Ngàn dâu

Thứ Năm, 23/07/2020, 18:10
Chị là người cũng không còn trẻ nữa. Chị không có cái dáng như lá dâu non mướt mát xanh trước gió như bao cô gái Thái khi nhảy sạp. Khuôn mặt chị hơi gân nhưng trắng trẻo, đôi mắt to và buồn. Cả đến cái tên chị cũng không mềm mại được: Thịnh.


Năm ấy, nhà tôi còn ở dưới chân núi Àn Mạ. Có đêm, bên bếp lửa, cha tôi từng gặng hỏi vì sao dòng họ mình ở dưới xuôi mà lại phiêu bạt đến đất này? Rồi nhiều đêm bẵng đi, lâu lâu lại có đêm lửa thức muộn và câu hỏi ấy lại cất lên, bà nội tôi chỉ hắng giọng rồi lặng im. Tôi còn nhỏ lắm, tôi cứ thấp thỏm đợi bà sẽ nói tiếp một điều gì mà không hay con người ta có thể sẽ lặng im như thế cả cuộc đời…

Thi thoảng, lại thấy một con chim nhỏ náu trong những khóm dâu tằm vườn nhà tôi. Lạ ở chỗ, trên cái tấm thân nâu đất bé nhỏ của nó, có một chiếc "khăn" choàng đỏ tươi như máu, hai con mắt bé xíu đầy ma mị. Nó không có tiếng hót, cái mỏ vàng chỉ phát ra thứ âm thanh như một sợi dây nỏ làm bằng ruột mèo cũ đã chùng bần bật trầm trầm bí ẩn. 

Người ta kể, đôi lúc rảnh, phường săn cũng từng nhắm vào cái đích ấy, bậc thiện xạ có thể bắn tên xiên ngang con chim sâu trên cành làm que nướng trên than. Nhưng hễ tất cả đều đã chuẩn chỉ, kể cả mũi tên lao đi thì con chim kia biến mất vào ngàn dâu xanh. Sau này, khi rừng trên đó không còn, tôi phiêu bạt các thành phố, cũng không thấy ai bày bán loài chim kì lạ ấy.

Thi thoảng, khi không thấy con chim ma quái ấy thì ngoài cánh cổng làm bằng tre gộc nhà tôi, có một người thiếu nữ hay đánh tiếng vào xin lá dâu.

Chị là người cũng không còn trẻ nữa. Chị không có cái dáng như lá dâu non mướt mát xanh trước gió như bao cô gái Thái khi nhảy sạp. Khuôn mặt chị hơi gân nhưng trắng trẻo, đôi mắt to và buồn. Cả đến cái tên chị cũng không mềm mại được: Thịnh.

Minh họa: Hà Trí Hiếu

Hình như, ngày đó, chỉ lúc chị Thịnh len lỏi vào vườn dâu, tôi mới dám nhìn theo. Vườn dâu không hề rậm rạp, cỏ mọc thấp, đất đồi vàng ệch. Nhưng người ta vẫn nhắc, phía Tây ở đất này là đất chết, nào ai có bỏ công trồng, cứ từ phía Tây của Àn Mạ dâu mọc tràn về xóm. Người bị vong nhập, bị lạc vía cũng cần cành dâu để đuổi tà. Nhựa dâu thầm tứa ra mỗi khi con người bất lực. 

Cả ngàn năm ở đất này, người đã thắng được ác thú, đã đánh đuổi được giặc cướp bản, cướp mường. Nọc độc của rắn có thể kháng cự bằng lá cây. Cớ sao con người vẫn còn có lúc không tìm nổi đường về thân xác để linh hồn kẻ hoang dã nào cướp đi phần thiện căn. Cành dâu quất vào người cũng tứa máu thì bệnh lui, tâm về. Hóa ra, mạnh như dâu còn bạt về đây, tà khí hướng Tây ấy đâu có phải vừa.

