Múa trên miền tứ phủ

Thứ Năm, 28/01/2021, 11:05
Thành thấy hồn vía đi đâu hết, trên thân xác của Thành chỉ còn hồn vía của các vị Thánh Mẫu nhập vào. Thành vung kiếm, phất cờ trên đỉnh Dược Sơn. Thành múa mồi trên đồi Cao Sơn, trên núi Bạch Mã. Thành dạo chơi trên chợ Bờ, thác Bờ, đền Bờ. Thành cưỡi ngựa trên sơn lâm, thượng ngàn. Thành chèo thuyền trên sông Lục Đầu sáu dải lưng xanh.


Thành sinh năm Ất Hợi, con trai mà thiên can Ất thì chỉ như lúa non hay cỏ mới mọc mầm, rất mềm yếu, nghe chừng không hợp lắm với một đấng nam nhi đại trượng phu muốn đạp gió cưỡi mây mà đánh Đông dẹp Bắc. Nên bà nội Thành đã sắm lễ đổi sang thiên can Giáp tức cây tùng trên núi cao, cây bách trong rừng sâu vươn lên chọc trời, không bao giờ biết khom thân, uốn cành trước mưa sa, bão táp. Thành là một cậu bé có thiện căn hiền lành và thiên lương trong sáng. 

Bà nội Thành tên Trần Thị Liễn, là con gái họ Trần nổi tiếng xinh đẹp, một thanh đồng nức tiếng không chỉ ở làng Dũng Tiến mà còn khắp một vùng Vĩnh Bảo - đất có đền Bà Chúa Năm Phương và Quan Đệ Tứ Khâm Sai. Bà nội Thành có căn cô Chín mà tính bà cũng đỏng đảnh, kiêu kì. 

Ông nội Thành tên Lê Đình Họa, là một cung văn cự phách, bà mê tiếng nguyệt, lời văn của ông mà chấp nhận làm vợ lẽ. Mẹ sinh Thành ra Thành đã hiền lắm, chẳng quấy khóc như con người ta. Và điều kì lạ khi Thành cất tiếng khóc chào đời, có con chim khách kêu lên ba tiếng từ ngọn cau trước sân và dải mây ngũ sắc hình lưỡng long chầu nguyệt tụ lại trên mái ngói. Đó là báo hiệu điềm lành. 

Thành là đứa con cầu tự, sau ba năm bố mẹ Thành lấy nhau mà chưa có con, đi khám thầy lang phán chẳng có bệnh gì, bà phải sắm lễ cầu tự. Thành là con của cửa Cha cửa Mẹ, con của Thần Đình Tứ Phủ.

Thành xinh trai, mắt trong veo như giọt sương đầu thu, môi thắm tươi như cánh sen cuối hạ, má hồng ửng như đánh phấn sáp, còn da trắng nõn như trứng gà bóc. Khi Thành lên ba lũn cũn níu váy bà đi chợ Cầu. Thành mặc bộ đồ lụa bạch, đeo kiềng bạc trắng, xỏ hài gấm thêu người ta cứ nhất quyết Thành là con gái. 

Hai bà còn cá cược nhau một chầu bánh đúc riêu cua xem Thành là con trai hay con gái. Một bà vạch quần Thành ra, đúng là Thành có “chim” thật. Bà nội Thành nhìn dung nhan đẹp như sao băng của đứa cháu đích tôn, thì nửa mừng mà lại nửa lo. Nó khôi ngô, tuấn tú thế nhưng là con Cha con Mẹ, cho nên sẽ phải hầu Thánh Mẫu, tránh sao được căn số chấm đồng bắt lính.

*

Năm Thành học lớp bốn trường làng, một buổi tối Thành đi học thêm ở nhà cô giáo Yến bên làng Giang Biên phải qua một triền đê. Độ ấy cuối tháng ba, hoa xoan tím biếc đang nở rộ thơm ngát cả ngọn gió xuân mát rượi thổi lên từ sông Hóa. Tiếng cuốc kêu khảm khắc ngoài đồng ruộng vừa ấm chân mạ mới cấy theo gió mát rượi thoảng đưa vào cũng thơm ngát mùi hoa xoan tím biếc. Thành hơi run sợ, hít một lồng ngực căng đầy mùi hoa xoan và tiếng cuốc kêu để lấy thêm can đảm. 

