Chuyến tàu hoài niệm
Trời nhuộm đỏ cả một góc thị trấn. Những vạt nắng cuối ngày đang dồn đuổi chuyến tàu vừa rời ga để chạy trốn về xuôi. Cô tìm đúng đến nơi được chỉ dẫn trên vé, ngồi thu mình trên ghế, đôi mắt hút nhìn ra ngoài ô cửa kính, thăm thẳm nỗi buồn vô định. Từ ngày có đường cao tốc, người đi tàu phần lớn là dân buôn chuyến, nhưng cô thì vẫn giữ thói quen đó. Một cảm giác thư thái, hoặc là để có thể chìm đắm vào ký ức mà không bị làm phiền.
Mỗi lần đi tàu, cô lại miên man nghĩ về ba, về mẹ, và về cuộc sống của chính cô. Đôi lúc cô nghĩ, cô như một chuyến tàu đêm đang lăn bánh, mãi mãi không có bạn đồng hành, chỉ mải miết đi theo vệt sáng hắt ra từ ánh đèn phía trước, và chẳng bao giờ được ngắm nhìn những bờ bãi, đồi nương ngút ngàn xanh.
Những ngày đẹp đẽ nhất của cô gắn với những đoàn tàu. Đó là những ngày cô dõi đôi mắt qua khung cửa sổ, mường tượng những chuyến tàu như những bao diêm nối liền nhau hì hục chạy vào ga, và ngóng cổ đợi ba về mỗi khi trời màn đêm ngập tràn ô cửa nhỏ. Nhà cô nằm lặng lẽ cạnh ga xép ven thị xã bình yên, và kỷ niệm êm đềm ấy theo cô đến tuổi thứ 10.
Gần 20 năm sau chuyến tàu không có ba đó, tới tận bây giờ, tâm trí cô vẫn hằn in ánh mắt buồn buồn của ba trong ngày cô bước lên tàu theo mẹ chuyển về Hà Nội. Chưa bao giờ có một lời giải thích cặn kẽ từ phía mẹ cho quyết định ấy. Rồi ba và mẹ đều có cho riêng mình những mái ấm mới, bình yên hơn. Chỉ có cô vẫn cảm thấy trống trải.
Mỗi năm về quê thăm bà nội vào dịp Tết, cô ngả đầu vào lòng bà, để mặc bà cầm lấy tay cô, vuốt mái tóc dài óng mượt của cô, và thương ánh mắt buồn của cô như ngày xưa bà thương củ khoai củ sắn. Mỗi lần như thế, bà lại rưng rưng bảo: "Người lớn làm khổ cháu bà thế này đây…". Bà đã quá già để chắt nước mắt ra mà khóc. Nhưng cô thì rất trẻ…
Tàu dừng ở ga Lạng. Thêm mấy người buôn chuyến hối hả lên tàu. Hàng ghế phía trên có thêm đôi vợ chồng cùng cô con gái nhỏ. Cô bé líu lo kể chuyện, hết hỏi bố rồi hỏi mẹ đường sắt bé thế mà sao người ta lái được cả một đoàn tàu. Cô thoáng cười, một mình. Ngày nhỏ, cô cũng hỏi ba cả trăm lần câu hỏi đó mỗi khi hai ba con chờ mẹ đi cất hàng ở tít xa vùng biên giới theo tàu về thị xã. Lớn lên, cô phần nào hiểu hơn về cuộc sống bươn chải, chao chát trên những chuyến tàu của mẹ, hiểu vì sao người phụ nữ Hà Nội gốc ấy lại không gắn bó cả cuộc đời mình nơi thị xã buồn buồn của ba.
Minh họa: Lê Trí Dũng |
Người lớn thường vẫn có những quyết định của riêng mình. Cũng như cô, cô chọn theo học trường Cảnh sát mặc cho mẹ can "cái nghề ấy không hợp với con gái và nhất là những đứa trầm tính như mày đâu con ạ". Cô chọn bởi thích tự lập, cũng là để thỏa ước mong của ba thủa thiếu thời. Ước mong mà mãi mãi không bao giờ ba với đến. Cô nghĩ khi ra trường, công việc đó có thể cho cô nhiều cơ hội được quay trở lại thị xã cùng ba. Chỉ mình cô biết về cái lý do đó.
Ngày tốt nghiệp, cầm quyết định phân công công tác trên tay, cô thoáng buồn… Mẹ thở dài quay sang hỏi dượng: "Giờ phải làm sao?". Dượng gắt: "Kệ nó, nói để người lớn lo thì không chịu"… Cô lặng lẽ quay đi nơi khác. 13 năm rời xa thị xã ấy, cô vẫn mong một ngày trở lại, để thỏa thuê hít hà không khí thanh bình mỗi sáng. Có một cái gì đó cứ níu cô ở lại nơi thị xã với những cơn gió heo may hắt lên những tán xà cừ cổ thụ. 13 năm, những mạch nguồn của cuộc sống gần ga xép ấy vẫn âm thầm chảy trong cô.
