Người sống lâu nhất
“Con về ngay, cô Phương Trinh chết rồi…”. Cú điện thoại của mẹ như tiếng sét ngang tai làm tôi sửng sốt. Chiều nay có cuộc họp giao ban công ty, nhưng việc này không thể dừng được. Tôi nói với cô thư ký thông báo cho lãnh đạo các phòng, ban… chuyển cuộc họp sang chiều hôm sau và báo lái xe chuẩn bị đưa tôi về quê ngay. Ngồi trên xe, những ký ức về một nhà giáo mẫu mực, giàu lòng vị tha cứ hiển hiện trong tôi suốt dọc đường về.
Sinh ra và lớn lên ở một làng quê ven con sông Đáy thơ mộng, tuổi thơ của Lê Phương Trinh gắn bó và lưu giữ biết bao kỷ niệm ngọt ngào trên dòng sông hiền hòa, trong mát như gương thuở ấy. Cũng nhờ con sông quê mà có lần Phương Trinh đạt giải nhất môn bơi một trăm mét nữ do Huyện đoàn tổ chức. Sau này vào học ở trường Cao đẳng Sư phạm, cô có nguyện ước khi ra trường được trở về dạy học chính nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình… “Cầu được ước thấy”, với tấm bằng xuất sắc, Phương Trinh được Sở Giáo dục quyết định tiếp nhận và điều về làm giáo viên tiểu học tại quê nhà. Cô sung sướng trong niềm vui khôn tả.
Phương Trinh không đẹp rực rỡ như diễn viên điện ảnh nhưng rất có duyên. Gương mặt dịu hiền, đôn hậu. Đôi mắt lá dăm sóng sánh nước ẩn trong hàng mi cong và cặp lông mày rậm mượt. Nụ cười tươi tắn, cởi mở, dễ gây ấn tượng cho người tiếp súc. Được luyện tập bơi lội từ nhỏ nên cô có thân hình khá cân đối.
Đã có mấy chàng “công tử” khá điển trai, thuộc diện con nhà có “của ăn của để” gần gũi, ngỏ lời yêu nhưng Phương Trinh đều lựa lời từ chối. Với cô, cái đẹp tâm hồn, cái đẹp nội tâm con người mới đáng trân quý và có giá trị bền vững. Còn vẻ đẹp bề ngoài, kể cả vật chất đủ đầy mà không có hạnh phúc thì cuộc sống cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Cô chỉ có nguyện ước đơn giản là chọn được người bạn đời tử tế, thủy chung, đồng cảm và sẻ chia những lúc khó khăn, vất vả trong công tác xã hội cũng như công việc gia đình.
Một hôm đang định đem chiếc quạt bàn cho thợ sửa, Phương Trinh thấy chiếc xe Lexus LX570 đỗ xịch trước cổng, một nam thanh niên còn khá trẻ, cao ráo, phong độ xuống xe đi vào sân nhà mình. “Ai thế nhỉ?” - Cô tự hỏi. Chợt nhận ra “đối tượng” đã từng ngồi cùng mâm, cùng chạm ly trong bữa liên hoan đầu năm vừa rồi mừng xã nhà đón nhận danh hiệu Anh hùng, cô chủ động nói với khách:
- Chào anh Hùng. Hôm nay có việc gì mà “rồng” lại đến nhà “tôm” thế này?
Một thoáng ngỡ ngàng, Hùng bắt tay cô rất điệu nghệ rồi hỏi lại:
- Em vẫn nhớ tên anh?
- Nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và xuất khẩu đồ gỗ, tên tuổi anh lừng danh cả tỉnh, em quên sao được.
Minh họa: Hà Trí Hiếu |
Được lời như cởi tấm lòng, tâm lý e ngại ban đầu nhường chỗ cho sự tự tin. Hùng “dẻo mỏ” nói với chủ nhà:
- Mấy lần định về thăm em nhưng bận quá, hôm nay rảnh rỗi, anh tranh thủ đến thăm và đề xuất với em một việc, không biết cô giáo có thời gian tiếp không?
- Vô tư đi anh, hôm nay là ngày nghỉ mà.
Lấy trong cặp chiếc hộp nhỏ, bên ngoài bọc lớp vải nhung đỏ rất đẹp đưa cho Phương Trinh, Hùng vui vẻ nói:
- Anh vừa đi Paris về, có lọ nước hoa tặng em làm kỷ niệm.
- Anh chu đáo quá - Cô niềm nở.
