Ở phía đông thành phố

Thứ Năm, 16/07/2020, 18:15
"Con không thích ở đây. Con muốn về nhà". Con trai bất thình lình vừa quơ quào tay vừa nói, khiến Diêu tỉnh giấc. Rồi rất nhanh, con trai lại nằm im. Ánh sáng nhợt nhạt từ bên ngoài rọi vào, đủ cho Diêu nhìn ngắm con trai với nét mặt có phần nhúm nhó. Đây không phải lần đầu Diêu nghe con dằn dỗi như vậy kể từ khi hai mẹ con dắt díu về tá túc nơi này. Nhưng cả trong giấc ngủ mà con vẫn còn nghĩ đến nó mới biết rằng, con đã buồn biết nhường nào.


"Bin ngủ đi, cuối tuần mẹ đưa con về chơi với các bạn!".

Biết con nói mớ, nhưng Diêu vẫn ôm rồi vỗ nhẹ lên hông con. Không biết nhờ câu nói của mẹ, hay được mẹ vỗ về mà con trai Diêu lại tiếp tục ngủ, như chưa có chuyện gì xảy ra.

Diêu quờ tay, mở điện thoại lên xem. 4 giờ. Vẫn còn quá sớm để bắt đầu một ngày mới. Diêu chưa muốn dậy, nhưng cô cũng không thể nào chợp mắt được nữa. Nghĩ đến con trai, lòng Diêu bỗng nhiên quặn lên. Thương con rồi lại thương mình. Diêu tự hỏi, sao đời mình lắm ngang trái đến vậy. Không biết rồi từ đây về sau, cả Diêu lẫn con trai còn phải nếm mùi trái ngang nào nữa. Bấy nhiêu đó, Diêu cũng thấy khốn cùng lắm rồi!

Đến lúc này, Diêu không hẳn còn tiếc nuối về căn nhà mà con trai vừa nhắc đến, điều làm cô tiếc nuối, mà không, phải là đau đớn nhất chính là sự mất mát tình thân. Của nả mất đi có cơ hội lấy lại, còn tình thân một khi đã mất đi, biết lấy lại bằng cách nào. Mà dù có lấy được, trong lòng ai cũng khó tránh khỏi xước xác. Mẹ con Diêu từng ở trong căn nhà đó. Thực chất, đó là căn hộ chung cư thuộc một dự án nhà ở xã hội. Ngoài mẹ con Diêu, còn hai đứa em nữa. Chị em gái như trái cau non, là ruột rà máu mủ đó, vậy mà…

Diêu vẫn còn nhớ, khi mua được căn hộ ấy, không những Diêu mà cả hai đứa em đã từng rất vui mừng. Bao nhiêu năm, mấy chị em chắt bóp, lay lắt ở thành phố sầm uất này, di chuyển qua không biết bao nhiêu chỗ trọ, cuối cùng cũng có một nơi chốn được gọi là của mình. Có an cư mới lạc nghiệp. Nghĩ vậy, nên ba chị em Diêu lòng đầy khấp khởi.

Chung cư nằm ở phía Đông thành phố. Lúc biết tin Diêu chuyển về đó, mấy người trong tổ một mặt thì vui mừng, nhưng mặt khác lại tỏ ra e ngại cho cô. Vì chặng đường từ đó lên công ty quá xa. Lúc đó, Diêu chỉ cười: "Mình ít tiền phải chấp nhận chứ biết sao giờ!". Nhưng sau này, khi đã về ở hẳn trong chung cư, tuyệt nhiên Diêu không thấy có gì phải phiền toái. Đường xa nhưng đi mãi cũng thành quen. Huống chi, khi chuyển về đây, Diêu có điều kiện sống cùng hai em của mình, tìm được chỗ học cho Bin. Chỉ một năm nữa thôi, con trai Diêu sẽ lên lớp 1, ít nhất các thủ tục giấy tờ cũng sẽ thuận tiện hơn lúc đi ở trọ nơi này, nơi kia.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Còn một lý do nữa, dù Diêu không phải người lãng mạn, nhưng cũng tìm thấy được niềm vui nho nhỏ, mà nó cũng góp phần khiến Diêu không màng đến sự xa xôi, thậm chí càng thấy yêu hơn chặng đường mình từng ngày gắn bó. 

