Đi làm vợ người khác

Thứ Sáu, 05/02/2021, 12:34
Ray Chơn giật bắn người, bước co ro đến chỗ Hồ Roằng. Đã đến lúc rồi đây. Ray Chơn nghĩ và rón rén leo lên cái giường mà vợ chồng Hồ Roằng ngủ bấy lâu. Chị quờ tay tìm cái gì đó để gối, và nín thở nhắm mắt nằm chờ. Chị nằm còng queo, mặt quay về phía Hồ Roằng, run như con thỏ rừng bị nhốt, nghĩ đến bàn tay Hồ Roằng sắp chạm lên người mình.


Đã chiều ba mươi Tết rồi mà nhà Ray Chơn vẫn như có đám. Anh chồng, Hồ Pằn, không buồn sửa soạn cỗ tất niên, ra ngồi trên hòn đá dưới bóng mít góc sân, trầm ngâm hút thuốc. Khói thuốc như mây tháng chạp, nặng nề phủ quanh người. Gió lạnh thổi rin rít qua rặng cây, ném lá vàng bay lả tả xuống lối đi ướt át. Sao Ray Chơn xinh đẹp của anh có một lời nông nổi thế?

Lòng Ray Chơn như có kiến cắn, có ong châm. Chị xăn văn xó vó, vừa nấu cơm tối vừa xếp quần áo để mang đi. Không còn cách nào khác, tối nay chị phải đi làm vợ lão Hồ Roằng. Cái lão dữ dằn, bặm trợn nhất bản làng này...

Hồ Pằn ngồi đốt thuốc, hết tẩu này sang tẩu khác. Lầm lì. Lặng phắc. Khói thuốc bay lên từng búi trắng xanh, xoắn lại trên mớ tóc quăn khô như rơm của anh ta. Mấy năm nay, Hồ Pằn quen sống nhiều ngày, nhiều tuần không có vợ. Bởi Ray Chơn làm cộng tác viên dân số xã, phải vắng nhà luôn. Có khi đi tập huấn ở tỉnh mươi bữa nửa tháng, khi khác lại đi vận động bà con ở tận bản này bản kia, xa ba bốn ngày đường. Nhưng lần ra đi này của Ray Chơn thì khác.

Vắng vợ, việc gia đình Hồ Pằn làm tròn vo. Một mình cày cuốc nương rẫy, chăm sóc con cái. Nhưng anh vẫn yên tâm, thậm chí lấy làm vui vẻ, vì vợ đi làm công việc của tập thể giao rõ ràng. Và anh cũng rất mừng, vì công việc của Ray Chơn làm có kết quả tốt. Cái xà nhà của Hồ Pằn đã kín đầy giấy khen của vợ. Phần đông phụ nữ các bản Kà Roòng, Kà Roọk, Mạ Pheng, Cây Sến đã biết đẻ ít lại, biết lo chuyện ăn mặc, học hành của con cái. Nhìn đám trẻ nít đến trường mặt mũi hồng hào, áo quần váy vúng ríu ra ríu rít, ai cũng no con mắt và sướng cái bụng. 

Minh họa: Đỗ Dũng

Hồ Pằn rất thương vợ. Bởi cái công việc của vợ làm ở miền núi vô cùng khó khăn và đầy bất trắc. Những người phụ nữ, cả những người đàn ông thiếu hiểu biết, thiếu thông tin, họ gây khó dễ rất nhiều cho Ray Chơn. Thậm chí, đôi khi Hồ Pằn đồ rằng, họ cho đấy là việc riêng, việc nhà của Ray Chơn. Cô ấy đang nhờ đến họ giúp đỡ. Họ làm được thì giúp, không được thì thôi. Mặc kệ Ray Chơn! 

