Chọn nghề cho nhân vật
Vào tháng 1, tôi bắt tay vào công việc. Ngay ở trang thứ nhất, nhân vật của tôi, một tài xế xe tải, đã nhiều lần phạm Luật Giao thông, ở trang hai, hắn suýt cán chết một bà cụ, ở trang ba, hắn cướp ô tô...
Nhưng đúng lúc đó, anh bạn cũ Koshkonsky của tôi đến chơi. Tôi đọc cho Koshkonsky nghe đoạn đầu của câu chuyện. Koshkonsky nói. “Này, anh bạn, vì sao lại cho Kastorkin làm nghề lái xe?”. “Thế thì sao?”. “Cũng không sao cả... Nhưng người ta có thể nghĩ rằng khi nhân vật của cậu là lái xe, mà lại là người xấu, nghĩa là, trong một chừng mực nào đó, cậu coi tất cả lái xe là hạng người xấu. Cậu muốn mọi người nghĩ như vậy để làm gì?”.
Suốt cả tháng 1 tôi tìm cách đổi nghề cho Kastorkin, và cuối cùng, vào tháng 2, tôi cho rằng cái thằng cha vô đạo đức này có thể làm nghề gác đêm lắm chứ. Tại sao không? Nhưng rồi một hôm, tôi hình dung ra cảnh những đêm đông dài đằng đẵng, co ro trong tấm áo bành tô, những người gác đêm buồn rầu nghĩ ngợi, không hiểu vì sao lại bị tôi xúc phạm một cách oan uổng như vậy?
Vào tháng 5, tôi chợt nghĩ: Liệu Kastorkin có thể làm thợ lặn được không? Nhưng phải chăng thợ lặn lại ít tự trọng hơn người gác đêm? Phải chăng phía sau những bộ áo lặn thô ráp kia không có những trái tim dịu dàng đang gõ nhịp.
Vào tháng 6, tôi nghĩ rằng cái tay Kastorkin đáng ghét kia có thể làm một nghề hiếm hoi nào đấy. Ví dụ, hắn ta có thể giữ chức Trưởng phòng nghiên cứu Máy gia tốc chẳng hạn. Vì sao ư? Rốt cuộc, nếu tôi bị nghi ngờ là kẻ bôi nhọ tất cả các Trưởng phòng Máy gia tốc thì cũng không có gì đáng ngại: bởi số lượng người giữ chức vụ này chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay. Và do đó, số lượng người bị tôi xúc phạm một cách oan uổng sẽ không đáng kể.
Nhưng rồi đến đầu tháng 7, tôi bỗng ngộ ra rằng mình đang đi trên con đường sai trái, bởi vì tôi không đánh giá được sự phát triển như vũ bão của khoa học và kỹ thuật hiện nay. Ai cũng biết rằng số máy gia tốc ở nước ta ngày càng nhiều. Nghĩa là số Trường phòng Máy gia tốc bị tôi phỉ báng vô cớ sẽ tăng lên không phải theo ngày, mà theo giờ.
Nhưng rồi dù sao tôi cũng tìm ra lối thoát.
Tại sao ngay từ đầu tôi không nói trắng ra rằng tôi không ám chỉ tất cả các Trưởng phòng Máy gia tốc, mà chỉ một người duy nhất là gã Kastorkin. Phải chăng đó không phải là lối thoát? Nghĩ vậy, tôi thở phào nhẹ nhõm. Để có sức thuyết phục hơn, tôi nhấn mạnh rằng kẻ đê tiện đó lên chức chủ yếu là nhờ chạy chọt, đút lót cho Phòng Tổ chức cán bộ.
Vừa mới thoát khỏi tình trạng bế tắc, tôi lại rơi ngay vào ngõ cụt. Tại sao tôi lại nói rằng hắn đã chạy chọt? Làm thế bạn đọc có thể sẽ nghĩ rằng ở nước ta tất cả cán bộ tổ chức đều là những kẻ ăn của đút lót hay sao. Thế thì quá lắm.
Và tình trạng bế tắc kéo dài đến hết tháng 10.
Đến tháng 11, tưởng như mọi chuyện trở nên hoàn toàn bế tắc thì bỗng một tia sáng lóe lên ở cuối đường hầm. Trời ạ, có một lối thoát cực kỳ đơn giản mà tại sao từ trước đến nay tôi không nghĩ ra nhỉ: hãy cứ viết rằng cái cái tên vô lại Kastorkin kia không làm việc ở đâu cả.
Và tháng 11, tôi viết xong truyện ngắn. Tháng 12, anh bạn Koshkonsky lại đến chơi. Anh ta chăm chú đọc tác phẩm của tôi và nhìn tôi ra chiều ngạc nhiên. “Nhưng một khi hắn không có việc làm, nghĩa là hắn thất nghiệp, đúng không? Mà nếu hắn thất nghiệp thì mọi người có thể nghĩ rằng ở nước ta có nạn thất nghiệp. Cậu hiểu ý tớ chứ?”. Nói đoạn, chuyên gia dự báo ra về. Còn tôi thì bụng bảo dạ dứt khoát sang năm mới sẽ tìm cho nhân vật phản diện Kastorkin của mình một nghề nào đó để không ai có thể nghĩ ngợi gì... Không một ai!
Trần Đình (dịch)