Đêm không trăng, trời tối, triền đê uốn lượn cạnh dòng sông là những dải sẫm, và cánh đồng là một vùng tối sẫm hơn nữa. Phía xa cuối cánh đồng lác đác vài ba ngôi nhà chìm trong sương mờ. Đèn dầu của các nhà chiếu vài tia sáng yếu ớt lọt qua khe cửa sổ. Thành nắm chặt quai cặp sách, bước dò dẫm từng bước một trên triền đê rải đá mấp mô. Một ngọn lửa xanh lét phụt lên từ phía nghĩa trang làng. Đó là ma trơi. 

Bà nội Thành từng dặn, nếu nhìn thấy lửa ma trơi thì không được chạy vì khi chạy sẽ tạo ra luồng gió hút ma trơi đuổi theo mình. Biết vậy, nhưng Thành vẫn sợ hết hồn. Ngọn lửa xanh lét như ánh thép, như mắt mèo hoang vừa bay vừa cháy, mất đi rồi lại hiện ra trong chập chờn, hư ảo nhưng rõ ràng là ngọn lửa ma trơi đang tiến dần về phía Thành, lúc đầu nhỏ như đốm lửa xòe trên đầu que diêm, về sau to bằng ngọn lửa bùng trên đầu ngọn đuốc. Những hòn đá sáng lên lấp lánh dưới đôi dép tổ ong. 

Đầu bảo chân chạy, nhưng chân Thành tự nhiên ríu lại nặng trịch như giẫm phải bùn ao tát cá, trống ngực đập thình thịch như trống cái hội làng. Ngọn lửa ma trơi đã ở rất gần. Bỗng ngọn lửa vụt tắt, nhanh vừa bằng một cái chớp mắt như lúc đến. Tất cả đều tối sẫm như chưa hề có ma trơi, cánh đồng, dòng sông, triền đê nằm im lìm trong bóng đêm dày đặc bao phủ. Thành vững dạ bước tiếp. 

Một cánh xoan rụng thật khẽ đậu xuống vai áo Thành. Thành nhặt giơ ra trước mặt. Mặt Thành tỏ như trăng rằm. Cánh xoan nở ra con đom đóm rồi bay vút lên cao. Thành ngước nhìn theo, đáy mắt lắng hình con đom đóm. Hoa xoan rụng từng loạt một mơ hồ như mưa khắp người Thành. Mỗi cánh xoan nở ra một con đom đóm. Trăm cánh xoan nở ra trăm con đom đóm. Nghìn cánh xoan nở ra nghìn con đom đóm. Cơn mưa hoa xoan nở ra trăm nghìn con đom đóm. Đàn đom đóm vừa nở vừa bay trong cơn mưa hoa xoan phơi phới giăng mùng. 

Thành thấy đôi tay săn chắc hóa ra đôi cánh mỏng manh, và Thành biến thành một con đom đóm khổng lồ bay lên theo đàn. Thành nghe rõ cả tiếng đập cánh rù rì của những con đom đóm đang bay quanh mình, tiếng mãn khai lách tách của những cánh xoan vừa nở dưới chân. Đàn đom đóm biến mất. Thành trở về mặt đất như một cánh xoan vừa rụng. 

Cơn mưa hoa xoan đã ngớt, chỉ còn vài giọt tím biếc tan trong gió luễnh loãng. Gió đã thoáng lạnh, Thành co ro trên triền đê hun hút. Đi được vài bước, Thành chợt sững lại, có lời ru cất lên nức nở trong đêm thăm thẳm đầy ai oán “Cái cò đi đón cơn mưa. Tối tăm, mù mịt ai đưa cò về...”. Thành nghiêng tai lắng nghe, lời ru vọng vào từ cây gạo giữa cánh đồng. 

