Món nợ tiền kiếp

Thứ Năm, 17/06/2010, 11:39
Sau khi giảm biên chế, đúng ra như chồng của người ta thì nhanh chóng kiếm việc gì đó làm, lương ít hay lương nhiều gì cũng được, miễn là có được tiền phụ vợ nuôi con. Đằng này, mới trên ba lăm tuổi, to cao, vai u thịt bắp, khỏe như voi, vậy mà anh chẳng chịu làm gì cả, lại quay sang làm thơ!

Có lần, anh  hùng hồn tuyên bố trước câu lạc bộ thơ của mình: "Mình đến với thơ như cái duyên, cái nghiệp, như món nợ tiền kiếp. Giờ đây, giả sử mình có muốn quay về con người bình thường cũng không được, vì đầu óc đã quen với tư duy sáng tác rồi. Mình sẽ theo thơ đến cùng!...".

Người "kích thích" anh sáng tác không phải ai xa lạ mà chính là thằng bạn thân của anh. Lần đó, do gã mới in được tập thơ, có điện thoại mời anh đi nhậu. Trong bàn tiệc, gã trịnh trọng lấy trong ca táp ra một tập thơ, bỏ trên bàn nhậu, sau đó gã lấy cây bút ghi vào đầu trang sách dòng chữ: "Thân tặng bạn…". Ở dưới dòng chữ, gã điệu nghệ múa bút ký tên mình, cử chỉ trông giống như những người nổi tiếng ký tên cho các fan ham mộ.

Anh dè dặt hỏi: "Cậu in tập thơ này kiếm được bao nhiêu?". Gã vờ nói giọng khiêm tốn: "Các bài thơ mình đã "ăn" tiền báo hết rồi, giờ đây đóng thành tập, đem bán, kiếm thêm chút ít". Anh đang thất nghiệp, hỏi tới: "Một bài thơ cậu làm trong bao lâu? Báo đăng, họ trả cho mình bao nhiêu tiền?".

Gã bảo: "Có khi cao hứng mình làm nửa tiếng là xong! Báo đăng họ cho mình 50, 70, 100 nghìn đồng, tùy tờ báo! Nhưng đối với người làm thơ, tiền bạc chỉ là vật chất phù du, không là gì cả. Ngày xưa vào khoảng năm 216, 220 gì đó, ở bên Trung Quốc, Tào Tháo có hai đứa con trai tên là Tào Phi và Tào Thực, đều là người có tài thơ ca xuất chúng. Nhưng Tào Phi không tài bằng Tào Thực, trong lòng luôn ấm ức. Sau khi lên ngôi vua, Tào Phi nhỏ nhen tìm nhiều cách để hại Tào Thực, đã vậy còn ghen tuông Tào Thực với vợ mình tên là Chân Thị nữa.

Một lần, vì lòng đố kị và ghen tuông, Tào Phi ra lệnh cho Tào Thực trong vòng bảy bước chân phải làm xong một bài thơ, nếu không được thì chém đầu. Trong vòng bảy bước, Tào Thực làm bài thơ như sau: "Đốt cành đậu nấu đậu/ Đậu ở trong nồi khóc/ Sinh ra cùng một gốc/ Sao lại nỡ đốt nhau".

Bài thơ nói lên cảnh cốt nhục tương tàn, thật tuyệt vời làm sao. Bài thơ ở nước người ta xa vời vạn dặm, lâu lơ lâu lắc, vậy mà vẫn lưu truyền sang nước mình. Người làm thơ cốt là chuyển tải  cái hay, cái đẹp của con chữ, lưu danh muôn đời, chứ không phải vì tiền…".

Sau khi nhậu với bạn về, đêm khuya, anh rảnh rỗi lấy tập thơ bạn tặng ra chăm chú đọc. Anh đọc xong tập thơ liền ném xuống đất, kiêu ngạo nghĩ, tưởng chuyện gì khó khăn, chứ ráp câu ráp chữ cho đúng vần điệu như thế này, vừa nhanh vừa có tiền, vừa lưu danh muôn thuở anh cũng làm được. Từ đó trở đi, duyên nợ thơ ca đến với đời anh.

Anh là người đàn ông có cá tính mạnh mẽ, đã quyết thì làm, đã làm thì làm tới nơi tới chốn. Anh làm thơ giống như công chức nhà nước làm việc, chỉ khác là công việc của anh độc lập, không bị đám đông rảnh rỗi buông chuyện nói xấu, chèn ép đấu đá. Sáng nào cũng vậy, đúng 7 giờ anh ngồi vào bàn viết, bắt đầu công việc của mình, làm thơ!

