Kiều Công Tiễn

Thứ Sáu, 11/06/2021, 15:46
Sau khi chôn cất lão Kiều công, các vị bô lão cùng văn võ suy tôn con trai ngài là Kiều Công Tiễn làm châu mục kiêm quản các việc ở Phong Châu. Kiều Công Tiễn ban thưởng trọng hậu cho các vị bô lão, hào trưởng trong vùng, lại mở kho phát thóc gạo cho dân. Phong con trưởng Kiều Công Chuẩn cùng viên đô tướng Đỗ Tử Bình làm Chánh phó tướng kiêm quản quân doanh thuỷ bộ ở Bạch Hạc.


Thành Phong Châu, mùa Đông năm 937.

Sau khi chôn cất lão Kiều công, các vị bô lão cùng văn võ suy tôn con trai ngài là Kiều Công Tiễn làm châu mục kiêm quản các việc ở Phong Châu. Kiều Công Tiễn ban thưởng trọng hậu cho các vị bô lão, hào trưởng trong vùng, lại mở kho phát thóc gạo cho dân. Phong con trưởng Kiều Công Chuẩn cùng viên đô tướng Đỗ Tử Bình làm Chánh phó tướng kiêm quản quân doanh thuỷ bộ ở Bạch Hạc.

Trong đám quan văn ở thành Đại La, đã mấy lần chủ bạ Đoàn Thành khuyên Dương Đình Nghệ rút bớt binh lực của các châu mục bên ngoài, song Dương công đều chưa đồng ý. Thực lực khi đó, binh tướng Phong Châu, Đằng Châu, thuỷ bộ đều rất mạnh. Không phải Dương Đình Nghệ không lường trước việc các châu mục trong tay nắm binh quyền dễ sinh kiêu loạn, song Dương công luôn cho rằng đất nào chủ nấy, hễ là người An Nam tự đứng ra kiêm quản cũng là lẽ thường. Nếu không làm khéo để nội bộ bất hoà dẫn đến cảnh nồi da xáo thịt chỉ có lợi cho phương Bắc.

Trong thời gian một năm chịu tang cha, Kiều Công Tiễn một mặt củng cố hai ban văn võ trong thành Phong Châu, cho tuyển mộ hiền tài khắp nơi về bổ dụng, lại kén chọn trong đám tuỳ tướng những kẻ mưu lược cản đảm đều phong làm đô tướng sai đi trấn nhậm các nơi hiểm yếu.

Hôm trước, khi vừa rời quân doanh Bạch Hạc về thành Phong Châu, bỗng viên tuỳ tướng vào bẩm báo có một vị đạo trưởng muốn xin gặp.

Kiều Công Tiễn mời vào trong đại điện an tọa chủ khách đâu đấy rồi hỏi:

- Lão tiên sinh từ đâu tới, có điều gì muốn chỉ giáo cho ta chăng?

Vị khách trạc sáu mươi tuổi, dáng người thanh thoát, tay chống gậy trúc, đầu chít khăn vàng nhìn Kiều Công Tiễn giơ tay bấm đốt rồi tươi cười nói:

- Tướng quân dáng vẻ phi phàm, sau này sang quý vinh hiển lớn lắm. Lão phu vốn theo lời sấm truyền đến đây yết kiến. Quả thật phúc thay! Phúc thay!

Kiều Công Tiễn thấy vị đạo trưởng lời nói ẩn ý sâu xa mới dè dặt hỏi:

- Họ Kiều làm chủ Phong Châu đã nhiều đời sang quý tột đỉnh rồi còn muốn gì hơn nữa? Tại hạ chỉ muốn được yên ổn cùng dân chúng Phong Châu.

Vị đạo trưởng nghiêm nghị nói:

- Ân đức của họ Kiều đã nhuần khắp Phong Châu, nhưng có lẽ nào tướng quân chỉ mãi muốn làm rùa già trên núi? Phong Châu là đất phát vương, nay lẽ nào họ Kiều chỉ cam phận xưng thần không thấy hổ thẹn sao?