Chị Thịnh những năm đó cứ mải miết đi về hướng Tây hái lá dâu xanh. Người con gái đồng bằng tầm tuổi này thì cái miệng đã leo lẻo chợ phiên. Mua ba, bán bảy, ăn may, nói lộc, lo ki cóp làm cái nhà gỗ xoan ba gian, hai chái, cái bể nước, sân gạch… cái lo toan đến sớm từ lúc hoa xoan chưa rụng, trên cái miệng hoa còn đương xuân đã tắt câu hát ví từ bao giờ…

Ở thung lũng này, nhà chị Thịnh nhiều nong tằm nhất. Gái bản chỉ cần dệt đủ chăn, đệm nằm, đệm ngồi, gối cho bố mẹ chồng, các em chồng, nhà chị thì lúc nào cũng đủ cho mười nàng dâu như thế. Hiềm nỗi, chị là cái quả trái mùa, nhiều khi người ta không muốn nhắc đến.

Năm ấy, mưa sớm. Đêm, lũ nước rừng như đã tụ tập trên núi cao từ bao giờ. Bình thường phải đi qua mấy đèo mới đến được chỗ có suối để cõng nước bằng ống tre lên vậy mà giờ đây nước không biết bao nhiêu mà kể. Nhưng giờ là nước dữ, nước dữ cứ thế bẻ gãy cây, xói tung đất, tràn vào bản. 

Thủy tặc không sợ tên nỏ, không sợ lửa, cả bản ban ngày bố phòng chặt chẽ, giặc cướp không dám bén mảng thì đêm ấy tan hoang như quả chín rơi xuống đất. Người còn sống, người bị lũ cuốn đều chìm trong tối; âm ti, địa ngục hay cõi đời? đều không ai phân biệt được, chỉ biết bám víu vào đâu được là bám, còn lại phó mặc cho ông trời thương ai…

Nhưng nước dữ cũng không trụ được lâu. Miền đất dốc, nắng lên, đâu lại vào đấy, muôn thú tìm được hang mới, ổ mới, lại có cách kiếm mồi, chỉ trừ cuộc sống của loài người. Ba ngày sau thì bố mẹ Thịnh tìm thấy nhau, hóa ra người ở trên gò đất cao không trúng hướng lũ, người thì dạt sang mé khác.

Bỗng dưng, sau cơn hồng thủy ấy cái bệnh không sinh nở được của bà vợ lại khỏi. Lúc đầu ai đến thăm khi bà mang bầu đều nghe kể: Lúc nước chưa rút, khát quá, ở trên mỏm đồi ấy, thấy có vũng nước đục, đói lả, uống để sống chứ sau này sống được nhất định không bao giờ uống thứ nước dơ dáy đó.

Nhưng rồi khi Thịnh sinh ra, lên ba tuổi, bản không có thêm trận lũ nào để mẹ cô dạt lên đồi để uống nước trong vũng nên nhà không có thêm đứa trẻ nào. Người ta bảo Thịnh là con của cái ông tránh lũ cùng bà ở bản Nọi. Có người kể giống thế, giống thế, thế là giống ai? Bà nội Thịnh không tin trong cái đêm trời cuồng giận làm cả cõi đời hoảng loạn ấy người ta còn có thể giao hoan được với nhau. Có điều, ngay từ lúc Thịnh biết mặc cóm, trai bản này, bản khác không cần bảo nhau, cứ thế lẳng lặng rẽ qua lối khác…

"Ải êm" (bố mẹ) Thịnh có buồn không? Họ cứ bỏ tằm thật nhiều. Tằm ăn lá dâu thật nhanh, lá dâu thật nhiều, tằm ăn thật lâu. Tơ lắm, vải nhiều, người đường xuôi lên lấy bằng hết. Họ còn "ăn vải" nhanh hơn tằm. Chị Thịnh là một trong số những người đi hái dâu để nuôi những nong tằm ấy. Con tằm nhà chị ăn lá dâu dữ dằn như thế nếu không kịp bỏ thêm lá, nó bò lên gặm cả bầu trời cũng biếc xanh kia. Con tằm không đợi mùa ném còn, không đợi người đến ở rể, nó cứ ăn rồi thác. Chị Thịnh quên cả mùa ban, quên chuyện người thương về gác cái cuốc dưới cột sàn đếm đủ ba năm… chị hái dâu xanh.

