Cơn nước ngang qua

Thứ Năm, 21/01/2021, 11:16
Tấn công gã này bằng tay không chắc thua, Tam đứng ngay đầu võng, đo đạc độ dài, sức nặng nắm đấm kẻ lạ bằng mắt, hình dung ra cuộc chiến mà anh nghĩ phải thủ con dao làm cỏ mới có thể chiếm được thế thượng phong. Không thể trông cậy vào con Mốc đang nằm giấu đầu trong lỗ chó. Vợ anh trườn vào nhà, rồi quay trở ra, giọng như cả con mắt chị cũng đáng ngờ.


Một buổi chiều tháng Sáu, khi từ rẫy về đến cổng nhà, họ nhìn thấy dấu hiệu bất thường. Mở hé đủ cho một người lách qua, cổng vốn có như không ghép bằng mấy nhánh tre gai, những khi họ vắng nhà hàng xóm hay vào đặt ở chái sau củ khoai rạng, mớ bông so đũa, đôi khi là con Mốc đi lạc không nhớ đường về. 

Già đến mức cùn lụt giác quan, con chó sủa như ngáp, không khó để ai đó đột nhập vào bên trong khu vườn, vào căn nhà nhỏ với tường vách long lở. Nhưng cánh cổng để hờ trong buổi chiều này trống đến ớn lưng. Mớ bìm bìm kết tổ đầu rào đã biến mất, chỉ mới sáng nay trước khi ra rẫy, vài ngọn dây leo vắt qua cổ Tam như thòng lọng, và mùi lá giập lúc sập cổng. Chúng đã lợp cả rào từ mùa mưa trước, như hẹn với đám cỏ xước cùng nhau bôi xóa ngôi nhà.

Giờ ai đó đã dọn sạch chúng. Và kẻ nọ vẫn còn ở trong nhà họ. Tầm nhìn quang đãng, ngay khi đứng ngoài cổng Tam có thể thấy một thân người oằn trong lòng võng treo giữa hai cây khế. Tam định kêu lên đánh động thì vợ anh lầm lì chụp một khúc cây mục rệu vượt lên trước, sấn bước về phía kẻ đột nhập đang nằm.

Họ không vấp phải sự kháng cự nào. Gã đàn ông kia đang ngủ. Chưa tới bốn mươi, hoặc trẻ hơn, lúc ngủ người ta thường khó đoán tuổi, khi mắt khép giấu từng trải, mưu tính trong ánh nhìn. Bộ dạng buông tuồng, đôi môi dày ám khói thuốc hơi hé ra, cánh tay để thõng bên mép võng sờn, như gã đã phó thác mình cho bông khế rơi, vài đám mây đen kịt thấp tới mức cảm giác với tay là chạm tới. Cơn gió oằn hơi nước, những tay chuối khô nhảy múa loạn cuồng, cho bọn ve kêu rần trên tàng ô môi. Hệt con nhộng nằm trong chiếc kén của mình, gã chìm vào giấc sâu đầy tin cậy.

Tấn công gã này bằng tay không chắc thua, Tam đứng ngay đầu võng, đo đạc độ dài, sức nặng nắm đấm kẻ lạ bằng mắt, hình dung ra cuộc chiến mà anh nghĩ phải thủ con dao làm cỏ mới có thể chiếm được thế thượng phong. Không thể trông cậy vào con Mốc đang nằm giấu đầu trong lỗ chó. Vợ anh trườn vào nhà, rồi quay trở ra, giọng như cả con mắt chị cũng đáng ngờ.

“Không mất gì”.

Sau câu nói đó là khoảng trống của bẽ bàng. Nhà họ không có gì để mất. Ngay trước vài mùa dưa rớt giá liên tiếp, họ cũng đã chẳng có gì. Cái ti vi trắng đen bể màn hình, chị dùng để cất giấy tờ tùy thân và ít kỷ vật – vài bộ đồ sơ sinh vàng úa. Trên vách chỉ treo mỗi cái đồng hồ lâu rồi không được thay pin, đóng băng ở một giờ bốn mươi bảy phút.