Có khi anh ngồi vào bàn viết suốt buổi sáng, nhưng tinh thần mệt mỏi, không có hứng thú, không viết được chữ nào. Những lúc như vậy, anh thường hay ép xác anh tạo ra hứng thú cho bằng được. Anh xuống nhà bếp pha ly cà phê đen đắng, rồi trở lại bàn viết vừa uống cà phê, vừa hút thuốc vừa tạo hứng thú cho mình.

Trước đây lúc chưa làm thơ, anh không biết uống trà, chỉ uống cà phê sữa, thuốc hút mỗi ngày năm sáu điếu. Song từ ngày làm thơ anh uống nước trà đậm đặc, cà phê đen đắng, thuốc hút nhiều vô kể. Nhà nhỏ, phòng viết của anh gần nhà tắm, muỗi sinh rất nhiều, chỉ chờ gặp người là bay đến đốt! Nhưng cũng may, nhờ anh hút thuốc lá khói nhiều, không còn con muỗi nào sống nổi nữa.

Có lúc cao hứng anh làm xong bài thơ rất nhanh, song hôm sau đọc lại, thấy thiếu thiếu chưa ổn, chưa hay, nhưng không biết thiếu chỗ nào? Thế là đêm đến anh lại tiếp tục suy nghĩ, dùng bút gạch ngang, gạch dọc, lại sửa chữa tiếp. Đối với anh, làm được một bài thơ hay đem dến cho người đọc, thật vất vả làm sao!

Lúc hoàn thành đứa con tinh thần vừa ý mình, anh thấy trong người như vừa trút bỏ gánh nặng, nhẹ nhõm. Anh cầm bài thơ ngâm nga, đi qua đi lại một mình, đọc rất nhiều lần mà không chán. Song đứa con tinh thần đẹp đẽ ngon lành như vậy, một mình thưởng thức thì không đủ, phải để mọi người cùng thưởng thức và nhận xét.

Anh không biết vi tính nên phải thuê người đánh máy, rồi photo ra năm, bảy bản gởi đi cho các báo, tạp chí trong nước, tốn tới mấy chục nghìn tiền tem thư. Gởi xong, anh bắt đầu sống trong hồi hộp và chờ đợi. Có ai sống trong chờ đợi mới hiểu được nổi khổ của người chờ mong.

Trước đây anh không quan tâm đến lão đưa thư trong xóm, nay nhất cử nhất động của lão anh đều để ý. Song lần nào gặp lão, anh cũng hỏi: "Có ai gởi gì cho mình không?". Lão lịch sự nói: "Không, bạn à.". Ôi, nghe cái chữ "không" của lão mà lòng anh thất vọng, đau đớn làm sao!   

Có lần, tác phẩm của anh được đăng báo, người ta gởi báo biếu và chỉ trả cho tám chục nghìn nhuận bút, nhưng anh vui mừng không thể tả. Anh nhắn tin, điện thoại cho bạn bè gần xa, bảo đó là tác phẩm hay nhớ mua mà đọc. Bạn bè ở gần chia vui, đùa bảo: "Chúc mừng nghen! Có tiền nhuận bút, vô mánh, khao đi!...".

Anh vui lắm, liền sai vợ đi chợ, mua cặp gà nấu cháo, lấy thịt làm gỏi, rủ ba thằng bạn làm thơ đến nhà nhậu, đàm đạo thơ ca thâu đêm. Cuộc nhậu này tốn bốn trăm mấy, gấp sáu lần tiền nhuận bút của bài thơ, chưa kể công vợ anh lom khom làm mồi nhấm. Đã vậy, sáng hôm sau ngủ dậy trong nhà mất cái hộp quẹt ga nhóm lửa, vợ anh nhăn nhó: "Bạn bè anh đến nhà nhậu, không đóng góp đồng nào, còn lấy cắp cái hộp quẹt ga của em".

Anh bênh bạn, nói: "Văn nghệ sĩ mà, ai làm việc đó! Chắc là cầm nhầm...". Vợ anh quả quyết: "Nhầm làm sao được, cái hộp quẹt em sợ bị mất, có buộc sợi dây thun xung quanh. Vậy mà, bạn anh cũng chôm cho được!...". Anh lại mặc cảm chuyển sang hướng khác, trách móc: "Bây giờ anh làm không ra tiền, hễ bạn bè anh đến nhà chơi là em tìm cách nhăn nhó, nói mất cái này, cái nọ, không cho đến!...". Vợ anh hoàn toàn không có ý đó, rất tức. Nhưng để êm ấm trong gia đình nên chị im lặng cho yên chuyện.