Tôi lớn thêm thì vẫn chỉ thấy dâu xanh ngăn ngắt.

Mỗi con trăng chỉ một lần chị Thịnh ghé nhà tôi. Tiếng là vườn nhà nào dâu cũng tràn về nhưng hái hết dâu mỗi nhà, khi bỏ vào ếp, thấy nắm lá chả bõ bèm gì. Chị đi xin hết lượt, đến đâu cũng có lời từ cửa, tiếng chào ông già, bà cả, chào cô, chào chú, chào bé em… Xóm người xuôi, đất người xuôi, chị vào ra đã thành quen, chị ghé lại hái dâu nhẹ nhàng, cái cành cũng chả thấy đau, ngọn cỏ gà không gãy. Mùa hè, mưa nhiều, lá dâu xanh mướt, chị Thịnh đến mau hơn nhưng cũng đi nhanh hơn. Một hôm, tôi nghe thấy bà tôi bảo:

- Thịnh à, con sinh tuổi gì nhỉ?

- Thưa bà, người Thái chúng con không tính con giáp đâu ạ. Con biết hái dâu là đến xin dâu nhà bà rồi.

- Khó nhỉ, bà biết con còn đi hái là chưa muốn "tằng cẩu". Con ưng làm cháu dâu bà không? Thằng Ngô nhà bà cuối tháng này lên chơi đấy…

Lần đầu tôi thấy chị Thịnh ngại khi nhắc đến anh Ngô nhưng chỉ đâu có đỏ mặt, chị thưa lại:

- Con chưa được gặp anh Ngô từ trước mặt, được nhìn thấy anh đi ngoài đường thôi. Người trai dưới xuôi giỏi làm, giỏi nói lắm. Người trai thương nhiều người, con có thương cũng đâu có dám để anh Ngô về ở rể…

Dần dà, tôi mới hiểu ra, mỗi khi kéo kén, luộc nhộng tằm, chị Thịnh đều mang chia cho mỗi nhà một ít. Xin lá dâu xanh, trả con nhộng vàng, chị nhẹ bàn chân qua từng khu vườn như đôi chân xoay vòng trong vòng xòe. Chị khéo khéo né mình trước muôn câu hỏi, mỗi câu hỏi chỉ có thể xoáy nghiêng vào khuôn mặt chị, dẫu gì khuôn mặt chị cũng bắt đầu phảng phất tàn nhang…

Mùa xuân này, cha tôi hay về nhà nhiều hơn. Hàng năm, ông về xuôi và phiêu bạt khắp nơi buôn bán. Khi thì bán trâu, bò, lâm thổ sản, có dạo buôn vàng, bạc trắng, đồ đồng quý. Nghe bập bõm câu được câu chăng, nhưng có vẻ cha tôi đang lo lắng cho lò gạch nung ở dưới vùng hạ lưu con sông.

Rồi nước sông dâng, con sông uống no những trận lũ rồi ầng ậc nước mắt nhớ nguồn. Bao bãi bồi đều chìm đắm trong sự yếu đuối của nó. Gạch ngói của cha tôi đã đóng đương phơi chỉ chờ khô nỏ vào lò bỗng dưng bị sông gọi về đất mẹ. Thợ và chủ lại ầng ậc nước mắt nhìn nhau. Đám thợ họ hiểu cái khôn lường của mưa nắng nhưng cũng túng bấn như nhau. Cha tôi về, quyết phải bán đồi vườn để trang trải, nhưng bán mảnh nào? Ở đất này bán thì ai mua khi mà nhà nào cũng là một phần "bộ yên cương" dưới chân núi như cái lưng ngựa kia.

