Những mảnh hồn lưu lạc

Thứ Năm, 01/10/2020, 10:22
Theo tục lệ lâu đời ở làng Bính, khi trong nhà có người sắp ở cữ, bao giờ cũng phải chuẩn bị một chiếc niêu đất nhỏ, lấy lá dâu già chùi đánh bóng mịn cả trong lẫn ngoài, xong rồi đem trầm trong rượu gạo đúng ba mươi ngày, vớt ra phơi nắng ba mươi trưa, phơi sương ba mươi tối.

                                                                                                 

Khi chiếc niêu đã ánh lên màu vàng sậm, tỏa ra mùi thơm ngòn ngọt ngai ngái nơi góc buồng là lúc cả nhà hồi hộp đếm từng ngày đợi em bé ra đời. Cuống rốn và nhau thai của em bé vừa lọt lòng sẽ được đặt vào đó trước khi chôn xuống đất. Làm như thế để sau này đứa trẻ lớn lên dù có đi đâu cũng không bao giờ quên quê hương bản quán.

Seo trở dạ vào một ngày giông gió. Lúc đó chớp sáng lòa rạch ngang dọc trên bầu trời, từng đám mây đen kịt sà xuống che khuất đỉnh núi, cây cối vặn mình răng rắc trong trận cuồng phong. Mảnh sân con cát bụi lốc mịt mù, đất trời rung chuyển như người đàn bà trong cơn đau đẻ.

Tráng nghe điện thoại liền vội vã chạy về để đưa vợ đi bệnh viện thì Seo đã sinh. Bà Vang lau rửa rồi cắt rốn cho cháu ngoại, Seo nằm kiệt sức rũ rượi như một chiếc giẻ lau rách rưới sũng nước. Tráng bồi hồi ngắm nghía đứa bé sơ sinh đỏ hỏn đang say ngủ bên cạnh vợ. Dọn dẹp xong xuôi, bà Vang chỉ tay vào mớ lầy nhầy đặt trên chiếc khay nhôm, bảo hắn:

- Con mang thứ này ra sau vườn chôn đi. Nhau thai với cuống rốn đấy.

Seo ngóc đầu khỏi chiếc chõng đẻ, định nói câu gì đó nhưng lại thôi, đôi mắt nhắm nghiền mỏi mệt. Trong đầu cô hiện ra bóng dáng cây khế nơi góc vườn mà có lẽ bây giờ tất cả đã mục rữa đi trong nước. Người thợ làm nồi đất cuối cùng là bác Cả Nhiên chết từ lâu rồi, làng Bính chỉ còn lại cái tên, chẳng ai còn nhớ đến tục lệ chôn nhau xưa cũ nữa.

Minh họa: Doãn Hoàng Kiên

Tráng mang cả chiếc khay bước ra ngoài nhưng bỗng nhiên lại ngần ngừ suy nghĩ một lát. Hắn len lén liếc nhìn Seo đang nằm ôm con trong phòng, những ngón tay gầy guộc nổi rõ đốt xương dưới làn da vàng như cây lau mùa hạn đặt hờ lên mép gối. Hắn liền bước thẳng xuống bếp, nhẹ nhàng mở vòi nước rửa sạch máu trên chiếc hoa người đẻ, cẩn thận bỏ các thứ gia vị vào tẩm ướp rồi hấp cách thủy lên. Lửa lem lém bén dưới đít nồi, một thứ mùi kì dị tỏa ra, kéo hàng bầy quạ đến bu quanh nhà kêu lên quàng quạc. Tráng vội vàng tắt lửa, bê lên nhà, khe khẽ gọi vợ dậy:

- Ăn đi. Tôi nghe bảo hoa người hầm lên bổ lắm đấy.

Seo nhìn vào miếng thịt đen đen quăn queo trong chiếc bát sứ trắng rợn, bỗng thấy cả người run lẩy bẩy như lên cơn sốt, cắn chặt hai hàm răng nhưng không nén được tiếng khóc :

- Sao anh nỡ làm thế, mang đi chỗ khác nhanh lên.

Tráng lủi thủi lẩn xuống bếp, ngang qua ngạch cửa cái chân tập tễnh vấp phải viên đá kê cột, cả cái bát trên tay vuột xuống vỡ toang. Hai con chó mực núp trong xó tối ngửi mùi rất nhanh xông tới gầm ghè nhau để cướp miếng thịt vừa rơi ra, cuối cùng mỗi con xé được một nửa.