Diêu vẫn còn nhớ, một ngày nọ, vì phải tăng ca nên về nhà muộn. Đang cắm cúi chạy xe, bất chợt Diêu nhìn thấy trên đầu mình vầng trăng đang tỏa thứ ánh vàng dịu dàng xuống khắp nơi. Vầng trăng mọc lên từ phía Đông và đang nhích dần về phía Tây, mỗi lúc một cao hơn. Diêu ngước lên nhìn trăng, thấy lòng mình dịu lại. Lúc đó, Diêu cảm giác như mình đang trở về nhà và được chào đón bởi vầng trăng, không khác gì chiếc đĩa bạc tròn vành vạnh treo lủng lẳng trên kia.

Chính khoảnh khắc bắt gặp vầng trăng vàng, mọi mệt nhọc sau một ngày làm việc trong người Diêu dường như biến mất. Vầng trăng làm Diêu nhớ lại những ngày hàn vi, trong ngôi nhà êm ấm nơi miền Trung. Vào những đêm trăng sáng, mấy mẹ con Diêu thường trải chiếu ra giữa sân hóng mát. Trong khi mẹ nằm gối đầu ngắm trăng thì chị em Diêu cùng nhau chơi đùa.

Hồi ấy, bé út mới chập chững lên ba, khi thấy bóng mình được vầng trăng rọi chiếu xuống sân, nhất là khi nghe chị em Diêu dọa "ngáo ộp, ngáo ộp" thì sợ ra mặt. Lúc chạy cái bóng chạy theo càng khiến út sợ hơn. Thường những lúc đó, bé út vội vàng chạy đến rồi ôm chặt lấy mẹ, khuôn mặt không giấu được sợ hãi. Nhìn em như vậy, cả Diêu và bé hai cười nắc nẻ…

Nhớ về những ngày yên bình đó, rồi nghĩ về hiện tại, Diêu thấy lòng tan nát.

*

Giữ đúng lời hứa, ngày Chủ nhật, Diêu đưa con về lại chung cư cũ để con chơi cùng các bạn. Diêu không muốn thất hứa với con trai mình. Trên đời này, Diêu sợ nhất là những lời hứa hẹn. Người ta dường như không thèm bận tâm xem người khác sẽ đón nhận lời hứa của mình như thế nào, như thể chẳng mất mát gì nên mặc sức đưa ra những lời hứa. Còn sau đó ra sao cũng mặc. Như Toàn đã từng hứa hẹn với Diêu, rồi mất biệt cho đến tận bây giờ.

Hơn năm năm trôi qua, Diêu trở thành mẹ đơn thân, điều mà Diêu không bao giờ dám nghĩ. Và cũng vì chuyện này mà cha mẹ Diêu có một phen đau lòng. Diêu biết mình đã làm một chuyện động trời nên cũng không dám đòi hỏi gì ở cha mẹ. Tuyệt nhiên, trong đầu Diêu không mảy may xuất hiện ý nghĩ bỏ cái thai. Đó có khi còn là chuyện động trời hơn nữa với Diêu. 

Hồi đầu, Diêu còn giấu biệt, sợ chuyện của mình mà cha mẹ phải chịu cảnh điều tiếng. Những cái Tết nối tiếp, Diêu không dám theo hai em về quê mà lấy cớ tăng ca để ở lại Sài Gòn. Đến khi sự việc vỡ lở, cũng phải mất một thời gian, cha mẹ mới chấp nhận chuyện của Diêu. Dù muộn mằn nhưng Diêu biết ơn cha mẹ về điều đó, bởi nó không chỉ giúp Diêu trút đi một gánh nặng mà còn giúp con trai Diêu một đôi lần trong năm được về quê, được sống trong tình yêu thương của ông bà như bao đứa trẻ khác.

Diêu để Bin và lũ trẻ đá bóng với nhau ở khuôn viên chung cư, rồi đến ngồi dưới một lùm cây. Từ chỗ này, Diêu vừa tránh nắng vừa có thể trông con. Nhìn Bin và lũ trẻ chơi đùa cùng nhau, Diêu thấy lòng ấm áp. Những tiếng cười trong vắt, tiếng cãi nhau lanh lảnh, như chưa từng có sự xa cách. Có lẽ, chỉ có trẻ con mới có sự thánh thiện và hồn nhiên như vậy. Diêu và hai đứa em cũng từng là những đứa trẻ, nhưng giờ thì đứa trẻ trong mỗi người đã ngủ yên vĩnh viễn.

Trong một lúc vô thức, Diêu đưa mắt nhìn lên block B, nơi có căn hộ mà mình từng sống. Căn hộ nằm ở tầng 9, đêm về, gió thổi vào nhà lồng lộng. Căn hộ của chị em Diêu có diện tích chưa đến 40 mét vuông, là diện tích nhỏ nhất của dự án. Tưởng chật nhưng khi mấy chị em yêu thương, đùm bọc nhau thì nó vẫn cứ là rộng. Trong nhà cũng không có nhiều đồ nên vẫn đủ để ba người lớn và một đứa trẻ sống với nhau.