Kiều Công Tiễn vội nghiêm mặt nói:

- Mong đạo trưởng đừng nói những lời mất nước như thế. Ta tuy bất tài, quyết không làm phản tặc. Người đâu, hãy đem tiền vàng tiễn đạo trưởng cho ta!

Minh họa: Lê Trí Dũng

Vị đạo trưởng phất tay áo cười ba tiếng không thèm động đến tiền vàng cứ thế đi thẳng ra ngoài sảnh nói:

- Có khí số làm chủ thiên hạ mà không làm tất không tránh được vạ trời đâu.

Đạo trưởng đi rồi, Kiều Công Tiễn còn vân vi mãi.

*

 Tin Kiều Công Tiễn trong một năm chịu tang cha chuyên việc sửa sang thành trì, luyện sắt trữ lương, tăng cường ba quân thuỷ bộ, dựng kho lớn vang đến thành Đại La. Dương Đình Nghệ vốn đã gạt đi song chủ bạ Đoàn Thành ba bốn lần khuyên can Dương công hãy mệnh lệnh cho Phong Châu giảm bớt binh lực thuỷ bộ tránh kẻ gièm pha. Dương Đình Nghệ trước sau đều nói:

- Ta lấy bụng thực đãi người, lẽ nào người lại ăn ở hai lòng với ta. Nay lão Kiều công mới mất, lại không tin tưởng lẫn nhau là cái hoạ sát thân đấy. Các ngươi không được nghi ngờ nữa.

Các tướng thấy chủ ý của Dương Đình Nghệ chỉ biết than thở trong lòng.

Sau một năm chịu tang, Kiều Công Tiễn đang chuẩn bị cùng các tuỳ tướng trở lại thành Đại La, bỗng đâu nửa đêm trời không mưa gió đột ngột vang lên ba tiếng sét cực lớn đánh đổ hàng cột cái thủ phủ Phong Châu.

Kiều Công Tiễn lòng dạ hoang mang, nhớ lời vị đạo trưởng hôm trước cho người đi tìm mấy ngày không thấy.

Đang lúc buồn bực, bỗng có tin đạo trưởng gửi tới một phong thư dán kín.

Trong thư là một bài thơ ẩn ý sâu xa:

Trái ý cao xanh họa xuống đầu

Mang mang sương khói biết về đâu

Việc đời hậu thế năm bảy hướng

Tội nhân thiên cổ mịt mùng đau.

Kiều Công Tiễn một mình xem đi xem lại bài thơ không dám chia sẻ với ai.

Kể từ ngày bị lời thơ ám ảnh, Kiều Công Tiễn một mặt dâng thư xin ở lại Phong Châu thêm thời gian chịu tang cha một mặt có ý tìm vị đạo trưởng để hỏi cho ra nhẽ song vẫn chưa tìm gặp được. Lại có nguồn tin cho biết, các quan văn võ trong thành Đại La đã nhiều lần đàn hặc chuyện Phong Châu dựng thêm thành luỹ, rèn sắt trữ lương khiến Dương Đình Nghệ phải khó xử. Có người còn bàn phải mau triệu về thành Đại La giết đi trừ hậu hoạ càng khiến họ Kiều lòng như lửa đốt. Đang còn dùng dằng chưa quyết, bỗng đâu vị đạo trưởng hành tung kỳ bí lại gửi một phong thư nữa.

Thư vẻn vẹn chỉ có năm chữ:

-Tiên hạ thủ vi cường.

Kiều Công Tiễn toàn thân toát hết mồ hôi thở dài thườn thượt.

Mấy hôm sau, Kiều Công Tiễn cho triệu riêng hai tướng Kiều Công Chuẩn và Đỗ Tử Bình về Phong Châu, dặn phải đi ngay trong đêm vào thẳng tướng phủ.

Kiều Công Tiễn đưa thư của vị đạo trưởng cho hai tướng xem.

Cả hai đọc xong mặt ai nấy đều thoắt tái lại rồi bừng đỏ. Đỗ Tử Bình vốn là viên tướng thân cận quá hiểu tính tình họ Kiều, dè dặt nói:

- Cứ như ngu ý của mạt tướng, hai phong thư này tuy ẩn tình sâu xa song đều là xúi giục tướng quân gạt bỏ tình riêng làm đại sự. Dẫu Dương Đình Nghệ lòng dạ rộng lượng không nghi kỵ, song đám văn thần chỉ quen tọc mạch đã từ lâu muốn tước bỏ binh mã các châu quận thì việc hết cáo thỏ bẻ cung tên là lẽ thường tình. Tướng quân phải cẩn thận mới được.