Bà nội  kể, cây gạo này mọc giữa cánh đồng đã hàng trăm năm nay, trước khi người làng đến khai hoang đất bãi. Trong cuộc kháng chiến năm 1946, thực dân Pháp đã ra lệnh cho quân lính xả súng xử tử những người cộng sản kiên trung ngay dưới gốc gạo cổ thụ này. Máu của những anh hùng liệt sĩ tuổi hai mươi đã đổ xuống thấm vào lòng đất, ngấm vào rễ gạo, để mỗi tháng ba về, cây gạo lại đơm những chùm hoa máu - đỏ rực căm hờn. 

Rồi chuyện cô Miên nhà ở thôn Đan Điền, vì nhẹ dạ, cả tin mà lỡ có thai, nhưng bị người yêu phụ bạc, ruồng rẫy. Cô Miên đã dùng dây gầu sòng thắt cổ tự tử trên cành ngang cây gạo vào một đêm mười Tư. Thỉnh thoảng, lúc đi chăn trâu, Thành vẫn tha thẩn ra gốc gạo chơi để hái cỏ gà. 

Cỏ gà mọc kín dưới gốc, toàn những ngọn béo múp, tím ngắt, chọi chỉ có thắng. Người ta đào hố vôi ngay cạnh đấy, vôi tôi xong lấy đi rồi, chỉ còn cái hố bỏ không, ngập đầy nước mưa, hoa gạo đỏ ối rụng xuống hố vôi trắng xóa, buồn bã đến bạc lòng. Bọn trẻ trâu bạo gan cũng vào hái cỏ gà, nhưng chẳng có đứa nào nhặt hoa gạo giống Thành. 

Mỗi khi nhặt hoa gạo, Thành nhìn trước, ngó sau, sợ bọn chúng trông thấy mà trêu ghẹo. Hoa gạo rụng xuống vẫn đỏ bầm như máu ứa, năm cánh dày dặn như ngón tay và mịn màng như nhung, nhị cong vút như làn mi thiếu nữ, bên trong chứa đầy mật ngọt lịm hơn mật mía, cho nên từng đàn chào mào, sáo sậu, sáo đen cứ mỗi độ tháng ba lại ríu rít rủ nhau về trảy hội mùa xuân. 

Thành muốn xâu một vương miện hoa gạo để đội lên đầu, nhưng chưa bao giờ làm cả, xấu hổ chết. “...Cò về thăm quán cùng quê. Thăm cha, thăm mẹ cò về thăm anh”. Lời ru lại cất lên da diết trong đêm sâu mênh mang càng kích thích trí tò mò và dẫn dụ bàn chân của Thành đi về phía cây gạo. Thành trôi trên bờ cỏ đẫm sương, đường mòn này đã quen bàn chân Thành lắm, nhưng Thành thấy người nhẹ bẫng như khói nên không hề chạm gót. 

Thành đã ở dưới gốc gạo, bên đám cỏ gà, cạnh cái hố vôi, nhưng trời tối quá nên Thành không nhìn rõ. Lời ru im bặt giữa không gian tịch mịch. Một vạt áo trắng tinh như mây. Một mái tóc đen óng như đêm. Một cái lưỡi đỏ lòm như máu. Tất cả đều buông xuống từ cành ngang cây gạo cổ thụ nơi cô Miên đã thắt cổ tự tử năm ấy. Cái lưỡi đỏ lòm dài như đòn gánh thè ra liếm mặt Thành. Thành hét lên một tiếng rồi ngất đi.

Thành tỉnh dậy, dụi mắt mấy cái mà trời vẫn tối như mực. Quai cặp sách vẫn giữ trong tay. Một tiếng sét long trời, lở đất khiến Thành giật mình co rúm người lại, ôm chặt chiếc cặp vào ngực. Lại một tiếng sét nữa, nhỏ và rền, kèm theo ánh chớp sáng lòa soi tỏ cả không gian đặc quánh. Thành kịp nhìn thấy tượng Đức Ông Trần Triều ngồi uy nghiêm trên ban thờ, đôi mắt ngài bắt ánh chớp sáng lóa rồi chìm vào bóng tối, chỉ còn ba chấm đỏ chót của ba nén trầm cắm trong bát hương trước tượng ngài. Cơn mưa bắt đầu sàng gạo rì rào trên mái ngói. 