Trước đây, vì công việc khác nhau, chị em Diêu mỗi người ở một nơi để thuận tiện cho việc đi lại. Diêu là công nhân, khu công nghiệp nằm khá xa trung tâm nên dù chung một thành phố nhưng chị em cô ít có cơ hội gặp nhau. Người này nghỉ thì người kia đi làm, đi học. 

Trong số ba chị em, bé hai là đứa thông minh, tháo vát, biết tính toán hơn cả. Việc mua căn hộ chung cư này, cũng là bé hai khởi xướng. Hai năm trước, khi nghe bé hai thông báo sẽ mua nhà, Diêu mắt mở to vì ngạc nhiên. Ngồi nghe bé hai nói chuyện, Diêu mới hay đó là dự án nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp. Nhưng vì còn liên quan đến một số ràng buộc nên không phải ai cũng có cơ hội được mua.

Diêu chưa bao giờ nghĩ đến việc mua nhà. Khi không phải lo cho hai em ăn học, đến lượt cu Bin ra đời. Lương công nhân của cô chỉ đủ trang trải tiền nhà, tiền ăn, rồi tiền trường cho con. Lúc đó, trong đầu Diêu hiện lên băn khoăn: "Làm sao có đủ tiền mà mua nhà?". Như hiểu thắc mắc của chị, bé hai bảo: "Ba chị em mỗi người gom vào một ít, chỉ cần có 30%, phần còn lại ngân hàng cho vay, được hỗ trợ lãi suất". Sợ Diêu chưa tin, bé hai trổ tài tính toán: "Chị tính coi, tiền thuê nhà hàng tháng cũng xấp xỉ tiền trả góp rồi. Sau mười lăm năm, khi trả góp xong căn hộ nghiễm nhiên là của mình. Mai mốt không muốn ở nữa thì bán, tiền lãi mấy chị em chia nhau".

Nghe bé hai nói vậy, Diêu thở phào nhẹ nhõm. Mọi thủ tục giấy tờ có bé hai lo liệu, Diêu chỉ việc ra ngân hàng rút sổ tiết kiệm đưa cho em. Hồi đó, Diêu có để dành được một ít tiền hòng khi ốm đau hay sau này nuôi con trai ăn học. Cộng thêm khoản tiền gom góp của bé hai và bé út, cũng xấp xỉ được một nửa căn nhà. Khoảng một năm sau kể từ ngày bé hai kí hợp đồng thì chị em Diêu được nhận nhà. 

Ba chị em Diêu đã có những ngày vui vẻ bên nhau, nhưng thời gian đó chóng qua. Diêu thực sự không hiểu bằng một cách nào đó, những xích mích rồi rạn nứt dần len lỏi vào cuộc sống của ba chị em. Tiền ăn đóng đều như nhau, ấy vậy mà một ngày nọ, hai đứa em bỗng nhiên quay sang nói Bin ăn nhiều ăn ít. Diêu có hơi sững sờ nhưng để giữ hòa khí trong nhà, hai mẹ con Diêu chọn nấu ăn riêng. 

Ngày cuối tuần nọ, Diêu đi làm về muộn, lúc bước vào nhà, Diêu thấy một bàn đầy ắp đồ ăn. Bé hai và bé út vừa ăn uống vừa nói cười hỉ hả. Đến chừng vào phòng, lòng Diêu se thắt khi thấy con trai nằm lủi thủi một mình trên giường. Diêu cúi xuống ôm con trai, hỏi: "Con có đói bụng không?". Nghe giọng con trai ướt mèm: "Con đói quá mẹ ơi!" mà Diêu chực khóc. 

Đỉnh điểm là hôm đó, có lẽ vì thèm quá mà con trai Diêu lỡ ăn chén Lagu gà của hai dì, để rồi cả bé hai lẫn bé út nổi trận lôi đình, đập cửa, lôi đồ của hai mẹ con Diêu vứt chỏng chơ ngoài hành lang, ép buộc mẹ con Diêu phải ra khỏi căn nhà đó. 

Bé hai đôi mắt đỏ ngầu, giọng đầy thách thức: Nhà này tôi đứng tên, chị có giấy tờ gì không mà đòi chia lợi nhuận". Diêu lúc đó cố gắng giữ cho mình cứng rắn, để không bật khóc: "Em ơi. Chị cũng đóng tiền với em mà! Chị có đến ở không đâu, sao em lại nói vậy". Nhưng đáp lại lời Diêu, bé hai giọng lạnh tanh: "Ai biểu ngu ráng chịu!".