Kiều Công Chuẩn đọc đi đọc lại hai lá thư mãi mới nói:

- Xét các việc trong thành Đại La, phụ thân làm đại tướng được giao trọng trách canh giữ bốn mặt thành, quân quyền không phải nhỏ. Nay phụ thân binh mạnh lương nhiều khiến bọn văn thần không yên tâm đêm ngày xúc xiểm. Có lẽ nào đây là kế hiểm khiến Kiều gia nôn nóng để chúng lấy cớ giải giáp ta hay sao?

Kiều Công Tiễn ngẫm ngợi rồi nói:

- Ta vốn muốn yên bình cũng là để cho thiên hạ thái bình nhưng lòng trời khó đoán. Nay chỉ còn cách rút bỏ binh tướng, tháo dỡ thành trì, cam tâm tình nguyện xuống Đại La làm viên tướng nhỏ coi sóc việc canh gác cổng thành mới giữ được mình vậy.

Đỗ Tử Bình giận dữ nói:

- Nếu Dương chúa đã có ý dung túng để bọn hạ quan xúc xiểm tuyệt tình, ta càng nhẫn nhịn càng là lùi vào con đường chết đó.

Kiều Công Tiễn nghiêm nghị nói:

- Ta nửa đêm cho gọi hai tướng mật đàm không phải hễ nói lùi là lùi xuống ngay đâu. Họ Kiều ta bao nhiêu năm hùng cứ Phong Châu cũng là vì muốn yên ổn đại cục. Nay thế thời thay đổi, ta sẽ tuỳ cơ hành sự. Các ngươi hãy sớm trở về quân doanh, tiếp tục mộ binh trữ lương, thao luyện thuỷ bộ cho thuần thục. Không có thực lực trong tay, dẫu mưu cao kế sâu đến đâu cũng chỉ biết giương mắt ra nhìn người ta cưỡi đầu cưỡi cổ mà thôi.

Hai tướng thấy Kiều Công Tiễn nói những lời đầy ẩn ý, biết rằng chủ tướng đã hạ quyết tâm bèn ngay trong đêm trở về Bạch Hạc.

*

Dùng dằng đến mấy tuần trăng, Kiều Công Tiễn chưa chịu rời Phong Châu về thành Đại La khiến những lời bàn tán mỗi lúc thêm nhiều. Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ gần đây luôn mộng mị bất an.

Đang khi buồn bực bỗng có tin bẩm báo Kiều Công Tiễn sau gần hai năm chịu tang cha đã trở về thành Đại La xin vào gặp. Dương Đình Nghệ mừng lắm, vội cho gọi vào tướng phủ.

Kiều Công Tiễn sụp lạy đâu đấy cảm khái tâu:

- Bẩm chúa công, người đã gia ân cho gọi mạt tướng về sai bảo, nay đến chậm xin chúa công trị tội. Họ Kiều ở Phong Châu xưa nay chỉ biết yên phận giúp quân tướng Đại La dưỡng dân mở đất sổ sách lương tiền không dám sai chậm. Mạt tướng nghe nói các quan văn có ý nghi kỵ lòng trung thành của họ Kiều với chúa công. Nay mạt tướng đã mãn tang cha, nếu chúa công tin dùng lại sai bảo như cũ quyết không dám ăn ở hai lòng. Còn nếu muốn giết mạt tướng để yên lòng quân, Công Tiễn đây xin được cam tâm tình nguyện để khỏi nhục mệnh gia phụ.

