Trên đồi Tái Sinh

Thứ Tư, 05/05/2021, 11:54
Thụy tin mọi cuộc gặp gỡ trong cuộc đời đều có nhân duyên. Cái gương mặt lần đầu mình gặp đã ngờ ngợ đâu đó trong tâm trí. Cái hôm đầu tiên mình lên lăng chẳng phải là do chập chờn mê tỉnh. Thụy tin cuộc đời khảo cứu luôn có những điều chẳng thể lý giải. Thụy tin như người ta vẫn tin những câu chuyện xưa xa ông bà kể lại bằng hai chữ truyền thuyết.


1. Thụy đến, mùa mai anh đào hồng ngọt cả thung sâu. Ven những triền đồi thoai thoải dốc, tháng ba dường như vẫn níu chân mùa xuân ở lại nơi này. Trên chiếc vespa cũ kĩ, cậu nhóc hướng dẫn cứ liến thoắng theo từng cú bẻ cua khúc khuỷu. "Chị đến cao nguyên này đúng mùa đẹp nhất đấy". 

Vừa qua Tết, lại vướng dịch, khách du lịch chẳng còn lên nhiều. Đường phố thông thoáng hơn, không khí trong lành hơn. Mà nói thiệt nhen, chỉ dân bản xứ mới biết, đúng ra bây giờ, tiết trời mới bắt đầu xuân. Ở miền đất lạnh này, xuân luôn trễ hơn mọi nơi của nước mình. Ơ hay, chị không tin à! Chẳng qua người ta bón phân, kích bông cho dân du lịch lên đây rộn ràng sắc màu hoa lá chứ thật ra tầm này, mấy loài hoa của mùa xuân mới bắt đầu khoe sắc. Rảnh rỗi em chở chị đi xem. Có khi mê mẩn cái thung sâu này, rồi chẳng thèm về xuôi cho mà coi.

Thằng nhóc chừng hai bốn hai lăm, đèo bà chị ba chục tuổi đời, vừa từ Sài Gòn lên cái thành phố buồn này cho chuyến công tác dài ngày. Chiều nhuộm vàng lên từng khúc cua. Thụy áng chừng, đâu đó cũng tầm hai tháng trời mới xong cái công trình nghiên cứu để về lại viện. Thì thôi, coi như có thằng nhóc hướng dẫn bầu bạn cũng vui. Ít ra là ở cái khoảng, Thụy vốn dĩ kiệm lời, thằng nhỏ thì liên tu bất tận từ sân bay về đến giờ. Thụy chẳng thể cầm lái trên những cung đường mà mỗi cái ngoặt cua như gấp khúc của khuỷu tay. Thằng nhỏ thể như tay đua lụa là, mỗi cú bo cua là mỗi lần tóc Thụy bay phấp phới theo gió.

Thằng nhỏ thắng cái két, xuống xe, nhìn Thụy, ánh mắt thẫm đen, nụ cười chúm chím, mái tóc suôn mượt phảng phất mùi hổ phách. Bất giác cậu nhóc ngập ngừng rồi đăm chiêu. "Ơ hay em gặp chị đâu đó rồi thì phải". Từ trên đỉnh đồi Phượng Tím, nhìn xuống thành phố mờ sương, dãy đèn lấp lánh như những ánh sao. Những triền dốc như những khuông nhạc uốn lượn thăng giáng đầy mê hoặc dẫn dụ lòng người. Thành phố tĩnh mịch, buồn đến nao lòng. Chiều dần buông. Đến tận đêm đầu tiên khi nhắm nghiền mắt ngủ. Thụy vẫn cứ lục trong trí nhớ. Sao cái gương mặt thằng nhỏ này, nhìn quen quá thể.

2. Thụy tốt nghiệp rồi được giữ lại trường trợ giảng, dần dà học chuyên tu hẳn khảo cứu về lịch sử văn hóa dân tộc, đeo miết cũng lấy bằng Tiến sĩ khi chưa đến ba mươi tuổi. Trường đại học được chỉ thị phải biệt phái vài gương mặt trẻ sang Viện Khảo Cứu để bắt đầu các dự án lớn. 

