“U mộng ảnh” và hai người đẹp hút hồn tôi

Thứ Tư, 27/01/2016, 14:33
Nói đến thi nhân, mặc khách, không thể không nói đến người đẹp. Cũng như nói đến mùa xuân không thể không nói đến hoa. Tôi đọc "U mộng ảnh" của Trường Trào do Nguyễn Hiến Lê dịch và lấy làm thích thú vô cùng.


"Lòng yêu hoa mà yêu mỹ nhân thì tất có cái thú riêng; lấy lòng yêu mỹ nhân mà yêu hoa thì thêm cái tình và thêm lòng nâng niu… Mỹ nhân hơn hoa ở chỗ biết nói; hoa hơn mỹ nhân ở chỗ tỏa hương. Nếu không được cả hai thì bỏ hương mà lựa biết nói. Thường hoa đẹp thì không thơm, cánh nhiều tầng thì không thành trái…" (trích U mộng ảnh).

Đọc xong "U mộng ảnh", tôi lại nhớ tới những người đẹp mà tôi đã gặp. Và tôi muốn kể với các bạn về hai người đẹp nhất thế giới và hai người đẹp Việt Nam mà tôi muốn nói… Người đẹp nhất thế giới qua mọi thời đại có lẽ là tượng Thần Vệ Nữ Venus. Tôi đã đến Bảo tàng Luvơr ở Paris của nước Pháp mấy lần để chiêm ngưỡng nàng. Tượng Thần Vệ Nữ cao 1mét 64, vòng ngực 94cm, vòng eo 71cm, vòng mông 96cm.

Tượng thần Vệ Nữ.

Một người đẹp cao 164cm mà vòng eo đến 71cm, nếu chỉ tính theo vẻ đẹp nhân trắc học, bây giờ có thi hoa hậu Việt Nam chắc phải trượt từ vòng ngoài, vì bây giờ những cô gái đẹp vào vòng chung kết không có ai vòng eo đến 71cm.  Tôi còn nhớ giây phút chuẩn bị đăng quang tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 1992 tổ chức ở nhà thi đấu Phan Đình Phùng (TP Hồ Chí Minh), khi người dẫn chương trình hỏi: “Theo các bạn, ai sẽ là hoa hậu?", trên bốn ngàn khán giả có mặt trong hội trường đồng thanh hô to "Vi Thị Đông! Vi Thị Đông!". Nhưng năm đó Hà Kiều Anh mới là hoa hậu, còn Vi Thị Đông chỉ là Á hậu một vì vòng eo của cô 70cm!

Nhưng hai người đẹp Việt Nam mà tôi muốn nói đến trong bài viết này mang đến cho tôi những cảm xúc hoàn toàn khác lạ… Dạo đó hội thi Người đẹp Đồng bằng sông Cửu Long, chuẩn bị cho cuộc thi hoa hậu Việt Nam năm 1996 do Báo Tiền Phong tổ chức diễn ra ở thành phố Cần Thơ. Lần đó, tôi bị sốt mấy hôm. Toàn thân đau ê ẩm, mệt rã rời.

Buổi chiều, trước hôm diễn ra đêm chung kết người đẹp miền Tây, tôi cố gắng gượng dậy đến nhà hát, nơi sẽ diễn ra cuộc thi. Tôi và Nghệ sỹ Nhân dân Trà Giang đều tham gia Ban giảm khảo. Chiều ấy, chúng tôi dành thời gian tiếp xúc với thí sinh. Khi một thí sinh tên là Hồng Yến bước vào, cả tôi và chị Trà Giang đều sững người.

Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ… Hồng Yến mặc một chiếc váy ngắn màu đen, áo thun màu đỏ để lộ đôi chân dài thẳng tắp và đôi vai trần thon thả, trắng ngần. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy một cô gái đẹp như thế, trong ngọc, trắng ngà. Từ gương mặt đến thân hình tất cả đều tuyệt mỹ. Lúc bấy giờ tôi như quên đi tất cả. Quên đi cái nóng, cái mệt, cái oi bức,  quên đi mình đang bị cảm sốt. Thật lạ lùng, tôi thấy mình khỏe hẳn, như có phép mầu. Đến nỗi, chị Trà Giang thốt lên ngạc nhiên: "Anh khỏi cảm rồi hả?".