Dương Đình Nghệ vội đỡ Kiều Công Tiễn, ân cần nói:

- Tướng quân chớ có nghe người đời đồn đại mà tự trách mình rồi làm điều dại dột. Ta với gia phụ là chỗ huynh đệ lâu năm, lại đã nhận ngươi làm nghĩa tử thiên hạ đều biết, lẽ nào còn chưa đủ tin cậy hay sao? Bọn văn thần xúc xiểm ly gián người hiền, nay mai sau cuộc thao luyện thuỷ quân ở Đằng Châu trở về ta sẽ tra xét trị tội. Chỉ cần ta thân đến doanh trại của ngươi ở cửa Bắc thành úy lạo tướng sĩ tất sẽ xoá tan mối hiềm nghi của bọn nịnh thần.

Kiều Công Tiễn lạy tạ trở về quân doanh.

Suốt đêm, Kiều Công Tiễn không hề chợp mắt. Việc các văn thần võ tướng nghi ngờ xúc xiểm họ Kiều với Dương Đình Nghệ đích thân Dương công đã nói thẳng ra chứng tỏ gần hai năm qua đã có không ít lời xui phải hạn chế bớt binh quyền của các tướng. Luôn mấy năm, việc Dương Đình Nghệ tăng cường sức mạnh thuỷ quân, giao Ngô Quyền, Đinh Công Trứ vào Ái Châu, Hoan Châu mộ binh trữ lương, một mặt đám quần thần gây áp chế tước bỏ binh mã thuỷ bộ Phong Châu chính là mối hoạ lớn của họ Kiều. Nay toàn bộ thuỷ quân cùng phần lớn văn võ trong thành đã xuôi hết xuống Đằng Châu thao luyện quả là thời cơ hiếm thấy. Tới gần sáng, năm chữ trong phong thư của lão đạo trưởng như in hằn vào tim óc họ Kiều: “Tiên hạ thủ vi cường” càng khiến Kiều tướng lòng dạ bất an. Kiều Công Tiễn đi đi lại lại trong quân doanh tới gần hết đêm bất thần ngồi vào bàn viết một phong thư tờ mờ sáng lập tức cho gọi thân tín đem về Bạch Hạc.

*

Quân doanh trại thuỷ bộ nơi ngã ba sông Bạch Hạc.

Mấy hôm trước, khi được tin chủ tướng Kiều Công Tiễn cùng đám tuỳ tùng lên đường vào thành Đại La, hai tướng Đỗ Tử Bình, Kiều Công Chuẩn trong lòng rất lo lắng. Lời lẽ bức thư của lão đạo trưởng luôn ám ảnh chờn vờn trong đầu óc khiến Đỗ Tử Bình và Kiều Công Chuẩn lo nghĩ mãi. Nghĩ lại những lời căn dặn của chủ tướng đêm hôm trước, hai tướng Đỗ Tử Bình, Kiều Công Chuẩn bèn cho các chủng quân thuỷ bộ, kỵ binh, voi trận các doanh sẵn sàng đợi lệnh. Hai tướng lại cho vận chuyển lương thảo, gỗ đá lên các chiến thuyền. Đang cắt đặt việc quân, bỗng tuỳ tướng vào báo có người của chủ tướng Kiều Công Tiễn đem thư tới dặn riêng chỉ hai tướng Đỗ-Kiều được mở.

Vào trong trướng hổ, đuổi hết tả hữu ra ngoài, Đỗ Tử Bình bóc phong thư ra. Họ Đỗ đọc đến đâu mặt thoắt đỏ bừng rồi thoắt tái đi lại đỏ.

Đỗ Tử Bình đưa phong thư cho Kiều Công Chuẩn vừa nói:

- Chủ tướng đã hạ quyết tâm hành động rồi!

Kiều Công Chuẩn đọc xong lá thư, tâm can chấn động mãi mới thốt lên lời:

- Phụ thân đã hạ quyết tâm, mạt tướng dẫu gan óc lầy đất quyết dẫn toàn bộ binh thuyền thuỷ bộ xuống Đại La ngay đêm nay.

Đỗ Tử Bình quả quyết nói:

- Ta đã từ lâu thấy trước hùng tâm tráng chí của chủ tướng, chỉ là vì chưa có thời cơ ra tay mà thôi. Nay đại bộ phận binh tướng đã đi Đằng Châu, Đại La chỉ là một toà thành trống. Chủ tướng đã nhiều năm kiêm quản bốn mặt thành, dẫu họ Dương có mọc cánh cũng đừng hòng bay thoát. Ta và tướng quân hãy chia hai đường thuỷ bộ ngay đêm nay tiến xuống Đại La.