Hôm nhận được lệnh điều động, Thụy hơi ngỡ ngàng, nhưng rồi Giáo sư Trưởng khoa vỗ về, "chỉ đi vài dự án xong rồi về. Cũng nhiều người có thể đi, nhưng thầy chọn con. Chẳng vì lý do gì cả. Chỉ một thứ đơn giản, là duyên. Người trẻ cần va chạm thực tế, cần năng động hơn, sau này về giảng dạy, mới có cái thực tiễn mà nói sinh viên nghe. Dạy về văn hóa lịch sử mà khô như ngói nung thì chán lắm". 

Thụy đâu muốn mai mốt từ bục giảng nhìn xuống, đám sinh viên ngủ gà ngủ gật. Thời đại này, cái ngành lịch sử văn hóa chẳng thu hút sinh viên là mấy, nên phải thay đổi. Thầy mong lớp trẻ tụi con làm các bài giảng phải sinh động hơn. "Đi rồi về nghen con. Đi cũng là học. Có những bài học mà con chỉ nhặt nhạnh và tìm thấy trong cuộc đời. Đôi khi nó mới là mớ kiến thức quí giá nhất mà cả đời người mấy ai ngộ được". Bóng thầy khuất dần cái hành lang.

Thụy chỉ có vỏn vẹn đúng ba ngày để bàn giao công việc của trường rồi sang Viện. Thời gian đầu lớ ngớ và lóng ngóng đến phát tội với cách tiếp cận dự án, rồi học cách triển khai, tìm đầu mối liên lạc và lên lịch trình tiến độ báo cáo Viện. Cứ vậy mà cắm cúi. Nhiều khi rời khỏi Viện khi chiều nhá nhem về tối, Sài Gòn giăng đèn xanh đỏ. 

Má nói: "Chọn chi cái nghề, đã vất vả mà đồng lương chẳng thấm thía vào công sức. Nhiều hôm mò về tới nhà cơm canh đã lạnh tanh. Như chị hai bây đó, học cái gì mà giờ ra làm cho tụi nước ngoài, lương cả mấy chục triệu hằng tháng. Hay như anh ba mầy đó, làm cái gì sàn chứng khoán, nghe điện thoại nói tới nói lui, thể nào cũng đẻ ra tiền. Mội mình mầy, học rồi dạy, giờ lại chuyển sang rong ruổi khắp nơi. Con gái có thì nghen con, lỡ cái xuân xanh là chẳng ai thèm dòm ngó".

Minh họa: Đỗ Dũng

Thụy nghe riết cũng quen, nghe riết đâm ra thuộc lòng. Nhưng Thụy vẫn cứ đeo đẳng theo cái đam mê tìm hiểu và khám phá lịch sử văn hóa, mặc má cằn nhằn cữ nhữ. Có bận má vác đâu về anh bác sĩ, má khen lấy khen để biểu tìm hiểu. Thụy cũng gật gù cho má mừng. Chừng ra tới quán nước, dăm ba câu chuyện, Thụy thấy mình chẳng thể là người phụ nữ của chồng con, của gia đình. Ngày ngày cơm nước chờ chồng đi làm về. Hàng tháng tiền phát gạo đong để chợ búa chi tiêu. Chồng bảo phải vâng, chồng kêu phải dạ. 

Anh bác sĩ cứ vậy mà liến thoắng cái kiểu cách gia trưởng. Thụy phát sợ, co cụm luôn cái suy nghĩ sẽ gắng lấy chồng cho má an lòng. Cuối buổi ra về, anh bác sĩ bảo: "Thôi cho nhau ba ngày để suy nghĩ đi em, con gái cũng tới tuổi rồi. Anh thấy bác nhà cũng lo". Thụy chỉ cười nhẹ, rồi khẽ lắc đầu. "Mình không hợp đâu anh. Em trả lời vậy để đỡ tốn thời gian cả hai". Anh bác sĩ quay đầu xe, mùi nước hoa còn vương trong gió.

Thụy cứ vậy mà thả bộ dọc con đường sầm uất. Phố thênh thang, gió lồng lộng, sao chi chít trên nền trời đen thẫm. Lòng Thụy nhẹ hẫng và thong dong. Thụy biết mình cần một người như thế nào. Chí ít, phải thương cái nghề của Thụy, hay chăng cũng đừng lấy bức tường gia đình mà giam cầm cuộc đời Thụy lại. 