Minh họa: Lê Tiến Vượng

“Mỗi ngày cũng được một lần chạy đúng”, Tam từng cà rỡn với thằng cha lái dưa vài ba tháng ghé qua nhà họ một lần, người khách hiếm hoi được chủ nhà mời thứ trà nát pha với bộ ấm chén lâu ngày không được kỳ cọ. Trà đặc, xác trà đầy ứ trong bình, chỉ nhắm môi đã chát đắng tận óc. Và sự cục cằn của người đàn bà trong nhà cũng khiến khách khó ngồi lâu.

“Ăn cho tràn họng, tụi bất lương ngồi đây mà không sủa tiếng nào”, vợ Tam nói, đá thốc con Mốc hoặc đã quen chịu đòn, hoặc già đến chẳng đủ sức kêu đau. Nó chỉ ẳng lên tiếng một, giống phụ họa lời chủ hơn là cự nự cái sự đòn oan.

Nhà không khách, chẳng khác cái hang của con thú ăn thịt. Và nó sao chịu để yên cho  kẻ xa lạ chiêm bao ngay trên võng nhà mình. Gậy vụt vào đầu võng bắn ra những con mối ú mềm hãy còn đang ngơ ngác, vợ Tam kêu giật giọng,

“Dậy! Nghĩ đây là đâu? Muốn chết sao?”.

Tam thấy biết ơn hành động đó, vài giây trước anh còn tự hỏi đánh thức kẻ đang say ngủ này có phải là tội ác không. Nhưng chị đã nhắc anh nhớ, dù ngủ hay thức, vô hại hay hung hiểm, thì gã là một kẻ đột nhập. Và không kẻ đột nhập nào lại không tà ý.

“Ờ, giờ mới về?!”. Gã hé một bên mắt, rồi hé cả bên còn lại, ưỡn người trên võng chừng như muốn làm phẳng lại cột sống đã chùng. Chẳng có vẻ gã sẽ bỏ chạy hoặc lao vào vợ chồng chủ nhà hòng kiếm đường máu thoát thân. Gã ở cái tư thế vươn vai thoải mái, vạt áo xách ngược lên phô rún và vết sẹo dài nửa gang tay, khó phân biệt được là vết dao đâm hay từng mổ ruột thừa, hồi nào đó.

“Hên, phải ngủ thêm nữa là ướt ngoi đống củi, mưa tới nơi rồi”, gã nói, loạng choạng tiến ra phía vòi nước ở góc tường.

“Vòi hư rồi, nước đâu mà...”, Tam kêu lên và bặt tiếng luôn ngay sau đó, lời đã bị dòng nước hăm hở phụt ra kia cuốn trôi. Tuôn ra từ cái vòi đã lâu không rỉ một giọt nào, nước lai láng như gã người lạ đã đọc một thứ bùa chú gì khi ngửa đôi tay ra hứng lấy.

Vợ Tam vẫn thủ khúc cây bở, dù mất tập trung khi nhìn mớ nước, lúc này tụ tập thành dòng men về phía gốc khế mà không bị lá mục cản đường. Chẳng phun được câu từ cay nghiệt nào, chị đã để gã đi ngang mặt mình, dù biết lẽ ra phải xua kẻ lạ kia ra đường, đóng sập cổng, quăng ném theo những dọa dẫm bạo lực, bảo đảm gã không dám bén mảng quay lại.

“Ê phụ một tay chớ. Mưa tới rồi kìa”, phải gã không ôm bó củi chạy vào, ném cái giọng cáu kỉnh về phía đôi vợ chồng xớ rớ. Họ rã đông mình, kẻ nhao về phía dây phơi, người chạy ngược cơn gió đẫm nước ập tới từ vườn sau lại chỗ đống củi, cảm thấy không thể cưỡng lại việc bị lôi kéo bởi một kẻ đáng ngờ.