Sau một hồi “vòng vo Tam Quốc”, chàng thanh niên khéo léo “đặt vấn đề” muốn làm bạn đời với Phương Trinh.
Lời tỏ tình đột ngột làm Phương Trinh bất ngờ. Hai má ửng hoa đào. Cô cúi mặt, suy tư... Không gian vắng lặng, chỉ nghe thấy tiếng “tích, tắc” của chiếc đồng hồ treo tường và nhịp đập rộn rã của con tim. Một lúc sau cô mới đáp lại sự mong đợi của người đối thoại, giọng nhẹ như gió thoảng chiều xuân:
- Rất hạnh phúc được anh dành cho em những tình cảm chân thành, có điều em chỉ là cô giáo tiểu học nhà quê, hoàn cảnh gia đình nghèo khó, sao có thể xứng đáng với một đại gia tầm cỡ như anh, với một gia đình “danh gia vọng tộc”.
- Đại gia gì đâu em. Anh cũng như người lính trên chiến trường thôi. Thời buổi bây giờ, thương trường là chiến trường mà. Còn bố anh làm quan chức trên tỉnh, nhưng cũng xuất thân từ một gia đình nông dân, phong cách sống chan hòa, cởi mở. Em đừng ngại.
- Anh ạ, giữa anh và em sống trong môi trường khác nhau, quan điểm, lối sống cũng khác nhau... Anh nên chọn một người khác phù hợp với hoàn cảnh của anh thì tốt hơn, còn anh em mình là bạn tốt của nhau là được rồi.
- Phương Trinh à. Chả giấu gì em, cũng có vài cô chân dài, người mẫu muốn đến với anh, nhưng anh biết họ chỉ săn đón, bám riết để lợi dụng khi anh đang có tiền. Một khi hết tiền, họ bỏ rơi anh không thương tiếc. Nhiều lúc anh cũng mệt mỏi trên thương trường, cần một mái ấm để thư giãn và sẻ chia những lúc khó khăn, vất vả. Anh muốn chọn người bạn đời có tư chất tốt, có khả năng và kiến thức chăm lo gia đình, con cái, cùng anh đi đến bến bờ hạnh phúc, người đó chỉ có thể là em.
- Cảm ơn anh đã có ý nghĩ tốt về em. Em hiểu rằng, nếu làm vợ anh, cuộc sống vật chất thật viên mãn. Được ở nhà lầu với đầy đủ tiện nghi. Đi đâu có xe hơi đưa đón. Tiền tiêu không thiếu. Thỉnh thoảng lại được cùng anh đi du lịch nước ngoài theo lời mời của đối tác hoặc thích đi đâu mà mình muốn. Cuộc sống quả là lý tưởng đối với những người con gái thực dụng, luôn lấy đồng tiền làm mục tiêu, lẽ sống. Còn em đã quen với cuộc sống tự lập, tuy eo hẹp về vật chất nhưng đong đầy yêu thương, nghĩa tình giữa nhà giáo với các em nhỏ, với phụ huynh học sinh. Đối với em, đó là điều hạnh phúc, không có mơ ước gì hơn. Em tự hào và bằng lòng với những gì mình có, không muốn như cây tầm gửi đâu anh.
- Càng tiếp xúc, anh càng quý trọng và nể phục phẩm chất cao đẹp của một nhà giáo như em. Có lẽ lần đầu anh đến thăm và đặt vấn đề đường đột quá nên em chưa đủ thời gian để lựa chọn, quyết định một việc hệ trọng. Mong em suy nghĩ và trả lời anh vào thời gian thích hợp…
Một tuần sau cũng vào ngày chủ nhật, Hùng lại tự lái xe đến thăm Phương Trinh. Mục đích là mời cô đi du lịch Dubai vào cuối tuần sau, khi bước vào kỳ nghỉ hè. Nhưng cô đã tế nhị từ chối. Trước khi Hùng về, Phương Trinh gửi lại chiếc dây chuyền kim cương mà anh để “quên” trong hộp đựng nước hoa tặng cô lần trước, kèm theo một phong thư. Cầm lại chiếc dây chuyền, Hùng tha thiết:
- Đây là món quà nhỏ kỷ niệm chuyến thăm em tại nhà riêng, có gì to tát đâu mà em nỡ từ chối tấm lòng thành của anh. Mong em nhận cho anh vui lòng.