Thời này rồi, cứ đâu phải đàn ông mới được tung tẩy bên ngoài lo chuyện tiền nong, đàn bà phải vùi mình vào trong xó bếp để lo chuyện cơm bưng nước hầu. Thụy sợ cái cảm giác đôi khi mình trở nên thừa thãi ngay trong chính cái gia đình bé nhỏ của mình. 

Quanh Thụy, cưới rồi ly dị, cũng chỉ toàn những chuyện tủn mủn vụn vặt thế thôi. Có nhiều thứ nhỏ như đầu kim, nhưng cứ châm chích mãi lòng mình. Đến một lúc nào đó, chích ngay cái huyệt tử, là chết trong lòng một nỗi riêng mang, dần dà nó lan ra cả tâm hồn, rồi thì cứ vậy mà chực chờ nổ tung. 

Thụy không còn trẻ, thì lại càng phải lựa chọn cho mình thứ tình càm chững chạc và điềm nhiên nhất. Huống chi, phía trước còn là những chuyến đi miệt mài dăm ba tháng trời. Liệu có ai sẵn lòng mà đợi mình không? Chắc là không đâu. Tình yêu vốn dĩ ích kỉ lắm mà. Đêm dài hun hút vào tận ngõ sâu khi Thụy rảo bước về nhà. Đêm vẫn mông mênh tiếng gió.

3. Sớm trời Đà Lạt hươm vàng nắng mật, cậu nhóc chở Thụy từ đồi Phượng Tím xuôi dốc về lại Vạn Thành, cách ngã ba Cam Ly tầm trăm mét rồi đậu xe ngay cổng. Cả hai bắt đầu bước những bước đầu tiên lên Lăng. "Những một trăm năm mươi tám bậc lận đấy. Nhưng mà, chị yên tâm, khung cảnh hữu tình nơi đây sẽ làm chị thích thú chẳng hụt hơi đâu". Cứ thế cả hai nhẩn nha bước. Bậc thềm phủ đầy rêu xanh theo thời gian. Lăng nằm trên một ngọn đồi phía Tây Nam thành phố, bao quanh là những rặng thông già cao lớn bệ vệ. Mỗi bước chân Thụy đi, nghe như có tiếng theo reo vương vấn quanh mình.

"Lăng còn hoang sơ, ít người biết, mãi sau này, khi có vài người đi phượt tìm lên, mới bắt đầu được chú ý. Ban đầu cũng chẳng ai quan tâm bởi đâu biết đây là lăng gì, chỉ là phong cảnh hữu tình, thu hút nhiều người tìm đến chụp hình. Nhưng mãi hơn năm trước, người ta mới phát hiện, nếu đi sâu vào lăng tuốt trên đỉnh đồi, mới thấy đây quả là công trình cần khám phá. Nhưng lạ kì là chẳng ai canh giữ một di tích đang dần hoang phế. Tỉnh mới mời Viện về khảo cứu và có dự án tôn tạo đấy. Cơ mà mấy lần em lên đây, lại chẳng sợ như thiên hạ đồn đoán chị à! Thậm chí em ở lại ngủ đêm luôn ấy. Vẫn cứ thấy bình yên lạ lắm. 

Mấy lúc buồn buồn, em lại một mình lên đây. Cả cơ quan bảo em điên. Có người còn nói em bị ám. Người ta thêu dệt em bị trúng tà. Mấy đời vô công rỗi thời cứ dăm ba ngày lại lên thay hoa, năm bảy bữa thì bánh trái cúng. Đến nỗi mấy chị trong cơ quan bảo hay là mầy xin làm bảo vệ lăng đi, biết đâu lại thêm đầu lương. Chứ cả cái xứ này, chẳng ai gan cùng trời như mầy. Bữa ông sếp hỏi ai chịu trách nhiệm hướng dẫn chuyên gia từ Viện lên, chẳng kịp hết câu, chục cánh tay chỉ về phía em. Mắc cười lắm chị".