Một lát, Thành đã quen bóng tối và nhận ra mình đang ở trong miếu đầu làng, cách gốc gạo cổ thụ mấy quãng đường đồng. Mùi hương trầm quyện với mùi huệ trắng đang dâng lên ngan ngát. Thành trở nên thanh tịnh như mùi nhang trầm, như mùi huệ trắng. Thành ngỡ ngàng khi quanh mình ngập tràn ánh hào quang bảy sắc cầu vồng. 

Và kìa, Đức Ông Trần Triều từ ban thờ đứng lên, bước từng bước khoan thai xuống nền gạch nơi Thành đang chưa hết ngạc nhiên xen lẫn với sợ hãi. Ngài mặc áo bào đỏ thêu rồng và hổ phù, đội khăn xếp đỏ, xỏ hia mũi cong, trông thật oai phong lẫm liệt. 

Thành chắp tay cúi lạy không dám ngẩng lên, trong khi tiếng ngài cất lên vang như lời sấm truyền: “Con đừng sợ. Vong nữ ở cây gạo sẽ không dám trêu ghẹo con nữa. Ta đã thu nạp nó về làm kẻ hầu người hạ. Hạt đến ngày phải nảy mầm, hoa đến kì phải ra quả, nên ta giáng trần để chấm đồng bắt lính. Con có muốn nói gì không?”. “Con xin vâng” - Thành ngước lên, nụ cười tươi màu đào nở trên khuôn mặt thắm sắc mận chín. 

Ngài tiến lại gần, Thành chắp tay, nhắm mắt lại, đôi tay búp sen và hàng mi lá liễu. Ngài xòe bàn tay chạm khẽ lên đầu Thành. Một luồng ánh sáng đi xuyên qua người. Mọi giác quan đều mở ra bất tận. Tai nghe thính hơn tiếng mưa rơi trên mái ngói. Lưỡi nếm ngọt hơn vị mật của hoa gạo. Mũi ngửi thơm hơn mùi hương trầm quyện với mùi huệ trắng. Tay chắp vững hơn vào bàn tay còn lại. Mắt nhìn tinh hơn bóng áo đỏ rập rờn. Đôi mắt Thành vẫn khép, nhưng Thành cảm thấy rất rõ ràng một con mắt đang dần dần mở ra trên trán.

Người ta tìm thấy Thành vào một sớm mai. Tin đồn Thành bị ma giấu loang ra khắp làng. Bà nội Thành chỉ mỉm cười với hàm răng nhuộm đen nhức và làn môi cắn chỉ đỏ thắm quết trầu, vì bà được báo mộng Đức Ông Trần Triều về chấm đồng bắt lính và khai thiên nhãn cho Thành. Lúc mọi người nháo nhác đổ xô đi tìm Thành bị lạc thì bà vẫn ngồi ở sập gụ phe phẩy quạt giấy và bỏm bẻm nhai trầu như không hề có chuyện gì xảy ra.

*

Học xong cấp ba, bố muốn Thành thi vào trường Công an để nối nghiệp. Tháng 9 năm 1978, bố Thành từ biệt quê hương lên đường nhập ngũ, và là một trong những người lính đầu tiên của Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động đã chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Máu của bố Thành và những người đồng đội đã góp phần tô thắm thêm lá quốc kỳ trên cột cờ Lũng Pô bay reo vui trong gió lộng sông Hồng. 

Thành tự hào vì bố, nhưng Thành lại nung nấu một ước mơ thầm kín khác. Thành biết, bố đã rất buồn phiền vì điều này, nhưng Thành không thể làm khác được. Thành có một đam mê cháy bỏng với hầu bóng, chầu văn. Thành ước mơ trở thành một thanh đồng như bà nội. Thành khát khao được tìm hiểu văn hóa thờ Mẫu và vẻ đẹp của hầu đồng. Và Thành quyết định thi vào trường văn hóa nghệ thuật để biến đam mê trở thành ước mơ.

Trong những giấc ngủ chập chờn nửa tỏ, nửa mờ, nửa mê, nửa tỉnh, nửa hư, nửa thực vào buổi trưa ở kí túc xá, Thành vẫn mơ thấy có một con hổ trắng và một con rồng vàng. Con hổ lông trắng như tuyết bước đi bên trái và con rồng vảy vàng như nắng múa lượn bên phải để che chở cho Thành. 

