Khát vọng làm mẹ

Thứ Sáu, 04/09/2020, 12:02
Thủy mơ thấy mình dắt đứa con gái nhỏ về du lịch ở nông thôn. Mùa Thu làng quê với màn sương mỏng nhẹ nhàng giăng mắc khắp đầu làng ngõ xóm vào mỗi buổi sớm mai. Thủy cũng dậy sớm dắt con ra cánh đồng những hạt sương mềm mại đọng trên cành cây kẽ lá long lanh như hạt kim cương.


Mùa thu của Thủy là không khí mát mẻ, làm dịu đi cái nắng gay gắt của mùa hạ chói chang. Là những cơn mưa thưa dần - thưa dần. Là tiếng sấm trong mưa nhỏ dần - nhỏ dần rồi tắt hẳn… Thu về bảo cho cô biết thời gian đã hết nửa năm rồi. 

Từ khi bị hỏng mắt mỗi mùa lại nhắc cô nhớ về một kỉ niệm của những ngày được nhìn thấy bầu trời cao rộng. Những ngày huy hoàng đó nay đã lùi xa. Mới đó mà đã tám năm Thủy không nhìn thấy ánh mặt trời. Hỏng mắt cảm nhận của làn da với môi trường cũng tinh tế hơn. Nắng nhẹ ngột ngạt là trời nhiều mây. Nắng bỗng thoáng mát là trời trong. Nắng không đều oi bức là có cơn mưa… Nắng khô vào chỗ mát gặp ngay gió lạnh là tiết thu.

Năm nay không biết điều Thủy mong chờ có đến được hay không? Thời gian đi được hơn nửa năm rồi, Thủy sờ tay xuống bụng mình vẫn không có gì khác lạ. Gió heo may đã bắt đầu khô làn da, không khí hanh khô đang trở về. Qua thu lại tới đông, sáng nay Thủy đã thấy ngọn gió se lạnh, đó là dấu hiệu báo trước gió mùa sắp về.

Thủy bước ra sân. Nắng Thu khô xác ngọn cỏ bên thềm. Nắng vẫn đổ xuống nền xi măng chan chat, hơi nóng bốc lên hầm hập… Mặc dù sớm nay chúng còn ướt đẫm sương. Tiếng đọc kinh từ nhà trên của mẹ vẫn đều đều. Ngồi trước bàn thờ Phật, Thủy luôn thấy thanh thản trong lòng. 

Đặt chân lên bậc tam cấp, Thủy lại quay xuống nhà. Mẹ không cho Thủy lên nhà trên vì cô là người không sạch sẽ. Theo mẹ, người phụ nữ muốn quỳ trước bàn thờ Phật phải cách li chồng ba hôm. Chiều mẹ Thủy không phản đối. Dòng người hằng ngày tới chùa lễ Phật có bao nhiêu người nhận thức được như mẹ. Đức Phật từ bi xá tội cho tất cả mọi người.

Mẹ vắng nhà, Thủy vẫn lên nhà trên quỳ trước bàn thờ Phật cầu nguyện. Cô muốn có một đứa con. Hỏng mắt không được làm vợ, Thủy vẫn có quyền làm mẹ. Nhiều phụ nữ khiếm thị trong hội cũng làm mẹ đơn thân. Có chị con đã chở được mẹ đi làm. Những đứa trẻ bụ bẫm mới đáng yêu làm sao. Nhiều đứa thông minh một tuổi đã biết thông cảm với mẹ. Chúng tự há miệng ngậm lấy thìa bột khi mẹ đưa không đúng miệng. 

Nghĩ đến việc sinh con, Thủy lại thấy ngực mình tưng tức. Khi nào thì có đứa trẻ rúc đầu vào bú. Cô thèm cảm giác được ôm con vào lòng. Nhiều người mang con nhỏ tới nhà chơi, Thủy muốn bế, họ không cho vì sợ cô làm ngã đứa nhỏ.

