Tiếng hát đáy sông

Thứ Năm, 29/04/2021, 08:26
Trước chị là đào hát, cũng có chút tiếng tăm xứ này. Tuồng nào do chị sắm vai cũng đắt khán giả nô nức về coi đông lắm. Vui chứ em, đời nghệ sỹ mà, còn gì hạnh phúc hơn khi được người ta chào đón, tung hô, rồi khóc thương, vui sướng, đồng cảm cho vai diễn của mình. Nhưng buồn là buồn lúc xả vai, sau tấm màn nhung đóng tiểu thư khuê các, vương tước công hầu là đời lênh đênh nổi trôi theo người mẹ nghèo là bầu sô gánh hát.


Tôi dụi mắt nhìn chiếc tam bản nhỏ hệt như từ trong mênh mông biển nước đang trồi dần lên. Trên ghe không một bóng người. Gió đẩy sóng xô vào mạn ghe ì oạp. Chiếc ghe dập dềnh, lắc lư trôi theo con nước xuôi về bến cầu. Khi hai boong ghe lướt qua nhau, một làn gió ngược luồng ngậm đầy hơi sương thổi rít qua làn da ngăm giấu trong lớp áo mỏng manh khiến tôi rùng mình. 

Phía đó nắng đã tắt. Tà dương dần nuốt chửng những thân cò già mỏi mệt, đang chậm nhịp bay về bên lũ con nheo nhóc đói sau một ngày dài vất vả rong ruổi vẫn không kiếm chác nổi một bữa ăn cho ra hồn. Những vệt sáng màu đỏ cuối cùng lan tràn trên mặt sông, chúng nhảy múa, đuổi bắt nhau chạy riết về phía chân trời, sau cùng thì chìm lặng nơi xa nhất của tầm nhìn, mất hẳn.

Trong khoang, em Hưởng lọ mọ bật đèn. Chiếc bình ắc quy đã cạn khiến bóng đèn nhấp nháy, rồi phựt tắt ngấm. Ghe trờ tới bến cầu. Tôi một tay đỡ chiếc cọc cừ còn nổi đầu lên mặt sông, tay kia từ từ luồn dây thừng cột ghe vào xác cây gừa khô trụi lá, ai đó cưa mất ngọn, để lại hình thù trơ trọi ngày ngày nhìn biển nước dưới bến. 

Chống chiếc sào bên lườn ngoài, tránh ghe dạt xa bờ va phải tàu lớn vãng lai, tôi cúi thấp người chui vào khoang. Dò dẫm trong bóng tối, tôi lôi từ đáy hầm một chiếc đèn dầu cỡ nhỏ có ống khói, bật diêm mồi. Hàng hóa lỉnh kỉnh bắt đầu hiện ra dưới ánh sáng nhờ nhờ của ngọn đèn cũ kỹ. 

Em Hưởng gác láp máy, sà vào dọn cơm. Cơm nguội ngắt. Chúng tôi nuốt lấy lệ với ít cá chiên, canh cải từ bữa trưa dư lại. Tôi buông đũa trước, ra đầu boong cộng sổ. Em Hưởng húp xong chén canh lạt thì tự dọn dẹp rồi theo đường mui lên bờ xem tivi. Còn lại một mình, tôi chong mắt, ngao ngán. Cả ngày cập không mấy bến, đời ghe coi bộ hết thời.

*

“Dẫu có như mò kim đáy biển, bây cũng gắng thay cha tìm cho gặp một người”.

Lẫn trong tiếng anh ách tức nước của ghe nặng, sóng xô bờ, tôi nghe như có tiếng cha tôi, cùng với lời dặn dò trước ngày ghe hàng chị em tôi rời bến.

Nên dẫu ngày dài ế ẩm, ghe tôi vẫn gắng neo sông là để nghe ngóng tin tức về một người đàn bà, là “Người vợ không bao giờ cưới” của bác Tư Thành.

Tôi mở ngăn kéo, cầm tập giấy bọc lụa, bần thần. Như thực như mơ, đâu đây phảng phất tiếng thở dài của một người đàn ông. Ông chép miệng, “Sự gì cũng có nguồn cơn”, rồi bắt đầu kể, khi khản đặc, lúc trầm trầm.