Gió cuốn, mây vờn theo mỗi gót chân Thành. Tay Thành xòe ra gió và chân Thành trổ ra mây. Gió hiu hiu gió. Mây vần vũ mây. Thành bay cùng gió, mây, cùng hổ trắng, rồng vàng trong những giấc mơ tiền kiếp khắp cõi người trầm luân, bể khổ. 

Bà nội bảo, mơ thấy rồng vàng thì sẽ có tài lộc, mơ thấy hổ trắng thì sẽ có công danh, còn bay khắp nơi để cứu nhân độ thế, đó là sứ mệnh cao cả và thiêng liêng của một thanh đồng. Thành nhiều lần bị cô giáo chủ nhiệm phê bình vì ngủ gật trong giờ học. 

Nhưng chính Thành đã giành về cho lớp giải nhất liên hoan các trường văn hóa nghệ thuật toàn quốc với làn điệu chầu văn ông Hoàng Mười, khi làm cung văn vừa hát, vừa đánh đàn nguyệt. Thầy giáo bộ môn âm nhạc dân tộc khen ngợi giọng hát của Thành là giọng thổ đồng - ấm như đất và vang như đồng, thứ giọng trời phú rất hiếm có và ngón đàn của Thành thật tài hoa, thoát tục. Cho nên, Thành vẫn luôn dẫn nhất nhì lớp về kết quả học tập.

Cũng có khi Thành mơ thấy mình cưỡi con xích điểu vân du qua chín tầng trời lên phủ thượng thiên để bái yết Mẫu Liễu Hạnh. Con xích điểu lông đỏ rực, là loài hồng hạc hay phượng hoàng lửa, đã ở trước mặt, quỳ xuống chờ rước Thành bước lên. Thành ngồi chắc chắn, bám chặt vào vai con xích điểu. 

Con xích điểu chở Thành bay vượt lên trên những màn sương mù mịt, trên những cơn gió rười rượi, và trên cả những đám mây bồng bềnh. Thành ngó xuống trần gian, tất cả đều nhỏ xíu. Những ngôi nhà như chuồng chim bồ câu. Con đường như sợi chỉ khâu. Cánh đồng như vạt áo nâu của mẹ vá thật khéo những miếng vải là ô ruộng màu xanh, màu vàng của ngô đang non, của lúa đã chín. Đống rơm như cây nấm vừa mọc sau mưa. 

Cái ao như mảnh gương, tán cau như lược mau bà nội Thành thường vấn tóc. Người như nốt ruồi nhưng Thành nghe thấy tiếng nói, tiếng cười trong và lành lắm. Mặt trời cũng ở dưới chân Thành, chỉ bằng quả cầu đá thạch anh đỏ rực. Cổng Phủ Thượng thiên lưỡng long chầu nguyệt, đá ngũ sắc long lanh gấm dệt mở ra một vùng non non, nước nước, mây mây. Con xích điểu đậu xuống một vườn đào tiên, lá mướt như ngọc, quả chín sai trĩu trịt, hồng ửng và căng mọng như bầu sữa mẹ. Tiếng oanh vàng đọng trên cỏ biếc. 

Mẫu Liễu Hạnh mặc áo lụa, đội khăn voan, xỏ đôi hài màu ráng đỏ đang thong dong dạo bước vườn đào, trong tay mẫu cầm một cuốn thư. Đi theo hầu mẫu là hai thị nữ Quỳnh Hoa áo tơ màu mây trắng và Quế Hoa áo gấm màu trời xanh. Thành quỳ xuống, chắp tay, cúi đầu thành kính: “Lạy Thánh Mẫu, con đã đến ạ”. Hai thị nữ thấy Thành khẽ nhún chân chào chàng thật lễ phép. 