Cơn mưa tháng sáu sập xuống với sức nặng của những bọng nước khổng lồ đã đánh lạc hướng cuộc xua đuổi hứa hẹn bạo lực. Vợ chồng Tam cứu được đống củi với sự giúp sức của kẻ lạ kia, trước khi mưa nhốt chặt căn nhà trong lớp rào trắng xóa. Mưa đã xoay chuyển mọi thù nghịch sang phía nó, vợ Tam quăng khúc cây qua một bên ôm xô chậu đi rải khắp nhà hứng dột. Những bệ rạc ngủ vùi suốt mùa khô bị đánh thức, kêu vang.

Vợ không ở cạnh làm Tam bất an khi ngó gã người lạ thủng thẳng lấy khăn anh lau cái bờm tóc rối đang nhỏ nước. Màu sắc chiếc khăn nhòa lẫn với giẻ lau, thứ mà Tam vẫn hay giắt chung sào, gã lấy đúng thứ gã cần, như nó thuộc về mình đã lâu.

“Chắc trên kia bể đập”, gã đột nhập nói, ngón tay chỉ trời xước rớm máu, chừng như bị dằm củi xóc vào, “mưa ớn hồn”. Gật đầu đồng tình chẳng khác nào nhận gã về phe mình, nhưng Tam không thể cãi, đây là cơn mưa lớn nhất kể từ đầu mùa. Những mũi dao mưa hung bạo lao theo đường thẳng đứng, hạt tiếp hạt, nước trong nước. Tam nghĩ mình có nên xốc lại cây dao làm cỏ, mà khi nãy lo ôm củi chạy mưa đã quăng ngay vách nhà. Vợ anh biến mất ở buồng trong, và anh thì tay không. Cái khí hậu dè chừng không làm kẻ xa lạ chạnh lòng, gã ngó trên nóc nhà nói gì đó, nhưng tấm lợp sút đinh giãy đành đạch trên mái nhà đã làm dập nát nửa câu đầu, “...kiểu này tối nay khó ngủ yên đây”.

Tam sợ mình nghe không rõ, nhưng câu vừa rồi chỉ có mỗi nghĩa, gã sẽ ngủ lại đêm nay, ngay trong nhà anh.

Một tay anh đã dựng ngôi nhà này, với sự giúp sức của vài người đàn ông trong xóm.  Lúc đó, vợ Tam mang thai đầu lòng và dân xóm Cùng vẫn chưa chán bọn anh tới xoáy thượng, như sau này. Gạch lỗi, gạch quá lửa người ta bán như cho, Tam chở về xây vách, lắt nhắt mà cao hồi nào không hay. Vợ chuyển dạ mới ở tháng thứ tám, khi anh đang trộn vỉa hồ đầu tiên tô vách. Giờ đống bê tông đông cứng bên hè, lùm lùm như nấm mồ. Vách gạch trần phơi mưa nắng. 

Giờ trong ngôi nhà Tam tự tay xây, một kẻ xâm nhập kịp rải dấu ấn của gã khắp nơi, ở đống củi mới chẻ, mảnh sân được quét tước sạch sẽ, dây phơi căng thẳng rang, và nước lại chảy tuôn từ cái vòi mắc nghẹn. Gã phải ở đây ngay khi vợ chồng Tam vừa rời đi, mới có một khoảng thời gian rộng dài làm từng ấy chuyện. Lúc Tam hì hục vét sình mương rẫy, gã đã sục sạo khắp, bằng chứng là vừa khua tay vào sàn bộ vạc, kẻ lạ kia đã tóm được mấy khúc khoai mì,

“Gạo ít quá, hấp khoai thêm”, gã nói, thả khoai dưới giọt mưa cho nước gột hết bùn đất đi. Mưa không còn là thứ mưa tiều tụy chưa tới đất đã vô hình trên những tầng lá mục ắp lẫm mùa chồng chất mùa, giờ chúng tự tin  xiên thẳng vào đất nâu, làm tóe ra những cánh nước cong sáng loáng.