…Thời trai trẻ, bác Tư bây lang bạt kỳ hồ. Đó là những ngày vui. Nhưng nỗi vui riêng của ảnh giống như con cừu đen giữa bầy cừu, lạc loài trước sự kỳ vọng.

Ảnh mê viết tuồng nhưng vì mưu sinh phải hành nghề cắt tóc dạo. Thấy vậy ông trời gieo duyên cho ảnh gặp người thương. Đận ấy có đoàn Sơn Nữ Phà Ca của cô Năm Quỳ đâu trên Mỏ Cày xuôi về Đại Ngãi, dựng sân khấu hát tuồng Thoại Khanh. Ảnh gác chèo lên mua vé xem, đâu hay phải lòng đào. Ảnh nói thấy nàng róc thịt nuôi mẹ chồng, móc mắt cho ác thần để đổi mạng cho người chẳng phải thân sinh mà cảm động cái đức của đứa con dâu có lòng hiếu kính cha mẹ, cái nghĩa của người vợ son sắt, một lòng.

Sau đêm vãn tuồng ảnh tò tò theo xin hớt tóc miễn phí cho người ta cũng vì mê nghệ sỹ một đỗi. Mấy lần vừa đứng hớt tóc, ảnh vừa ngâm nga mấy câu tự sáng tác cho kép nghe chơi, góp ý, vậy mà được đào chánh để ý anh thợ nhiều tài. Ảnh tưởng đời thế là viên mãn. Có dè đâu…

Ngày ảnh rời ghe về nhà xin gia đình cho cưới vợ thì trùng hợp là sáu mâm sính lễ cũng vừa được chuẩn bị xong, nhưng không phải ngược lên miệt đoàn hát dựng lều mà thẳng qua nhà Năm Thoại. Bà nội bây đòi chết đòi sống, buộc ảnh cưới con gái người ơn đã cứu tử ông nội bây ngày trước nơi sa trường. Bác Tư bây hồi nào cảm động cô đào bởi điều gì thì hồi này cũng vì sự ấy mà phản bội người ta, cho đẹp lòng bà nội bây tuổi xế chiều.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Cưới thì cưới vậy chớ lòng ảnh đâu có ở đây. Hơn hai chục năm, cứ cách ngày là ảnh bật tuồng Sơn Nữ Phà Ca ra nghe hoài. Nghe riết tới thằng út Khánh con ảnh cũng thuộc làu. Mỗi lần tới đoạn đám cưới Kiều Mộng Long, nghe nữ chính ngâm dài câu thơ “Ngày mai đám cưới người ta/Mà sao sơn nữ Phà Ca lại buồn” là nó nẫu ruột, chạy qua nhà mình lục cơm nguội. 

Chừng qua nhà xem, nước mắt nước mũi ảnh chảy ròng ròng. Ảnh đổ cho ông Quy Sắc là thầy dạy Quốc Văn, nên dù thảo nhạc Kiên Giang soạn thì tuồng vẫn mùi mẫn, ăn nhập vào hồn nên xúc động. Có ảnh dối lòng dối dạ, chứ trên dưới trong nhà có ai không biết ảnh nhớ người xưa. Nhưng bà nội bây trước phút lâm chung đã bắt ảnh thề độc rằng, cả đời cả kiếp không bao giờ được tìm gặp người con gái ấy nữa.

Cha có khuyên ảnh, chứ năm dài tháng rộng, sỏi đá còn mòn, hà cớ lòng người u uẩn mãi mối sầu riêng, được gì mà khổ. Tuồng xưa đã vãn, người giờ đã xa, phải ráng vì sấp nhỏ sống tiếp. Ảnh nghe cũng xuôi, ừ hử, rồi mèo lại hoàn mèo. Cứ nghe ở đâu có đoàn hát, là ảnh cõng con Đài, thằng Khánh đi xem. Nhưng có ai là người năm cũ nữa đâu mà mong. 