Mẫu Liễu Hạnh nở nụ cười hoa ngâu trên khuôn mặt búp sen bảo với hai thị nữ: “Ta cho các ngươi lui” rồi mới quay sang đáp lời Thành: “Kìa, con đứng lên đi. Hôm nay, ta mời con lên Phủ Thượng thiên, con có thấy vui không?”. “Thưa mẫu, nhận được ân huệ của mẫu, con rất hoan hỉ ạ” - Thành khẽ đáp. 

“Ta ban cho con một món quà trước khi con về hạ giới tiếp tục phụng sự cha mẹ, cứu nhân độ thế. Và con hãy nhớ, yêu thương sẽ đem lại hạnh phúc cho con người”. - Mẫu Liễu Hạnh hái một quả đào tiên và đưa cuốn thư cho Thành. Thành giơ hai tay đón lấy, lòng ngập tràn vui sướng, cúi đầu cảm tạ Thánh Mẫu. 

Những màn sương mù mịt, những cơn gió rười rượi, và cả những đám mây bồng bềnh đã ở lại trên đầu Thành, trên lưng con xích điểu. Thành sực tỉnh, vị đào tiên ngọt lừ còn vương nơi khóe môi, nhưng cuốn thư thì không thấy đâu. Thành bật dậy, lấy bút chép lại bài thơ của Mẫu Liễu Hạnh mà Thành vừa giở cuốn thư ra đọc một lần đã thuộc: “Vân tác y thường phong tác xa/Triêu du Đâu Suất mộ yên hà/Thế gian dục thức ngô danh tính?/Nhất đại sơn nhân ngọc quỳnh hoa”.

*

Cuối tuần nghỉ học Thành về nhà. Bà nội đã già yếu, mong manh như sương khói. Mẹ Thành bị bệnh lao phổi đã mấy năm nay, hao gầy như bấc đèn. Chị gái Thành lấy chồng làng bên, con cái, đồng áng, lợn gà có mấy khi sang. Bố Thành về hưu, nhàn rỗi chẳng có việc gì, tối ngày đi đánh tổ tôm, cờ tướng trong nhà ông giáo Cửu. 

Mẹ Thành là một cô giáo trường làng, có phải suốt đời hít bụi phấn không mà mang trong mình căn bệnh quái ác. Thành ngồi sắc thuốc cho mẹ. Thuốc bắc sắc trong ấm đất trên bếp kiềng. Ngọn lửa thè những cái lưỡi đỏ liếm xoèn xoẹt quanh ấm đất da lươn. Thuốc trong ấm đã sôi tỏa một mùi hương ngòn ngọt, đăng đắng. Thành rút bớt gộc củi nhãn cho lửa cháy âm ỉ. 

Thành nghĩ về mẹ. Thành thương mẹ quá. Mẹ như ngọn lửa đã sưởi ấm cho Thành từ mùa đông sang mùa hè, từ tuổi thơ đến thanh xuân. Rồi mẹ sẽ đi xa và ngọn lửa sẽ tắt, có ngọn lửa nào cháy mãi được đâu. Hai mắt là hai đốm lửa cay xè, không biết do khói tạt hay vì Thành đang khóc. Nước mắt như hột sáng ứa ra trườn trên má như hai dòng nham thạch lấp lánh. Thành thấy lòng rối bời như rơm, đen kịt như bồ hóng và tan tác như muôn ngàn mảnh trấu. 

Ánh sáng hắt vào khe cửa về phía chú mèo mun đang vùi đầu ngủ say trong tro xám. Khói an nhiên luồn qua mái nghèo bay lên tiên giới. Thành mong mẹ đừng là khói bếp, đừng qua mái rạ, đừng bay lên trời. Nếu mẹ là khói bếp, Thành muốn là tro tàn để đi theo mẹ, để kiếp sau lại được làm con của mẹ ở một cõi nào. Thành đưa tay lên miệng che một cơn ho, khi xòe tay thấy có vài tia máu bắn ra, Thành xoa ngay vào ống quần sợ ai trông thấy.

Ba hồn, bảy vía của Thành hóa thành khói bếp, tro tàn bay lên Phủ Thượng thiên. Thành chỉ sợ không kịp, nên không gì có thể cản được bước chân Thành. Bước chân của gió cuốn mây bay, của nước chảy bèo trôi. Bao nhiêu mây gió, nắng mưa là bấy nhiêu vui buồn, sướng khổ đều lùi lại sau lưng Thành. 

