từ hồi giặc Mỹ gây ra chiến tranh phá hoại, Trinh chưa cảm nhận được một ánh nhìn thèm thuồng, khát khao của kẻ khác giới. Ngày tháng cứ qua đi. Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông cứ qua đi. Bộ ngực nây nẩy, cặp mông tròn, những đường cong tuyệt mỹ trên người Trinh đã chín mõm mòm, sắp rụng. Vẫn không có một người khác giới nào đến thăm nom hái lượm cả.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Không! Không phải là đàn ông trong cái làng này mù cả đâu! Bao nhiêu trai tráng trong làng đều ra trận cả. Ở nhà chỉ còn có mấy ông cán bộ chủ chốt xã, một vài người không đủ sức khỏe ra trận, và những chàng choai choai mới lớn. Những ông cán bộ chủ chốt, vài người yếu sức khỏe ấy đều đã có gia đình. Còn loại choai choai thì vẫn còn là choai choai… Ai nấy đều sống rất chuẩn mực.

Vì thế cái đẹp phây phây phơi phới của Trinh vẫn được bọc trong giấy bóng kính ở phạm vi quê nhà.

Không! Trinh không muốn thế. Trinh căm ghét những con người đạo đức kia. Trinh căm ghét cả những con người đã lập nên đạo đức. Có vợ rồi là không được có cái nhìn thèm khát, không được bày tỏ tình cảm và thể hiện ham muốn của mình đối với người phụ nữ khác ngoài vợ. Tại sao lại khắt khe làm vậy? Tại sao lại vô lý làm vậy?

Nhưng… Trinh đã lầm. Có một người từ lâu đã thèm khát cái nây nẩy, cái lung linh, phơi phới của Trinh. Người ấy chỉ dám nhìn trộm, chỉ dám nhìn từ đằng xa lại. Người ấy ở gần nhà bà ngoại Trinh. Và đêm nay đây, người ấy đang dõi theo Trinh từng bước, rất gần…

Đêm nay, bà ngoại đi vắng. Trinh ngủ một mình trên cái giường bình khung kê cạnh cửa sổ nhễ nhại ánh trăng vàng.

Nằm nghĩ miên man một lúc, Trinh ngủ lúc nào không biết. Trinh không phải là người hay nghĩ. Đầu óc Trinh không quen suy nghĩ nhiều…

Trinh mơ màng như có bàn tay đàn ông đang mơn man đôi trái cấm của mình. Rồi đôi bàn tay ấy mơn man đến bụng, đến… Trái tim Trinh đập liên hồi loạn nhịp. Người Trinh mềm nhũn ra, nóng hôi hổi. Một cảm giác đê mê sung sướng chưa từng có trong đời đang xảy ra đối với Trinh…

Rồi một thân hình đàn ông chắc nịch đè lên người Trinh. Trời đất như xoay tít mù. Sấm chớp ùng oàng. Mưa rơi sầm sập…

Trinh chợt bừng tỉnh thì bóng người đàn ông kia đã biến mất trong đêm tối.Trinh hốt hoảng ngồi dậy. Trên người Trinh không có quần áo. Thế là Trinh đã trao cái quý giá nhất của đời người con gái cho cái bóng đen bí ẩn kia…

Từ cái đêm hôm ấy, cơ thể Trinh thay đổi từng ngày. Trinh cố giấu nhưng bụng Trinh cứ mỗi ngày một to lên. Trinh sợ hãi, mấy lần ra bờ sông Trà. Trinh đã đứng hàng giờ trong đêm hôm khuya khoắt trước dòng sông thân yêu ấy. Có lần Trinh đã lội ra chỗ nước sâu. Nước đã chìm đến ngực, đến cổ, đến tai, đến mắt Trinh… Nhưng rồi như có tiếng gọi mơ hồ từ một nơi xa xôi nào… tha thiết… Trinh lại quyết định lên bờ.

Lên bờ và về nhà. Trinh lại phải nghĩ. Thật, Trinh không còn mặt mũi nào mà nhìn mọi người. Trinh đã bôi gio trát trấu vào mặt bố mẹ mình. Không biết các cụ sẽ đau khổ đến đâu? Và bạn bè nữa, và dân làng nữa… Trinh là một đứa con gái hư hỏng, không chồng mà chửa. Và rồi, con Trinh ra đời sẽ là một đứa con hoang…

Trinh lại ra bờ sông Trà lần nữa. Đây, con sông Trà, con sông bao đời chở phù sa bồi đắp  cho xóm làng đồng ruộng quê Trinh. Dứt khoát Trinh sẽ từ giã cõi trần. Trinh sẽ gửi cả thân xác và tâm hồn mình cho dòng nước bạc… Ngôi sao Bắc Đẩu đã dời sang đông. Trinh dứt khoát quyết định vĩnh biệt cõi đời này. Trinh nhảy ào xuống dòng nước…

Bỗng có tiếng gọi tha thiết vang vọng trên mặt sông. Tiếng gọi da diết, thất thanh có sức hút kỳ lạ làm Trinh bừng tỉnh… Không! Trinh không thể chết! Trinh phải sống. Phải sống không phải vì mình. Phải sống vì đứa con của Trinh! Dù miệng lưỡi thế gian có thế nào thì Trinh cũng nhất quyết nuôi con khôn lớn nên người !