Minh họa: Lê Tiến Vượng

Thủy đi sang tiệm tẩm quất, mùa thu buổi sáng vắng khách Huy vẫn còn đang ngủ. Thủy kéo rèm che nắng cho anh. Đêm qua phục vụ mấy người đi làm ca hai về, Huy phải thức tới một giờ sáng. Anh nhỏ hơn Thủy tới năm tuổi. Điều đó không có ý nghĩa gì. Cả hai đều lớn rồi mới hỏng mắt. Như vậy con của họ sẽ không bị di truyền. Thời gian gần đây cô chỉ gần gũi với Huy đúng ngày theo tư vấn của bác sĩ mà vẫn chưa có kết quả.

Thủy đi qua con ngõ nhỏ tới chỗ cây bàng vào bóng râm lại gặp ngay cơn gió mát của mùa Thu. Huy về đây sống tròn năm mà Thủy vẫn chưa mang thai. Nhiều lần Thủy chậm đến tháng, chưa kịp vui, rồi lại có. Mẹ đã cắt cho hai người rất nhiều thuốc bắc mà không có tin vui. Chị Dương trong hội người mù sinh bé trai. Ngày nào Thủy cũng đi xe ôm tới chơi. Đồng tật hiểu nhau, chị cho Thủy được bế đứa trẻ, được sờ đôi má bầu bĩnh của nó…

Quãng đường chưa đầy trăm mét (từ tiệm tẩm quất tới gốc cây bàng) cũng khiến cô đổ mồ hôi. Bầu trời mùa thu trong xanh cao vời vợi, Thủy đâu còn thấy nữa. Thu với Thủy lúc này là ngọn gió se lạnh lau khô những giọt mồ hôi trên trán.

Tựa vào thân cây cô nhớ lại những ngày còn thấy mặt trời, cùng người yêu đi chơi trong chiều thu xanh ngắt. "Nếu bầu trời mà không có những làn mây trắng mây hồng điểm tô thì khác gì một bông hoa có sắc mà không có hương". Tâm bảo Thủy như vậy lúc hai người cùng nhau đi lên đồi Thiên Văn. Mỗi hôm Tâm lại nhận xét về bầu trời bằng một câu văn khác. Toàn là những từ đã đọc trong sách mà Thủy vẫn thích nghe. 

Tiếng lá rơi đưa Thủy về thực tại. Mấy hôm nay Thủy thấy đau nhói ở bụng dưới. Tưởng có thai mua que thử không lên được vạch nào. Sáng nay Hân hẹn đưa Thủy đi viện phụ sản mà giờ này chưa tới. Đối xử với Thủy như Hân cũng là việc hiếm có. Bạn phổ thông của Thủy bây giờ chỉ còn có mình Hân. 

Mặc dù biết Thủy là người yêu cũ của chồng, Hân vẫn rủ anh tới nhà bạn chơi và đón Thủy về nhà mình chơi. Nhận thiệp mời của Hân, Thủy mới biết chồng Hân là Tâm người yêu cũ của mình. Việc nào ra việc đó, hỏng mắt được bạn mời Thủy rất trân trọng. Cô vẫn cùng các bạn đi dự lễ cưới của hai người.

Hơn chín giờ Hân mới tới. Họ vội vã đi. Trên đường nóng là thế mà vào hành lang bệnh viện vẫn cảm thấy gai người. Không biết do sự lạnh lẽo của bệnh viện hay là tiết Thu. Người khiếm thị được bệnh viện ưu tiên nên thời gian làm các xét nghiệm chuyên môn cũng không mất nhiều thời gian. Cả hai đều cố tránh những câu thăm hỏi của bác sĩ về gia đình. 

Hân chở Thủy về tới gốc cây bàng rồi vội vã quay xe đi làm ca chiều. Kết quả khám bệnh, chiều Tâm qua lấy mang về cho Thủy. Họ không muốn Huy biết chuyện Thủy đi kiểm tra. Phụ nữ không chồng tới viện phụ sản cũng bị láng giềng dị nghị.