Phương Trinh cười tươi làm ấm lòng khách:
- Anh đã tặng em lọ nước hoa Pháp là quý lắm rồi. Hãy thông cảm cho em…
Từ sau lần viếng thăm ấy, người ta không thấy chiếc Lexus LX570 sang trọng xuất hiện trước cổng nhà Phương Trinh nữa. Có lẽ những gì cô nói trong thư đã làm cho Hùng thất vọng…
*
Thời tiết thay đổi nhanh quá, vừa mới qua đợt rét nàng Bân được mấy ngày mà trời đã nắng như đổ lửa. Tiếng ve sầu đã râm ran trên cây phượng đầu ngõ. Đang định dọn cơm ăn, chợt nhìn thấy một phụ nữ mồ hôi nhễ nhại dắt xe đạp vào sân, tôi chạy ra hỏi:
- Cô sửa xe ạ?
- Ừ. Cô đi họp trên huyện, về đến đây thì xe bị xịt lốp, chắc vướng phải đinh.
- Mời cô vào nhà uống nước, chờ cháu một lát là cô có xe đi ngon lành.
- Cháu cũng sửa được xe? - Người phụ nữ ngạc nhiên hỏi.
- Vâng ạ.
Qua câu chuyện giữa mẹ tôi và khách, tôi biết người phụ nữ đến sửa xe tên là Phương Trinh, giáo viên tiểu học gần chục năm, sau đó chuyển lên trường Trung học cơ sở dạy chuyên văn ngay xã dưới. Chỉ kém mẹ tôi có hai tuổi mà trông cô trẻ quá. Thấy chân mẹ tôi bó bột trắng toát, cô hỏi:
- Chân chị bị sao thế ạ?
Mẹ tôi thành thật:
- Hồi đầu năm, tôi đang đi chợ, gặp một chiếc xe công nông chở đầy phân đạm. Đúng lúc qua quãng đường sóc, một bao phân đạm rơi lăn vào bánh xe đạp làm tôi ngã văng ra ngoài. Cùng lúc đó, một chiếc xe máy đi ngược chiều không kịp phanh đã đè ngang chân tôi, phải đưa đi cấp cứu. Sau khi chụp X quang, phát hiện bị gẫy xương ống chân và ba rẻ xương sườn, tôi phải nằm điều trị ở bệnh viện mất gần hai tháng. Bác sỹ hẹn hai tuần nữa đến tháo bột thì có thể đi lại được. Một mình nuôi năm miệng ăn, phải nằm một chỗ, cơ cực quá cô ạ.
- Thế bố các cháu đâu hả chị?
- Cảm ơn cô đã hỏi thăm. Chồng tôi hy sinh từ khi cháu út mới ba tháng tuổi. Đêm hôm ấy, khi phát hiện tên trùm buôn bán ma túy đang lẩn trốn trong rừng, anh ấy đã nhanh chóng áp sát quật ngã đối tượng, nhưng bất ngờ từ lùm cây phía sau, một tên trong đồng bọn lao ra, dùng dao đâm một nhát phía sau lưng. Ngay sau đó, đồng đội đến ứng cứu, tóm gọn tên tội phạm, tra tay vào còng số tám rồi đưa chồng tôi đi cấp cứu. Do vết thương quá nặng, anh ấy đã tắt thở trước khi tới bệnh viện.
Đưa tay quệt giọt nước mắt đang lăn trên gò má, giọng mẹ tôi nghẹn lại:
- Sóng gió cuộc đời rồi cũng qua đi cô ạ. Nào ngờ vừa mới tháng trước, thằng lớn nhà tôi lại bị đuổi học làm tôi đau hết cả đầu.
Cô giáo rưng rưng xúc động, nhìn mẹ tôi ái ngại:
- Cháu làm sao mà bị đuổi học?
Chưa trả lời câu hỏi của cô, mẹ tôi mở ngăn kéo lấy tờ giấy rồi nói: “Đây cô xem”. Cô lướt nhanh những dòng đầu rồi dừng lại trước những hàng chữ in nghiêng trong tờ quyết định: “Buộc thôi học em Hoàng Xuân Tuấn”, học sinh lớp sáu A vì ý thức tổ chức kỷ luật kém, nhiều lần bỏ học giữa giờ, lấy cắp tiền của giáo viên ngay tại phòng làm việc…”.