Cha tôi lại đi, lần này còn hoang mang hơn lúc trước về, chừng hơn tháng, ông dẫn theo về một người xuôi lạ hoắc. Ông ta nhỏ người, có bộ ria đẹp, cái cằm bạnh, nhưng đặc biệt nhất là con mắt như đã từng gặp ở đâu. Ông ít nói. Bữa rượu cuối, sau một buổi lên ngắm lại đất vườn nhà tôi, hỏi vặn từng loài cây, đào bới, ngửi đất để tìm khoáng vật, ông bảo:

- Tôi sẽ trả để ông bà đủ khoản tiền bù nợ và thừa một chút để sinh nhai.

Cha mẹ tôi như bắt được vàng, nhưng "quý nhân" vẫn còn ra thêm điều kiện mới chịu "phù trợ":

- Nhưng tôi mua đứt rừng dâu của cả khu này, chứ không mua lẻ. Ông bà cứ dẫn tôi đi dạm hỏi.

Vốn dĩ, khu làng người xuôi chả ai nuôi tằm, dệt tơ. Dâu cứ mọc dại, vì dại mà quanh năm xanh tốt. Họ ngại những vong hồn nhập vào người thân, họ cần một cái cung dâu để treo ở đầu giường đứa trẻ mới chào đời. Bây lâu thi thoảng họ chặt một cành dâu rồi bỏ bẵng cả cuộc đời. Nhưng nay thì chuyến mua bán rừng dâu đã thành chuyện lớn, người kì kèo đắt rẻ, người sinh nghi hay có vàng, có châu báu giấu dưới đất…

Cuối cùng thì đất cũng mất chóng vánh. Có lẽ gã cằm bạnh chơi chiêu đơn phương bàn kín với từng nhà, cha tôi đoán thế. Từng nhà bỗng dưng lại giấu nhau, nói lệch giá, không có người đứng ra thông tin một giá chung. Hắn cứ thế, bẻ từng mũi tên trong ống, người ta muốn cự lại cũng chẳng xong. Như một khu rừng bỗng nhiên bị gió đánh đổ rạp, một không khí hoang mang tràn khắp vùng… hay ta đã mất kho báu, mất đất thiêng trấn cho cả khu? Giờ thì những suy đoán như từ trên giời rơi xuống nhiều lắm…

Những ngày ấy, chị Thịnh vẫn hái dâu.

Tiếng hát của chị vẫn len lỏi trong ngàn dâu. Người ta nói mẹ chị ốm, chị vẫn hát. Người ta đồn, cha chị nằm liệt, chị vẫn hát. Cái xưởng ươm tơ, dệt vải vẫn đều đặn nhịp sống dưới thung lũng, hàng vẫn đều đặn xuôi về hạ lưu. Khi con đò của tôi cập bến, đò chở hàng nhà chị vừa rời đi, tôi lại bước trên đất đồi, dưới nắng vàng, cả một vùng vẫn biếc xanh, dâu xanh lẫn vào đất trời.

Tôi nghe phong thanh được hắn sẽ mua hết đất trồng dâu để đào xới gì đó, rồi tôi cũng nghe được cha mẹ chị mấy bữa nay đều nằm nhà. Khi cái chết đến gần, người ta thấy cuộc sống thực hơn như thể leo lên tầng mây đã được hạ độ cao. Mười bảy tuổi, tôi như con trâu sừng đã dài, đôi sừng không phải để tự vệ hay giao chiến mà thực ra để tự tin từng bước chân. Tôi đi theo tiếng hát tìm chị. Mai kia dâu không còn, chị không đi hái, không còn tiếng hát, tôi còn nơi nào ẩn náu những nỗi khát khao mơ hồ từ thuở bé.