Bởi thế, những trục trặc, rủi ro xảy ra trong quá trình thực hiện hạn chế sinh đẻ, họ đều phó mặc Ray Chơn, như thể đó là lỗi của Ray Chơn. Không nói xa xôi, mới năm ngoái đây, khi vận động vợ chồng nhà Hồ Mắn sử dụng bao cao su, lão Hồ Mắn không chịu. Lão phùng mang trợn mắt:

- Con miềng đẻ, miềng nuôi. Ai đã đỡ đần cho miềng bát gạo, bắp ngô, mà ngày mô cũng đến nhà to nhỏ, rỉ rẻo eo sèo? Rồi thời gian bay vèo, con miềng sẽ đi bộ đội, làm công nhân, lo việc nước. Lúc đó có ai hay?

Nhưng Ray Chơn vẫn lấy nụ cười đáp lại Hồ Mắn. Ai cũng bảo, nụ cười hiền khô của cô ấy như có ma lực, có sức mạnh không thể chối từ:

- Hồ Mắn à, nói rứa không được mô! Con nít trong bản đi học cả, răng con Hồ Mắn phải bỏ học đi rẫy? Mai tê lớn lên, ai nấy chữ nghĩa thông thạo, kiếm được việc này việc kia, đời sống khá giả. Lúc đó Nhà nước cấm phá rừng làm rẫy, con Hồ Mắn không có chữ nghĩa, biết làm việc chi? Rồi chúng sẽ rất buồn, và oán trách Hồ Mắn lắm đó!...

Đi miết, nói miết, cuối cùng vợ chồng nhà Hồ Mắn cũng nghe ra. Nhưng rủi thay, vài tháng sau, cái bụng vợ Hồ Mắn không nằm yên, nó lùm lùm, rồi to như cái mũ cối úp vào. Không biết là do bao cao su bị rò, hay do đã có thai trước đó. Nhưng Hồ Mắn một mực bảo là, mặc kệ Ray Chơn!...

Đầu năm nay, lại một rủi ro khác nữa. Thật tội cho Ray Chơn. Vợ chồng nhà Hồ Kang tuổi còn trẻ mà đã lít nhít bốn đứa con. Phải ăn cả củ nâu, môn voóc. Hồ Kang đem vợ đến giao cho Ray Chơn.

- Miềng đem vợ đến, để Ray Chơn đặt cho cái vòng!

Ray Chơn lại khăn gói, đưa vợ Hồ Kang đi ba mươi cây số đường rừng, về bệnh viện Cây Lim, để bác sĩ đặt vòng cho vợ Hồ Kang hết đẻ. Chín tháng sau, Hồ Kang lại đem vợ đến nhà giao cho Ray Chơn.

- Miềng bắt đền Ray Chơn đó!

Hồ Kang chỉ nói như rứa, rồi ngoảy đít bỏ về, để lại cô vợ bụng chửa vượt mặt, ngồi khóc với Ray Chơn.

- Hồ Kang nói bậy đó - Vợ Hồ Kang van vỉ - Không phải miềng bắt đền Ray Chơn mô! Nhưng mà, có Ray Chơn bên cạnh, miềng yên tâm lắm lắm...

Vì đã đặt vòng mà vẫn có thai, Ray Chơn phải đưa vợ Hồ Kang về sinh ở bệnh viện. Thế là, không có ai, Ray Chơn cùng Hồ Pằn, hai vợ chồng đoạn dìu đoạn võng, đưa vợ Hồ Kang về bệnh viện Cây Lim. Và Ray Chơn phải ở lại đó một tuần, giặt giũ, chăm nuôi vợ con nhà Hồ Kang cứng cáp, rồi mới nhờ người gọi chồng xuống cõng về...

Trong bản Cây Sến, còn mỗi lão Hồ Roằng, nhà ở bên kia chân núi, là chậm tiến nhất. Lão có một đàn con sáu đứa, lít chít ngang đầu nhau, đứa sau cùng mới hơn một tuổi. Trước khi lấy lão, vợ lão là một mun săn giòn, đẹp có tiếng. Lão phải sim hàng mấy tháng trời, thổi khèn lá không biết mỏi đêm đêm trước ngõ nhà ấy, mới được người đẹp gật đầu. Giờ đây, vợ lão như con mắm khô, gầy tong teo, da dẻ xanh rớt. Nhưng lão cứ bắt đẻ. Lão nói, phải đẻ cho hết con trong bụng vợ mới thôi, kẻo tội...