Cô đào không biết đã đi đằng nào biền biệt. Người kể chỉ bị nước cuốn. Kẻ hô chỉ thay lòng, ưng kép Hữu Tài, hai người ăn nằm, gá nghĩa rồi dắt nhau về xứ dừa, từ đó bặt tăm. Ảnh cũng nghe ngóng tứ phương, dù chỉ để biết chừng vậy. Nhưng số người biết về cô đào quá ít mà theo năm dài tháng rộng, tuổi tên người nghệ sỹ cũng chỉ còn vang vọng trên làn điệu đã xa. Có ai biết nghệ sỹ là ai sau lớp phấn son trên sân khấu lúc huy hoàng. Vậy là tăm cá bóng chim, một bước đi xa, nghìn trùng tiễn biệt.

Cả đời thất vọng, ảnh tìm đến hơi men. Có bữa ngà ngà say, ảnh quát bác gái bây không bỏ mùng để muỗi cắn con Đài. Rồi hổng ngủ trên nhà, ảnh ra chòi dưới mé sông, đu đưa võng hát nghêu ngao. Hát mệt thì ngoẹo đầu, thiêm thiếp ngủ. Bác Tư gái bây nước mắt lưng tròng ra giăng mùng, rồi dìu ảnh lên chõng, không ta thán nửa lời. Ảnh vừa ngã lưng xuống chiếu thì mơ mộng chiêm bao, nắm lấy tay vợ khóc mướt. Nhưng ác nhơn là trong cơn mê, ảnh gọi: “Phà Ca, anh xin lỗi mình”.

Phà Ca đâu phải tên bác gái bây.

Bác gái bây uất quá, mới phạt tay xô ngã cái đèn dầu vô vách, lửa giận định mồi diêm đốt cháy quách hết cho rồi, hờ đâu dầu cạn khô, chỉ có miểng chai làm tay chỉ chảy máu…

*

“Cho chị chia ít dầu trắng, cô Hường!”.

Tôi giật mình. Người đàn bà thập thò ở mũi ghe. Đèn trong khoang không đủ soi tỏ gương mặt chị. Nhưng qua chất giọng dịu mềm, trong trẻo và có âm sắc như tiếng nhạc rất hiếm thấy, tôi nhận ra người hôm nọ chỉ đường cho ghe tôi vào bến sông. 

Chị đi tam bản nhỏ, bán vài món cóc keng như kẹo bánh, siro đá bào. Mấy hôm liền, chiều nào ghe tôi về neo lại bến này, chị cũng sang hỏi mua, bữa góc tư thuốc, bữa ít giấy vấn, hôm qua thì gói trà Long Phụng. Chị bảo mua cho anh nhà. Để ảnh về bất tử thì có xài.

“Chị vào khoang kẻo lạnh, sương đêm nay xuống nhiều!”.

Bước chân nhẹ tênh, chị khom dáng người mỏng manh như sợi lạt rồi ngồi xuống cạnh tôi. “May quá, tìm mãi mới gặp ghe dùng đèn này, dầu bên chị khô kiệt. Giờ mất điện người ta toàn thắp nến, bởi không hàng nào bán dầu trắng, cho nhờ”. Tôi rót ít dầu vào lọ, đưa sang người đàn bà. Mắt chị nheo vui. “Bao nhiêu tiền, chị gửi?”. Tôi xua tay. “Dầu thắp đèn nhà, còn ít, chị cứ cầm về dùng. Dưới em nhiều chỗ bán, chừng về em lại mua”.

Chị trông có nét từng trải nhưng khó đoán biết được tuổi thật, rối rít cảm ơn. Hai tay thon búp như ngòi viết rất đẹp chìa ra đón lấy lọ dầu. “Trước chị cũng xài đèn cầy cho tiện, mà lỡ một hôm quá gió, sơ ý để lửa phạt vào lườn ghe, bắt lá chằm đốp cháy một khoảnh mui tàn. Chị sợ quá mới mày mò làm cái đèn chong cóc có ống khói để thắp cho ấm khoang, canh chừng đến khi ngủ thì vặn tắt”. 