Ngồi viết những dòng này, tôi thử điểm lại hàng ngàn người đẹp mà tôi đã gặp suốt trong 20 năm làm Trưởng ban Tổ chức, Trưởng ban Giám khảo các cuộc thi hoa hậu Việt Nam, hoa hậu Thế giới người Việt và làm giám khảo các cuộc thi Hoa hậu Quốc tế. Nói thực lòng và thực sự xin lỗi các Hoa hậu Việt Nam, các người đẹp, kể cả các hoa hậu thế giới, hoa hậu các nước như Thái Lan, Anh, Nga, Mỹ… mà tôi đã gặp… tôi chưa thấy ai có vẻ đẹp hình thể tuyệt mỹ như Hồng Yến.

Có thể là tôi chủ quan chăng?

Hay vì tôi là một nhà thơ, nên bị ám ảnh…

Hồng Yến -người đẹp đồng bằng sông Cửu Long năm 1996. 

Tôi liền nhớ lại truyện ngắn nổi tiếng của văn hào Sêkhốp "Hai người đẹp". Quả thật, hệt như nhà văn đã tả trong câu chuyện của mình. Nếu có một đôi mắt tuyệt đẹp trên đời này thì đó là đôi mắt của Hồng Yến. Nếu có một làn da, một đôi chân, một đôi tay, một mái tóc… một thân hình gọi là tuyệt mỹ trên đời này thì đó là đôi mắt, đôi tay, đôi chân, làn da, thân hình của Hồng Yến. Tôi và chị Trà Giang rất mừng vì ngỡ đã tìm ra hoa hậu.

Cuộc thi Người đẹp Đồng bằng sông Cửu Long lần đó Hồng Yến đoạt giải hoa khôi. Nhưng, tại cuộc thi Hoa hậu toàn quốc năm đó (năm 1996) Hồng Yến chỉ đoạt giải Á hậu, vì phần trả lời ứng xử Hồng Yến  có phần ngắc ngứ.

Sau lần đó, một phóng viên của báo cho tôi hay là đã về tận nhà Hồng Yến

tìm hiểu để viết bài. Hồng Yến quê Bến Tre, ở một làng rất xa thị xã. Người phóng viên kể rằng vào nhà Yến phải vác xe đạp, lội qua cánh đồng ngập nước… Bố mẹ Hồng Yến làm ruộng. Nhưng từ nhỏ, Hồng Yến đã được bố mẹ sắm cho một cái máy khâu nên không phải lội ruộng cấy, gặt, chân lấm tay bùn như nhiều cô gái ở đây. Cũng dễ hiểu vì sao Hồng Yến chưa có đủ kiến thức ứng xử cho một cuộc thi lớn. Chúng tôi hy vọng qua hai năm, Hồng Yến có đủ thời gian trau dồi kiến thức để có thể trở thành Hoa hậu cho cuộc thi lần sau vì Hồng Yến lúc đó mới bước sang tuổi 17 (quy chế thi người đẹp lúc đó quy định lứa tuổi thí sinh dự thi từ 16 đến 28 tuổi).

Bởi vậy, cuộc thi Người đẹp Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ ba tổ chức ở Cần Thơ, chuẩn bị cho cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 1998, tôi và chị Trà Giang bàn nhau mời Hoa khôi Hồng Yến đến giao lưu trong đêm chung kết người đẹp miền Tây. Đó cũng là dịp để chúng tôi kiểm tra kiến thức của Hồng Yến, chuẩn bị cho Hồng Yến đến với cuộc thi Hoa hậu toàn quốc năm 1998 vì tin rằng lần này Hồng Yến sẽ giành ngôi Hoa hậu và Ban Tổ chức sẽ cử cô đi thi Hoa hậu Thế giới cùng năm. Chúng tôi ở khách sạn Cần Thơ.

Chị Trà Giang, sau khi trò chuyện với Hồng Yến, bảo tôi: "Anh giúp  Hồng Yến một số kiến thức cho đêm giao lưu". Chúng tôi sang phòng của Hồng Yến, trao đổi một số kiến thức về ứng xử cho đêm giao lưu. Hồng Yến bảo để em lấy giấy bút ghi lại. Hồng Yến rất chịu khó lắng nghe, ghi chép tỉ mỉ những gợi ý của tôi và chị Trà Giang.

Trước giờ ăn cơm, tôi và chị Trà Giang phỏng vấn thử Hồng Yến. Hồng Yến trả lời trôi chảy. Tôi nghĩ buổi giao lưu của Hoa khôi Hồng Yến với khán giả chắc sẽ thành công. Thế nhưng, trước giờ ra hội trường cho đêm chung kết, tôi và chị Trà Giang lại phỏng vấn Hồng Yến một lần nữa, Hồng Yến trả lời ngắc ngứ… Cô đỏ mặt bảo: "Em hổng nhớ nữa, quên hết trọi rồi …".