 Ray Chơn mấy lần vượt núi, tìm đến nhà Hồ Roằng, nhưng lão cùng vợ và mấy đứa lớn vào rừng từ rất sớm. Lão đốt rừng làm rẫy tận bên kia mái núi, ngày nào cũng tối mịt mới về. Ray Chơn quyết định phải ở lại một đêm, để gặp cho bằng được. Và trong cái đêm định mệnh đó, không ngờ số phận của Ray Chơn bị buộc vào Hồ Roằng bởi một lời cam kết, vô tiền khoáng hậu. Nhưng với Ray Chơn, lời cam kết đổi bằng số phận.

Lời cam kết như đinh đóng cột. Ba mặt một lời. Có cả ông trăng vằng vặc trên đỉnh Tăng Ki chứng kiến. Lúc đó, thực ra để được việc, và để phá tung cái lô cốt cuối cùng, Ray Chơn đã hăng hái thề thốt. Tay chém mạnh lưỡi dao vào thân cây mít góc sân nhà Hồ Roằng. Bởi khả năng xảy ra rủi ro trong trường hợp đó là rất thấp, gần như không có. 

Hồ Roằng, sau mấy ly rượu, mặt cũng phừng phừng, chém phập lưỡi dao vào cạnh nhát chém của Ray Chơn. Vợ Hồ Roằng rất tin tưởng Ray Chơn, không ngần ngại phăm lưỡi dao của mình cạnh chỗ hai nhát chém kia. Mủ mít chảy ròng ròng như máu trắng. Thế mà, điều ngỡ không thể xảy ra, nó đã xảy ra...

Thoạt đầu, Hồ Roằng không chịu để vợ đi triệt sản. Lão nói, đã bao đời nay, ai đi làm cái việc ngăn con người ta sinh con đẻ cái? Nhưng vợ lão ôm lấy Ray Chơn khóc sướt mướt, tuồng như cầu xin Ray Chơn tiếp tục thuyết phục Hồ Roằng. Người đàn bà gầy gò, ốm o xo bại từ váy xống đến mái tóc, cứ ngước đôi mắt trũng sâu nhìn xoáy vào đáy mắt Ray Chơn, khiến chị quyết tâm hơn.

- Hồ Roằng à - Ray Chơn nói - Vợ gầy yếu thế ni, không sinh đẻ được nữa mô! Phải để chị ấy nghỉ ngơi, may ra có điều kiện chăm sóc mấy đứa con nhỏ...

Ray Chơn nói, suýt để rơi những giọt nước mắt thương cảm lên đôi vai gầy của vợ Hồ Roằng. Nhưng lão chồng gần như không lưu tâm đến chuyện đó. Cổ lão bạnh ra, mắt sâu núp trong đôi mày rậm.

- Không được mô! - Lão nói - Công việc chặt cây, cuốc gốc, làm nương rẫy đã có bàn tay đàn ông. Đàn bà chỉ mỗi việc cầm gậy chọc lỗ, trỉa hạt, nhẹ nhàng thôi mà...

Ray Chơn vẫn không chịu thua, nói lý với Hồ Roằng:

- Hồ Roằng sai rồi! Chính phủ đã cấm phá rừng làm rẫy rồi! Chừ chính sách mới, trai gái chi cũng phải trồng lại rừng, giữ lấy rừng thôi. Không được phá rừng nữa, gây lũ ống lũ quét, trôi nhà trôi cửa...

Lão Hồ Roằng khôn ranh, quay sang tình huống khác:

- Người ta bảo, đẻ được bốn đứa con trai, là nhà có tứ quý. Tiền của sẽ tự chảy về như nước. Miềng chỉ thiếu một thằng, là giàu to. Nên miềng phải đẻ thôi! 

Ray Chơn lại cười, nụ cười hiền và tự tin:

- Cũ rồi! Ở hà bạn, chừ trai gái chi cũng chỉ đẻ hai đứa thôi. Không có tứ quý tứ kiếc chi mô! Họ nói giỡn đó. Với lại, nếu vợ Hồ Roằng không đẻ ra con trai, mà ra con gái nữa, thì mần răng?

