Xuất bản 2017: Vẫn ngổn ngang trăm mối

Thứ Sáu, 05/01/2018, 17:08
Cùng với mỹ thuật, điện ảnh, ngành xuất bản đã bước qua một năm với nhiều sự kiện. Theo thống kê của Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong năm 2017, tổng số sách xuất bản đạt khoảng 30.000 tựa sách (với 300 triệu bản); trong đó, xuất bản phẩm điện tử chưa như kỳ vọng của nhiều đơn vị khi mới xấp xỉ 150 tựa sách. Bên cạnh những con số, ngành xuất bản cũng để lại những câu chuyện đáng bàn.


Nỗ lực tôn vinh văn hóa đọc

Không thể phủ nhận những nỗ lực của ngành xuất bản nói riêng và của nhiều bộ, ban, ngành, cũng như ý thức của các tỉnh, thành phố trong việc đưa văn hóa đọc lan sâu, tỏa rộng vào đời sống. Việc mở ra những không gian văn hóa đọc đã khiến cho sách đến gần với công chúng thông qua nhiều hình thức khác nhau.

Sau TP Hồ Chí Minh, năm 2017 ghi nhận sự ra đời của Phố sách Hà Nội (Phố 19-12). Việc biến "phố âm phủ" xưa thành một phố sách đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều đơn vị làm xuất bản cũng như những người yêu văn hóa đọc. Hơn chục gian sách được hình thành, có thời điểm mỗi tháng doanh thu trung bình của mỗi gian lên tới 125 triệu đồng, cho thấy nếu biết cách tổ chức, hiệu quả mang lại có lợi cho cả nhiều bên.

Mô hình đường sách cũng nhận được sự quan tâm của nhiều tỉnh, thành phố, như Đà Nẵng, Vũng Tàu… Theo đó, đường sách TP. Vũng Tàu dự kiến sẽ nằm trên con đường đẹp nhất TP. Vũng Tàu, nằm gần sát bờ biển, gần công viên Quang Trung. Đường sách TP. Vũng Tàu có tổng diện tích khoảng 1.903m², gồm có các khu vực riêng biệt như 9 gian sách tiêu chuẩn với kích thước 30m²/gian.

2 gian sách lớn có kích thước 70m²/gian. 2 gian cà phê sách với kích thước 170m²/gian và 6 gian văn phòng phẩm có kích thước 16m²/gian. Để chuẩn bị cho đường sách, dịp Tết Mậu Tuất 2018, TP. Vũng Tàu sẽ tổ chức Hội sách Xuân Mậu Tuất tại chính địa điểm trên. Hội sách sẽ chính thức khai trương từ ngày 12-2 (27 tháng Chạp) cho đến hết ngày 25-2 (mùng 10 Tết).

Những ngày cuối năm 2017, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đã ra văn bản chấp thuận chủ trương cho phép UBND Quận 7 triển khai thực hiện đường sách trên đường Nguyễn Đổng Chi (P.Tân Phú) theo phương thức xã hội hóa. Dự kiến, đường sách này sẽ được xây dựng với tổng chi phí gần 14 tỷ đồng cho gần 20 gian hàng sách, cà phê và nhà vệ sinh thông minh. Các cửa hàng sách đều được xây dựng bằng vật liệu lắp ghép tiện dụng.

Độc giả tìm mua sách tại hội sách ở Công viên Thống Nhất (Hà Nội).

Trước đó, tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty Văn hóa Phương Nam đã khai trương Phương Nam Book City tại Trung tâm Thương mại Aeon Mall - tỉnh Bình Dương với 500.000 bản sách. Vào đầu tháng 12, mô hình phố sách (Book City) cũng đã được khai trương, tạo nên một điểm đến mới cho những người yêu thích sách. Tại đây trưng bày hơn 50.000 tựa sách và 1 triệu bản sách các thể loại trong và ngoài nước với diện tích gần 3.000 m2.

Bên cạnh những phố sách, thành phố sách thì một trong những điểm sáng của ngành xuất bản năm 2017, đó là việc… có nhiều hội chợ sách được mở ra. Đặc biệt tại Hà Nội, có dường như tháng nào cũng có hội sách, thậm chí dồn dập có tháng tới 2 hội sách. Ngoài những hội sách quy mô tổ chức ở Công viên Thống nhất hay Hoàng thành Thăng Long thì có nhiều hội sách cũ được tổ chức tại Hồ Văn (Văn Miếu - Quốc Tử Giám), và chuỗi hội sách mùa xuân, mùa thu… với sự bắt tay của 3 đơn vị xuất bản NXB Kim Đồng, NXB Trẻ, NXB Phụ nữ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Trong những ngày cuối cùng của năm, người ta còn thấy những hội sách Giáng sinh do NXB Phụ nữ, hay hội sách mùa Đông ở Phố sách Hà Nội, hay sự kiện "Bão sách", "Lẩu sách" được Anpha Book tổ chức ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội…

Có thể nói, sự nở rộ của các hội sách đã góp phần lan tỏa văn hóa đọc đến với nhiều đối tượng, góp phẩn cổ vũ, thúc đẩy văn hóa đọc…

Còn nhiều băn khoăn

Bên cạnh những nỗ lực không thể phủ nhận, người ta cũng dễ nhận thấy trong quá trình tổ chức, vận hành các sự kiện vẫn còn nhiều điều đáng phải trao đổi, góp ý.