Thành chạy qua cửa tam quan, sân chầu đến thẳng cung cấm Quảng Hàn. Cửa tam quan luôn mở như lòng mẹ không khép bao giờ. Sân chầu vắng bóng người, chỉ một màu sương khói. Cung cấm Quảng Hàn đang thiết triều. Thành chạy vào trong cung chắp tay, quỳ sụp không dám ngẩng lên. 

Mẫu Liễu Hạnh ngự trên tam tòa thánh mẫu nhìn thấy Thành, đôi mày lá liễu khẽ chau rồi cất lời sáng như ngọc, trong như sương: “Kìa Thành, con đã về hầu hạ Thánh Mẫu đấy ư hay có điều gì muốn khẩn cầu?”. “Thưa mẫu, mẹ trần gian của con đang bệnh trọng. Con xin mẫu nối tuổi để mẹ được sống lâu trăm tuổi, và cho con có thêm thời gian được chăm sóc, phụng dưỡng mẹ hiền. Khi mẹ con chuyển kiếp, con xin được thác về hầu hạ Thánh Mẫu ạ. Con không muốn mẹ con chết đâu. Con thương mẹ lắm, mẫu ơi”. - Thành bỗng khóc òa lên nức nở.

“Thôi được rồi, con hãy nín đi, mẹ con đoản mệnh, vắn số là vì nhiều lẽ. Nhưng ta cảm động trước lòng hiếu thảo của con, lòng hiếu thảo lay động cả thiên địa, can tràng nên ta ban cho con những viên ngọc cốc vũ này, con đem về sắc với thuốc bắc dâng mẹ uống thì bệnh tật sẽ tiêu tan, tai ách được hóa giải”. - Mẫu Liễu Hạnh đã đến bên cạnh từ lúc nào, đặt một ngón tiên lên vai Thành vẫn còn rung thổn thức. 

Thành ngẩng lên giơ đôi tay là hai chiếc lá bồ đề đón lấy những viên ngọc cốc vũ trong veo và mát lành như sương sớm. Ba hồn bảy vía nhập vào thân xác khiến Thành sực tỉnh như vừa bước ra từ trong giấc mơ. Ấm thuốc bắc đã cạn khô kêu xèo xèo bốc mùi khét lẹt. Chú mèo mun bị lửa bén lông sém một khoảng đang rũ tro đứng dậy. Thành xòe bàn tay ra chỉ có gió. Mưa rào ù ù như xay thóc. 

Thành chợt nhớ ra điều gì, đôi mắt chợt sáng lên và làn môi thắm lại. Thành vội dập lửa, đổ bã cũ, sẻ thuốc mới, và chạy ào ra múc nước mưa trong cái vại sành hứng dưới gốc cau. Nước mưa ăm ắp sắp tràn miệng vại. Tiếng mẹ Thành ho khan chật kín cả ba gian xuyên qua màn mưa trắng xóa đến chỗ Thành ngồi. Thành bắc ấm xuống, rót ra bát, mùi thuốc bắc đặc sánh đi khắp căn bếp nhỏ. Thành cầm nón mê che bát thuốc còn bốc khói bưng lên nhà. Ngoài trời mưa đã tạnh.

*

Thành căn cao, số nặng lắm. Con trai mà mắt trong veo như giếng đền tháng bảy, môi thắm tươi như đào nở tháng giêng, má hồng ửng như táo rụng sân đình, còn da trắng nõn như măng tre, măng trúc sau mưa thì sau này phải đi hầu hạ Thánh Mẫu. Bà nội Thành được báo mộng rằng Thành sát căn Đức Ông Trần Triều nên bà đã sắm lễ khất đồng cho Thành đến năm mười tám tuổi trên đền ngay sau đêm Thành đi học thêm bị lạc.