Tôi đi theo, cành dâu thưa, lá dâu thưa, chị không cho tôi hái, chị thương con tằm hái lá non. Những chiếc lá dâu cuối cùng sẽ được bứt, những bữa cuối cùng dù tiếc thay con tằm chưa vào vụ hè. Tôi như con tằm đang ăn rỗi, chị thoắn thoắt vút qua giữa nương dâu bỗng dưng tôi thấy trong mình nóng bừng. Trên cao này, gió thổi điềm nhiên, lần này, hình như chị Thịnh chỉ hái dâu nhà tôi. Ngày xưa bà kể, bỗng dưng một hôm nào đó, cô gái không đến hái dâu, nghĩa là cô ấy đã có chồng. Tôi sợ vu vơ như thế, chị nhìn mắt tôi rồi tránh mặt đi, nhưng giữa bốn bề biết ngoảnh đi đâu? Trăm cây dâu thưa vẫn che khuất được một phần đời, ngoảnh đi đâu vẫn chỉ thấy ngày xuân đã cạn, rồi chính nương dâu sẽ bỏ chị đi. Đời chị chẳng còn nơi nào để cư ngụ một nỗi buồn, bàn tay kia thoăn thoát để làm gì, đôi chân xoay xỏa như múa kia biết lạc về miền đất nào. Cứ thế, khi trời đất làm thinh, là khi cái run rủi xui khiến, là nơi một đứa trai cần phải đến, tôi như con tằm, chị như một đời dâu. Đã gửi vào nhau xanh đến vô cùng cuồng dại…

Rồi khu đồi ấy cháy, lửa từ nương cháy lan về giữa toan tính của bao người. Nghe nói chị Thịnh ốm, tuyệt không cho tôi gặp từ hôm ấy. Tôi mon men lân la, xưởng dâu tằm vắng tanh, gã cằm bạnh mắt long sòng sọc đòi bắt đền nhà chị. Hóa ra, cha mẹ chị nào có đau ốm gì, chỉ là cái chiêu ăn người của họ. Họ chính là những kẻ tay trong mua rừng dâu. 

Tôi đứng ở rặng tre ngoài ngõ nghe rõ cuộc nói chuyện. Hết trách móc rồi cũng vỡ ra, cái nhiệm vụ mà cha mẹ tôi giao đi tìm gã cằm bạnh để lấy nốt số tiền đâm ra khó. Nghe trong nhà cãi vã, chị Thịnh là con gã chứ cũng chẳng phải mẹ chị gặp điều gì bí ẩn. Vậy là bao năm chị không được tằng cẩu như bao cô gái Thái khác cũng đúng, trai vùng này tinh thật- tôi lẩm bẩm.

- Vậy ông muốn gì ở mảnh đất này? - Cha chị Thịnh hỏi.

- Cần chúng mày trả con Thịnh.

- Sao bao năm ông không hỏi đến nó? - Đến lượt mẹ chị.

- Như chúng mày cũng chỉ cần nó để che giấu cái vô phúc, đâu muốn nó được dựng vợ gả chồng, đâu muốn nó được về xuôi với tao đi làm ăn.

- Ông coi nó như món hàng, đến lúc lớn là lấy về giao bán…

Cứ thế, cuộc cãi vã không đầu, không cuối cho đến khi người ta hoảng hốt kêu toáng lên từ dưới suối: "Ôi có người đã bị thần rừng bắt đi rồi!". Tôi chạy như sợ núi không đợi, rừng không đợi, tất cả đang lao về phía trước chỉ chân tôi bị kìm lại. Rồi bên tai tôi nghe như núi lở, như suối gào, ban đầu thấy tóc chị, thấy đôi chân chị, thấy chiếc áo cóm cúc bạc của chị. 

Có phải giờ hết dâu rồi chị leo lên núi cao tìm dâu dại mà trượt chân ngã xuống hay ngàn dâu không còn chị cũng thác vào xanh cao vô định? Tôi đi mà đầu loạn lên những câu hỏi, tôi đang bước trên đá tai mèo mà như đi trong mây, nghe đâu đây tiếng kêu như dây nỏ chùng của con chim có cái khăn đỏ như máu. Lúc này, vết máu ấy cũng loang khắp cổ và ngực chị. Có lẽ nào đó là linh hồn của chị, thoắt ẩn hiện giữa thung lũng miền Tây Bắc này?

Thế rồi, dâu xanh lại mọc, gió ở trên này thổi điềm tĩnh lắm, xa xa kia dòng Nậm Muội cũng đang chảy miết về xuôi…

Phương Lâm, 30-5-2019

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương
.
.