Thấm nhuần bài học về lòng dân

Thứ Sáu, 29/09/2017, 08:45
Là người con dân tộc Mường tỉnh Yên Bái, Trung tá Đinh Văn Thới đã rời mảnh đất quê hương để đến nhận công tác ở tỉnh miền núi Hòa Bình. Công việc đấu tranh với tội phạm cho anh đi nhiều, gặp gỡ nhiều và có điều kiện tiếp xúc nhiều với bà con dân tộc. Bí quyết thành công của anh là khi anh hiểu rõ tâm tư, tình cảm của người dân, nghe dân nói, nói dân tin, làm dân hiểu, được dân quý mến, tin yêu và hết lòng giúp sức trong đấu tranh với tội phạm.


Đinh Văn Thới sinh ra và lớn lên ở Văn Chấn, vùng quê giàu bản sắc văn hóa và truyền thống cách mạng của tỉnh Yên Bái. Anh ước mơ sau này được đứng trong lực lượng Công an, như cha anh, người chiến sỹ Công an vũ trang kiên trung. 

Ước mơ lớn dần, cả gia đình vỡ òa hạnh phúc khi anh trúng tuyển vào Học viện An ninh nhân dân. Trong suốt quá trình học tập, anh chăm chỉ, cần mẫn, vận dụng kiến thức được học vào thực tiễn công tác. Nhờ nỗ lực cố gắng không ngừng, anh được vinh dự kết nạp vào Đảng. Trước Cờ Đảng, anh thầm hứa sẽ nỗ lực, cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trung tá Đinh Văn Thới.

Ra trường, anh được phân công về Đội An ninh Công an huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Thời điểm này, Văn Chấn nổi lên tình trạng lừa bán phụ nữ sang Trung Quốc gây hoang mang lo lắng, bức xúc trong nhân dân. Chỉ trong thời gian ngắn, có hàng chục cô gái trẻ nhẹ dạ, cả tin bị kẻ xấu dụ dỗ, lừa phỉnh về miền đất hứa. Thực chất, bọn chúng đưa các cô gái trẻ vào các đường dây mua bán người, làm công việc nhơ nhớp, bẩn thỉu nơi xứ người.

Là cán bộ trẻ, Đinh Văn Thới được giao xuống địa bàn nắm tình hình, thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến các đường dây mua bán người. Quá trình ở cơ sở, anh thấy rằng, phần lớn bà con là người dân tộc, nhận thức hạn chế, thiếu hiểu biết pháp luật, đó là sơ hở để kẻ địch lợi dụng lôi kéo. Vừa nắm bắt tình hình, người công an trẻ "3 cùng" với người dân, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bà con dân tộc, nhất là các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động bà con nâng cao cảnh giác, tham gia tố giác kẻ xấu.

Với nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai, tình hình phụ nữ bị lừa bán ra nước ngoài giảm hẳn. Nhiều cô gái sau khi bị lừa bán đã tích cực phối hợp đấu tranh, tố giác hành vi phạm tội, giúp cơ quan điều tra bắt giữ, xử lý dứt điểm nhiều vụ việc, ổn định tình hình địa bàn.

Sau hơn 2 năm công tác tại quê hương, Đinh Văn Thới được điều chuyển về Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Hòa Bình. Rời mảnh đất Yên Bái thân thương, người Công an trẻ không khỏi xúc động, anh hứa dù ở nơi đâu, công tác ở lĩnh vực nào, anh sẽ cố gắng để mang cuộc sống bình yên và hạnh phúc đến với người dân.

Đinh Văn Thới trải qua các cương vị công tác như: Phó Đội trưởng, rồi Đội trưởng Đội Điều tra, đến tháng 12/2012, anh được bổ nhiệm Phó trưởng Phòng An ninh Điều tra Công an tỉnh Hòa Bình. Anh được cấp trên bổ nhiệm Điều tra viên cao cấp khi còn khá trẻ. Trong công việc, Đinh Văn Thới luôn thể hiện bản lĩnh vững vàng, tư duy nghiệp vụ sắc sảo, nhạy bén, anh thường được giao những vụ án hóc búa, phức tạp, nhất là những vụ án tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Bởi loại án này được câu kết chặt chẽ, móc ngoặc bởi nhiều đối tượng ở nhiều địa bàn khác nhau. Thậm chí là những đối tượng ngoài biên giới.

Trong số các vụ án anh từng tham gia, có lẽ vụ giải cứu cô gái Nguyễn Thị Hồng, SN 1996 ở phố Thống Nhất, thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) bị người yêu lừa bán sang Trung Quốc khiến Trung tá Đinh Văn Thới và đồng đội trải qua nhiều cung bậc cảm xúc hơn cả. Có lúc vụ án tưởng chừng vượt tầm kiểm soát của cơ quan điều tra bởi bị hại bị đưa vào rất sâu nội địa Trung Quốc. Song bằng bản lĩnh và ý chí quyết tâm, anh và đồng đội đã thành công, giúp gia đình họ đoàn tụ trong rạng ngời hạng phúc.