“Trời, nguy hiểm quá. Đêm trên sông chị ở thầm vẫn được. Khoang bên chị chằm lá lại không cửa, gió máy bất thình lình. Như bên ghe em, kín khuất vậy chứ thắp qua cơm chiều là em thổi. May là chị không gì, phật trời phù hộ, chứ sông sâu sóng cả lỡ có chuyện thì…”. Người đàn bà trầm ngâm. “Chị thắp đèn đây để đợi một người. Ảnh đi chập này hơi lâu, biết có còn quay lại. Nhưng trước khi ảnh về chị có hẹn, chưa tới mười giờ đêm, ghe luôn sáng đèn chờ. Vậy là chị chờ, biết đâu…”.

Mắt người đàn bà rũ xuống, trũng sâu. Tôi nghe tiếng thút thít trong vắng lặng đêm thâu như lời nỉ non, cũng dường là oán trách. Theo phản xạ, tay tôi nắm lấy tay chị. Bàn tay chị mềm mại nhưng… lạnh quá. Chị rụt lại, hờ như cũng ngại ngần.

Gặp chị sang mua hàng đêm đã mấy lần, đời ghe nổi trôi mà chung một bến neo, âu cũng là duyên hạnh ngộ. Tôi vặn tim đèn thấp xuống khi lửa lớn làm đen miệng ống khói, bóng sáng bị che mờ.

“Chị chu đáo vậy, lẽ nào người lại không về? Mà ảnh đi làm ăn xa hay đâu mà chị phải đợi. Mà em nghe in như chị không phải người miệt này. Giọng chị đẹp lắm, thanh thoát, mượt mà như nghệ sỹ. Cùng là phụ nữ, bèo nước gặp nhau, nếu cần người lắng nghe, chị cứ giãi bày một đỗi biết đâu dễ chịu hơn phần nào”.

Người đàn bà cất chân đổi bên vì mỏi, bỏ lọ dầu xuống cạnh, hai tay đặt lên nhau đằm thắm, như sắp kể một câu chuyện dài. “Chị em mình kể cũng hữu duyên, em ạ. Để chị kể em nghe, đời của kẻ đã sống hàng trăm phận đời”.

*

Trước chị là đào hát, cũng có chút tiếng tăm xứ này. Tuồng nào do chị sắm vai cũng đắt khán giả nô nức về coi đông lắm. Vui chứ em, đời nghệ sỹ mà, còn gì hạnh phúc hơn khi được người ta chào đón, tung hô, rồi khóc thương, vui sướng, đồng cảm cho vai diễn của mình. Nhưng buồn là buồn lúc xả vai, sau tấm màn nhung đóng tiểu thư khuê các, vương tước công hầu là đời lênh đênh nổi trôi theo người mẹ nghèo là bầu sô gánh hát.

Chị đi hát sớm. Trời cho chất giọng thanh thoát, mùi mẫn nên được người yêu kẻ quý. Rồi chị gặp ảnh, tài mạo mà chân phương, vạn nhất là cùng chung lý tưởng cổ xúy âm nhạc cổ truyền. Ảnh có nghề viết tuồng, mà mỗi lời ảnh viết ra, chị là đào chánh đã hát qua trăm bản nghìn tuồng, vẫn tràn trề xúc động. 

Ảnh nói ông nội ảnh nhà nho, từ nhỏ được học lễ, nên viết tuồng nào ảnh cũng gửi gắm bao điều tốt đẹp đã được hun đúc qua lịch sử mấy trăm năm mở cõi đất này.  Âm nhạc là gì nếu không phải là sợi dây giáo dục, hàm dưỡng nội tâm, nuôi lớn lòng trắc ẩn, nỗi thương người, sự quý trọng cuộc sống và hướng người ta đến cái chân – thiện – mỹ. Ảnh biểu, người xưa có câu “Hứng ư thi, lập ư lễ, thành ư nhạc(1)” là vì vậy.

Ấy rồi chị mê mẩn trước những lời như khuôn vàng thước ngọc. Chị không còn biết gì hơn, ngoài tình yêu cuồng si và ước vọng lớn lao được xây dựng gia đình cùng ảnh. Nhưng cuộc đời mà em, ai biết đâu ngờ…

Quê gốc chị tận trên Mỏ Cày. Mười một tuổi ba má ly hôn. Ai không đau cảnh gia đình sẻ bảy chia năm, kẻ lênh đênh ngược xuôi với ghe gánh hát tuồng, người đi thêm bước nữa. Nhưng tuổi thơ buồn một, tuổi dựng vợ gả chồng chị buồn tới mười. Bà nội của con chị cũng mê cải lương nhưng không tha thiết dâu đào vì ngờ họ lả lơi bay bướm. Thêm cái quan niệm “nhà dột từ nóc” đã trở thành định kiến khắt khe, chia cắt chị và ảnh trọn đời.