Ví như việc các hội sách được tổ chức liên tục, có khi chỉ cách nhau 1 tuần, khiến sự khan hiếm các đầu sách mới là có thật. Sự na ná nhau ở các hội sách đã không thu hút được độc giả. Bản thân các nhà xuất bản, hay các công ty sách cũng khó lòng để liên tục có thêm những loạt sách mới trong một thời gian ngắn. Chưa kể, sự trùng lặp các nhân vật giao lưu trong các sự kiện, lẫn thiếu những người dẫn chương trình (MC) mới khiến cho các sự kiện chưa thực sự hấp dẫn. Vì thế, đại diện một số nhà sách thừa nhận, việc tham gia các hội sách đôi khi là "bắt buộc" đồng thời là cơ hội để bán sách tồn kho.

Bên cạnh đó, câu chuyện duy trì Phố sách Hà Nội cũng để lại nhiều điều đáng bàn. Sau thời điểm khai trương, nhiều người không khỏi ngao ngán về việc vận hàng Phố sách Hà Nội khi đến đây bị barie chắn hai đầu, và phố sách thành địa điểm mới cho các bạn trẻ đến chụp ảnh từ lúc nào không hay.

Đỉnh điểm hơn, những ngày cuối năm 2017, một số đơn vị đã làm đơn kiến nghị đến ban quản lý phố sách Hà Nội, đề nghị thành phố hỗ trợ chi phí chăm sóc cây xanh, thảm cỏ vì đây là cảnh quan chung của thành phố; cắt giảm các lực lượng như vệ sĩ, vệ sinh... để đảm bảo mức thu phí mặt bằng không quá 200.000 đồng/m2.

Thành phố cần hỗ trợ phố sách hệ thống âm thanh, loa đài và sân khấu tại quảng trường trung tâm để làm tốt hơn công tác truyền thông và tổ chức sự kiện của phố sách. Mùi hôi thối từ cống thoát nước và các hộ dân xả thải sang phố sách cần được khắc phục...

Theo Cục Xuất bản, in và phát hành, năm 2017, đơn vị này đã cấp chứng chỉ hành nghề biên tập cho 74 biên tập viên. Thông qua việc siết lại các đơn vị xuất bản qua nhiều hình thức, trong đó có việc chỉ những biên tập viên được cấp chứng chỉ mới được đứng tên biên tập trên sách, khiến nhiều người kỳ vọng chất lượng biên tập sách sẽ được nâng cao. Tuy nhiên, diễn biến thực tế cho thấy, năm qua xuất hiện khá nhiều cuốn sách bị đình chỉ phát hành, thậm chí thu hồi.

Cụ thể, số liệu từ Cục Xuất bản, in và phát hành cho thấy đã phát hiện và xử lý 129 xuất bản phẩm vi phạm (trong đó: 96 xuất bản phẩm vi phạm nội dung; 33 xuất bản phẩm vi phạm khác). Đáng chú ý là việc thu hồi ấn bản "Miếng ngon Hà Nội" vì sai sót nghiêm trọng. Hay cuốn "Một cơn gió bụi" (Kiến văn lục) của tác giả Trần Trọng Kim (NXB Hội Nhà văn & Phương Nam Books phát hành) cũng phải thu hồi vì "nội dung cuốn sách khi xuất bản không đúng thể loại và tóm tắt nội dung như đăng ký".

Cùng với tình trạng sách lậu vẫn còn khá phổ biến, một câu chuyện khác cũng khá quan trọng, đó là tình trạng "sách mới thì ít, sách cũ thì nhiều". Có những tựa sách như "Chiến tranh và hòa bình", "Tam quốc chí", "Chí Phèo"… cùng lúc được 4-5 đơn vị ấn hành với các bản bìa khác nhau. Thị trường xuất bản cũng còn ghi nhận nhiều đầu sách của các học giả Việt Nam được tái bản, như "Việt Nam phong tục" (Phan Kế Bính), "Việt Nam sử lược" (Trần Trọng Kim), "Cổ học tinh hoa" (Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc - Trần Lê Nhân), "Hội hè lễ Tết Việt Nam" (Nguyễn Văn Huyên), "Nam thi hợp tuyển" (Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc)…

Lý giải "hiện tượng" này, nhà văn Nguyễn Trương Quý - biên tập viên NXB Trẻ cho biết, sở dĩ năm qua rộ lên hiện tượng sách tái bản một phần do nhiều cuốn trong số sách này đã hết thời hạn bảo hộ tác quyền, nên được in tự do, và chi phí được giảm. Phần nữa là xu hướng muốn khảo lại các thành tựu được định hình "đón lõng" thế hệ độc giả mới.

Xuất bản năm qua cũng còn cho thấy dòng sách hồi ký, tự truyện của các nghệ sĩ vẫn xuôi chiều… "ăn khách". Nhiều nghệ sĩ trẻ đã ra mắt những cuốn tự truyện như Sơn Tùng MTP ra cuốn "Chạm tới ước mơ", Hari Won ra "Cỏ hạnh phúc", Lâm Chí Khanh ra "Lột xác", Hoàng Thùy Linh cũng chuẩn bị phát hành "Vàng Anh và Phượng Hoàng"…

Một sự kiện đáng chú ý nữa, đó là việc trong năm qua, Cục Xuất bản, in và phát hành còn đưa ra ý tưởng dán tem chống sách lậu. Theo đó, trên tem phải có bốn thông tin: mã số sách tiêu chuẩn quốc tế (ISBN); số xác nhận đăng ký xuất bản của Cục Xuất bản, in và phát hành; số quyết định xuất bản của giám đốc nhà xuất bản; số thứ tự theo số lượng bản xuất bản phẩm được in. Tuy nhiên, ý tưởng này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhiều đơn vị xuất bản và giới chuyên môn nên Cục Xuất bản, in và phát hành sau đó đã tạm dừng ý tưởng "táo bạo" trên.

Nguyệt Hà
.
.