Lão Hồ Roằng đuối lý, ậm ừ trong cổ họng. Nhưng xưa nay, lão chấp chi đàn bà! Lão tìm kế khác, cốt gây khó cho Ray Chơn.

- Lỡ ra - Lão nói - Bác sĩ làm chết vợ tau, thì răng? 

- Chết răng được? Chỉ thắt ống dẫn trứng thôi mà. Thuộc hàng tiểu phẫu, nhẹ nhàng như tiêm mũi kim...

Ray Chơn đã thấy việc xuôi xuôi, nên rất tự tin. Nhưng Hồ Roằng bỗng nổi khùng, nói:

- Nhưng vợ tau cứ chết, mi đền không? Mi chịu làm vợ tau không?

Hồ Roằng vùng vằng, vung tay đá chân, đứng dậy định bỏ đi. Lão vừa cay cú vì bị đuối lý, vừa tung một câu hỏi đầy thách thức.

- Răng lại không? Tui thề!...

Ray Chơn trả lời và cười đắc thắng. Nụ cười của người vừa vần được tảng đá to chặn đường. Chị rất mừng. Vợ Hồ Roằng cũng mừng. Hồ Roằng nín lặng tuân theo. Cả ba người kéo nhau ra cây mít góc sân chém thề.

Hôm sau, Ray Chơn đưa vợ Hồ Roằng đi đến bệnh viện. Hai người đàn bà đi tắt qua những đoạn đường rừng già gập ghềnh cho nhanh, trước khi Tết đang đuổi sau lưng. Còn một tuần nữa là Tết, ai cũng muốn giải quyết xong mọi chuyện, để thanh thản hưởng những ngày Tết vui vẻ. Và bước vào một năm mới an khang, cầu mong thịnh vượng. 

Tâm trạng của vợ Hồ Roằng còn vui hơn. Bởi chị hiểu rằng, xong việc này, chị chẳng còn gì lo lắng nữa! Cùng với mùa xuân, chị sẽ trở lại khỏe mạnh, xinh giòn như xưa. Hai người vừa đi vừa cười nói rỉ rả, họ nhắc lại những cái Tết thời thiếu nữ xa xôi, và nói về những dự định trong cái Tết đang đến. Về những trò chơi gái trai làng bản mong chờ. Họ hoàn toàn không hay rằng, ý nguyện đơn giản của vợ Hồ Roằng không kịp thực hiện...

Cái công việc êm xuôi với hàng vạn phụ nữ đã không êm xuôi với vợ Hồ Roằng. Trước hôm chuẩn bị phẫu thuật thắt ống dẫn trứng, chợt chị nói rằng, đã tuần nay chị thường thấy đau lâm râm hai bên phần bụng dưới, sát khung xương chậu. Vị bác sĩ đã cẩn thận cho chị đi siêu âm. Không ngờ, chị đã bị u nang buồng trứng. 

Thế là hôm sau, thay vì làm kỹ thuật thắt ống dẫn trứng, người ta phẫu thuật cắt bỏ u nang cho chị. Nhưng vừa mới tiến hành gây mê được ít giây, người chị chợt tím tái, co giật mấy cái, rồi tắt thở. Các bác sĩ không kịp trở tay. Cơ địa của chị phản ứng mạnh cả với thuốc gây mê. Trong y học gọi là sốc phản vệ. Một tình huống bất khả kháng! Ray Chơn chỉ còn biết khóc ngất, đưa xác vợ Hồ Roằng về nhà. Tổ chức chôn cất xong được hai hôm nay...