Sau ngày ảnh rời đoàn, tai ương bắt đầu ập xuống luôn. Gánh của má chị đận đó ngược lên Trà Ôn, đường xa ai cũng mệt nhoài. Không biết hồi nào mà gió xô ngã cái đèn trên mui, lửa bắt mớ cờ phướn và quần áo hóa trang, cháy lớn, ghe chìm sâu đáy nước.

Chị vì nán lại chờ người mà chuyến đó thoát chết. Má chị thì nằm lại nơi xứ người. Đoàn từ đó rã tan. Chị lênh đênh trên chiếc tam bản bán vài thứ lặt vặt, mong ngóng một lần người về. Chị sợ người ta bắt con, nên vừa gần vừa xa, không để gia đình ảnh thấy mặt. Là nghệ sỹ đâu phải ai cũng trăng hoa, chẳng qua là cái nhạy cảm của họ hơn người. Chứ như chị từ hồi biết yêu, chỉ yêu một người, chỉ đợi một người, đến chết cũng vậy.

Im lặng.

Tôi nghe sóng mắt mình cay xè. Cả đời người đàn bà chỉ có một tình yêu. Tôi bỗng nhớ đến bác Tư Thành tôi, dù vợ con đề huề, thì mãi đến lúc lìa đời, vẫn chỉ nhớ thương một bóng hình duy nhất. Dẫu sương gió thời gian, cũng đã mấy chục năm rồi…

*

Tôi quờ tay rút mảnh khăn giấy hộp, vô tình làm rơi tập giấy bọc lụa có bút tích của bác Tư Thành.

Người đàn bà nhặt tập giấy lên. Chị cẩn trọng lật mở từng trang, xúc động rưng rưng, cũng giống như tôi, mỗi lần xem lại đều không thể nào cầm được nước mắt.

Trong đó là những vở tuồng mà bác Tư tôi sinh thời đã viết, cũng là tiếng lòng gửi đến người xưa.

Rồi như ai xui để tôi kể lại câu chuyện mà cha đã kể sau ngày bác Tư đi xa. Chuyến đi cuối cùng với hy vọng được đợi chờ người đàn bà mà bác một đời nhớ thương nhưng lại không có can đảm cưới về, ở bên kia thế giới.

“Thương lắm chị ơi, phút lâm chung, bác nắm chặt tay cha em, mà rằng: “Má biểu anh thề không gặp lại Phà Ca ở dương gian, thì thôi để anh chờ cổ nơi âm tào địa hạt”. Giọt nước đau khổ lăn xuống từ khóe mắt người đàn ông đang dần đóng khép ấy, em nhớ mãi, khi bác đã kịp trối trăn, phó thác ước nguyện cuối cùng”.

“Tâm nguyện cuối cùng của bác là trao tận tay di vật này cho Phà Ca. Trong đó là tất cả nỗi niềm của người đàn ông khổ đau, mà ngoài âm nhạc ra, đôi ba câu kể, giãi bày sao cho hết đoạn trường”.

*

Đêm tháng mười dài dằng dặc, bầu trời không mọc được mấy vì sao xa. Gió thổi ghe lắc lư xô chúng tôi lại gần nhau thêm nữa. Vài mảnh âm thanh rỉ rả phát từ chiếc radio cũ của dân ghe không còn. Những ánh đèn leo lét dần thưa. Ngoài kia, tiếng con vạc lẻ bạn kêu sương. Thảng hoặc, ai ngâm nga bài Dạ cổ hoài lang nghe u trầm, thê thiết.

Chị bỏ chân ra mũi ghe, từ giã ra về. Tôi tiễn chị lên cầu. Chị cản, chỉ tay về phía lau sậy, bảo “ghe chị ngay đấy thôi, xa xôi gì mà tiễn”. Tôi nhoẻn cười. “Dạ chị về. Có thiếu dầu cứ qua ghe em mà lấy, đừng ngại”. Chị gật gù. Trước khi quay đi, chị dúi vào tay tôi hai chiếc vé coi tuồng. Tôi nhìn xuống, chỉ thấy trong nhá nhem mây sáng một màu trăng trắng.

