Vững vàng trong cuộc chiến với tội phạm “cổ cồn trắng”

Thứ Tư, 03/02/2016, 08:00
Trong những vụ "đại án" kinh tế , người thực hiện hành vi phạm tội thường có chức vụ, nghiệp vụ, khi họ thực hiện hành vi phạm tội thì tìm mọi cách che giấu rất tinh vi bằng chính trình độ nghiệp vụ của mình. Để "chiến thắng" thuyết phục được loại tội phạm "cổ cồn trắng" nói trên, chỉ có một cách duy nhất, đó là các điều tra viên phải tự tìm cách nghiên cứu, tìm hiểu, trau dồi kiến thức của mình trong lĩnh vực kinh tế đang điều tra. 


1.Kỷ lục cho kết luận điều tra dài nhất có lẽ thuộc về vụ án Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh và đồng bọn "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) vừa hoàn thành vào cuối năm 2015 vừa qua. Kết luận điều tra được đóng thành một quyển như sách nghiên cứu, dày... 250 trang khổ A4, trong đó dày đặc các con số, sơ đồ về hành vi phạm tội cũng như dòng tiền thất thoát trong vụ án.

"Tác giả" của Bản kết luận điều tra "đồ sộ" này chính là 10 điều tra viên của Phòng 10, Cục C46. Họ đã phối hợp với các cán bộ dày dạn kinh nghiệm của các Phòng trinh sát thuộc Cục, mất gần 500 ngày nghiên cứu, xác minh, điều tra để có được những thông tin đầy đủ và chính xác trong kết luận.

Trong những vụ "đại án" kinh tế như thế này, người thực hiện hành vi phạm tội thường có chức vụ, nghiệp vụ, khi họ thực hiện hành vi phạm tội thì tìm mọi cách che giấu rất tinh vi bằng chính trình độ nghiệp vụ của mình. Để "chiến thắng" thuyết phục được loại tội phạm "cổ cồn trắng" nói trên, chỉ có một cách duy nhất, đó là các điều tra viên phải tự tìm cách nghiên cứu, tìm hiểu, trau dồi kiến thức của mình trong lĩnh vực kinh tế đang điều tra.

Hơn nữa, phải am hiểu pháp luật, tư duy sắc sảo và quyết tâm đưa những sai phạm kinh tế ra ánh sáng pháp luật. Chẳng hạn, để có được kiến thức, bản lĩnh đấu tranh với các bị can trong vụ án Phạm Công Danh, các điều tra viên Phòng 10 đã phải tìm hiểu, học hỏi từ chính những chuyên gia trong các lĩnh vực có liên quan.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng chỉ đạo đơn vị họp án.

Chuyện làm ngoài giờ, làm xuyên ngày nghỉ là chuyện thường ngày ở…Phòng 10.  Sau khi bắt tay vào điều tra các "đại án" về ngân hàng, một lãnh đạo Phòng 10 nói vui, mỗi điều tra viên đã trở thành một "chuyên viên" giỏi trong lĩnh vực ngân hàng, những khái niệm và quy định như "tái cấu trúc", "tái cơ cấu ngân hàng", "chuyển đổi nhà đầu tư"...họ hiểu biết không thua các chuyên gia về lĩnh vực đó.

Năm 2015, Cục C46 đã thụ lý, điều tra 92 vụ với 455 bị can. Các vụ án mà đơn vị thụ lý điều tra đều là các vụ án phức tạp với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài một loạt "đại án Ngân hàng" xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng GP Bank, đơn vị còn điều tra, thụ lý nhiều vụ án gây sự chú ý đặc biệt của dư luận như: vụ Châu Thị Thu Nga, nguyên đại biểu Quốc hội lừa đảo, chiếm đoạt gần 400 tỷ đồng của trên 800 người dân; khởi tố 9 bị can trong vụ dự án đường ống nước sông Đà vỡ 15 lần, gây hậu quả lớn về kinh tế- xã hội…

Trong danh sách 19 vụ án và 2 vụ việc do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo thì Cục C46 đã thụ lý tới 16 vụ án và 2 vụ việc. Đối với 8 vụ án trọng điểm Ban chỉ đạo yêu cầu đưa ra xét xử sơ thẩm trước Đại hội lần thứ XII của Đảng, cơ quan điều tra đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố cả 8/8 vụ, trong đó có 4 vụ án đã xét xử sơ thẩm và có bản án, 4 vụ còn lại Tòa án đang thụ lý hồ sơ, chuẩn bị xét xử sơ thẩm.

Với nguyên tắc "thượng tôn pháp luật; thận trọng, khách quan trong đánh giá tài liệu, chứng cứ, hành vi phạm tội", các vụ án được đơn vị điều tra, thụ lý đều đảm bảo yêu cầu về chính trị, pháp luật và nghiệp vụ, được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và Tổng cục Cảnh sát đánh giá cao.  

2.  Không chỉ điều tra, xử lý nghiêm đối với tội phạm kinh tế, tham nhũng, một mảng rất quan trọng nữa mà C46 đã và luôn làm tốt là công tác tham mưu. Qua công tác nắm tình hình và điều tra vụ án, đơn vị đã phát hiện nhiều sơ hở thiếu sót trong cơ chế, chính sách kinh tế của Nhà nước trong quản lý các lĩnh vực kinh tế trọng điểm như: tài chính, ngân hàng, chứng khoán, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, khoáng sản, buôn lậu. Từ đó đã kịp thời tham mưu, kiến nghị lãnh đạo các cấp có giải pháp để bịt kín các sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế không để tội phạm lợi dụng.