Cậu nhóc cứ thế mà liến thoắng. Thụy từng bước một đi lên bậc thang. Gió vẫn thổi. Nắng bắt đầu lên cao. Nhưng cái lạnh của đỉnh đồi thì càng ngày càng se lại. Cả hai đến cổng chính của lăng, Thụy ngồi xuống thở dốc. Bốn trụ lăng được chạm trổ hình bông sen tinh xảo từng đường nét. Thụy đưa tay mân mê. Quả là một kì công. Phía đầu cổng là hai bức tượng ngao sư oai vệ hùng dũng. Phía trên là một sân tế rộng bát ngát. 

Thụy bắt đầu co người lại. Nơi này gió quá nhiều, từng đợt gió cuốn lấy người Thụy. Thụy cảm giác mình bắt đầu khó thở. Tim như bóp nghẹn lại. Đồi chẳng cao, sao mình lại có cảm giác choáng. Thụy ngó lên trời, hình như các ngọn thông xoay vòng đều đều. Thông hát gì? Đâu đó vọng vang lời réo rắt. 

Bất giác Thụy nghe giọng trầm ấm của cậu nhóc, chính là cậu nhóc ấy đỡ lấy Thụy, ân cần hỏi Thụy về rồi sao? Thụy thấy mình được cậu nhóc có gương mặt chữ điền, da ngâm, nụ cười hẫng nhẹ ấy dìu mình từng bước qua sân tế. Giữa những chập choạng, ai thắp đèn lăng sao lộng lẫy đến thế? Vẫn là gió hát, vẫn là những áng mây quẩn quanh bao lấy Thụy. "Nhóc ơi, Thụy muốn về". Thụy thều thào khi cảm nhận mình được đặt nằm trên một cái giường son đỏ, thiếp vàng. Thụy nhắm nghiền mắt. Trời đứng con nắng trưa, đúng ngọ rồi.

4. Cậu nhóc học du lịch, một dạo lang thang ở Sài Gòn kiếm sống bằng nghề hướng dẫn cho khách Tây. Một lần dẫn đoàn lên Đà Lạt đi tìm những vạt dã quì đẹp nhất để khách chụp hình. Chẳng biết xui khiến sao cậu nhóc lại men theo con đường đất cheo leo phía sau vạt dã quỳ rậm rạp mà khám phá ra đỉnh đồi này. 

Trở về Sài Gòn, cậu nhóc cứ bần thần mãi về hai ngôi mộ sâu trong chính lăng, cậu quay lại miền cao nguyên này, gõ cửa phòng du lịch Tỉnh, xin việc, cũng là cái cớ để tìm hiểu thêm về lăng. Mơ hồ có điều gì đó mà cậu cần phải khám phá giữa phế tích bỏ hoang này. 

Tứ trụ hoành thiên, không chỉ là những cây cột bình thường như thiên hạ nói. Tả hữu thiên khuyển chứ nào phải ngao gì đâu. Còn bên trong, là ai, hai ngôi mộ này là một dấu hỏi lớn. Chẳng có người thường nào mà ngự trên đỉnh núi bốn bề thấy hết cái thành phố ngàn hoa này. Chẳng có dân nào mà được dựng bia văn tế ngay cái khoảng sân mà hễ mỗi lần cậu nhóc đứng đó, là thấy gió lành thổi ngang qua, cực kì ấm áp chẳng một chút lạnh. 

Cậu nhóc đem hết những gì mình tìm hiểu cho Giám đốc sở nghe. Rồi chừng tháng sau, cậu nhận được lệnh sẽ tiếp một cán bộ từ viện miền Nam lên để khảo cứu lập đề án. Cậu nhớ chiều đó cậu một mình lang thang lên đồi. Thắp nhang cho hai ngôi mộ. Cậu ngồi ngay cửa chính và nhìn trời nghe gió. Cậu thấy giữa ánh chiều buông tím xuống thành phố, là những bóng mây vàng thoắt ẩn thoắt hiện như đuôi rồng đang vẫy vùng trên trời cao tít tắp.

