Chuyện về một "nếp nhà" hiếu học

Thứ Năm, 09/11/2017, 08:34
Từ truyền thống hiếu học tốt đẹp của dân tộc, đã có nhiều tấm gương vươn lên học giỏi trong những hoàn cảnh khó khăn. Câu chuyện về ba anh em nhà nghèo lần lượt thi đỗ vào Học viện An ninh nhân dân năm nào và giờ đây cùng mang sắc phục Công an là câu chuyện mà hầu hết những người dân xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam đều biết và khâm phục.


Chúng tôi gặp Đại úy Nguyễn Thế Tài, hiện là Phó trưởng Phòng tổng hợp, Viện Lịch sử Công an đồng thời cũng là người anh trong 3 anh em nhà nghèo học giỏi khi ấy với mong muốn được tìm hiểu kỹ hơn về câu chuyện của những người con hiếu học.

Vừa rót nước, Đại úy Nguyễn Thế Tài vừa khiêm tốn: "Mình nghĩ, chuyện của ba anh em mình không có gì đặc biệt cả. Không chỉ với đất nước mà riêng trong lực lượng CAND thôi cũng đã có rất nhiều tấm gương vươn lên học giỏi, công tác tốt từ trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Có chăng, điều thú vị và cũng là niềm tự hào của gia đình mình là cả ba anh em đều lần lượt được học tập và cống hiến trong lực lượng CAND".

Theo câu chuyện của Đại úy Nguyễn Thế Tài, chúng tôi như được về với vùng quê chiêm trũng của huyện Bình Lục, Hà Nam cách đây gần 20 năm. Xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, nơi có căn nhà nhỏ của cha mẹ Đại úy Nguyễn Thế Tài là xã thuần nông. Người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa và chăn nuôi lợn. Nhưng vì là đồng chiêm trũng năng suất lúa không cao, người dân quanh năm tất bật nhưng vẫn bữa đói bữa no.

Mặc dù quê hương có truyền thống nuôi lợn nhưng vì đồng vốn hạn hẹp lại không có nhân lực nên bố mẹ và 5 người con trong gia đình Nguyễn Thế Tài khi ấy chỉ sống nhờ vào mấy sào ruộng. Để có thêm thu nhập nuôi gia đình, bố anh kiêm thêm nghề chở thuê. Chính vì thế, cha của Tài ngày ấy được bà con gọi bằng biệt danh ông Khanh "xe thồ".

Một buổi sum vầy của Đại úy Nguyễn Thế Tài (ngoài cùng bên trái) và 2 em.

Trong ký ức của Đại úy Nguyễn Thế Tài, mặc dù cha mẹ làm việc đầu tắt mặt tối nhưng cũng chỉ lo không đứt bữa cho 5 người con đang tuổi ăn tuổi lớn. Vì nhà đông con nên tuổi thơ của anh, những thời điểm tháng ba, ngày tám phải ăn cơm độn ngô, khoai sắn là chuyện thường xuyên.

Mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng 5 người con của gia đình ông Khanh "xe thồ" đều chăm ngoan, học giỏi nổi tiếng trong xã. Để đỡ phần vất vả cho bố mẹ, 2 anh chị lớn trong nhà sau khi học xong PTTH đã tình nguyện người đi làm, người vào quân ngũ để 3 em ăn học. Đại úy Nguyễn Thế Tài chia sẻ, mặc dù nhà nghèo, làm lụng vất vả nhưng khi thấy các con học bài là bố mẹ anh tuyệt đối ưu tiên, không cho làm việc gì. Chỉ khi nào bài vở xong xuôi, lúc ấy mới cho các con phụ việc nhà.

Suốt cả thời gian học PTTH, trong khi hầu hết các bạn cùng khóa đều đi học thêm để luyện thi đại học ngay từ năm lớp 10 thì Tài chỉ học trên lớp và tự mày mò giải bộ đề thi đại học. Năm lớp 11, để nâng cao kiến thức môn Hóa, Tài đi học thêm cùng các bạn một khóa rồi lại tiếp tục hành trình tự học. Ngày ấy, học phí mỗi buổi đi học thêm là 3.000 đồng nhưng số tiền ấy cũng không dễ dàng xoay xỏa với bố mẹ. Vì thế, Tài quyết không đi học thêm nữa mà chăm chú nghe thầy cô giảng trên lớp, học kỹ kiến thức trong sách giáo khoa rồi tự mua thêm sách nâng cao để tham khảo. Không có tiền đi học thêm, Tài mượn vở của các bạn có điều kiện đi học về chép, học lại. Biết hoàn cảnh Tài nên các bạn trong nhóm cùng học thấy có bài nào mới lại đưa Tài chép rồi cả nhóm cùng học.