Trên danh nghĩa, Huy chỉ là người làm thuê cho tiệm tẩm quất của Thủy. Tiền công cô vẫn trả cho anh đầy đủ, để Huy gửi về giúp đỡ gia đình. Nhà anh ở tận vùng núi Bắc Giang. Dưới anh còn ba đứa em đang đi học. Gia đình chỉ có vườn đồi. Mấy năm nay lại mất mùa thất bát. 

Khó khăn như vậy mà khi Thủy gợi ý hai người trở thành vợ chồng nương tựa nhau là Huy từ chối ngay. Anh không cần ngôi nhà và tiệm tẩm quất của Thủy. Cùng là khiếm thị, con trai vẫn có thể lấy được vợ mắt sáng bình thường. Để họ đỡ đần những việc khó khăn người khiếm thị không làm được. Hỏng mắt giỏi đến mấy cũng không thể tự chạy xe đi trên đường. 

Mẹ khuyên Thủy: xin đứa con thôi, không nên lấy chồng, vì người khiếm thị không thể hoàn thành nghĩa vụ dâu con. Trong Hội người mù, có nhiều người phụ nữ, hỏng mắt sau khi lấy chồng cũng không ở được. Họ phải tự ngậm ngùi chia tay về nhà mình. (Những gia đình vợ chồng cùng là người khiếm thị, cũng có nhưng không nhiều).

Năm tới Huy sẽ lấy vợ ở quê. Như vậy là Tết này về nghỉ anh sẽ không xuống nữa. Từ nay tới khi anh đi Thủy phải có thai. Người phụ nữ khiếm thị kiếm đứa con khỏe mạnh cũng rất khó khăn. Với người đồng tật rất dễ bị di truyền. Trong hội có chị Nga xin không đúng chỗ sinh ra đứa con như mình. Hai người cùng có gien mang bệnh khả năng đứa trẻ cũng khiếm thị rất cao. Nếu không may như vậy thì khó khăn lại chồng lên nhau. Huy bị tai nạn hỏng mắt, chắc chắn là không có gien bệnh. Người sáng tử tế thì chẳng ai giúp. 

Thủy mang bộ hồ sơ vào phòng lau nước mắt. Thủy không thể nhờ Tâm đọc và cũng không thể nhờ mẹ đọc. Đành phải đợi Hân thôi. Mẹ đọc nếu có việc gì cả nhà biết và Huy cũng biết. Lại phải tới chiều mai Hân làm ca sáng về mới tới được. Thủy đếm từng giờ. Nghe tiếng xe máy Thủy ào ra cửa. Hân cầm hồ sơ cài vào võng xe: "Vội gì lên đồi chơi đã! Chiều nay bố Tâm ở nhà mình không phải nấu cơm".

Vô tình Hân đã đánh thức những kỉ niệm của Thủy với chồng mình. Thời sinh viên họ thường đi chơi trên quả đồi này. Con đường từ cổng Rồng lên đài khí tượng hơn một cây số, họ thường đi mất hàng giờ. Thỉnh thoảng họ còn thấy trên bầu trời thu có cả đám mây màu xanh phớt hay màu mỡ gà trôi nhẹ trong không gian như đang khoe sắc thắm của mình. 

Tâm thường nhìn về ngọn núi voi khi con đường xoắn ốc đưa họ vượt lên trên những tòa nhà cao tầng. Nơi đó là quê anh một làng nhỏ dưới chân núi. Anh thường nói về những trò chơi tuổi thơ của mình. 

Núi Voi cách Kiến An chưa đầy mười cây số mà có nhiều điều mới lạ với Thủy. Cô chưa thấy đám con trai trong xóm chơi những trò chơi như đánh khăng, đánh đáo… bao giờ. Cô mong ngày về quê anh. Tâm bảo: "Nông thôn bây giờ bọn trẻ cũng có máy vi tính và trò chơi điện tử rồi".