Hắn run rẩy ngồi thụp xuống, tay ôm ghì lấy đầu để át đi tiếng chó nhai ngâu ngấu.

*

 Mẹ Tráng đau đẻ hắn ngay tại bãi rác làng Bính, bầy chó hoang sủa lên dữ dội khi thấy người đàn bà nằm vật vã, một con chó đói khát nhất lao đến ngoặp cái vật ngo ngoe vừa lọt ra giữa hai chân bà định lôi đi. May vừa lúc đó người làng đến kịp, Tráng thoát chết trong gang tấc nhưng một chân bị tật lớn lên phải đi cà thọt.  Năm lên mười bốn tuổi thì mẹ mất, vốn không có cha mà cũng chẳng có anh em họ mạc gì, Tráng cứ một mình đùi đũi sống trong túp lều xập xệ nơi mé làng, mùa xuân lên núi đốt cỏ đào hố cho người trồng keo, mùa hè xuống đồng cầm liềm hái thừng chạc gặt mướn hay vác rìu đi bổ củi.

Túp lều của Tráng dựng kế nơi mép khu vườn rộng của ông bà Vang, cuối vườn có cây khế quả sai trĩu trịt. Thỉnh thoảng bà Vang lại sai cô con gái tên là Seo mang sang cho hắn bát canh khế nấu tép, hắn bối rối chả biết nói gì, chỉ khi Seo đi rồi mới ngơ ngẩn nhìn theo. Seo là cô gái đẹp nhất làng Bính, dáng cao, tóc dài, nụ cười lấp lánh sáng bừng khuôn mặt rám nắng khỏe khoắn. Tráng biết mình mồ côi, bị tật lại còn nghèo, nghĩ về Seo mà lòng buồn bã.

Bởi thế khi lão Viềng bảo Tráng sẽ giúp hắn kiếm tiền, Tráng giật mình sửng sốt.          

Lão Viềng là dân làng Bính nhưng khéo làm ăn nên giàu sớm, giờ có một nhà hàng lớn, lại kiêm cả buôn bán thịt thú rừng, bán xương nấu cao ngâm rượu đi khắp nơi. Mụ vợ lão béo đến căng nứt ra, cổ nặng trĩu đầy vàng, cổ tay cổ chân cũng đeo lắc vàng, nghe đồn mụ còn xỏ khoen vàng nơi núm vú. Đang lúc có mối làm ăn nên cần người, vợ chồng lão tìm tới tận chỗ Tráng, ngọt nhạt bảo:

- Mày đến tuổi này đã đến lúc phải nghĩ đến chuyện vợ con rồi, chả ai sống một mình mãi được. Nhưng muốn làm gì thì trước tiên cũng phải có tiền, tao thấy thương mày thật thà nên sẽ bày cho mày cách kiếm tiền dễ như nhặt lá. Không có tiền suốt đời sống nhục như chó, mày hiểu chưa.

Mùa thu năm đó Tráng bắt đầu làm thuê cho lão Viềng trên thị trấn.

Lão Viềng giao cho hắn mỗi ngày mặc một bộ đồ lao động cũ nát, chạy chiếc xe xập xệ đến ngồi ở quán nước trước cửa bệnh viện. Khi nghe điện thoại reo, hắn tiến đến cổng, nhanh chóng nhận những bịch ni lông màu đen do người bên trong cầm ra, đem bỏ vào thùng xốp đựng nước đá. Đó là những bịch nhau thai người đẻ đáng lẽ ra là rác thải y tế phải đem tiêu hủy nhưng lão Viềng khôn khéo móc ngoặc được với một số hộ lý để mua bán lén lút. Tráng gom đủ rồi đưa về nhà chế biến.

Từng chiếc nhau thai tươi được Tráng  rửa sạch dưới vòi nước, dùng mũi dao chích vào để máu còn dư trong đó chảy ra hết. Sau đó hắn đặt lên một nồi hơi nước có chứa vài lát gừng, nửa quả chanh và ít hạt tiêu, hấp nhỏ lửa chừng mười lăm phút. 

Xong xuôi tùy vào khách đặt ở chỗ lão Viềng mà có thứ hắn bỏ nguyên chiếc vào lò vi sóng sấy khô, đóng gói cẩn thận để cho khách mua ngâm rượu, có thứ được cắt nhỏ rồi mới sấy xong tán thành bột cho vào lọ nhỏ để khách uống dần. 