Có một điều, cậu chẳng kể cho ai nghe, vào cái chiều mưa đổ ập bất chợt đó. Cậu chạy vội xuống giữa sân tế thì bị trượt ngã. Đau điếng kinh hồn. Hình như chân cậu bị trật khớp. Phía chân trái ngay mắt cá sưng tấy bầm đen. Sóng điện thoại mất, mạng 4G cũng không còn tín hiệu. Cậu chẳng thể đi đâu, chỉ lê lết lại gần cửa chính rồi ngồi thở dốc. Cậu quyết định chẳng xuống núi mà một mình ngủ lại. 

Cơn mưa trút tận tối mịt mờ. Cậu ngã người nằm vùi. Chẳng một cơn lạnh. Trong lăng ấm vô cùng. Đêm càng về khuya, lại càng ấm. Cấu khấn vội xin phép cho mình tá túc đêm nay. Cơn mưa vẫn giăng ì đùng sấm chớp. Cậu đi vào giấc ngủ mệt mỏi đói rã rời. 

Cậu thấy mình lướt qua những cánh thông già, cùng hai người bạn xuống đồi. Một đoàn người đang leo lên đỉnh đồi để truy tìm kho báu. Ngay dưới tấm bia khắc văn tế. Cả ba nhìn nhau rồi những vết chém từ thanh kiếm đeo bên cạnh vung lên, hàng loạt cây thông ngã xuống, đám người lên đồi bỏ chạy tán loạn. 

Trong giấc mơ ấy, hai người bạn gọi cậu là Quận công. Cậu oai phong lẫm liệt. Cậu cười, cười vang rền cả núi rừng. Cậu cười, tiếng cười mạnh đến mức phát ra luồng sáng lớn bao quanh cả vùng rộng lớn, ôm trọn cái thành phố mộng mơ này vào một vòng tròn lấp lánh bạc.

Giấc mơ chấp chới. Giấc mơ làm đầu cậu nặng trịch. Giấc mơ thấp thoáng phía trong lăng là một ánh mắt thẫm đen, một nụ cười chúm chím, một mái tóc dài suôn mượt… Cậu thấy mình đã đến dìu người con gái ấy, đi qua sân tế, đứng từ trên đỉnh, nhìn những vầng quang xanh lấp lánh đang từ trên thinh không rọi chiếu thẳng xuống chỗ tấm bia tế. Bất giác, các vầng quang xanh chiếu thẳng xuống người cậu. Cậu chới với bị nhấc bổng lên, bay bềnh bồng…

Cậu tỉnh giấc, ú ớ, nhịp tim thúc dồn dập. Bốn giờ sáng, trời còn tĩnh mịch giữa âm u rừng thông già. Cậu nghe mùi hương trầm thoang thoảng đâu đây.

5. Từ sân tế Thụy đi lên sân chầu, cẩn thận đếm từng bậc. Mười ba bậc lên và xuống bằng một lối khác cũng với mười ba bậc. "Thật ra đây chính là thuật Sinh, Trụ, Hoại, Diệt, trong tính toán của người xưa để làm lăng. Mỗi bậc tương ứng với một chữ. Làm sao cho bậc cuối phải vào chữ Sinh". Cậu nhóc gật gù, theo từng lời Thụy nói.

Hai ngôi mộ đặt song song được tạc bằng đá xanh nguyên khối với nhiều hoa văn công phu. Tòa lăng chính được xây dựng theo lối kiến trúc phảng phất dấu ấn cung đình Huế. Để vào chính lăng phải tiếp tục qua hai mươi bậc nữa, đây cũng là lối lên xuống duy nhất. "Và đây cũng là tính toán theo vòng luân xa cõi người, thiên, địa, nhân để tính làm sao bậc cuối vào lăng là chữ địa. Tương đương mình về với đất". Cậu nhóc lại gật gù. Gió thổi tung làn tóc Thụy.