Trước đó chị Hồng quen biết với Lê Văn Tuấn, SN 1995 ở đội 4, xóm Mời Mít, xã Yên Mông, TP. Hòa Bình. Ngày 30/8/2011, Hồng rủ bạn là Bùi Thị Linh, tới thành phố Hòa Bình gặp mặt người bạn mới quen tên Tuấn.

Vốn là cô gái ngây thơ, Hồng đâu biết rằng sắp rơi vào đường dây buôn người được "đạo diễn" bởi chính tên "người yêu" đốn mạt quen trên mạng xã hội. Chỉ vì không có tiền tiêu xài, Tuấn cùng nhóm bạn lừa bán Hồng sang Trung Quốc. Để thực hiện ý đồ trên, Tuấn và đồng bọn lập kế hoạch rủ Hồng lên Sa Pa chơi, sau đó qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Để lấy lòng "người yêu", Tuấn thuyết phục Hồng sang Trung Quốc làm thuê kiếm tiền giúp hắn "trả nợ cho chị Đào".

Sau khi nghe "người yêu" tâm sự về "hoàn cảnh éo le", vừa nói Tuấn vừa khóc đã khiến cho Hồng mủi lòng và hứa sẽ sang Trung Quốc làm việc, lấy tiền để trả cho "người yêu". Sau khi hoàn tất việc lừa bán Hồng sang Trung Quốc, trở về Việt Nam, biết không thể trốn tránh, Tuấn cùng nhóm đối tượng đã ra đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Ngày 4-10-2011, cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Hòa Bình ra quyết định khởi tố 3 đối tượng, đồng thời lập kế hoạch giải cứu Hồng.

Công an tỉnh Hòa Bình phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh trong điều tra vụ án mua bán người.

Những ngày đầu bị bán sang Trung Quốc, Hồng vẫn bí mật liên lạc về gia đình và "người yêu". Qua câu chuyện, Hồng cho biết hiện đã bị đưa sâu vào nội địa khoảng 100 km, thuộc Mông Tự, Châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Nắm bắt được thông tin trên, thông qua gia đình và "người yêu" của Hồng, với kinh nghiệm từ các vụ giải cứu trước đây, Trung tá Đinh Văn Thới trực tiếp hướng dẫn Hồng không được bỏ trốn, nghe theo lời chủ chứa.

Sau khi xác định khu vực Hồng bị bán, Cơ quan ANĐT Công an Hòa Bình đã có văn bản đề nghị các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai giải cứu Hồng. Trung tá Đinh Văn Thới và tổ công tác đã vượt hàng trăm km, làm việc với Công an và Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai bàn phương án giải cứu.

Sau nhiều lần đi lại, băng rừng, vượt núi, Trung tá Đinh Văn Thới và đồng đội phác họa khu vực Hồng bị giữ. Tuy nhiên, việc giải cứu Hồng trở nên vô cùng khó khăn, phức tạp bởi địa bàn nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam. Hơn nữa, những thông tin do Hồng cung cấp bị gián đoạn, mơ hồ nên rất khó khăn trong việc xác định địa bàn Hồng sinh sống. Ngày 18/11/2011, sau khi xác định chính xác nơi Hồng đang ở, các lực lượng chức năng bất ngờ ập vào và giải cứu thành công trước sự vui mừng khôn xiết của Hồng và mọi người.

Theo trung tá Đinh Văn Thới, với đa số bà con dân tộc sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, biệt lập với cuộc sống bên ngoài, đời sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhiều hủ tục lạc hậu, nhận thức về pháp luật hạn chế, thanh thiếu niên thiếu việc làm "nhàn cư vi bất thiện" gây ra những phức tạp về an ninh, trật tự. Với đặc thù công việc, đơn vị thụ lý điều tra nhiều vụ việc phức tạp, chủ yếu là tội phạm mua bán người, lưu hành tiền giả hay phá hủy công trình quan trọng về an ninh quốc gia.

Đáng chú ý là tội phạm mua bán người có chiều hướng gia tăng và diễn biến khá phức tạp. Chỉ tính riêng năm 2016, đã có trên 1.400 lượt người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, có hàng trăm cô gái bị dụ dỗ, lôi kéo, hàng trăm gia đình tan nát... Mỗi vụ việc đều có tính chất riêng, đòi hỏi mỗi cán bộ điều tra có bản lĩnh vững vàng, nghiệp vụ sắc bén. Quan trọng hơn "cán bộ điều tra phải biết dựa vào dân, phát huy vai trò của người dân trong phong trào bảo vệ ANTQ. Khi được dân tin, dân giúp đỡ thì lực lượng Công an mới hoàn thành nhiệm vụ của mình" - Trung tá Đinh Văn Thới đúc rút kinh nghiệm.

Với nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc, Trung tá Đinh Văn Thới được Bộ trưởng Bộ Công an, UBND tỉnh Hòa Bình và các cấp, các ngành tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen. Trung tá Đinh Văn Thới là điển hình tiên tiến cấp tỉnh. Với anh, hạnh phúc lớn nhất có lẽ là được góp phần giữ vững an ninh trật tự cho dân, và anh được sống với đam mê của mình.

(Tên nạn nhân đã được thay đổi)

An Chi
.
.