Buổi giao lưu lần đó diễn ra không được như mong muốn! Có thể vì Hồng Yến còn quá trẻ, ít tiếp xúc với mọi người nên thiếu bình tĩnh. Cũng có thể Hồng Yến còn thiếu một nền tảng kiến thức cần thiết cho những cuộc thi lớn. Biết làm sao được, trời không cho ai tất cả! Cuộc thi Hoa hậu năm đó (1998), Hồng Yến quyết định không tham gia.

Cũng phải. Để cô vẫn giữ danh hiệu Á hậu mãi tới sau này. Nhưng, không hiểu sao, mỗi lần nhớ tới Hồng Yến, trong tôi lại rung lên những cảm xúc tuyệt vời về cái đẹp, về sự trong trắng, hồn nhiên của những người con gái Việt Nam. Trong tôi vẫn giữ mãi cái cảm giác bị hút hồn như khi lần đầu tiên tôi nhìn thấy Hồng Yến!

Cuộc thi Hoa hậu toàn quốc năm 1992, vòng chung kết được tổ chức tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, thành phố Hồ Chí Minh. Một tuần trước đó, đài truyền hình thành phố chiếu hình ảnh cuộc thi người đẹp các tỉnh phía Bắc. Có lẽ, đây là lần đầu tiên, người dân Sài Gòn được xem các người đẹp "Bắc Kỳ", nên cả Sài Gòn náo động lên vì họ thấy người Bắc đẹp quá!

Hoa hậu Hà Kiều Anh thập niên 90.

Lần đó, ban đại diện của báo tại Thành phố Hồ Chí Minh bị "bao vây" bởi hàng ngàn người đến mua vé… Chưa bao giờ tôi thấy người dân ở đây háo hức với cuộc thi hoa hậu đến như vậy. Đi đâu cũng thấy người dân bàn tán, mong đợi… Nhà thi đấu Phan Đình Phùng có trên 4 ngàn chỗ ngồi, không đủ cho mấy chục ngàn con người đến xem, chúng tôi phải dựng nhiều màn ảnh rộng phía ngoài để truyền hình ảnh đêm chung kết, phục vụ hàng chục ngàn người dân ở đây…

Lần đó Hà Kiều Anh đăng quang Hoa hậu, Á hậu một là Vi Thị Đông. Trong 10 cô gái đẹp nhất có một người mà cả tôi và nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đều bị hút hồn… Đó là Mạc Lê Đan Thanh.

Lúc đó thí sinh họ Mạc đang là sinh viên Đại học Y khoa thành phố Hồ Chí Minh. Khác với vẻ đẹp của Hồng Yến với mọi số đo đều chuẩn mực, Mạc Lê Đan Thanh có thân hình mảnh mai, nhỏ nhắn, cái nhìn e lệ, dịu dàng…

Tôi cảm thấy cô gái họ Mạc không phải đang đi mà như đang lướt nhẹ trên sân khấu như một làn gió thoảng… Mọi cử chỉ, lời nói, ánh mắt, bước đi… của Mạc Lê Đan Thanh đều sinh động, thông minh, dịu dàng, đầy sức cuốn hút. Thật khó mà diễn tả được cảm xúc của tôi cũng như Trịnh Công Sơn.

Cả hai chúng tôi đều cảm nhận sâu sắc rằng, nếu chọn riêng cho mình một người đẹp, một hoa hậu theo tiêu chí của thi nhân, cả hai chúng tôi chỉ có thể chọn Mạc Lê Đan Thanh chứ không phải ai khác!

Bây giờ, người nhạc sỹ tài hoa Trịnh Công Sơn đã về cõi vĩnh hằng. Tôi cũng không biết hai người đẹp hút hồn đó bây giờ ra sao? Từ lâu rồi, tôi đã không gặp họ. Hai người đẹp mà tôi vừa kể tuy không trở thành Hoa hậu Việt Nam nhưng với tôi đó là những cô gái đẹp hút hồn… Vẻ đẹp của con người, nhất là người thiếu nữ thật khó kiếm tìm, thật muôn hình,  muôn vẻ, thật mong manh… Đến như Thần Vệ Nữ còn chưa hoàn thiện như mong muốn của chúng ta, huống chi là con người… Bởi vậy chúng ta phải luôn biết nâng niu, gìn giữ, nói như người xưa "Mua được một chậu hoa đẹp còn nâng niu, thương tiếc, huống là đối với một "Đóa hoa biết nói"  (Trích từ "U mộng ảnh" của Trương Trào - Nguyễn Hiến Lê dịch).

Viết lại tại nhà vườn Sóc Sơn, 2015.

Dương Kỳ Anh-Xuân 2016
.
.