Lần thứ tám đến đây. Cứ mỗi một lần lên xuống. Cuốn sổ tay của Thụy thêm dày lên. Thụy đã quen dần việc lên xuống lăng sau lần đột ngột xỉu đó. Biết điều tiết hơi thở khi leo đồi. Biết trình tự đi qua phần sân tế. Sân tế hình vuông theo cung Vượng khí của Lỗ Ban. Mỗi cạnh gạch là chín phân. "Hết phần sân tế, muốn vào sân chầu thì phải dừng lại một nhịp nghỉ, đặt chân phải đi trước, đầu phải cúi xuống không được nhìn thẳng. Có thể lần đầu đó, Thụy phạm húy". Thụy nói với cậu nhóc, khi cả hai ngồi bệt xuống bậc thềm cuối cùng trên đường xuống đồi.

Từ những tàn tích điêu khắc, từ những văn tự trên bia, và những chứng cứ lịch sử cô truy ra vết, cô gởi bản báo cáo sơ bộ về Viện. Cô xác định đây có thể là lăng của Long Mỹ Quận Công và vợ. Những ngày cuối đời, vợ chồng ông Quận Công chỉ sống ở Đà Lạt mà rất ít khi trở về quê hương Gò Công. Khi bắt đầu lâm bệnh nặng và biết sẽ khó qua khỏi, ông có nguyện vọng sau khi qua đời sẽ được chôn cất tại Đà Lạt. Khu lăng mộ được xây dựng liên tục trong vòng 4 năm. Đây là một công trình kiến trúc công phu và uy nghi, tráng lệ được khởi công xây dựng làm nơi yên nghỉ.

Đó là những gì Thụy có thể lược qua cho cậu nhóc biết. Thụy sẽ hoàn tất bản báo cáo này gởi tỉnh và quay về Viện trong nay mai. Chiều buông dần bảng lảng. Cậu nhóc đèo Thụy ôm gọn những khúc cua. Thụy đã quen dần với cái eo rắn chắc phía trước. Cũng quen dần với cái lạnh the thắt xứ này. Càng thích thú với món bắp nướng hay ly sữa đậu nành nóng mỗi tối lang thang bờ hồ. Cậu nhóc cho xe chạy chậm. Rất chậm. "Chiều nay thông hát buồn quá chị. Mai mốt em chở ai vòng vèo cái thành phố mờ sương này đây". Trong gió tiếng cậu nhóc trầm ấm, êm dịu như…như lần đầu tiên Thụy lên lăng. Cái lần trong cơn chấp chới tỉnh mơ ấy… Thụy bất giác mơ hồ…

6. Thụy ngồi lặng yên một chiều chớm hạ, cà phê Tùng chục năm vẫn vẹn nguyên cái vẻ cổ hoài xa lẵm. Từ thời nhạc sĩ họ Trịnh lần đầu rải mấy nốt nhạc cho bài Phôi Pha, đến giờ vẫn mênh mang một khung trời thanh nhã ấy. Chỉ cần đẩy cánh cửa nhẹ nhàng bước vào không gian vàng võ này, là thể như những liến xáo bên ngoài như tắt lịm. Bờ tường bạc thếch thời gian. Bàn ghế thắp chủm như hồi những năm sáu mươi xưa xa. 

Tiếng nhạc phát ra từ chiếc máy đĩa với những giọt đàn thô mộc như gợi lại cả một vùng thương tưởng. Quán cà phê như cái hồn xưa níu giữ những mái tóc trắng phau chánh dân Đà Lạt. Chỉ những ai biết thương Đà Lạt mới tìm về cái quán quen vỏn vẹn chục bàn nhỏ. Khách ngồi thủ thỉ cùng nhau. Cũng có khi trầm ngâm một mình, như tự đưa hồn mình tìm về cái cô tịch của thành phố này.

Ông đến, vẫn mái tóc dài và cặp kính râm chục năm trời làm nên dấu ấn của bất kì ai biết về ông. Giới nghiên cứu bảo nếu phải chọn một người thương Đà Lạt hơn chính bản thân mình, thì chỉ có thể là ông già chụp ảnh cả đời mòn gót điêu linh khắp cái cao nguyên này. Càng về già, ông càng đi nhiều, đi lâu, thậm chí có khi hai ba tháng trời chẳng về nhà. Con cái giáo dác tản mát đi kiếm. Đến khi ông về, lại cắm đầu vào phòng lab tối đen. Cứ vậy, ông xoay tròn cuộc đời mình giáp vòng cái mảnh đất này.