Cất lại tờ quyết định vào ngăn kéo, mẹ tôi bộc bạch:
- Chung quy cũng tại tôi mà cháu bị đuổi học, chứ bản chất cháu Tuấn thật thà, ngoan ngoãn lắm cô ạ. Hằng năm đều được nhà trường xếp loại hạnh kiểm tốt, học sinh Tiên tiến hoặc Xuất sắc. Đột nhiên tôi nhận được bì thư từ tay cô nhân viên bưu điện. Đọc tờ quyết định mà tôi bủn rủn cả người, như không tin vào mắt mình. Truy nguyên cháu mới hay, hôm tôi bị gẫy chân, cháu vào phòng thầy chủ nhiệm xin nghỉ học để đi nộp tiền tạm ứng viện phí cho mẹ. Đói ăn vụng, túng làm liều. Nhìn thấy trong ngăn kéo có tiền, Tuấn nhón trộm hai tờ năm trăm ngàn đồng, đang bỏ túi thì bị thầy chủ nhiệm đi từ ngoài vào tóm cổ tay. Tuấn giật bắn người, mặt tái mét, miệng lắp bắp xin lỗi, mong thày tha thứ. Sợ quá, cháu cũng chẳng dám xin phép nghỉ học nữa. Thỉnh thoảng cháu phải trốn học giữa buổi để đến viện thăm mẹ.
Ngừng giây lát, giọng mẹ tôi nấc nghẹn:
- Thày chủ nhiệm cũ vốn rất nghiêm khắc đối với những hành vi ăn cắp vặt, đã cương quyết đề nghị Ban giám hiệu xử lý kỷ luật cháu Tuấn. Kể cũng tội, mới hơn chục tuổi đầu, đang tuổi ăn học phải nghỉ ở nhà, chăm lo cho mẹ từ việc vệ sinh cá nhân, giặt giũ, rồi cơm nước cho cả nhà. Vừa rồi cháu lại trưng cái biển “Sửa xe đạp” để kiếm thêm đồng mua rau.
Nghe xong câu chuyện, cô giáo xúc động nói:
- Em rất thông cảm và chia sẻ với hoàn cảnh gia đình chị. Với trường hợp của Tuấn, em có thể giúp chị bảo lãnh cho cháu tiếp tục đi học, không phải trường cũ mà ở trường em đang dạy.
- Thế thì phúc cho gia đình tôi quá. Được cô thương tình cứu vớt, cho cháu vào học ở trường của cô, được gần nhà, không phải đi xa như học ở trường cũ, ơn này tôi ghi lòng tạc dạ. Nói thật với cô, nhà tôi nghèo khó, nhưng cũng phải cố gắng cho cháu học hết phổ thông, chứ để nó thất học giữa chừng tôi khổ tâm lắm.
- Ấy là suy nghĩ của cá nhân, để em về bàn và thống nhất trong Ban giám hiệu. Nếu được thì cho cháu học vào đầu năm mới, còn năm học cũ cũng chỉ còn hơn tháng nữa là kết thúc. Chị cứ yên tâm.
- Thôi thì trăm sự nhờ cô lo liệu giúp…
Vá xe xong, cô giáo đưa tôi tờ giấy bạc một trăm ngàn đồng. Lấy đâu ra chín mươi ngàn để trả lại bây giờ. Tôi băn khoăn rồi bẽn lẽn nói: “Cô có tiền lẻ trả cháu mười ngàn thôi”. Cô dúi tờ tiền vào tay tôi, âu yếm: “Cô không có tiền lẻ, cháu cứ cầm lấy, khỏi phải trả lại”. Tôi đang lúng túng chưa biết xử lý thế nào thì cô đã phóng xe đi khuất sau lũy tre làng…
Sau mấy tháng hè mong mỏi, chờ đợi, niềm vui cũng đã đến. Vào đúng ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám thành công, tôi nhận được giấy báo nhập học do cô Lê Phương Trinh ký. Đến lúc ấy tôi mới biết cô là Hiệu trưởng. Tối hôm sau, mẹ tôi mang hai con gà, một chai mật ong rừng và hai chục trứng gà đến nhà cô để cảm ơn. Cô nhất mực từ chối. Thấy mẹ tôi ái ngại, cô chân thành: “Chị không phải lăn tăn gì cả, điều quan trọng là cháu Tuấn phải sửa chữa khuyết điểm, phấn đấu tốt và học giỏi là món quà có ý nghĩa nhất dành cho các thày cô giáo”…
Suốt những năm ở trường Trung học cơ sở, tôi có may mắn được học môn văn do cô Phương Trinh trực tiếp giảng dạy. Là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cô đã dạy cho tôi bao điều lý thú và bổ ích. Tôi còn nhớ lời cô phân tích trong một tiết văn: “Con người ta khi bước vào đời phải có đôi mắt sáng và một trái tim nhân hậu, bao dung, biết yêu thương, tha thứ”. Cô ví “Cuộc đời như một cuộc chiến đấu với chính bản thân mình. Nếu tỉnh táo, dũng cảm thì không bao giờ sa ngã. Nếu nhụt ý chí, có khi chỉ một phút lầm lỡ phải đánh đổi cả cuộc đời”. Hồi ấy tôi cảm thấy bình thường, sau này khi đã trưởng thành, tôi mới nhận thức được sâu sắc và thấm thía những lời cô dạy.