Thời gian chưa yêu Thủy, Tâm thường đạp xe về sau giờ học. Để được gần Thủy, Tâm đã ở lại kí túc xá nhà trường. Mùa hè quả đồi xanh tươi đầy sức sống, sang Thu khoác tấm áo vàng tươi. Trời chiều mùa Thu có cả những đám mây vàng. Con gái thích ngắm mây vàng là báo hiệu của chuỗi ngày gian nan vất vả. Thủy không tin vào điều đó. Những áng mây trôi bồng bềnh kia không có liên quan gì tới cuộc sống của mỗi người. 

Hai năm sau căn bệnh quái ác đã cướp đi đôi mắt của Thủy vào giữa kì một năm thứ ba (thời gian đó cũng là giữa Thu). Căn bệnh buộc cô phải nghỉ học chia tay bạn bè. Hỏng mắt sức khỏe tốt Thủy vẫn có thể học hòa nhập như nhiều người khiếm thị khác. 

Giậu đổ bìm leo, các bệnh về cơ và thần kinh bắt cô phải nằm trên giường suốt bốn năm ròng. Ba phải chuyển nhà từ Cầu Đất về Kiến An lấy tiền dư chữa bệnh cho con. Mẹ phải nghỉ dạy ở nhà phục vụ Thủy. 

22 tuổi cô lại phải nhờ mẹ dắt đi những bước đầu tiên trong nhà mình. Căn bệnh vắt kiệt sức khỏe và lấy hết ánh sáng, để bây giờ đi trên con đường này cô chỉ cảm nhận được không gian thoáng mát của rừng cây và cái mùi hăng hăng của lá thông tươi.

Hân đưa Thủy đi ăn kem. Dắt bạn ngồi lên thảm cỏ cô mới nói cho Thủy biết kết luận của bác sĩ. Hai dòng nước mắt trong như ngọc rơi ướt cả đám cỏ. Thủy khóc như ngày biết đôi mắt mình không thể chữa lành. 

Trời ngả màu vàng báo hiệu gió lạnh đang trở về. Hoa sữa thơm tràn ngập không gian. Thủy đâu còn tâm trạng cảm nhận chiều Thu. Nắng tắt họ vẫn chưa muốn về nhà. Thủy có khối u phải cắt bỏ một bên buồng trứng. Cô sẽ nói với mẹ và Huy thế nào đây? 

Có tiếng chuông chùa âm vang ngược dốc đến chỗ hai người. Hân nắm tay bạn: "Việc này không thể giấu được trước sau gia đình cũng biết. Cô bé ngồi cùng hàng ghế với mình sáng qua, nhỏ hơn cậu tới chục tuổi mà cũng bị đó thôi".

Những ngày tiếp theo Hân thường tranh thủ dắt Thủy đi chơi. Hai người lên chùa lễ Phật, trò truyện với sư thầy. Tới viện dưỡng lão thăm những người phụ nữ cô đơn không nơi nương tựa, được nhà nước nuôi dưỡng. 

Bà lão khiếm thị cầm tay Thủy nói: "Con ạ! Ở đây vật chất thiếu thốn một chút nhưng đời sống tinh thần thoải mái lắm. Viện có nơi thờ Phật để người già cầu nguyện". 

Nếu không có con một ngày mai cha mẹ không còn, Thủy cũng phải tới nơi này. Viện dưỡng lão của thành phố ở ngay trong quận mà giờ cô mới biết. Nhưng chuyến đi không làm vơi chút nào khát vọng làm mẹ của Thủy.

Hân động viên bạn làm theo chỉ định của bác sĩ. Để lâu sẽ ảnh hưởng tới tính mạng. Nhiều người vỡ u nang cấp cứu không kịp đã trở về với cát bụi. Nếu cấp cứu được thì rất tốn kém tiền bạc và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, lúc đó sẽ khổ rất nhiều cho gia đình. Còn một bên buồng trứng, Thủy vẫn có cơ hội làm mẹ. 