Sự thể đau đớn bất ngờ xảy ra với vợ Hồ Roằng, đã khiến Hồ Pắn không nói nên lời. Anh, lúc bực bõ trách vợ nông nổi, lúc xót thương bởi công việc của cô. Nhưng anh cũng không thể chịu đựng nổi cảnh Ray Chơn của anh phải đi thực hiện lời hứa với lão Hồ Roằng. Cái rủi ro ấy, ai mà ngờ được! Giờ bỗng dưng, Ray Chơn phải đi làm vợ Hồ Roằng, thì thật vô lý! Nhưng lời thề đã được buông ra, dao đã chém vào gốc mít, còn làm gì được đây? Ngay cả việc Ray Chơn cho đấy là tục lạc hậu, hủy lời thề, thì cô ấy còn mặt mũi mô với dân bản, nói chi đến chuyện vận động này kia?

Hồ Pằn vẫn ngồi lặng thinh, cái tẩu thuốc ngậm trên đôi môi thâm sì. Hai hốc mắt chứa đầy bóng tối, hai má hóp lại, hai hàm răng cắn chặt, cái cằm vuông bạnh ra, như pho tượng đẽo bằng đá xám, tạc vào hoàng hôn cuối năm hanh hao lạnh lẽo. Ray Chơn không dám nói lời nào, khép nép và lặng lẽ gói ghém quần áo. Cỗ cúng tối Ba mươi chị đã làm xong, vẫn chưa ai đụng đũa. Mấy đứa trẻ cũng xó ró quanh bếp lửa, không dám cất tiếng gọi cha. 

Ray Chơn bước ra sân, muốn nói mấy lời với Hồ Pằn trước khi đi, nhưng không biết nói sao. Bởi tất cả do lỗi ở chị. Chị muốn được việc, và nghĩ việc ấy không thể xảy ra, nên đã hứa bừa. Giờ nhận lỗi cũng bằng thừa, cũng không thể làm nguôi ngoai nỗi đau của cả hai vợ chồng. Thôi thì, mặc cho số phận...

Nhà Hồ Roằng, lũ trẻ vẫn nháo nhác khóc đói. Thiếu bàn tay người mẹ đột ngột, chúng như rắn mất đầu, chẳng biết làm gì, chẳng biết bắt đầu từ đâu. Trong thứ ánh sáng nhảy nhót ma quái, khi có khi không hắt ra từ bếp lửa giữa sàn, soi rõ Hồ Roằng ngồi bên mép giường vợ, lặng im như pho tượng. Có lẽ lão chưa tin là vợ đã chết. Lão ngồi chờ vợ đi đâu đó về muộn chăng?

Hồ Roằng đã có cô con gái đầu đi lấy chồng sớm, còn lại năm đứa nhỏ lau nhau. Ray Chơn nhanh chóng tập hợp lũ trẻ lại, chia bánh trái, xôi thịt chị mang theo cho chúng. Chị dọn dẹp củi đuốc xung quanh bếp, và trải chiếu lên mấy tấm ván cho chúng nằm. Lúc sau, chúng đã lăn ra ngủ như chó con, xung quanh bếp lửa. Ray Chơn vẫn làm không ngơi tay, hết dọn dẹp sang giặt giũ, và xem xét đóng cửa chuồng gà. Chị rất sợ phải rảnh tay, khi buộc phải gần gũi với Hồ Roằng. Chị muốn có nhiều việc vặt để làm cho tới sáng...

Nhưng tuồng như không thể đợi thêm được nữa, con hổ Hồ Roằng khẽ hắng giọng, dáng ngồi vẫn im như đá.

- Vào đây!... - Hồ Roằng nói nhỏ, nhưng đanh.

Ray Chơn giật bắn người, bước co ro đến chỗ Hồ Roằng. Đã đến lúc rồi đây. Ray Chơn nghĩ và rón rén leo lên cái giường mà vợ chồng Hồ Roằng ngủ bấy lâu. Chị quờ tay tìm cái gì đó để gối, và nín thở nhắm mắt nằm chờ. Chị nằm còng queo, mặt quay về phía Hồ Roằng, run như con thỏ rừng bị nhốt, nghĩ đến bàn tay Hồ Roằng sắp chạm lên người mình.

Nhưng mãi mà cái điều ấy vẫn chưa xảy ra. Ray Chơn từ từ hé mắt. Lão Hồ Roằng vẫn ngồi như tượng đá. Không nhúc nhích. Ngỡ như chính lão cũng không hay có Ray Chơn bên cạnh. 