“Tối mai bến chợ có gánh hát về, vui lắm. Chị quen với đoàn, được cho mấy vé, cô với cậu Hưởng neo ghe lên xem cho đỡ buồn”. “Lạ chưa. Thời nay vẫn còn gánh hát sao chị?”. “Còn em ạ. Có những thứ vẫn âm thầm tồn tại. Là do mình có để tâm đến hay không. Xóm chợ này đô thị hóa chưa xong, ghe tàu còn thịnh, bà con mình cũng còn cái chất phác hồn nhiên nên dăm ba gánh địa phương vẫn chưa giải thể, còn neo bờ. Thì ban đêm ca hát, ban ngày lo cày cấy, chứ sống bằng nghề dễ gì đủ, em nghen. Mai chị cũng xuôi xuống luôn, còn duyên chị em chắc còn gặp lại”.

Nói rồi người đàn bà quay đi, nhịp bước lẹ làng. Dáng người chị mảnh khảnh thoảng qua như cánh gió, chìm vào đêm cuối mùa trăng, đen loãng, nhưng cách một lườn ghe đã chẳng nhìn thấy gì nữa.

Tôi trở lại khoang, khép cửa, cài then. Em Hưởng về tự lúc nào, đã ngủ say, hơi thở phì phò. Tôi nằm trở đầu, chưa thể chợp mắt. Tiếng gió u u rít qua lau lách đìu hiu. Vũ khúc côn trùng khi bổng khi trầm ngân trong đám cỏ rậm ven bờ. Vài con vạc đập cánh sà xuống mặt nước quắp chú cá con mơ ngủ nổi lềnh bềnh, vô định. Sương xuống càng lúc càng nặng. Hơi lạnh miên man thấm qua lớp nhựa trên mui, xâm lấn từng vạc gỗ dày đinh, treo lủng lẳng hàng.

Tôi bung mền đắp cho hai chị em. Trong khoang tối om, phải em Hưởng đã thổi tắt ngọn đèn? Tôi không để ý. Cũng không nhớ từ bao giờ đèn tắt. Chỉ biết tin đoàn hát về như một hạt mầm bắt đầu mọc rễ trong đầu tôi, rất nhanh, một cái cây đầy ký ức về sân khấu cải lương lưu động đâm chồi, làm sống lại khoảng trời ấu thơ của những đứa trẻ thôn quê, được ngồi trên vai cha đi xem hát.

*

Từ sáng sớm, người rao bảng đã phát loa giới thiệu tin tuồng dọc theo triền sông. Đám con nít đổ ra mé nước mọc đầy những cây bo bo nghe ngóng. Lá bo bo sắc, cứa vào làn da ngăm rướm máu, nhưng chúng vẫn nhảy nhót hân hoan, phấn khích vô cùng. Vài đứa tếu táo chạy vào nhà trong, khoe với cụ bà “nội ơi, tối nay gánh hát về, có nghệ sỹ X, nghệ sỹ Y, vui quá”. 

Trên đê đồng, mọi người đứng lặng im nghe, anh con trai nôn nao ý muốn rủ cô tóc bím mới quen đi coi chung mà sợ cổ từ chối. Người đứng tuổi thì gấp rút làm cho xong việc, để về sớm nấu cơm ăn cho kịp đến trước khi sân khấu mở màn.

Tôi và em Hưởng cũng ăn cơm sớm hơn ngày thường, tranh thủ về bến chợ trước khi ghe tàu ken nghẹt.

Chiều dần buông. Những ghe chở cát khẳm đé trông xa như những cụ rùa ngóc đầu ngúc ngắc trên mặt nước sóng sánh. Em Hưởng thắc mắc hỏi cát đâu mà nhiều. Người ta tém vét đi buôn xa, của công bồi lắng trăm năm chỉ còn là mênh mông nước lấn.