Để không phụ lòng tin yêu của cô Phương Trinh, tôi đã cố gắng phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện, đạt kết quả cao trong học tập, được Sở Giáo dục tặng Giấy khen về thành tích “Học sinh nghèo vượt khó học giỏi”.
Khi vào Trung học phổ thông, không trực tiếp dạy tôi trên lớp như trước, nhưng cô Phương Trinh vẫn thường xuyên ghé thăm gia đình và hỏi han tình hình học tập của tôi. Thỉnh thoảng cô còn phụ đạo cho tôi những bài tập khó đến tận khuya. Cũng nhờ có sự quan tâm, giúp đỡ của cô mà tôi thi đỗ Thủ khoa một trường Đại học có danh tiếng. Tình cảm giữa hai gia đình ngày càng thân thiết theo năm tháng.
Là Hiệu trưởng mà cô gần gũi, quần chúng lắm, quanh năm đi xe đạp, chẳng quan cách gì. Tôi nhớ có lần đến nhà chơi, mẹ tôi mời cô ăn củ từ vừa luộc nóng hổi, bở như vôi. Cô cứ tấm tắc khen mãi như người lâu ngày được bữa đặc sản. Thấy cô thích, mẹ tôi biếu cô nửa bao tải. Cô ngại ngùng: “Chị cho em vài củ thôi” - “Của nhà trồng được chứ có phải mua đâu”. Mẹ tôi nói vậy rồi đem buộc sẵn vào sau chiếc xe đạp làm cô không thể từ chối…
Lần đầu tiên con thi đỗ đại học, lại là một trường tốp trên, mẹ tôi mừng lắm. Tháng nào mẹ tôi cũng gom góp được ít tiền dành dụm gửi cho tôi ăn học. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Vào kỳ học năm cuối, mẹ tôi chết lặng khi nhận được tin tôi lại bị đuổi học.
Lần ấy, tôi “dính” vào cá độ bóng đá dẫn đến thua đậm. Trong lúc quẫn chí, tôi đã lấy cắp tiền và chiếc iPhone của thằng bạn cùng ký túc xá, bị bắt quả tang. Hậu quả tôi bị đuổi học. Mọi người khinh thường, xa lánh. Giây phút cúi đầu, thất thểu bước ra khỏi cổng trường Đại học khi khóa học còn dang dở làm tôi cay đắng, nhục nhã ê chề, mãi mãi là một bài học nhớ đời.
Lại một lần nữa, trong tận cùng đau đớn, tủi nhục, cô Phương Trinh đến bên tôi an ủi, động viên. Cô khuyên tôi phải biết ngẩng cao đầu khi vấp ngã, đừng chùn bước trước thất bại, khó khăn. Cô hướng cho tôi theo học một trường nghề nào đó rồi đi làm, vừa có thu nhập ổn định, vừa đi học tại chức cũng chưa muộn, tương lai phía trước còn dài. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh.
Tôi quyết định theo học trường Cao đẳng Nghề hai năm, chuyên ngành sửa chữa Điện tử - Điện kỹ thuật. Kết thúc khóa học, tôi được cấp chứng chỉ nghề loại ưu. Sau một ngày thử việc, Công ty Cơ khí và Điện tử Đại Thanh nhận tôi vào làm việc ngay tắp lự. Lương tháng còn nhiều hơn mẹ tôi thu hoạch cả vụ lam lũ trồng lúa. Có tiền, tôi tiếp tục theo học tại chức ban đêm ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau ba năm đầu học chương trình cơ bản, tôi đồng thời học thêm Bằng hai ngoại ngữ tiếng Anh…
*
Gần một giờ sau, chiếc xe BMW X4 đưa tôi về tới quê. Vừa xuống xe, bà Lành hàng xóm cạnh nhà tôi chạy sang vồn vã:
- Cháu Tuấn cũng về dự đám ma bà giáo Trinh đấy ư?
- Vâng ạ. Cháu về đón mẹ cháu đi cùng.