Đằng kia kẻ đột nhập đã trút gạo vô xoong. Gã cời tro đầy ứ họng lò ra. Gã gieo lửa. Mọi vật dụng trong nhà Tam bị tóm lấy gọn ơ, như nhắm mắt cũng biết món nào cất ở đâu.

Đó là một buổi chiều đầu hè, vợ chồng Tam từ miếng rẫy suốt nửa cuối mùa khô chỉ có bắp còi, về tới nhà thì gặp một gã đàn ông chễm chệ ngay trong nhà họ. Vẻ ung dung của kẻ xâm nhập đã làm họ lạc hướng. Tay không, gã ra vẻ chủ nhà hơn cả đôi vợ chồng tay xách đùm đề cái giỏ đi rẫy đựng cà mên cơm, radio, bình nước. Không cách nào xua đuổi kẻ chẳng những tỏ ra vô hại mà còn quét vườn, chẻ củi nấu cơm, Tam chỉ biết đứng ngó. Cả vợ anh, vốn mọc đầy gai thù đời ở đôi khóe miệng hằn sâu, cái nhếch cười cay nghiệt, chỉ nói mỗi một câu khi quay lại chái sau từ những chỗ dột. “Còn chưa nắm cổ nó quăng ra đường?”. “Mưa dữ quá” - Tam nói. Không phải đỡ cho người lạ, mà biện hộ cho sự bất lực của mình. “Chỉ giỏi ăn mập thây”, chị cười chát ngắt. Tam ho. Chái sau mù khói. Kẻ lạ tay thủ sẵn cặp bợ nhắc nồi, tay kia quạt lửa bằng chiếc quạt lá chầm mà chính Tam không nhớ mình từng thấy nó chưa. Có tiếng cơm sôi. Mùi khoai bở ra trong gạo đang tiết nhựa. “Nhà không gì ăn”,- vợ Tam nói, tay hơ trên nóc khói. Giọng không rõ vui buồn, giống nhiếc móc chồng đã bỏ quên mớ ốc bươu bắt được ngoài rẫy, lại như ái ngại với một kẻ không thể coi như kẻ thù.

Giờ, gã là khách.

Tam nhớ vị khách cuối cùng hay lui tới nhà mình, một thằng nhỏ bên xóm. Lúc đó vợ Tam hãy còn thích trẻ con. Thằng nhỏ suy dinh dưỡng, lòng mắt trắng, gì cũng lép xẹp trừ cái bụng ỏng chứa đầy lãi đũa. Cả ngày nó theo đuôi vợ Tam, vì chị hay tìm món gì đó cho thằng nhỏ tọng vào ổ bụng không đáy. Thuộc làu mọi ngõ ngách trong nhà Tam, nó biết cả tiền giấu trong khe vách nào. Vài lần chị lấy kẹo dỗ nó kêu mình bằng má, nhưng chữ má cũng tan khi lưỡi không còn vị ngọt cục đường.

Vợ Tam cưng chiều thằng nhỏ, bỏ qua cả chuyện đứa trẻ xúc gạo của chị bọc trong vạt áo đem về bên nhà nó. Chỉ tới khi chị ẩu đả với bà mẹ ưa xúi con ăn cắp vặt, và đứa trẻ trưa nào cũng gối đầu lên tay chị ngủ, chiều nào chị cũng ôm ra sàn nước gội đầu, đã bênh mẹ bằng cách xông vào cắn chị bằng hàng răng siết ăn đen thủi. Vết cắn không sâu, nhưng chị khóc rất lâu sau đó.

Tam tự hỏi có phải gã đàn ông đang dốc ngược hủ tóp mỡ vào mẻ kho là đứa trẻ hồi nào. Chỉ nó thuộc làu vị trí hủ đường keo tương, mà bao nhiêu năm rồi chẳng thứ gì trong căn nhà này dịch chuyển. Tam đổi vị trí ngồi, nhìn gã cho thật kỹ. Gương mặt như được đẽo bởi một ông thợ non tay nghề, gã gần như không có cằm, mũi gồ lên càng làm cho đôi hố mắt sâu, khóe môi còn vết tróc lở chưa lành. Chẳng có chút nào từ thằng bé đầu đuôi nhọn hoắt tựa con chuột nhắt năm xưa.