Ghe tôi cập bến chợ. Mới sáu giờ chiều mà xuồng ghe đã giăng kín mép bờ. Trong bóng tối nhá nhem tôi nhận ra người đàn bà đang vẫy tay đón. Sáng này khi trở dậy, bên bờ lau sậy bóng chiếc tam bản đã xa xăm. Vậy mà vừa cập bến thôi, chị đã sẵn chờ.

Tôi cột dây ghe, bước lên bờ. Người đàn bà rõ ràng đang lộ vẻ mừng vui vì chẳng ngờ ghe hàng tôi nương theo hai chiếc vé xem tuồng mà về bến chợ. “Chị ngóng mãi, sợ mấy em hổng tin bữa nay gánh hát còn”.

Dưới bến có một ghe bầu. Chị bảo đó là ghe của đoàn hát, họ đã dựng xong sân khấu trong chợ. Đêm nay hát vở Má hồng phận bạc, xúc động nhất là phân đoạn Thúc Ông đánh đòn dạy dỗ Thúc Sinh. Rồi chị giục tôi nhanh, khi tiếng chân chạy bắt đầu huỳnh huỵch. Vài cô con gái õng ẹo bị bỏ lại, cố gắng che mặt để chen lấn giữa đám đông.

Càng đi sâu vào chợ càng nghe rõ tiếng người lao xao, tiếng trống nhạc xập xình, tiếng người dẫn chương trình hoạt ngôn trên sân khấu ngập ánh sáng đèn đuốc.

Hai bên cổng rạp là hai tấm băng rôn lớn có in hình và tên nghệ sỹ. Tôi dụi mắt. Chắc ngày gặp vì đêm mơ. Em Hưởng lẩm nhẩm “Gánh Sơn Nữ Phà Ca. Đào chánh Phà Ca vào vai Thúy Kiều”.

Tôi tiếp tục bước vào trong. Càng đến gần sân khấu, mọi thứ càng trở nên quen thuộc.

Tôi nôn nao khác lạ, hệt như mình đang được sống lại tuổi thơ ngây. Trên sân khấu, nàng Kiều mà từ nãy giờ tôi có cảm giác rất quen, đã khoác áo nâu sòng, cùng khách dương trần giã biệt.

Tuồng vãn đúng cảnh buồn quá. Dòng người ra về ồn ào hơn cả lúc đến xem. Người chửi mắng Hoạn Thư, kẻ xót phận Thúy Kiều. Trẻ con ngủ gật trên vai người lớn. Người lớn trầm ngâm bước đi. Cụ già thở dài, cái gì hay cũng tím ruột.

Tôi vẫn đứng đấy xem người ta cuốn rạp. Những tấm vải che cuối cùng cũng đã được dọn đi. Cô đào chánh bước cạnh một người đàn ông, đi về phía nào. Họ sụt sùi, thút thít. “Em đã đợi anh ngót hai mươi mấy năm”. Người đàn ông nọ không nói, nhưng bàn tay nắm chặt bàn tay, như thể không bao giờ họ để xa nhau nữa.

Khi hai bóng trắng lướt qua, tôi nhận ra dáng hình thật rất thân thuộc, ngày nay đã tới cõi vĩnh hằng. Tôi nhịp bước theo. Khi đến bờ sông thì chiếc ghe bầu của đoàn hát cũng đã nhổ neo, chỉ còn mỗi ghe tôi dưới bến.

Tôi và em Hưởng cố đuổi tới đoàn hát để xem có phải người đàn ông rất giống bác Tư Thành. Nhưng tôi càng đuổi, chiếc ghe bầu càng xa. Đến đoạn vắng thì ghe đột nhiên bốc cháy. Tiếng người lao nhao bừng dậy, thất thanh. Tiếng quẫy đạp chân bơi tìm bờ của những đứa con miền sông nước. Ghe dần chìm rồi mất hút. Tôi hét khan cả giọng vẫn không thể kịp tới, cũng không thấy kẻ cứu nạn nào. Chiếc tam bản chống chịu giữa dòng, bụng uống đầy nước, mỏi mệt, rồi như buông xuôi. Sông nước mênh mông đã nuốt chửng nó vào lòng phù sa đỏ nặng.