Nhà anh chị ở chung cư. Vợ chồng đám cưới xong cha mẹ hai bên cho tiền mua căn nhà. Chị đi dạy, anh đi làm ở công ty H. Vợ chồng tích cóp nuôi hai đứa con nhỏ ăn học xong, dư mỗi tháng được vài triệu. Nay anh thất nghiệp, chị biết anh đang buồn nên không dám nặng lời.

Có điều anh hoàn toàn không hề có ý tìm việc, lại xem việc làm thơ là công việc chính cao cả của mình. Mà làm thơ không đủ nuôi cái miệng cà phê, thuốc lá, nhậu nhẹt bạn bè của anh, lấy gì phụ giúp gia đình. Đã vậy tính khí anh thất thường, nói năng lúc nào cũng thơ ca, chữ nghĩa cao siêu. Mỗi lần ăn cơm, chị nghe anh nói mấy thứ đó thấy mệt làm sao!

Ban đầu chị buồn bã nghĩ, thôi thì, số phận mình không may có chồng làm nhà thơ thì đành chịu chứ biết sao bây giờ. Nhưng ngày này qua tháng nọ, anh vẫn say mê, cặm cụi, kiên nhẫn, đắm chìm trong con chữ. Cà phê thuốc lá ép xác mình quá nhiều, người anh xanh xao gầy rạc đi. Chị rất lo. Chị lo kinh tế gia đình một phần, một phần lo sức khỏe của anh. Chị tìm cách khuyên nhủ chồng.

Ngày trước nhà chị có đặt báo, tạp chí chuyên đề hạnh phúc gia đình. Trong tạp chí, người ta khuyên đại loại thế này: "Muốn khuyên nhủ chồng phải lựa lời, lựa lúc mà khuyên. Cách tốt nhất là sau một ngày bận rộn, đêm về tâm hồn thư thả, vợ chồng nằm với nhau, trước lúc ái ân mới nhỏ to khuyên nhủ chồng…".

Chị thấy cách này hay, chị quyết làm theo sách báo. Buổi chiều, chị đi chợ mua đồ về nấu ăn ngon hơn mọi lần. Đến giờ ăn tối, chị ân cần rót cốc rượu thuốc đem ra tận bàn ăn cho anh. Bình thường, chị chăm sóc anh như đứa con lớn xác lớn tuổi, nhưng hôm nay cử chỉ quan tâm hơn hẳn mọi ngày. Sau khi ăn tối xong, chị ngọt ngào, hạ giọng nhắc khéo: "Đêm nay mình ngủ sớm nhé. Em đi tắm đây!...".

Lúc vợ chồng nằm với nhau, anh đang vui vẻ dịu dàng vuốt ve chị, chuẩn bị tính làm vụ kia thì chị chặn lại, nói: "Anh, em tính khuyên anh một việc…". Anh ân cần hỏi: "Việc gì vậy em?". Chị thủ thỉ:"Anh hãy thương em, đừng làm thơ nữa được không?...". Bỗng dưng, anh đổi giọng nói lớn: "Nếu là người vợ hiền, em biết anh làm thơ khổ sở, đúng ra em phải động viên tinh thần anh chứ! Đằng này em luôn tìm cách nói này nói nọ, không cho là sao?...".

Chị thấy chồng say thơ quá nặng rồi, nói thương mình không ăn thua gì, liền chuyển sang con: "Nếu tình trạng như thế này, con mình lớn lên tiền đâu đi học đại học. Hơn nữa, anh phải ráng làm, về sau con mình có chút ít tài sản…". Anh gắt: "Bây giờ anh cố gắng ngày đêm làm thơ, in sách, để lưu danh muôn đời sau, đó là tài sản lớn quý giá cho con rồi, còn gì!...". Gắt xong, anh nóng giận quay mặt vô vách. Chị im lặng, buồn bã quay mặt ra hướng cửa. Thật uổng công khuyên nhủ...

Vì con, vì chồng, vì mình, vì cái mái ấm gia đình vững bền chị quyết định khuyên nhủ chồng cho bằng được. Nếu mình khuyên không xong thì nhờ phía gia đình chồng khuyên. Có lần vợ chồng về quê ăn giỗ, mẹ chồng, em gái cùng chị đang ngồi lặt rau dưới bếp, chị toan tính nhờ mẹ và em gái khuyên nhủ chồng về việc làm thơ. Song chưa kịp nói, đứa em gái bì bồ: "Chị sướng thật! Anh Hai là người giỏi giang, sau khi nghỉ việc, liền chuyển sang làm nhà thơ. Hôm bữa truyền hình có quay câu lạc bộ thơ, anh Hai điện thoại về, em xem, thấy anh Hai oai phong thật!...".