Với sự nỗ lực của bản thân, không phụ lòng của thầy cô, cha mẹ, Tài luôn đạt kết quả cao trong học tập, thường xuyên có mặt trong đội tuyển thi học sinh giỏi của trường, của huyện. Chúng tôi hỏi Đại úy Nguyễn Thế Tài rằng tại sao anh lại chọn thi Học viện ANND sau khi tốt nghiệp THPT, anh thẳng thắn: "Ngay từ năm cuối của THPT mình đã xác định chỉ thi vào những trường của Quân đội hay Công an bởi ngoài sự yêu thích thì bản thân mình đã ý thức rất rõ rằng khi học trường đó cũng sẽ giảm bớt phần nào vất vả cho bố mẹ".

Năm đầu tiên thi đại học, Nguyễn Thế Tài bị thiếu điểm vì có một số dạng bài chưa kịp làm quen. Chờ đến kỳ thi năm sau, Tài tự học ở nhà mà không đi ôn ở bất kỳ trung tâm nào. Khác với tâm trạng hoang mang của nhiều bạn khi trượt đại học, Tài luôn động viên bố mẹ cứ yên tâm và hứa chắc chắn sang năm mình sẽ đỗ.

Không uổng công rèn luyện, năm sau Nguyễn Thế Tài đỗ cả Học viện Chính trị Quân sự và  Học viện ANND. Ở bài thi vào Học viện ANND, Nguyễn Thế Tài còn được điểm 10 tuyệt đối cho môn Toán. Đại úy Nguyễn Thế Tài chia sẻ, đến giờ anh vẫn không thể quên được niềm vui của cha mẹ khi biết con trai đỗ vào Học viện ANND. Trở thành sinh viên khoa Toán Tin của Học viện ANND, với điểm Toán tuyệt đối,  cậu sinh viên học giỏi ngay lập tức được các thầy cô cho vào đội tuyển thi Olympic Toán sinh viên toàn quốc.

Không chỉ tham gia vào đội tuyển Toán của trường, Tài còn nhiệt tình tham gia các cuộc thi tìm hiểu kiến thức khác. Kỷ niệm lớn nhất trong thời sinh viên của Nguyễn Thế Tài là tham gia cuộc thi "Tìm hiểu 75 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam". Hằng ngày, sau giờ học trên giảng đường, Tài lại xuống thư viện nhà trường tìm tư liệu. Không có máy tính cá nhân, Tài lại tranh thủ ra quán internet tìm đọc tài liệu trên mạng. Đáp đền cho những tìm tòi công phu và những vất vả sớm khuya ấy, bài dự thi của Tài được giải Ba cấp Bộ.

Tốt nghiệp Học viện ANND, trong khi nhiều bạn bè cùng lứa muốn ở lại Hà Nội và bản thân anh cũng có những cơ hội để ở lại Thủ đô thì anh quyết định về quê hương, công tác tại Văn phòng Công an tỉnh Hà Nam. Đại úy Nguyễn Thế Tài chia sẻ sở dĩ anh quyết định về quê hương vì muốn được ở gần để đỡ đần bố mẹ và bảo ban 2 em đang tuổi học.

Tiếp nối người anh trai chăm chỉ, học giỏi, cô em gái kế tiếp Nguyễn Thị Tình chỉ bằng con đường tự học cũng đã đỗ vào Học viện ANND sau khi tốt nghiệp THPT. Đại úy Nguyễn Thế Tài bảo với em gái, anh chỉ chủ yếu động viên về mặt tinh thần còn không hướng dẫn được nhiều vì Tình theo học khối C với 3 môn Văn - Sử - Địa. Và không biết có phải vì mê ngành Công an qua những câu chuyện anh trai thường kể mỗi lần về nhà không mà Tình chỉ khăng khăng thi duy nhất trường Học viện An ninh.