Cô gọi điện cho ba, giọng buồn buồn: "Con chẳng được về gần ba rồi, đơn vị của con giáp biên giới, cách ba mấy trăm km cơ ba ạ…". Ba lặng im một hồi, rồi hỏi: "Bao giờ con đi?". Cô bảo: "Một tuần nữa con phải đi rồi". Ba nói: "Ba con mình đi tàu nhé". Cô cười: "Vâng, ba đưa con lên đơn vị nhé…".
***
Tàu hú một hồi còi dài trước khi dừng bánh. Cô ngoái đầu ra ô cửa sổ. Ngoài trời sương rơi, quấn quýt ánh điện đỏ leo lét hắt xuống sân ga nhỏ. Cô bé lon ton chạy theo bố mẹ về phía cửa toa tàu, miệng líu lo: "Sắp về đến nhà rồi hả mẹ, vui quá đi". Bất giác cô thấy trống trải. Cô bé có một gia đình đầy đủ để trở về. Chẳng như cô, những lần từ đơn vị trở về, cô chẳng có những chuyến tàu trọn vẹn cho nơi đến và luôn là một cảm giác hụt hẫng mỗi khi tàu lăn bánh qua ga xép nơi thị trấn nhỏ. Cô chẳng muốn nghĩ nhiều về điều đó. Nó đã chẳng thay đổi suốt mười tám năm qua và vĩnh viễn sẽ chẳng bao giờ thay đổi. Cô nhắm mắt lại, cố dỗ một giấc ngủ đến để khỏi loang dài những ký ức xa xưa, nhưng vô hiệu…
Tàu đã chuyển bánh. Hàng ghế kế bên cô mới có thêm đôi trai gái còn rất trẻ. Họ đang yêu, tình yêu tuổi hai mươi là thứ không thể giấu trong ánh mắt và cử chỉ. Cô gái ngả đầu vào vai chàng trai để ngủ, niềm hạnh phúc vẫn đọng trên khóe môi hồng. Cô quay mặt đi nơi khác, da diết nhớ cái cảm giác bình yên đó… Những dấu vết xưa cũ cứ vảng vất tâm trí cô... Thời gian hối hả và mải miết như đoàn tàu đêm 30 Tết. Mới đó mà đã 5 năm rồi, cô nghĩ.
Đấy là lần đầu tiên cô gặp anh. Khi đang chìm đắm vào ca khúc được phát ra từ chiếc tai nghe, cô giật mình khi anh gõ vào vai cô đòi chỗ cô đang ngồi. Cô nhăn mặt: "Anh ngồi hàng dưới đi, tàu rộng mênh mông này, ngồi đâu chả được". Anh nhún vai: "Nhưng như thế rất có thể đến ga tới tôi lại bị làm phiền". Cô cáu kỉnh: "Rõ… hâm", rồi xách chiếc ba lô, cố lách qua người anh để đi sang hàng ghế phía kế bên. Anh chẳng cho cô qua, cười phớt: "Thôi được, cô cứ ngồi đây, tôi sang bên đó". Cô nguýt dài: "Hâm thế là cùng!"…
Tuần sau, gặp lại anh tại hành lang đơn vị, cô nhìn anh từ đầu xuống chân rồi hỏi: "Anh bị bắt vào đây à". Anh cười bảo: "Ai bắt được tôi thì tốt quá". Đúng lúc Đội trưởng trong phòng bước ra, bắt tay anh vồn vã: "Mời anh vào phòng ạ"… Cô giật mình: "Thôi chết, hình như anh ấy làm ở trên tỉnh", rồi chạy vụt vào phòng làm việc… Đêm ấy, một mẻ lưới lớn được anh và đồng đội cất gọn. Đội trưởng hồ hởi báo tin tại giao ban: "Cả thảy là 20 bánh, thêm 2 khẩu súng đã lên đạn, thế mà ta chả tốn viên đạn nào. Tỉnh về có khác…". Cô bần thần. Anh cùng tổ công tác đã rút về tỉnh từ mờ sáng, vậy là chẳng kịp nói với anh lời xin lỗi…
***
Gió hun hút thổi ở sân ga xép nhỏ. Ba đứng đợi cô ở cổng, chiếc áo choàng cũ như rộng hơn năm trước. "Về cất đồ, rồi ba đưa con đi ăn nhé" - Ba bảo, cô khẽ trả lời: "Con thích ăn mỳ tôm ba nấu…". "Ừ, ba sẽ nấu mỳ cho hai chị em, hôm nay dì đi công tác, có ba và em ở nhà thôi". Nghe ba nói, cô thấy ba tồi tội. Đã đi quá nửa đời người, ba vẫn tất tả cho gia đình của riêng ba…
Cô im lặng bước theo ba trên con ngõ nhỏ hút dài, con ngõ mà xưa ba dắt cô tung tăng mỗi chiều chạng vạng. Giờ mỗi lần trở về, đi cùng ba trên con ngõ nhỏ, cô ước ao một lần được khoác tay ba, vậy mà ôi sao thật khó. Những tòa nhà ẩn mình lặng im trong những tán xà cừ cổ thụ. Tiếng chó sủa lách nhách theo tiếng chân khua nhẹ trên đường… Em chạy ra mở cổng, rồi ôm chầm lấy chị: "Chị đi lâu thế, sao mãi chị không về thăm em?". Cô nắm tay em: "Chị còn phải đi làm, mỗi năm chỉ về thăm em được hai lần thôi…".