Nhưng bây giờ, ngay lúc này, Thành đang ngồi đây trước Tam Tòa Thánh Mẫu, Tứ Phủ Công Đồng khi Thành vừa bước sang tuổi mười chín. Thành thắp năm nén hương trầm, xòe quạt lông gà, nhai miếng trầu quế, lầm rầm cầu khấn rằng thanh đồng họ Lê đã nhất tâm về bái yết cửa Cha cửa Mẹ, Thần Đình Tứ Phủ, cúi xin Thánh Mẫu thương xót giáng đền giáng phủ, xe loan giá ngự, chấp lễ chấp bái, chứng minh công đức, giáng phúc lưu ân cho quốc thái dân an, cầu cho mưa thuận gió hòa, thiên hạ thái bình, thịnh trị, bách gia trăm họ được hưởng ấm no, hạnh phúc. 

Khói trầm tỏa ra uốn cong mái đầu đao, ngấm chắc cột gỗ lim, nhuộm son ngói mũi hài và che mờ tượng Thánh Mẫu. Đàn nguyệt mài vẹt mảnh trăng. Đàn nhị thả tiếng tơ. Đàn bầu buông giọng trúc. Sợi chuông sợi gió. Giọt mõ giọt mưa. Thanh la vang vang gà gáy vườn trưa. Sênh phách êm êm gót Kiều ngõ tối. Chầu văn như núi mọc. Chầu văn như suối vờn. Nghĩa mẹ hóa nguồn nước. Công cha thành Thái Sơn. 

Thành bắt đầu lắc lư, nghiêng ngả ra dấu bằng tay. Một người trong tứ trụ hầu dâng phủ tấm khăn đỏ thêu rồng phượng lên mặt Thành. Đàn nguyệt, đàn nhị, đàn bầu, chuông mõ, thanh la, sênh phách... cùng chầu văn duềnh lên ào ạt như sông Hóa mùa lũ để thỉnh Tam Tòa Thánh Mẫu về ngự đồng. Đảo bóng rồi xa giá. 

Thành thấy hai mắt tối sầm như bị ai bịt, đầu quay như chong chóng, thân nặng như đeo đá. Thành tung tấm khăn đỏ đang phủ kín trên mặt. Tấm khăn phủ diện rơi xuống cháy bập bùng trên vuông chiếu cạp điều. Có ai đó níu áo Thành lại. Thành vùng vằng giật ra. Không còn bàn tay nào giữ Thành nữa. Thành bay lên... bay lên...

Thành thấy hồn vía đi đâu hết, trên thân xác của Thành chỉ còn hồn vía của các vị Thánh Mẫu nhập vào. Thành vung kiếm, phất cờ trên đỉnh Dược Sơn. Thành múa mồi trên đồi Cao Sơn, trên núi Bạch Mã. Thành dạo chơi trên chợ Bờ, thác Bờ, đền Bờ. Thành cưỡi ngựa trên sơn lâm, thượng ngàn. Thành chèo thuyền trên sông Lục Đầu sáu dải lưng xanh. Thành hái măng trên rừng trúc, rừng giang. Thành say sưa với bàn đèn, thuốc cống, kẹo xìu, trà mạn cùng thập nhị tiên nàng trên đất Bảo Hà. Thành vịnh phú, ngâm thơ trên sông Lam, rú Hồng. 

Thành dọn quán, bán hàng trên Tuần Quán, Đông Cuông. Thành vác hèo giục ngựa qua sông, mồ hôi nhỏ giọt thương đồng phải theo. Thành múa lượn như con công trên rừng, như con cá dưới khe. Thành bỏ lại những cơn ho bật máu. Mẹ Thành đã khỏi bệnh. Thành gặp mẹ đang ngồi chải đầu bên thềm nhà nắng sớm. Tóc mẹ dài và đen lắm. Mắt mẹ sáng long lanh. Môi mẹ nở nụ cười an lạc. 

Rồi hồn vía trở về nhập vào thân xác sau câu hát “Xe loan thánh giá...”. Thành kể cho bà nội Thành nghe về giấc mơ đêm qua. Bà bảo mùng một sẽ đưa Thành lên trình đồng trên đền Quan Đệ Tứ Khâm Sai, không khất được nữa đâu, con ạ. Thành khẽ gật đầu, nhìn ra phía sông Hóa xa xôi, trút một tiếng thở dài như gió...

Truyện ngắn của Hoàng Anh Tuấn
.
.