Cũng có ngày khách muốn ăn canh tươi, hắn hấp sơ rồi mang đến quán, lão Viềng sẽ cho nhau thai vào với mười hai vị thuốc bắc rồi đem hầm nhừ, mỗi bát như thế giá vài triệu đồng. 

Lâu nay người ta vẫn đồn đại tử hà sa là một vị thuốc chữa được bách bệnh, bổ âm tráng dương, nhưng chỉ có đồ khô nhập từ nước ngoài về nên nhiều người ngần ngại không dám dùng. Từ lúc bí mật kinh doanh mặt hàng này, quán của lão Viềng lúc nào cũng nườm nượp khách.

*

Khi Seo sinh ra thì làng Bính còn ở dưới chân núi Cấm.

Ngày đó ông Vang vẫn nhớ mang nhúm nhau đặt vào chiếc niêu đất nho nhỏ vừa nằm gọn trong lòng hai bàn tay, đem chôn ở gốc cây khế cổ thụ sau vườn. Chiếc niêu này được bác cả Nhiên làm từ loại đất sét dẻo mịn nhất đồng Lùng, nhào trộn kỹ với nước sông Tiên ngọt lịm vị phù sa, nung bằng than củi đỏ đượm đốt trên núi Cấm. Lò gốm có gần chục thợ làm đủ thứ từ nồi niêu đến chum chóe to nhỏ khác nhau nhưng những chiếc niêu đất đựng nhau trẻ sơ sinh do người làng dặn thì bao giờ bác Cả cũng tự tay làm.

Cây khế cổ thụ nơi chôn nhúm nhau của Seo đã bị chặt hai năm trước, khi làng Bính được dời đi để nhường đất cho một nhà máy thủy điện do nước ngoài đầu tư. Nơi gia đình Seo sống trước kia giờ chỉ là một vùng trắng xóa mênh mông nước. Những đàn chim tránh rét hằng năm di cư xuống không tìm thấy chốn dừng chân quen thuộc, cứ đập cánh xao xác mãi trong ánh tà dương đỏ lịm trên hồ.            

Người làng Bính đưa nhau về nơi định cư mới.

Làng mới nằm trên một bãi đá sỏi mênh mông vừa được san ủi, một con đường lớn chạy chính giữa, mấy trăm hộ dân chia lô ở hai bên trong những căn nhà tường gạch mái tôn giống hệt nhau. Không còn rừng, không còn ruộng, không có việc gì để làm, cánh đàn ông đốt những đồng tiền đền bù trên chiếu bài và chiếu rượu. 

Từ khi công trình thủy điện đi vào hoạt động, nhà hàng của lão Viềng lúc nào cũng đông khách. Thịt nướng, rượu ngâm, đủ thứ đồ tẩm bổ làm không kịp để bán. Người ta bảo lão học lỏm được bí quyết ngâm loại rượu đặc biệt từ nhau thai người, uống vào bổ thận tráng dương, tràn trề sinh lực.

Anh Cả của Seo làm nghề lái máy cày, giờ rảnh rỗi nên dần dần cũng mượn rượu để giải sầu, thỉnh thoảng lại cùng đám đàn ông trong làng qua lại quán của lão Viềng, cặp kè với một nhân viên phục vụ mặt mũi non choẹt, móng tay móng chân sơn xanh lè, mặc áo hở đến nửa chân ngực. Ông bà Vang cố sức khuyên giải mà không được. Ít lâu sau chị dâu li thân rồi đưa cháu về bên nhà ngoại. Ông Vang vốn đã khôn nguôi nhớ thương làng cũ, giờ lại thêm cảnh nhà lục đục, đổ bệnh nằm liệt một chỗ.

Một buổi chiều hai mẹ con Seo đang cặm cụi cắt chỉ đơm nút áo gia công cho xưởng may như mọi khi thì một chiếc xe đỗ xịch trước cửa. Từ trên xe hai người đàn ông lực lưỡng bước xuống, xốc nách anh Cả kéo lê vào cổng ném uỵch xuống như một cái xác. Chúng hất hàm bảo bà Vang:

- Con trai bà đánh bạc, chơi gái hết tiền, vay ông Viềng mấy trăm triệu giờ lãi mẹ đẻ lãi con mãi không thấy trả. Nhà cửa đất cát cầm cố hết rồi còn mỗi cái mạng này tôi vác về cho ông bà xem tính thế nào thì tính.