Đầu tóc Hồ Roằng ba phía rậm rịt và quắn quéo như bụi gai chiêng chiếng, nhưng đỉnh đầu lưa thưa, bơ phờ. Hàm râu quai nón lâu ngày không cạo cũng xoắn tít bám lấy cái cằm vuông nom dữ dằn. Đôi mắt to và sâu, được che bởi hai vệt lông mày rậm, như hai con sâu róm nằm bất động trong bóng tối. 

Nhìn tướng mạo hầm hố của Hồ Roằng trong khuya khoắt, Ray Chơn phát khiếp. Đêm cuối năm lạnh ê xương mà người toát cả mồ hôi. Chị nằm im như giả chết trước con gấu ngựa to lớn...

Rất lâu sau, lão Hồ Roằng khẽ hắng giọng mấy cái nữa, rồi đứng dậy. Ray Chơn khẽ rùng mình, vội vàng nhắm mắt lại, thầm mong cái việc ấy qua nhanh. Chị không muốn bàn tay hộ pháp đầy lông lá của lão Hồ Roằng lóng ngóng lâu trên thân thể mình, nên đã tự tay cởi bỏ áo xống. Cả tòa thiên nhiên căng đầy của chị chập chờn lộ ra trong ánh sáng nhờ nhờ, nhảy nhót của bếp lửa.

Nhưng Hồ Roằng gần như không biết điều đó, lão đến góc nhà tìm cây đuốc bằng nứa khô. Khi ngọn đuốc bùng sáng, Ray Chơn hốt hoảng kéo váy áo che thân người. Cái lão kỳ quặc! Làm cái chuyện ấy, cần chi phải đốt đuốc sáng trưng như đi soi cá khe?

Nhưng thật bất ngờ, môi Hồ Roằng động đậy. Và một âm thanh phát ra.

- Dậy đi!...

Tiếng Hồ Roằng nhỏ, nhưng dứt khoát, như ra lệnh. Sắc mặt lão lầm lì, lạnh băng. Ray Chơn lồm cồm bò dậy mặc vội váy xống, lo lắng không hiểu chuyện gì xảy ra. Hồ Roằng cầm lấy bọc quần áo của Ray Chơn, hất hàm ra hiệu đi theo lão. Lại chuyện gì nữa đây? Hay Hồ Roằng bắt mình ra chỗ mộ vợ lão?

Hai người bước xuống chiếc cầu thang độc mộc. Bước chân Hồ Roằng thoăn thoắt, nhẹ như chân chồn mướp. Bước chân Ray Chơn lập cà lập cập, luống cuống nửa sợ nửa lo, muốn khụy xuống. Ra chỗ ngôi mộ mới chôn, rừng khuya lạnh lắm.

Hồ Roằng vẫn lặng thinh. Mặt gườm gườm như con sói già. Lão giơ cao bó đuốc, soi cho Ray Chơn tránh mấy chỗ phân trâu cạnh chuồng. Ra đến ngõ, lão ấn gói quần áo vào tay Ray Chơn, tay kia trao cho chị bó đuốc.

- Về đi!...

Lão nói cộc lốc. Rồi quay ngoắt vào. Không thèm nhìn mặt người đàn bà trẻ. Tuồng như, nếu chậm nửa giây, lão sẽ đổi ý. Ray Chơn há hốc mồm, nghẹn ngào không nói nên lời. Nhưng chị vẫn không dám bước đi.

- Về nhanh đi!... Ray Chơn không có lỗi mà!...

Hồ Roằng nói và khóc. Tiếng khóc đàn ông mất vợ rấm rứt. Những giọt nước mắt rỏ ra từ đôi mắt sâu, trên gương mặt rừng rú của Hồ Roằng, như chắt ra từ đá xám. Ray Chơn muốn an ủi một lời gì đó trước mùa xuân, nhưng niềm vui quá bất ngờ, khiến chị không mở được lời... 

Truyện ngắn của Hữu Phương
.
.