Thời gian qua, khi phát hiện việc lợi dụng tái cơ cấu kinh tế (đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu tổ chức tín dụng) để trục lợi, Cục đã tham mưu cho Tổng cục, Bộ kiến nghị Chính phủ các giải pháp phòng, chống. Rồi kiến nghị giải pháp phòng ngừa sai phạm thất thoát trong dự án ODA, dự án hợp tác đầu tư công - tư (BT, BOT); kiến nghị tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu ngăn chặn việc "quay vòng"…Từ kiến nghị của Cục, Thông tư số 36 của Ngân hàng Nhà nước đã được ban hành chấn chỉnh, kiểm soát chặt chẽ hoạt động sở hữu chéo và Thông tư 07/2015 về hoạt động bảo lãnh ngân hàng….

"Dấu ấn" trong công tác tham mưu của đơn vị còn được ghi khi phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho Tổng cục Cảnh sát tổ chức hội thảo về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động sở hữu chéo nhằm "thâu tóm ngân hàng", phục vụ "lợi ích nhóm"; phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong hoạt động "tín dụng đen"… và làm tốt nhiệm vụ là đầu mối của Bộ Công an trong theo dõi, tập hợp, chỉ đạo, đôn đốc các vụ án tham nhũng thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương theo dõi chỉ đạo trong toàn quốc; chuẩn bị tài liệu, tham mưu kịp thời cho Bộ Công an trong các phiên họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. 

3. Điều tra các vụ án kinh tế lớn, ngoài những thử thách khắc nghiệt của nghề nghiệp, tất yếu, người điều tra viên phải đối mặt với những thử thách, đôi khi cũng rất khó khăn, đó là thử thách của những "viên đạn bọc đường". Càng những vụ án lớn, các đối tượng phạm tội có chức vụ, số tiền mà họ muốn đem rải nhằm thoát tội càng nhiều. Có những vụ án, nếu "nhắm mắt" cho qua, có thể có nhà, xe ô tô đẹp. Nhưng các cán bộ, chiến sỹ của Cục C46 đã vượt qua.

Không phải họ là những người ngoảnh lưng lại với những giá trị vật chất đang đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống, mà họ ý thức được trách nhiệm công việc của mình và hiểu được cái giá phải trả khi bị gục ngã bởi những "viên đạn bọc đường". "Đảng ủy, lãnh đạo đơn vị luôn đặt vấn đề giáo dục chính trị tư tưởng, bản lĩnh cho cán bộ chiến sỹ lên hàng đầu. Trong các cuộc họp giao ban hàng tuần, chúng tôi luôn động viên, nhắc nhở cán bộ chiến sỹ phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, tuân thủ pháp luật và tránh xa tiêu cực.

Bên cạnh đó, chúng tôi luôn xây dựng một quy trình làm việc chặt chẽ, nghiêm ngặt. Mỗi cán bộ chiến sỹ khi làm việc phải tuân thủ nghiêm qui trình công tác, chế độ báo cáo, kỷ luật phát ngôn, bí mật trong công tác. Đồng thời, người lãnh đạo, chỉ huy trong đơn vị phải "đầu tàu gương mẫu", chịu trách nhiệm trước hết về những công việc xảy ra trong đơn vị mình"- Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục C46 cho biết.

Từ năm 2010, khi được phân công đảm nhiệm vị trí Cục trưởng, Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh cùng với lãnh đạo Cục đã cùng đồng tâm hiệp lực "lái" con thuyền đơn vị vượt sóng gió, thử thách để xây dựng một đơn vị đoàn kết, cán bộ chiến sỹ có bản lĩnh chính trị vững vàng, nghiệp vụ điều tra sắc bén và đặc biệt luôn có trách nhiệm cao nhất với công việc được giao. Với "tay chèo" của người thuyền trưởng này, Cục C46 vinh dự và tự hào 4 năm liền (từ năm 2011 đến 2015) đều được Chính phủ tặng Cờ thi đua cho đơn vị xuất sắc. Tên tuổi của đơn vị đã gắn liền với những "đại án" kinh tế, khiến người dân thêm tin tưởng vào chính sách của Đảng, Nhà nước, sự nghiêm minh của pháp luật khi họ hiểu rằng: không có bất cứ "vùng cấm" nào đối với những đối tượng sai phạm trong lĩnh vực kinh tế, dù họ là ai, ở cương vị nào, cũng sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Ghi nhận những thành tích và kết quả của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng, năm 2015, nhiều tập thể và cá nhân của đơn vị đã được lãnh đạo các cấp tặng thưởng: 1 đồng chí được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì; 5 đồng chí được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Nhì; 141 tập thể, cá nhân được Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát, Cục tặng Bằng khen, Giấy khen. Ngoài ra, nhiều tập thể, cá nhận được các Bộ, ngành tặng Bằng khen, Giấy khen về thành tích trong công tác phối hợp phòng ngừa, đấu tranh chống vi phạm, tội phạm kinh tế.
Thu Hòa-Xuân 2016
.
.