Anh Cả bò lê như một con chó ốm, níu lấy chân mẹ khóc lóc lảm nhảm. Bà Vang sụm người xuống. Seo mới đỡ được mẹ dậy thì bọn chúng đã ào vào hung hăng cướp giật đồ đạc trong nhà mang đi. Ông Vang chưa hiểu rõ sự tình nên lết khỏi giường cố giằng lại, bị chúng xô ngã giữa nhà, bệnh tình ngày càng trở nặng hơn, ít lâu sau thì qua đời.

Ngày đám tang ông Vang, Tráng về làng tập tễnh đi sau đẩy chiếc xe chở áo quan, nghĩ đến ông già hàng xóm gầy gò cả đời chỉ biết cặm cụi sau con trâu cày mà ứa nước mắt. Nghĩa địa cũ của làng cũng đã chìm sâu dưới nước, người ta chôn ông Vang bên sườn vạt núi trọc cách làng mới mấy cây số. Seo khóc ngất đi bên ngôi mộ của cha nằm đơn độc trong ánh hoàng hôn tàn tạ. Mãi tối muộn Tráng mới dìu được Seo ra xe để trở về.

Đến khi mãn tang cha thì Seo đồng ý làm vợ Tráng.

*         

Dẫu đã cưới Tráng gần một năm nhưng lâu nay Seo vẫn không rõ chồng làm việc gì cho lão Viềng vì Tráng rất kín kẽ. Từ sau cái lần thấy Tráng chế biến nhau thai của con, Seo để tâm theo dõi thì mới phát hiện ra lão Viềng lợi dụng chồng mình tàn tật ít người nghi ngờ để giao việc lấy nhau thai từ bệnh viện về ngâm tẩm thành các món ăn bán cho khách. 

Seo vừa giận vừa thương, cố năn nỉ chồng đừng làm thế nhưng Tráng cứ lặng im như cục đá. Seo đâu có hiểu nỗi lòng của Tráng, đã làm ăn với người như lão Viềng có phải muốn bỏ là bỏ được đâu. Làng Bính này đã bao nhiêu người tan cửa nát nhà trong tay lão.

Mới ở cữ được nửa tháng thì Seo đã trở dậy, nhận đồ từ các xưởng may về làm gia công như trước. Tráng muốn vợ nghỉ ngơi nhưng không được, nghĩ vợ chê đồng tiền mình kiếm được là bẩn thỉu, hai vợ chồng nhiều ngày giận nhau nín bặt chẳng ai nói với ai một câu, không khí trong nhà u ám như bị phủ bởi tấm màn đen nặng trịch.

Nhưng điều làm Tráng khổ tâm nhất là hắn không có cách nào gần gũi đứa con mới sinh ra. Hắn mới chỉ bước lại gần là thằng bé đã bắt đầu khóc, còn khi ẵm con lên là nó dãy giụa liên hồi, mặt đỏ bừng, miệng ré lên ằng ặc đến trào cả sữa.

Seo nghĩ hay tại người chồng có mùi tanh, đến trẻ con còn thấy sợ.

Những lúc đi dọc theo con đường sát bờ sông để lên thị trấn lấy hàng, Seo bất giác dừng lại nhìn theo những con sóng trào lên ngầu bọt đỏ mà lòng buồn bã. Dưới con sóng đó bao nhiêu thứ đã bị vùi chôn. Lớp người cũ mất đi, những tập tục cổ xưa rồi cũng chìm vào quên lãng, Seo thấy mình như cái cây bị bứt lìa khỏi gốc đang héo úa đi từng ngày.

Công trình thủy điện đã bước vào giai đoạn xây dựng tấp nập nhất, công nhân đổ về ngày càng nhiều, quán lão Viềng lúc nào cũng đông nghẹt. Cách đây năm hôm có mấy tay khách lạ tới, gọi một mâm rượu thịt ê hề. Ăn uống một lát thì có gã gọi lão Viềng vào, hỏi nhỏ gì đó. Thoạt tiên mặt lão Viềng xám ngoét cả đi, chân tay run lẩy bẩy. Một gã trong bọn họ nhếch mép cười, rút ra một xệp tiền, lão Viềng vẫn lắc, gã rút ra xệp nữa, lão Viềng hơi ngần ngại. Cuối cùng khi xệp tiền đã chồng cao cỡ nửa gang tay thì lão Viềng như người nửa tỉnh nửa say, mụ mẫm gật đầu.