Ông khẽ nhíu mày nhìn Thụy, rồi bước đến ngồi cạnh bên. Chưa cần đợi Thụy giơ tay chào. "Ơ sao ông biết cháu?". Thụy khẽ khàng nhìn người đàn ông trứ danh của mảnh đất cao nguyên lạnh này. Ông nhìn thật sâu vào mắt Thụy rồi gật gù. 

"Lạ gì khách quán này. Mà cũng chẳng cần ngó tới ngó lui. Nhìn cái là ra ngay cô ấy mà. Người với người đôi khi chỉ cần cái duyên là biết nhau. Mấy mươi năm vẫn là một nét ấy. Tấm hình thì tôi còn giữ. Có đem theo đây, nhưng mà chỉ là độc bản. Cách đây chừng tháng một trận mưa chiều bất chợt làm dột mái phòng bảo quản ảnh. Tấm ảnh thấm nước hơi loang lổ tí. Nhưng mà nghe đâu có công nghệ khôi phục gì đấy. Biết đâu chừng sẽ phục dựng lại được. 

Bức ảnh này nó quí giá lắm, vì chỉ duy nhất một mình tôi được hai vợ chồng ông Quận Công cho phép chụp ảnh cá nhân. Hồi ấy là chụp lúc hai vợ chồng tham quan cái đỉnh Phượng Hoàng. Sau này được chọn làm lăng đấy. Đỉnh Phượng Hoàng giờ thành phế tích theo trầm luân thời gian. Nhưng cô gái à, nó là đỉnh Phượng Hoàng, thì cũng như loài chim quý ấy mà thôi!".

Ông nghệ sĩ già nhấp ngụm trà nóng rồi quay gót. Thụy nhìn theo mái tóc mây bay trong gió chiều. Tấm hình hoen ố nằm gọn lỏn trong bàn tay cô tự khi nào.

7. Thụy bảo cậu nhóc chở lên lăng lần cuối, trước chuyến bay đêm về lại Sài Gòn. Một chiều mai anh đào vẫn ngọt cả thung sâu. Thụy bước chậm, đến bậc thang cuối của sân tế thì ngồi nghỉ mệt. Cậu nhóc cứ nhấp nhỏm, lừng khừng như muốn nói điều gì. Bất giác điện thoại Thụy báo có tin nhắn. Bức ảnh mà Thụy nhờ đồng nghiệp ở Viện kì công phục dựng được gởi qua. Thụy quay sang nhìn cậu nhóc ngỡ ngàng. Có điều gì đó lạnh toát chạy ngang sống lưng Thụy.

"Em quê Gò Công, người miệt Long Mỹ, hồi má đẻ em ra ông nội gieo quẻ cát, nói đặt tên Hữu Hào là thuận thiên ý. Má em có biết gì đâu, nghe ông nói sao thì đặt vậy. Có một lần em ngủ lại nơi này rồi mơ…".

Thụy tin mọi cuộc gặp gỡ trong cuộc đời đều có nhân duyên. Cái gương mặt lần đầu mình gặp đã ngờ ngợ đâu đó trong tâm trí. Cái hôm đầu tiên mình lên lăng chẳng phải là do chập chờn mê tỉnh. Thụy tin cuộc đời khảo cứu luôn có những điều chẳng thể lý giải. Thụy tin như người ta vẫn tin những câu chuyện xưa xa ông bà kể lại bằng hai chữ truyền thuyết.

Hào quay sang Thụy, thật ra ngay cái khắc giây Thụy gục ngã khi lần đầu lên lăng, Hào đã biết người con gái trong giấc mơ của mình là ai. Chẳng phải đợi đến lúc Thụy đưa hình cho Hào xem đâu. Nhưng Thụy có tin vào truyền thuyết Phượng Hoàng? Tin vào câu chuyện tái sinh hay giản đơn chỉ là một chữ duyên của định mệnh như ông bà mình hay nói?

Thụy và Hào đang ngồi ở bậc thang cuối, bậc thang thứ mười ba, có nghĩa là chữ Sinh. Gió chiều vẫn hát khúc thông ca. Réo rắt.

Truyện ngắn của Tống Phước Bảo
.
.