*

Mười ba năm sau. Một buổi chiếu mùa đông giá buốt. Có một người đàn ông mặc bộ quân phục màu xanh, vai đeo ba lô con cóc tới trước cổng nhà Trinh. Lúc ấy, Trinh đang ngồi sàng gạo. Còn thằng Hùng, con trai Trinh – đang ngồi làm bài tập ở nhà.

Người đàn ông từ từ tiến vào sân rồi lên hè. Người ấy đứng trân trân tại đó nhìn vào nhà, nhìn hai mẹ con Trinh.

Khó đoán được tuổi của người đàn ông ấy. Khuôn mặt anh ta sần sùi vì sẹo của những vết thương và vết bỏng trong chiến tranh. Chỉ còn có đôi mắt. Đôi mắt của người ấy vẫn rất sáng và lanh lợi.

Người đàn ông ấy bước vào nhà, đặt ba lô xuống nền nhà, bỏ mũ ra rồi nói:

- Trinh! Trinh không nhận ra tôi à?

- …….

- Tôi đây! Tôi về nhận lỗi với Trinh đây…

Thưa các bạn! Bây giờ thì tôi không còn giấu được mọi người nữa. Người thương binh đeo ba lô con cóc ấy chính là tôi. Chuyện tình một đêm trăng ngà của Trinh chính là tôi, người đàn ông đã để ý đến Trinh, thầm yêu trộm nhớ thầm Trinh và đã liều ăn trái cấm của Trinh trong đêm trăng ngà ấy.

Sau cái đêm trăng ngà ngọt lừ với người mình thầm yêu trộm nhớ, tôi lên đường nhập ngũ. Suốt mười ba năm trời chiến đấu khắp chiến trường miền Nam từ Khe Sanh, Dốc Miếu, Cồn Tiên, đến Đồng Xoài, Củ Chi, Rừng Sác… tôi chôn chặt bí mật ấy trong lòng. Tuyệt nhiên không có người nào biết. Kể cả Trinh, người đã bị tôi ăn vụng trái cấm.

Thật ra, tôi và Trinh cùng xóm. Tôi kém Trinh hai tuổi. Tôi yêu Trinh mà Trinh không hề biết. Hòa bình, sau khi an dưỡng hai tháng ở khu Bốn, tôi được trở về quê hương. Được biết bố mẹ tôi không còn, có mỗi một thằng em thì nó cũng còn đang tại ngũ và lấy vợ Hải Phòng. Ngôi nhà bố mẹ tôi đóng kín đầy dấu rêu phong. Tôi đeo ba lô về nhà mở cửa ngồi thẫn thờ một lúc rồi sang ngay nhà Trinh. Không một người nào nhận ra tôi cả vì tôi bị thương, mặt mũi đổi khác đi nhiều lắm.

Lúc này, Trinh cũng không thể nào nhận được ra tôi. Tôi phải nói tên ra với Trinh rằng tôi tên Bình, họ Vũ. Mãi một lúc lâu Trinh mới nhận ra tôi nhờ giọng nói. Tôi nói cái đêm hôm ấy trăng ngà…. Rồi mưa rào sấm chớp. Rồi tôi đã chiếm đoạt cơ thể Trinh, rồi Trinh cũng dâng hiến cơ thể cho tôi. Nhưng kết thúc cuộc yêu, tôi đã xấu hổ và sợ hãi, tôi chạy biến vào bóng đêm. Hôm sau tôi lên đường nhập ngũ để trốn Trinh…

Trinh đang bưng thúng gạo. Cả thúng gạo tuột tay Trinh đổ hết xuống nền nhà. Tôi lại đỡ Trinh dậy. Thế rồi Trinh ôm lấy tôi khóc nức nở. Cả hai chúng tôi cùng khóc, nước mắt đắng cay, yêu thương hòa làm một.

Thằng Hùng ngồi học không biết mô tê răng rứa thế nào cả.

Một lúc sau, Trinh rời tôi ra bảo với thằng Hùng:

-           Đây là bố Bình của con. Con lại với bố đi…

Sau ba ngày, thằng Bình mới chính thức gọi tôi là bố.

*

Hòa bình đã ngót bốn mươi năm. Tôi và Trinh vẫn không có thêm đứa con nào. Tôi bị thương và bị chất độc da cam không còn khả năng làm bố.

May mà có cái đêm hôm ấy trăng ngà. Chúng tôi có thằng Hùng, và có dân làng bà con chòm xóm. Thằng Hùng giờ làm Phó chủ tịch huyện. Vợ chồng con cái nó ở trên thị trấn. Chủ nhật nào chúng nó cũng về thăm hai vợ chồng già chúng tôi. Tôi vẫn nắm bàn tay của Trinh và thì thầm với bà ấy rằng: “Cảm ơn bà đã đẻ thằng Hùng cho tôi, cảm ơn bà đã không gieo mình xuống sông trong tủi khổ mà vượt qua nỗi đau để sống. Cảm ơn bà đã làm bến đợi ấm áp cho tôi, một người lính dành trọn cả tuổi xuân nơi chiến trường còn có nơi chốn để quay về.

Truyện ngắn của Phạm Minh Giang
.
.