Sáng nay Tráng nhận được điện thoại của lão Viềng bảo qua con hẻm có phòng khám tư. Tráng chạy xe đến nơi ngồi đợi trước một quán nước nhỏ, một lúc thì có một người phụ nữ trung niên mang tới cho một phích nhựa lớn, bảo hắn đem về.

Tráng mang toàn bộ xuống khu bếp riêng hắn vẫn chuyên dùng để sơ chế nhau thai, mở nắp ra thò tay vào túm lên một thứ lầy nhầy. Tráng bỗng giật thột một cái, trên tay hắn không phải là túi nhau người như mọi khi mà hình như là một bào thai. Tráng run lên như dẽ, vội vã thả tất cả vào đóng nắp lại, lao tới bồn nước nôn ọe hết mật xanh mật vàng.

Điện thoại của hắn rung chuông, Tráng hoảng hốt bắt máy. Tiếng lão Viềng hạ xuống rất nhỏ:

- Mày nhận được nguyên liệu chưa, chịu khó giúp tao lần này nhé.

Tráng vừa nói vừa nghe hai hàm răng đánh lập cập:

- Tôi không làm được đâu, làm thế này thất đức lắm.

Lão Viềng đổi giọng năn nỉ :

- Chỉ lần này thôi. Mày cố lên lần này rồi tao cho vợ chồng mày ít tiền sửa lại cái nhà mà ở.

Tráng đặt điện thoại xuống, ngẩn ngơ như người mất hồn, run rẩy bước tới gần chiếc phích nhựa, hai tay cứng lại như bị ướp đá, cái chân thọt giật giật từng cơn đau nhói buốt lên tận óc. Hắn ngã vật xuống đất mê man bất tỉnh.

Giữa cơn mê sảng, Tráng mơ thấy câu chuyện mẹ kể ngày xưa, khi hắn mới lọt lòng thì xuất hiện một đàn chó hoang con nào con nấy nhe nanh trắng ởn, lưỡi đỏ lòm thè lè quây lấy. May vừa lúc người làng đi tới cứu được hai mẹ con. Bà Vang giằng lại từ lũ chó đói mảnh nhau thai của hắn, ông Vang đem rửa rượu sạch sẽ rồi bỏ vào chiếc niêu đất mới ra lò do bác Cả Nhiên mang tới. Mảnh nhau rách nát còn sót lại của hắn vẫn được chôn xuống đất như mọi đứa trẻ sinh ra nơi làng Bính.

Từ trên nhà vẳng lại tiếng Seo hát ru con, giọng trầm buồn ngân lên khe khẽ. Tráng dần dần hồi tỉnh lại, hắn bỗng quay quắt nhớ làng Bính thuở xa xưa, những buổi trưa cánh đồng lúa rực vàng lên trong nắng, tiếng à ơi của những người mẹ trẻ lẫn trong tiếng võng đưa kẽo kẹt. Cây khế cổ thụ rợp bóng mát phía sau nhà Seo quả xanh quả chín chen nhau lúc lỉu. Mẹ vẫn thường sai hắn đến xin ông bà Vang ít quả để nấu canh chua.

Làng Bính đã chìm trong nước. Nhúm nhau của những đứa trẻ mới sinh ra được chôn trong bụng người. Hắn bỗng nghĩ đến đứa con, nước mắt chảy ra ứ nghẹn.

Tráng bước ra khỏi gian bếp tối tăm, tay xách theo chiếc phích nhựa, lần đầu tiên đi bằng cái chân thọt mà không thấy mình tập tễnh. Hắn đi mãi đi mãi đến khi tới một vùng đất xa xôi vắng vẻ, lặng lẽ ngồi xuống xới từng nắm đất lên, dùng vải trắng quấn lấy bào thai mới tượng hình rồi chôn xuống đó.      

Ngay tối hôm đó hắn quyết định rời đi, cùng vợ con tới một ngôi làng nằm rất xa bên kia núi Cấm.

Seo địu con đi theo chồng, tay cô mang theo một cây khế nhỏ. Ánh sáng từ nhà máy điện hắt theo bóng họ kéo dài trên lối mòn sương bay mù mịt. Seo thoáng nghĩ đến một mảnh vườn rất xanh nơi những đứa trẻ ra đời sẽ được chôn nhúm nhau xuống đất như phong tục cũ.

Truyện ngắn của Trần Thị Tú Ngọc
.
.