Diêu đứng chết lặng, hoàn toàn không tin vào tai mắt mình. Như thể ai đó xa lạ, không phải là hai đứa em gái của mình. Nhưng Diêu không muốn đôi co thêm, sợ con trai phải chứng kiến cảnh mẹ và hai dì lời qua tiếng lại, cũng chẳng hay ho gì. Rồi còn hàng xóm nữa. Nghĩ vậy, Diêu lẳng lặng gom đồ rồi dắt con ra khỏi chung cư, nhờ người xe ôm tìm một chỗ trọ qua đêm. Qua ngày hôm sau thì Diêu quyết định ở đó luôn cho đến bây giờ. Dù gì trường học của Bin cũng ở đây nên Diêu không thể đi xa hơn.

*

"Diêu!"

Tiếng gọi cắt ngang dòng suy nghĩ của Diêu. Ngước mặt lên, Diêu mừng rỡ khi nhận ra Duyên. Sống ở đây chưa đầy năm, ai biết nhà nấy, thêm nữa hoàn cảnh và công việc của Diêu không được như người ta nên Diêu hầu như không có mối liên hệ nào ngoài hai đứa em của mình. Và Duyên là người hiếm hoi mà Diêu quen biết lúc chuyển về đây sống. Cớ sự vì Duyên cũng có một cậu con trai trạc tuổi Bin, chỉ mới gặp thôi mà hai đứa tỏ ra như quen biết từ lâu. Tình bạn của hai đứa trẻ chính là sợi dây kết nối hai người mẹ với nhau.

Cùng tuổi nhưng Duyên trông trẻ hơn Diêu dễ đến năm tuổi. Thì hẳn rồi, công việc của Duyên suốt ngày trong văn phòng máy lạnh, không như Diêu tất tả ngược xuôi rồi còn phải tăng ca nữa. Duyên có chồng, nghe kể cũng thuộc diện thành đạt, ít nhất đến giờ này cuộc sống của Duyên vẹn tròn, không có gì phải muộn phiền. Chẳng như Diêu một mình nuôi con, giờ lại rơi vào cảnh éo le, không biết những ngày sắp tới sẽ như thế nào. 

Ban đầu, Diêu không có ý định mở lòng, chỉ vì hai đứa trẻ khiến cho sự tiếp xúc giữa hai người mẹ ngày một nhiều hơn. Dần dần câu chuyện đi xa hơn qua công việc rồi cả những nỗi lòng thầm kín. Mới gặp nhưng ấn tượng mà Duyên để lại cho Diêu là một người đôn hậu, tin cẩn nên khi tâm sự, tuyệt nhiên Diêu không còn cảm giác e ngại.

"Đợt rồi Diêu đi đâu, sao vắng thế?", Duyên hỏi ngay khi vừa ngồi xuống bên cạnh Diêu.

"Em khổ quá chị Duyên ơi!", nỗi tủi thân trào lên khiến Diêu không kìm được nước mắt. Diêu đã biết Duyên bằng tuổi mình, nhưng vẫn xưng "chị" giống như lần gặp đầu tiên. Bởi lẽ trong mắt Diêu, Duyên hơn mình tất cả mọi thứ và nữa là sự ân cần của Duyên cũng là một điều xứng đáng được trọng vọng. Không giấu giếm, Diêu trút hết mọi tâm tư bị nén chặt lâu nay. Nghe xong, Duyên gần như sửng cồ lên:

"Em út gì mà cạn tàu ráo máng đến như vậy!".

"Thú thật với chị là em cũng không nghĩ nó lại ra vậy", giọng Diêu có chút sụt sùi lẫn hoang mang.

"Diêu phải làm cho ra ngô ra khoai. Tiền đó là mồ hôi, công sức của mình, không nên chấp nhận mất một cách vô lý như vậy!".

Diêu nhìn ra ngoài sân cỏ, nơi có Bin và lũ trẻ đang tranh nhau quả bóng, giọng như sắp khóc:

"Giờ em cũng không biết phải làm gì. Em chỉ thấy thương Bin…".

"Hồi đó Diêu có đứng tên trên hợp đồng không?", Duyên hỏi.

"Không chị ơi! Em có biết gì đâu, mọi việc do bé hai lo cả…".