*

Buổi tối trong quân doanh nơi cổng Bắc thành.

Từ chiều, Kiều Công Tiễn cùng mấy viên tướng dùng thuyền nhẹ đi thám sát các hào nước vừa về đến quân doanh cũng là lúc có tin báo buổi tối đích thân chủ công Dương Đình Nghệ tới uý lạo binh sĩ Phong Châu. Kiều Công Tiễn vào trong trướng hổ cho gọi mười viên tướng tâm phúc ở các đô quân vào nghị sự. Họ Kiều một mặt cho chuẩn bị các món ăn mà Dương Đình Nghệ ưa thích, lại cho chuẩn bị hơn chục vò rượu từ Phong Châu đưa xuống. Đám đô tướng trong trướng hổ ai nấy đều giấu vẻ căng thẳng mau chóng người nào việc nấy theo lời Kiều Công Tiễn. Xưa nay, đối với tâm phúc, họ Kiều không tiếc chức tước vàng lụa ban thưởng, nên mỗi khi có việc, dẫu là núi đao biển lửa, đám tuỳ tướng cũng quyết xông vào.

Sắp đặt đâu đấy cũng vừa lúc bên ngoài báo vào Dương Đình Nghệ đã rời đại điện. Kiều Công Tiễn vội chạy ra ngoài nghênh đón. Thấy Kiều Công Tiễn vẫn còn mặc giáp phục, Dương Đình Nghệ không khỏi áy náy phán bảo:

- Có việc gì ngươi hãy phân phó cho các tướng là đủ rồi. Thân làm đại tướng, cũng phải biết nghỉ ngơi giữ sức.

Kiều Công Tiễn lạy tạ cùng đám đô tướng đón Dương công và các tuỳ tùng vào trong trướng hổ, đoạn sai người rót rượu dâng lên.

Kiều Công Tiễn cùng các đô tướng thay nhau chúc rượu Dương công. Vốn là võ tướng, lâu ngày bị đám quan văn ngăn cản khuyên can trong việc giữ gìn ăn uống, nay ở với đám đô tướng, Dương Đình Nghệ như được trở về thời trai trẻ uống rượu bát lớn, thao luyện quân sĩ đánh giết nơi sa trường, liên tiếp cạn hết chung này đến chung khác khiến đám tả hữu đi theo vô cùng sợ hãi cất lời can gián bị Dương công nổi giận đuổi sạch ra ngoài. Rượu mãi tới gần nửa đêm, khi Dương công đã say không còn biết trời đất gì nữa cũng là lúc Kiều Công Tiễn phất tay áo lui vào bên trong. Nhận được ám hiệu, đám võ sĩ trực sẵn xông vào đè nghiến Dương Đình Nghệ cứ thế thắt cổ cho đến khi họ Dương không còn động cựa gì nữa.

Đúng lúc đó, trên không trung Đại La thành, tiếng sấm sét nổi lên kinh thiên động địa. Trời đang trăng sáng lờ mờ bỗng tối sầm lại đến nửa khắc. Thương thay chủ công Dương Đình Nghệ, cả đời anh hùng, toàn thân đởm lược giương cao cờ nghĩa đánh đuổi giặc Nam Hán giành lại quyền tự chủ cho nước bỗng một phút sa cơ không sớm nghe lời can gián của cận thần bị chính tên nha tướng, người nhận mình là bố nuôi âm thầm hãm hại. 

Khí tiết, tấm lòng trung chính, độ lượng của họ Dương đã khiến đất trời cảm động, muôn dân căm hận Kiều Công Tiễn. Hơn một tháng sau, người con rể Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền kéo quân từ Ái Châu ra giết chết Công Tiễn khi y cùng đường dâng nước cho vua Nam Hán. Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng đã đi vào lịch sử còn Kiều Công Tiễn cũng đi vào lịch sử nhưng lại là một vết nhơ khôn rửa.

Truyện lịch sử Phùng Văn Khai
.
.