Nghe bạn nói Thủy chỉ lặng im. Hỏng mắt mà không có con đời người đàn bà không biết sẽ đi về đâu? Con đường quen lại dẫn họ lên đài khí tượng. Thành phố đã thay hết các cây tạp bằng thông xanh nên đồi Thiên Văn không ngả màu vàng khi Thu về, nó chỉ hơi sẫm màu thời gian. Nhưng với Thủy nó vẫn như xưa, lúc nào quả đồi cũng một màu vàng tươi. Cái màu vàng của mùa Thu cuối cùng thấy nắng. 

Từ ngày hỏng mắt không có thêm một hình ảnh nào của quả đồi vào trí nhớ cô. Cho dù thời gian có đi tới đâu thì với Thủy vẫn không thay đổi. Quả đồi vẫn vàng dưới trời Thu xanh thẳm. Xa xa vẫn là đồng lúa thẳng cánh cò bay. Dòng sông như chiếc khăn trắng ngà vắt qua xóm làng. Tâm giờ đã có gia đình hạnh phúc. 

Anh đưa con gái tới nhà Thủy chơi, cô bé ba tuổi bụ bẫm sà vào lòng Thủy như người thân. Nó đứng lên đùi thơm má Thủy. Hân thường mắng yêu con: "Quý vừa thôi, gẫy chân bác ngay giờ. Khi nào lớn mẹ cho sang đây ở hẳn với bác!".

Thủy thường giấu nỗi buồn vào trong để tươi cười với Hân. Nhưng người hỏng mắt không che được thái độ, vợ chồng Hân vẫn nhận ra Thủy đang nghĩ gì khi bế đứa trẻ. Một năm sống với Huy như vợ chồng Thủy chưa có con. Bây giờ cắt một bên thì chẳng biết thế nào. Mới có mấy ngày mà Thủy xanh như tàu lá úa.

Bà Vân đưa con gái về viện Phụ sản Trung ương. Quãng đường về Hà Nội thật dài. Thủy ngồi tựa vào vai mẹ khóc ròng… Cô hi vọng kết quả của Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng là lầm lẫn. Bác sĩ sẽ cầm tay cô nói rằng: "Em không có bệnh, suy nhược cơ thể uống hết chỗ thuốc này là khỏi thôi". 

Bà Vân động viên con tin vào tiến bộ của y học. Nếu không sinh được tự nhiên, gia đình sẽ cho Thủy tới bệnh viện xin trợ giúp. Việc bây giờ là phải chữa lành bệnh. Trái tim người mẹ lần thứ ba đưa con đi chữa bệnh đã chai sần. Bà bình tĩnh không để lộ tình cảm… Người mẹ dắt con đi bộ trong công viên Thống Nhất. Bà hi vọng với không gian thoáng mát sẽ làm con bé vơi phần nào nỗi buồn đang nặng trĩu trong lòng. 

Lần đầu đưa con đi Hà Nội chữa bệnh chỉ có một mình bà lo. Thủy còn nhỏ không hiểu gì vẫn vui tươi. Hôm nay Thủy đã lớn. Thủy đau một thì bà đau mười. Nếu không hỏng mắt thì bà cũng đã có rể, có cháu ngoại. Nhìn những cô gái trẻ được chồng dẫn đi chữa bệnh, người mẹ nuốt dòng nước mắt vào trong. 

Mặc dù viện Phu sản Trung ương cũng có kết quả khám tương tự nhưng các bác sĩ lại đồng ý với đề nghị của bà Vân: dùng thuốc không nên mổ vì năm 12 tuổi Thủy đã mổ một lần rồi. Mổ thêm lần nữa Thủy sẽ không còn khả năng mang thai. Hai mẹ con dắt nhau về mà lòng nặng trĩu. Không phải Thủy mà cả bà Vân lúc đi cũng hi vọng là các bác sĩ ở Hải Phòng lầm lẫn.