Như sực nhớ ra điều gì, Diêu quay sang Duyên:

"Lúc rút sổ tiết kiệm, em có chuyển khoản vào tài khoản của chủ đầu tư để đóng đợt hai, dư bao nhiêu thì em đưa cho bé hai đóng đợt ba..."

Nghe đến đó, Duyên vội hỏi:

"Diêu còn giữ biên nhận đóng tiền đó không? Đó cũng có thể là một tang chứng quan trọng".

"Em không nhớ còn hay không. Cũng lâu quá rồi!", Diêu trả lời xong rồi thở dài, như nhìn thấy một cơ hội quý giá vừa trôi qua mắt mình. Bất giác, Duyên cầm tay Diêu, ân cần:

"Không sao đâu. Nếu cần thiết có thể xin sao kê từ ngân hàng". Duyên nhìn thấy đôi mắt Diêu ánh lên tia hy vọng mà không khỏi thương cảm. "Thế này Diêu ạ! Mình có một người bạn là luật sư. Để mình gọi cho người bạn đó hỏi thăm tình hình xem sao!".

"Liệu em có lấy lại được số tiền của mình không chị Duyên?", Diêu hỏi, trong đầu hiện lên số tiền mà mình đã nộp cho chủ đầu tư cũng như đưa cho bé hai trước đây. Đó vẫn là số tiền lớn đối với Diêu, nhất là trong tình cảnh như hiện nay. 

"Thực sự thì mình cũng không chắc chắn. Có thể luật sư họ sẽ có cách nào đó. Mình cứ thử xem sao!".

"Em cảm ơn chị nhiều lắm!".

*

Quả tình là trong lòng Diêu có một chút khấp khởi sau buổi nói chuyện với Duyên. "Nếu có thể lấy lại được số tiền ấy", Diêu nghĩ thầm trong bụng, "sẽ tốt biết bao". Có thể, hai mẹ con Diêu vẫn tiếp tục chuỗi ngày đi ở trọ, nhưng ít nhất tương lai, chuyện học hành của Bin dù sao cũng khiến Diêu an tâm phần nào. Có điều, công việc cuối năm bận rộn cuốn Diêu đi, khiến cô cũng quên luôn lời đề nghị của Duyên hôm trước. Bởi vậy, khi thấy điện thoại của Duyên gọi đến, Diêu cảm thấy có lỗi vô cùng.

"Em có lỗi quá chị Duyên ơi!", Diêu rối rít xin lỗi ngay khi vừa bắt máy.

Bên kia đầu dây, giọng Duyên nhẹ nhàng:

"Không sau đâu. Mà Diêu có tìm thấy tờ biên nhận kia không?".

"Dạ, may quá chị Duyên ơi! Lâu nay nó vẫn nằm dưới đáy ba lô mà em không để ý".

"Vậy thì tốt rồi. Mình có tin vui cho Diêu đây! Người bạn của mình nói, vụ này hoàn toàn có thể giải quyết được. Chỉ cần Diêu ra ngân hàng xin sao kê giao dịch đó, luật sư họ sẽ tư vấn thêm về đơn kiện cũng như bổ sung giấy tờ cần thiết".

Bỗng nhiên, bàn tay đang cầm điện thoại của Diêu trở nên run run. Như thể, hành trình cam go kia của Diêu đã gần tới đích. Bên tai Diêu, giọng Duyên đầy quyết liệt và có chút bực bội: "Diêu thu xếp đi, mình sẽ hẹn luật sư để hai bên gặp nhau. Em út như vậy bạn không cần phải nể nang làm gì!".

Cảm xúc trong Diêu lẫn lộn, nửa mừng vui nửa đau đớn. Diêu đắn đo một lúc, rồi hít một hơi dài trước khi nói với Duyên:

"Chị Duyên ơi. Em cảm ơn chị nhiều lắm. Mà chắc thôi chị ạ! Đằng nào sự cũng đã rồi, chẳng hay ho gì khi chị em dẫn nhau ra tòa…".

Chẳng đợi Diêu dứt câu, Duyên vội vã lên tiếng, âm vực to khác thường:

"Em bị làm sao đấy! Không nghĩ cho mình thì cũng nghĩ cho con trai. Em cứ suy nghĩ cho kỹ đi, đừng quyết định gì vội!".

"Dạ, em cảm ơn chị Duyên nhiều lắm. Em cũng nghĩ rồi, của đi thay người nên em quyết định thôi chị ạ!".

Nghe Diêu nói vậy, Duyên gần như thét lên trong điện thoại:

"Diêu ơi là Diêu. Diêu cứ vậy sẽ khổ mãi thôi!".

Truyện ngắn của Hồ Huy Sơn
.
.