Ba lặng nhìn cô. Mỗi lần cô trở về, ba đều nhìn cô bằng ánh mắt ấy. Ánh mắt chứa đựng tình yêu và cả sự bất lực dành cho con gái. Ba đưa cho cô cốc nước, rồi ngồi ghế đối diện: "Chắc con có chuyện muốn nói với ba. Nói ba xem, chuyện của con sao rồi". Cô nhìn vào trong cốc, đôi mắt buồn long lanh: "Con quyết định rồi ba, ra giêng con sẽ làm đám cưới". Ba bảo: "Sẽ vất vả, và nhiều khổ cực nữa, con có chịu được không". Mắt cô vẫn không dời khỏi cốc nước: "Anh ấy đã hy sinh cả cuộc đời vì con, nếu phải khổ cả cuộc đời thì con cũng không thể xa anh ấy được, ba hiểu con chứ". Ba thở dài: "Ừ, ba hiểu. Nhưng cậu ấy còn lảng tránh con không. Còn mẹ con nữa, liệu mẹ có chịu không?".
Gần hai năm qua, mẹ vẫn chẳng nghe theo cái quyết định ấy của cô. Mấy ai lại có thể đành lòng để người con gái đã chịu nhiều thiệt thòi lấy một người thương binh phải ngồi xe lăn làm chồng! Nhưng cô không thể nghe mẹ. Cả trái tim và lý trí của cô đều không nghe theo mẹ. Cô quen anh trên chuyến tàu đó, cảm mến rồi yêu anh từ những lần đơn vị cử cô cùng tổ công tác của anh đi đánh án. Số phận sắp đặt để họ đến với nhau, và số phận lại tạo ra nghịch cảnh để anh phải chịu thiệt thòi.
Lần ấy, khi đã còng tay đối tượng vận chuyển cả một va li ma túy đá, bất ngờ đồng bọn của chúng lao thẳng chiếc ôtô về phía cô. Anh chỉ kịp hô lên một tiếng, rồi lao người đẩy cô xuống ven đường. Chiếc ôtô chồm lên đè nát chân anh, máu chảy ướt đẫm chiếc áo trên người cô… Chuyên án kết thúc, anh chỉ còn một chân bên phải. Một năm sau anh xuất ngũ, lảng tránh mọi sự quan tâm, săn sóc của cô… Cô biết anh không muốn cô đến với anh bằng sự thương hại, nhưng trái tim cô thực sự yêu anh…
"Con sẽ nói để mẹ hiểu, ba cũng thuyết phục mẹ hộ con nhé". Ba khẽ gật đầu. Gần hai mươi năm chuyến tàu chia gia đình cô về hai ngả, cô chưa từng thấy ba và mẹ nói chuyện với nhau. Có một hố quá sâu ngăn cách giữa ba và mẹ mà cô thực sự không hiểu nguyên nhân. Nhưng lần này sẽ khác…
***
Có tiếng gà le te gáy sáng. "Mai dì về, con nói với dì một câu" - Ba bảo. Cô khẽ trả lời: "Vâng ba. Ngày cưới, con muốn ba và dì lên với con, cả mẹ và dượng nữa. Mỗi người chỉ có một cuộc đời, và con muốn sống với đúng những gì con có". Ba đứng dậy, nắm thật chặt bàn tay cô: "Nhất định rồi. Ba mẹ sẽ lên trước để chuẩn bị. Giờ con đi ngủ đi, trời sắp sáng rồi". Cô vào phòng, hôn lên trán em đang say sưa ngủ rồi khẽ đặt mình xuống đệm.
Ngoài trời mưa tí tách rơi… Một chuyến tàu đêm vừa rời ga về xuôi. Sáng mai chuyến tàu ấy sẽ dừng lại ở vùng đất mới.