- Mẹ cháu đi từ sáng sớm rồi. Tôi cũng vừa đi viếng về. Ai đến cũng xót thương cho sự ra đi đột ngột của bà ấy. Từ ngày về làm dâu ở cái xã này, chưa bao giờ tôi thấy đám ma nào lại đông người đến viếng như thế.
Thấy tôi chăm chú nghe, bà Lành say sưa kể lại hành động dũng cảm cứu người của cô Phương Trinh trong vụ đắm đò vừa rồi…
Sáng hôm ấy, cô Phương Trinh đi dự đám hiếu của một người bạn thân và cũng là đồng nghiệp ở Quảng Nam. Khi đang chờ đò để sang xã bên kia sông Vu Gia thuộc huyện Đại Lộc, bỗng giông gió nổi lên, cát bụi bay mù mịt. Sấm sét ầm ầm. Mây đen vần vũ. Mưa như trút nước. Lớp lớp sóng ào ạt xô bờ.
Con đò phía bờ bên kia đã sang quá giữa sông, bất ngờ bị cơn lốc xoáy quét qua làm con thuyền chòng chành, chao đảo, xoay nghiêng nửa vòng rồi lật úp. Tiếng kêu cứu thất thanh. Một số người biết bơi cố sức thoát ra khỏi thuyền bơi vào bờ. Còn một số người đang chấp chới, lúc dềnh lên, lúc chìm xuống theo sóng nước.
Vốn là “vận động viên” bơi lội từ nhỏ, không chút do dự, cô Phương Trinh nhảy ào xuống, bơi ra chỗ thuyền gặp nạn, đưa được hai em bé vào bờ. Phát hiện còn một người dập dềnh trôi theo dòng nước, chắc là phụ nữ, cô lại tiếp tục vật vã với sóng to, gió lớn bơi ra ứng cứu. Gần đến nơi, không may gặp dòng nước xoáy, bị kiệt sức, cô chới với rồi chìm dần…
Nay về dự lễ tang cô, lòng tôi trào dâng nỗi nhớ thương da diết và lòng biết ơn sâu sắc một nhà giáo giàu lòng nhân ái, bao dung. Càng tiếc thương bao nhiêu, tôi càng tự hào, hãnh diện về cô bấy nhiêu. Người cả đời tận tụy truyền tải kho báu tri thức của mình cho biết bao thế hệ học trò, trong đó có tôi. Người từ lâu tôi coi như người mẹ hiền thứ hai của mình.
Tuy không sinh ra, nhưng cô là người giúp tôi nhận thức được giá trị của cuộc sống, là điểm tựa cho tôi vươn lên sau những lần vấp ngã để có được thành đạt như ngày hôm nay. Như người lái đò tâm huyết, cần mẫn đón đưa khách qua lại trên những dòng sông, gần bốn mươi năm, cô Phương Trinh lặng lẽ, mải miết chèo lái những cuộc đời xuôi ngược, toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp trồng người.
Một kỷ niệm mà mãi mãi tôi không bao giờ quên được. Ấy là vào sáng mồng hai Tết vừa rồi, cô Phương Trinh đến nhà tặng tôi bó hoa tươi thắm, có tờ thiếp màu hồng cài giữa, in nổi bật dòng chữ: “Chúc mừng tân Giám đốc công ty Hoàng Xuân Tuấn”. Nở nụ cười ấm áp, cô dang tay ôm lấy tôi như ôm đứa con sau chiến thắng trở về. Tôi không thể ngờ rằng, đó là lần cuối cùng tôi được gặp cô…
Đoàn tiễn đưa cô về nơi an táng dài đến hơn nửa cây số. Tôi thấy mấy đứa bạn cùng khóa hồi học phổ thông, công tác tận Thái Nguyên, Hải Phòng cũng có mặt. Trong tiếng nhạc trầm buồn và khói hương nghi ngút lan tỏa trên nấm mộ đầy ắp hoa tươi, tôi cùng đoàn người đứng xung quanh bùi ngùi xúc động, lặng lẽ cúi đầu tiễn biệt người con của quê hương Xứ Đoài - Nhà giáo ưu tú Lê Phương Trinh về nơi an nghỉ vĩnh hằng...
Bất giác, tôi nhớ đến lời dạy của cô năm xưa: “Người sống lâu nhất là người cảm nhận được giá trị của cuộc sống nhiều nhất, chứ không phải người tồn tại với thời gian nhiều nhất”.
Viết tại Trại sáng tác Văn học Tam Đảo, tháng 6-2020.