*

Tôi tỉnh dậy trong bóng tối, đầu biêng biêng đau. Em Hưởng đưa tay sờ lên trán tôi. “Thật may, chị hạ sốt rồi”. “Ở đây là đâu?”. Giọng một người đàn ông trầm trầm, được nhận ra bằng điếu thuốc đang cháy. “Nhà một người thả lưới. Cô em sốt nhẹ thôi, mà mê sảng từ chiều”.

Tôi bật người ngồi dậy, nhìn ra ngoài. Trước nhà là bến sông. Trời tối đen. Nhưng tôi nghe tiếng sóng xô óc ách. Thì ra đêm chưa tàn. Em Hưởng sợ gió lạnh về, khép cửa. “Gánh hát đâu? Chiếc ghe bầu cháy rồi!”. “Gánh hát nào?”. “Gánh Sơn Nữ Phà Ca. Tối qua họ về hát trong chợ kìa, vở Má hồng phận bạc, Phà Ca vào vai Thúy Kiều cặp với kép Hữu Tài đóng Thúc Sinh”. “Tôi là kép Hữu Tài”. Vẫn là người thả lưới ban nãy. Ông dụi tắt điếu thuốc. Nhà mất điện nên tối om. Ông thắp một ngọn đèn tỏ mờ.

Bên trong nhà, ngoài ba người chúng tôi, còn có một ngôi mộ đá. Gương mặt chị sáng ngời trên bia mộ, đang mỉm cười. Tôi lặng người đi.

“Vở Má hồng phận bạc là vở diễn cuối cùng của đoàn Sơn Nữ Phà Ca, cách nay gần ba mươi năm. Phà Ca mà cô cậu đang tìm, ba năm sau đó cũng tan người trong cơn bão nhiệt đới trăm năm mới có một. Mộ này chỉ là mộ gió, chứ cổ với đứa con trai, dù chết, hương hồn lẩn khuất cũng chẳng thèm ở cùng lão già bất tài này. Đêm trước cổ báo mộng, để tôi đón cô cậu vào đây. Chứ cổ đi rồi cô ơi, họ đã nắm tay nhau đến nơi đau thương không còn chạm tới được nữa rồi”.

Người đàn ông nhắm chặt mắt, ép giọt nước buồn thương chảy xuống. Tôi quỳ bên ngôi mộ, thắp một nén hương tâm tưởng cho đời hồng nhan vô phước, bạc phần.

Em Hưởng trịnh trọng dâng lên tập giấy đã nhuốm màu. Coi như lời ký thác sau cùng của bác Tư Thành, nhờ cha tôi trao di vật này cho người xưa, cũng đã hoàn thành. Dù Phà Ca chỉ còn là khói sương ảo ảnh.

Dưới ánh đèn phập phồng, ngôi mộ lại tỏa ra ánh sáng của buổi chiều dần tàn. Chị đứng cạnh bác Tư Thành tôi trên chiếc tam bản đang xuôi dần về bóng tối. Chị vẫy tay chào tạm biệt, bác Tư tôi cũng nở nụ cười mãn nguyện, nụ cười mà từ khi được sinh ra, tôi chưa từng được thấy bao giờ.

Trong khung cảnh ma mị huyền hoặc, chiếc ghe ngúc ngắc rồi chìm vào mênh mông. Từ đáy nước vọng lên giọng nói lanh lảnh của một người đàn bà.

“Nát giỏ hãy còn bờ tre. Nhờ em cất kỹ tập giấy là di sản truyền đời”.

Rồi chị hát ngâm, câu hát trong tuồng bác Tư tôi viết.

“Còn trời, còn đất, còn người.

Thì còn tiếng hát như lời nước non.”

Tôi nhìn từng trang giấy sẫm màu phấp phới bay. Ngoài kia lặng gió. Nhà người thả lưới, cửa đóng, then cài.

Hoàng Dương, 16/12/20

----------

(1) Hứng khởi ở điều thiện là nhờ ở thi ca, đứng vững trước mọi thiện ác là nhờ ở lễ và hàm dưỡng được nội tâm chính đáng trong chiều sâu cung cách làm người chính là nhờ ở sự hài hòa của âm nhạc – Lê Đình Bích giảng nghĩa.

Truyện ngắn của Hoàng Dương
.
.