Tam không chắc. Thời gian có cách mài, chà xát, nhào nặn thứ này thành thứ khác. Một Tam đầy ngập ngừng từng chấp cả đám người trong cuộc ẩu đã giành miếng đất hoang, mà sau này trở thành rẫy nhà anh. Một Tam cặp nách cô con gái của một ghe đường mía mang vào khu mả tàu, tước vỏ cô ra, khóa chặt cô trên mặt đá hoa cương ướt rượt sương. Sau tối đó, anh còn liều lĩnh xuống bến sông, chỉ để đỡ thèm cô. Dù biết mình có thể bị bắt bất cứ lúc nào, ngay khi cô đi tố cáo, nhưng anh vẫn không bỏ trốn. Hơn cả nỗi sợ, anh nhớ những sợi lông măng rờn rỡn, những trắng nhức trên đá xám, những dính dấp ấm nóng tận đỉnh đầu.

Cô gái ấy sau này là vợ Tam. Anh còn có lúc quên người đàn bà kia từng dịu dàng cúi lượm con chó xà mâu bị bỏ rơi về cưng nựng, đã đứng trên mảnh đất vừa được người đàn ông của cô xí phần, phác một tương lai thơm phức mùi lá quế ngậm sương, mùi nhựa bí vừa mới cắt dây, những gốc dưa hết mùa lịm tan vào đất. Chính chị ra chợ thị trấn mua tấm lịch in hình đôi diễn viên láng cóng về treo trong nhà, khi cấn bầu đứa đầu lòng.

“Nếu nhìn mỗi ngày con tụi mình sẽ đẹp y chang họ”, chị nói, bữa Tam đóng đinh treo tờ lịch lên vách buồng.

Một trong hai diễn viên đó Tam từng gặp lại, khi anh ta ngồi húp bún bò trong quán chợ Cùng. Tảng mỡ bụng đội lên chạm vào cạnh bàn, anh diễn viên tiến hàng răng sâu vào phần sụn của cái giò heo bảo đảm không sót gì, mặc kệ con ruồi ò e trên mặt và tiếng kêu tuyệt vọng của con mèo hoang chực hờ dưới chân. Tối qua anh ta hát trong một đại nhạc hội có cả tiết mục khỉ đi cầu khỉ. Tam nghe nói anh ta ca tới điệp khúc thì rớt mic, nhưng tiếng hát anh vẫn oang oang thấm ướt sang tận những xóm không đèn bên kia sông. Tam trải bạt bán mớ đọt bí đối diện chỗ anh diễn viên ngồi, nhớ tấm lịch đôi trai gái treo ở nhà bị xé đến cằm. Một bữa mưa nào, trong nhà không có thứ chi nhen lửa, vợ Tam đã xé ngang tờ giấy. Phần còn lại cứ phơ phất vậy, mỗi ngày mỗi bạc đi.

Thằng con đầu lòng của Tam rốt cuộc có giống chàng người lịch kia không, anh không nhớ rõ. Trẻ sơ sinh chẳng đường nét gì, cứ múp mềm, và đỏ. Nhưng đứa bé con Tam nhìn trong hơn, căng mọng hơn tụi con nít khác. Nó nằm trên chiếc chiếu manh. Chiếu ướt. Vợ anh thay tã, tã vẫn ướt. Chị gói nó trong chiếc khăn dày hơn, khăn ướt. Y tá ở trạm xá chạy lại lật mọi thứ ướt ra ngẫm nghĩ, chạy đi gọi ông bác sỹ duy nhất của trạm. Ông rờ tay vào những khăn, chiếu ướt, ái ngại nhìn vào mặt người sản phụ tràm trụa ướt, nói “thằng nhỏ chảy nước”.