Trở thành sinh viên Học viện An ninh nhân dân, niềm đam mê kiến thức, tính ham học hỏi của cô gái nhỏ như được chắp cánh. Không chỉ có thành tích cao trong học tập, Tình còn là một sinh viên năng nổ nhiệt tình tham gia các hoạt động của sinh viên cũng như nghiên cứu khoa học, các cuộc thi tìm hiểu kiến thức. Tình đã từng được giải Nhất cuộc thi tìm hiểu 60 năm giải phóng Thủ đô. Cô em gái năm nào giờ đã là Đại úy Nguyễn Thị Tình, cán bộ Đội Tổng hợp, Phòng Chính trị, Cục Ngoại tuyến.

Anh trai, chị gái đều lần lượt trở thành những chiến sĩ CAND dường như đã thắp lên tình yêu với sắc phục Công an của cậu út Nguyễn Văn Trọng từ khi nào không hay. Ngoài bản tính cần cù thông minh, Trọng còn thường xuyên được anh trai bảo ban, nhắc nhở việc học hành. Khi ấy, ngoài thời gian công tác ở Công an tỉnh Hà Nam, Tài tranh thủ về nhà hướng dẫn em ôn luyện cũng như cách làm bài để được điểm tối đa.

Tốt nghiệp THPT, Nguyễn Văn Trọng lại đăng ký thi vào Học viện ANND. Và một lần nữa, niềm vui lại đến với gia đình nhỏ nơi miền quê nghèo ấy khi cậu con trai út trở thành sinh viên Khoa Điều tra của Học viện ANND. Với những thành tích cao trong học tập, sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Văn Trọng được giữ lại trở thành giảng viên của trường.

Giờ đây, Thượng úy Nguyễn Văn Trọng đang là giảng viên Khoa Nghiệp vụ 1 của Học viện ANND. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng anh không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn. Bảo vệ Luận án Thạc sĩ  xong, anh tiếp tục dùi mài kinh sử làm nghiên cứu sinh. Còn Đại úy Nguyễn Thế Tài, sau 5 năm công tác tại Công an Hà Nam, cùng các em chinh phục những giấc mơ của đời mình, năm 2011, anh xin chuyển công tác về Viện Lịch sử Công an và theo học Cao học tại Học viện Cảnh sát nhân dân chuyên ngành Quản lý nhà nước về An ninh trật tự. Có một điểm thú vị là cùng năm đó, cô em gái Nguyễn Thị Tình cũng theo học Thạc sĩ tại Học viện ANND.

Đại úy Nguyễn Viết Tài chân thành, những thành tích có được của 3 anh em đều nhờ tinh thần tự học. Anh vẫn còn nhớ đồng chí cán bộ phụ trách thẩm tra lý lịch của 3 anh em cứ tấm tắc: "Đây là gia đình duy nhất của huyện có tới 3 anh em đều đỗ vào Học viện ANND".

Đại úy Nguyễn Thế Tài luôn biết ơn bố mẹ đã vất vả nuôi 5 anh em ăn học mà chưa một lần kêu ca nhọc mệt. Bố mẹ, con cái anh em trong nhà cũng không bao giờ to tiếng với nhau. Con vâng lời bố mẹ, em nghe lời anh đã trở thành nếp dưới ngôi nhà ấy. Có lẽ chính vì tấm gương lớn ấy mà 5 anh em trong nhà không ai bảo ai đều cố gắng làm việc, học tập thật tốt để không phụ công ơn của cha mẹ.

Giờ đây, dù cả 5 anh em đã có gia đình riêng, có người được học hành, có người sớm đi làm nhưng vẫn luôn giúp đỡ, động viên nhau trong cuộc sống. Niềm vui của cả nhà là mỗi dịp lễ tết, 5 anh em lại quây quần dưới mái nhà ấu thơ, cùng nhau ăn những bữa cơm ấm cúng.

Đại úy Nguyễn Thế Tài bộc bạch: "Anh em mình luôn cảm thấy tự hào khi được mang trên mình sắc phục CAND, không ai bảo ai nhưng đều cố gắng làm tốt công việc của mình, trau dồi bản thân như một cách để báo đáp công ơn của cha mẹ cũng như sự giúp đỡ của đồng chí, đồng nghiệp".

Thảo Duyên
.
.