Chị tính nói đó là câu lạc bộ thơ của các cụ hưu trí, về già không biết làm gì, làm thơ, giải khuây, không đem lại tiền bạc mà ngược lại phải đóng tiền hội phí nữa. Nhưng chưa kịp nói thì mẹ chồng tự hào về con trai mình: "Trong mấy đứa con, mặc dù không giàu, nhưng mẹ nhận xét thằng Hai vẫn là đứa giỏi giang nhất!...". Chị đành im lặng luôn. Đã vậy, lúc ngồi vào bàn tiệc, mấy cụ nông dân biết anh nhà thơ trên tỉnh về, nhìn anh kính cẩn lắm, còn đọc thơ cho anh góp ý nữa. Trên đường về nhà, tuy chị ngồi đằng sau lưng anh, song chị cảm thấy lòng mình trống trải, cô đơn vô cùng, không biết tại do buồn hay gió bụi dọc đường mà lệ cứ chảy tuôn ra hai bên khóe mắt.

Năm hết tết đến rồi. Chồng vẫn miệt mài làm thơ, chẳng quan tâm gì đến gia đình. Nhìn người ta vui vẻ hối hả đi mua sắm cho chồng con, cho gia đình, nhìn lại cảnh nhà mình mà rơi nước mắt! Chị buồn quá, đến nhà đứa bạn thân chơi. Bạn bè lâu rồi không gặp, chị tính tâm sự cho đỡ buồn. Mới đến nhà, nó gặp chị ríu ra ríu rít, mừng húm! Sau một hồi nhỏ to, nó quay sang hỏi chuyện gia đình. Chị lắc đầu, than:

- Sau khi nghỉ việc, chồng tao tối ngày lo làm thơ, chẳng quan tâm gì đến vợ con. Mọi tiền bạc thiếu đủ trong gia đình, đều phủ lên người tao gồng gánh hết. Tao buồn lắm!…

- Chồng mày làm thơ còn đỡ! Lúc đau bệnh, tối lửa tắt đèn, còn có đàn ông bên cạnh. Chứ chồng tao, thì!...

Nói xong, bỗng dưng nó thay đổi sắc mặt lại, nhìn xa xăm ra hướng cửa sổ, buồn man mác. Trông nó sao mà thiểu não quá! Chị thương bạn, vội hỏi:

- Chồng mày làm sao?

- Chồng tao bỏ đi tu rồi!...

- Vợ chồng ăn nằm với nhau đã mấy mặt con, sao lại bỏ đi tu?

Nó chậm rãi kể:

- Không biết nữa! Tao có khuyên ngăn nài nỉ như thế nào ổng cũng không nghe.  Ổng nói tất cả mọi thứ trên thế gian này, đều là vô thường và ảo tưởng hết! Ổng còn nói, căn cơ duyên nợ với hồng trần đã dứt, giờ giác ngộ gởi thân cho chùa!... Có lần tao dắt con vào chùa thăm, ổng khuyên các con và tao không nên gọi cha hoặc chồng, mà gọi bằng thầy!...

Chị nóng nảy ấm ức thay bạn, vung tay nói lớn:

- Nếu đi tu thì đừng có vợ! Đằng này đã có vợ, có con rồi, trốn tránh trách nhiệm bỏ đi tu là sao? Thôi, mày nghe lời tao, ly dị chồng quách đi cho rồi!

Nó lắc đầu, chối đây đẩy:

- Không được đâu, mày ạ! Nếu có chồng sinh ra con ông con bà, con cái nó khổ tội nghiệp! Hơn nữa mình là phụ nữ Việt Nam, bỏ chồng, bà con lối xóm người ta nói!…

- Thế bây giờ mày tính làm sao?

Nó bảo:

- Mỗi người một số phận! Thôi thì, chữ duyên, chữ phận cuộc đời mình không may, đành cam chịu, tảo tần nuôi con thôi chứ biết làm sao bây giờ!?...

Trên đường về nhà, nghĩ đến hoàn cảnh của bạn, chị thấy lòng mình sao cứ nghẹn ngào, thương quá! Song chị nghĩ đến hoàn cảnh của mình, cũng tám, mười như nhau, có hơn gì bao nhiêu đâu mà giúp đỡ bạn. Thôi trưa rồi, chạy xe nhanh nhanh về nấu cơm cho chồng, chứ ảnh làm thơ không được, còn không có cơm ăn, ảnh bực mình, ảnh la chết!...

.
.