Với Tam, chảy nước nghĩa là vô vọng. Thằng Mạnh đầu lòng, thêm nhỏ em nó một năm sau. Chúng rỉ nước đến xẹp xuống, chỉ còn trái tim phập phồng sau xương ức, rồi trái tim kia cũng nhỏ giọt. Không ai có thể ngăn được nước rỏ ra từ những sinh thể yếu ớt. Và những trái dưa hấu chín nứt toác tươm nước bởi trận mưa trái mùa. Sau mỗi trận lũ sông Cùng, cỏ cây cả rẫy chảy lọt kẽ tay.

Tam cứ tơ mơ nhớ trong lúc ngồi chờ gã xa lạ dọn cơm. Con Mốc quấn bên chân gã, rít lên. Mừng, đau, giận, con vật chỉ dùng duy nhất một biểu cảm. Vợ Tam đi tắm, và trở ra với bộ quần áo tử tế nhất sào. Chị chỉ mặc nó khi đi giỗ quảy trong xóm.

Dù sao, nhà có khách.

Cái tư thế xếp bằng chễm chệ bên cạnh nồi cơm, kẻ lạ mặt kia nhìn kiểu nào cũng không giống kẻ thù. Tam cố nhớ coi có phải một người họ hàng gần, hay chính là thằng nhỏ bên xóm hồi xưa.

Nhưng không có cái tên nào được xưng, gã người lạ chỉ nói về cây mù u vô dụng sau vườn, “Chỗ đó trồng cây ổi còn có lý”. Mặc định như đôi bên đã thông thuộc nhau rồi, ngay cái cách gã đào bới cơm cháy, thứ Tam khoái nhất, đắp vào chén anh. Nhiều câu hỏi quẩn trong đầu, nhưng Tam uốn lưỡi mãi chẳng nảy ra một chữ nào, sợ khách sẽ tổn thương nếu anh hỏi nhà gã đâu, đã vợ con gì chưa, đi đâu mà trôi nổi tới đây, ông bà già còn mạnh giỏi. Những câu hỏi kiểu vậy sẽ làm gã khua đũa e dè nhìn nhận lại thực tại mình chỉ là kẻ xa lạ, khách qua đường. 

Và sáng mai, khi mưa tạnh gã sẽ phải rời khỏi nhà Tam. Anh nghĩ vậy, dù gã chẳng đưa ra một hứa hẹn nào. Nhưng ngay lúc này, vị khách không mời đang soi vào sự tiều tụy của căn nhà bị bỏ rơi. Họ đã mặc kệ nó, bởi lũ chuột đông nghịt cánh rừng bên cạnh rẫy, bởi mưa nắng vô chừng, sự lặp lại tẻ nhạt của được giá mất mùa, được mùa mất giá. Kiệt sức, còn bởi những cơn giày vò không dứt.

“Đồ khốn anh đã xách con tôi về nhà chỉ bằng một tay”.

“Tay kia tôi rảnh chắc. Không thì cái giỏ ai cầm?”.

“Anh coi thằng nhỏ như con gà giò, quỷ thần ơi”.

“Cô chỉ biết xỉu lên xỉu xuống, sao không giỏi bồng nó?”.

“Thằng nhỏ là con anh đó”.

Bao giờ tới câu nói đó, Tam cũng chịu thua. Anh gằm đầu bỏ đi chỗ khác. Tam thua ngay cả trước chuyến đi tới một bệnh viện xa xôi để hỏi tại sao những đứa trẻ sơ sinh bình thường khác thì bú, khóc, đái dầm và ỉa cứt su lại có những đứa trẻ mắt nhắm hờ, trong veo và chảy nước. Trước khi cô bác sỹ nhìn Tam đầy ái ngại và nói “anh chị không nên sinh thêm đứa con nào” thì lúc ngồi xe đò, ngoái lại tuổi nhỏ chạy nhảy trên cánh đồng cỏ quéo ngọn, nhớ con kinh nước trong thấu đáy không con cá nào bơi mà thằng bé Tam vục mặt uống cho đỡ khát lúc chạy chơi, đôi tay đứa bạn bên xóm có màng như chân ếch, thằng nhỏ em anh sinh ra trụi tựa củ khoai. Trên chiếc xe đò đường dài đó, Tam đã biết mình thua, anh căng áo che nắng cho vợ ngủ ngồi bên cạnh, hy vọng hành động đó làm chị bớt cục cằn.