Mặc dù gia đình đã mua những thứ thuốc tốt nhất nhưng cái khối u vẫn phát triển. Nó lớn nhanh như cái thai ba tháng tuổi. Cùng với nó là những cơn đau tức vùng bụng: do khối u phát triển chèn ép, gây chướng bụng và cảm giác mệt mỏi khi di chuyển. 

Thủy không còn đủ sức làm cho khách yêu cầu. Cô chán nản không thiết ăn uống, sức khỏe ngày một yếu đi. Chân tay teo tóp, không ai còn nhận ra cô gái xinh đẹp, đầy đặn ngày nào. Thủy sẵn sàng trở về với cõi Phật. Ông trời cướp đi của cô đôi mắt, bây giờ lại cướp đi quyền làm mẹ, cuộc sống còn có ý nghĩa gì?

Thủy ngất đi trong cơn đau, gia đình mới đưa được cô vào bệnh viện. Hân nghỉ làm đi chăm sóc bạn. Trong lúc gây mê Thủy như thấy Tâm, thấy Huy cũng đến đứng bên bàn mổ cầm tay truyền hơi ấm cho Thủy. Cô chìm vào giấc mơ đẹp của những ngày đã qua.

Thủy mơ thấy mình dắt đứa con gái nhỏ về du lịch ở nông thôn. Mùa Thu làng quê với màn sương mỏng nhẹ nhàng giăng mắc khắp đầu làng ngõ xóm vào mỗi buổi sớm mai. Thủy cũng dậy sớm dắt con ra cánh đồng những hạt sương mềm mại đọng trên cành cây kẽ lá long lanh như hạt kim cương. Sương nhỏ như hạt tấm được nắng chiếu rọi, tạo thành làn khói mỏng bay lên bầu trời. Đứa con gái nhỏ đuổi bắt chuồn chuồn vấp ngã lại cười đứng lên.

Hết thuốc mê tỉnh lại, Thủy thấy bàn tay mình trong bàn tay của mẹ. Tâm không đến, Huy cũng không đến. Thủy định hỏi mẹ về họ xong lại thôi. Sư thầy ở chùa nơi bà Vân làm Phật tử tới tận bệnh viện thăm Thủy. Hương thơm của áo cà sa đọng mãi trong phòng.

Gió mùa Đông Bắc tràn về.

Mặt trời đi tránh rét nấp trong màn mây. Cây bàng trút bỏ hết lá, chỉ còn trơ lại những chiếc cành khẳng khiu nhẫn nại chịu đựng giá rét. Được sư thầy giải thích mẹ cũng cho Thủy học kinh và lên chùa lễ Phật. Hằng ngày cô tự đi bộ tới chùa. Mùa đông vắng khách, ngày chủ nhật Thủy rủ cả Huy và vợ chồng Hân đi ăn cơm chay và nghe giảng pháp. Cô ít nghĩ đến Tâm nhiều hơn vì thấy có lỗi với Hân. Cô đã xóa bỏ hẳn ký ức đẹp và không còn luyến tiếc. 

Sức khỏe bình phục, Thủy trở thành một người tươi vui. Cô tham gia vào đội văn nghệ của phường và Hội người mù quận. Thủy không còn mơ tưởng và nuối tiếc đến những chuyện quá khứ. Cô không cảm thấy buồn khi có ai nhắc về thời sinh viên và quyền làm mẹ. Ngày Tết Huy về nhà của cậu ấy, Thủy cũng không cảm thấy buồn. 

Mùa xuân lại trở về cùng với những tia nắng ấm áp. Mùa hè trở về cùng với những tiếng ve kêu. Huy trở lại tiệm tẩm quất cùng với cái nóng của mùa hạ. Khi những cơn gió heo may se lạnh quay về thì cũng là lúc Thủy nhận ra mình đã có thai. Mùa thu trở về với hương thơm của hoa cúc và những trái chín ngọt lành.

Truyện ngắn của Lê Trung Cường
.
.