“Anh còn không chảy chút nước mắt làm thuốc, đồ khốn!”.

“Khóc thì nó sống lại chắc?”.

“Con nhỏ cũng là con anh đó”.

Họng nghẹn thì tay chân nói, nhiều xế trưa Tam thức dậy thấy vợ đâm muối hột đắp lên chỗ bươu mọc lên từ chính tay anh. Người anh cũng đầy vết cào rướm máu, đôi khi là dấu răng ngập sâu đếm được bao nhiêu cái. Cũng không nhớ bao nhiều lần anh bị đạp văng ra đất lúc đang đi sâu vào trong chị, và giọng vợ như âm thanh kim loại nện vào nhau, “muốn tôi đẻ nữa sao?”. Vào những ngày cả đôi đều xây xước, Tam tự hỏi, người đàn bà kia không bỏ đi, là bởi hai nắm đất sau vườn?

Căn nhà bị bỏ mặc, lá mục mái chái sau hay rớt rụng vào cơm canh. Rách như nhà của những kẻ sống tạm bợ chờ chuyển tới một nơi nào đó. Nhà Hai Thây, dân xóm Cùng gọi hang ổ của Tam vậy, “hai vợ chồng nó thở vậy thôi, nhưng chết rồi”.

Nhưng chỉ có khách, mới thấy cái tổ mà hai thây chui ra chui vào tệ cỡ nào.

“Un mẻ này muỗi không dám xáp vô đâu mà lo”, gã nói trong lúc thổi cho một gộc cây nặng trịch bắt lửa. Lấy cái mền dù xếp dưới đáy tủ ra làm gối, gã khoan thai trải người dài ra bộ vạc ăn cơm. Kẽ ván lưu cữu mùi nước mắm, dưới vạc con Mốc cào móng thành một khoảng tròn như cái thúng, đêm nào nó cũng nằm ở đó, đôi khi sực nhớ mình là chó, bèn cất tiếng sủa bóng cây. Tiếng sủa y như tiếng khóc.

Mưa từ chiều tới nửa đêm dịu lại. Vợ Tam bò ngang bụng chồng ra cửa buồng thò đầu ngó ra chái sau rồi quay trở lại, nói, “Ngủ rồi”.

Nằm day mặt về phía vợ, Tam thấy chị bỗng xa lạ với bộ đồ thun điểm bông rơi, giọng thì thào, dõi theo kẻ đột nhập với vẻ hứng thú hơn là thù nghịch, cách chị ngó vô cái kiếng nứt hình mạng nhện lúc ngang qua. Xa lạ cả khi chị ngủ sâu, thảnh thơi, không u ơ nói mớ.

Tam không biết mưa đã tạnh chưa, tiếng nước rớt trên những tàu lá nhẹ bẫng kia là sương hay đang mưa mỏng, thứ mưa gần như vô hình, chỉ có thể cảm nhận bằng da thịt. Nhìn qua chỗ dột trên mái nhà, khó biết mây đã tan, hay vẫn còn oằn cả bầu trời, mưa đã bặt hay chỉ ngừng một lúc trước khi quay lại trút nước. Trườn mình ra khỏi giường, tim Tam đập mạnh khi ngang qua chỗ gã khách ngáy đều, nhón chân như một kẻ trộm sợ chủ nhà thức giấc. Khoảnh khắc đó, Tam nhận ra anh sợ cả con Mốc sẽ cất tiếng sủa khi nhìn thấy một bóng người rón rén bước ra sân.

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư
.
.