Sách và văn hóa đọc với thiếu nhi

Thứ Bảy, 15/04/2017, 08:19
Lâu nay, sách vẫn được coi là kênh quan trọng để con người tiếp cận thông tin, tri thức. Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Tuy nhiên, thời đại công nghệ số với sự bùng phát của các phương tiện nghe nhìn, giải trí quá nhiều và quá hấp dẫn đã đưa văn hóa đọc đứng trước những thách thức, thậm chí là nguy cơ bị thờ ơ, lạnh nhạt...


Nuôi dưỡng tình yêu sách ngay từ tấm bé

"Ngày sách Việt Nam" lần thứ 4 và Hội sách chào mừng với chủ đề "Sách và sự phát triển tri thức cộng đồng" diễn ra trong 4 ngày (từ 6 đến 9 - 4) tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội đã thu hút sự tham gia của hàng nghìn người ở nhiều lứa tuổi khác nhau.

Hội sách năm nay đã trưng bày và bán xuất bản phẩm với khoảng 100 gian hàng của 80 đơn vị thuộc các Nhà xuất bản (NXB), công ty phát hành trên cả nước, với gần 40.000 tên sách các loại, hàng vạn bản gồm nhiều chủ đề đa dạng, phong phú.

Những hoạt động giao lưu tác giả - độc giả, giới thiệu các cuốn sách có giá trị, các buổi hội thảo, tọa đàm, talkshow về những đề tài có liên quan đến cuốn sách tiêu biểu hay những vấn đề thời sự đang được dư luận và xã hội quan tâm đã thực sự khiến ngày sách thêm hấp dẫn.

Trái với lo ngại lâu nay của không ít người về sự thờ ơ của các bạn trẻ với sách và văn hóa đọc, "Ngày sách Việt Nam" đã thu hút đông đảo độc giả từ nhiều lứa tuổi ngay trong ngày khai mạc mà không hẳn vì hôm đó trùng vào ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ.

Nhìn người người nô nức tham quan các gian hàng, xếp hàng mua sách... đã minh chứng, sách vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống hiện đại. Đặc biệt, trong số độc giả đến ngày hội sách, có không ít các bạn ở lứa tuổi thanh thiếu niên - lứa tuổi chịu ảnh hưởng nhiều nhất của những thiết bị công nghệ hiện đại. Như vậy cũng có nghĩa, tình yêu với sách, với văn hóa đọc ở những người trẻ này không mai một như chúng ta vẫn nghĩ!

Khá đông độc giả nhỏ tuổi đến với Ngày hội sách Việt Nam.

Lâu nay, sách vẫn được coi là kênh quan trọng để con người tiếp cận thông tin, tri thức. Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Tuy nhiên, thời đại công nghệ số với sự bùng phát của các phương tiện nghe nhìn, giải trí quá nhiều và quá hấp dẫn đã đưa văn hóa đọc đứng trước những thách thức, thậm chí là nguy cơ bị thờ ơ, lạnh nhạt.

Nhiều người quan niệm, thời đại công nghệ thông tin, không nhất thiết phải đọc sách giấy, lên mạng đọc cho nhanh, vừa dễ vừa đỡ tốn kém.

Trên thế giới, càng những quốc gia phát triển thì sách và văn hóa đọc càng được coi trọng. Hơn 15 năm qua, đã có trên 150 quốc gia tổ chức kỷ niệm "Ngày sách và bản quyền thế giới" với nhiều hoạt động thiết thực dưới nhiều hình thức và chủ đề phong phú khác nhau.

"Ngày sách thế giới" (23 - 4) cũng được nhiều quốc gia tổ chức long trọng, thực sự là ngày hội của những người yêu sách trên khắp hành tinh. Tại Việt Nam, những năm gần đây, các hoạt động liên quan đến sách và văn hóa đọc cũng đã được các đơn vị, tổ chức ngày càng nhiều.

Tại sân chơi văn hóa này, nhiều hoạt động đã được tổ chức phù hợp cho từng lứa tuổi khác nhau, thu hút sự tham gia của đông đảo độc giả ở nhiều lứa tuổi. Cũng như ngày càng có nhiều dự án đọc sách, nhân rộng thói quen đọc sách của các tổ chức, cá nhân... đã và đang phát huy hiệu quả trong xã hội.

Nói tới văn hóa đọc, không thể không nhắc tới yếu tố vô cùng quan trọng, đó là sách. Cùng với sự phát triển của cơ chế thị trường, sự tham gia của các NXB trong và ngoài nước, sách đã không còn là hàng hiếm nữa.

Thậm chí, bước vào bất kỳ nhà sách nào chúng ta cũng đang có cảm giác có quá nhiều đầu sách để chọn. Tuy nhiên, để chọn được sách hay không phải là điều dễ dàng. Có quá nhiều sách làng nhàng, thậm chí len lỏi trong đó cả những "sách rác". Nguy hại hơn, với mảng sách dành cho thiếu nhi, còn không ít lỗi chính tả, văn phong câu chữ cẩu thả, ngôn từ thiếu chuẩn xác...

Không ít phụ huynh than phiền việc khuyến khích con em đọc sách ngày càng khó. Thậm chí, nhiều phụ huynh loay hoay không biết làm thế nào để các em nhỏ rời xa những thiết bị công nghệ hiện đại, những chương trình truyền hình hấp dẫn để thích thú, say mê với những cuốn sách như các thế hệ trước. Chúng ta vẫn mơ ước như người dân ở các nước châu Âu - châu Mỹ, họ đọc sách ở bất kỳ đâu: Sân bay, ga tàu, trên xe, dưới thuyền...

Nhưng để có được điều đó không phải dễ dàng. Để tiến tới một xã hội đọc sách luôn bắt đầu từ một cá nhân đọc sách. Để hình thành một thói quen đọc sách, tiến tới văn hóa đọc sách phải là một thói quen được rèn từ tấm bé trong mỗi gia đình. Cũng như tình yêu với những cuốn sách trong mỗi con người không thể từ những hô hào chung chung hay khi đã trưởng thành, mà phải được nuôi dưỡng từ những ngày thơ bé.

Chuyên gia Tâm lý - Giáo dục Nguyễn Thị Bình: Sách cần đa dạng, phong phú về chất liệu

- Thưa chuyên gia tâm lý giáo dục Nguyễn Thị Bình, hiện nay trên thị trường sách đã có khá nhiều sách dành cho các em thiếu nhi, tuy nhiên vẫn không ít phụ huynh loay hoay trong việc chọn sách cho con. Với chuyên môn của chị thì sách tốt cho trẻ em cần đáp ứng những tiêu chí nào?

+ Là một người nghiên cứu sâu trong lĩnh vực tâm lý giáo dục, tôi thấy ngày nay có rất nhiều loại sách dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Tuy nhiên, vẫn có những cuốn chưa thật sự được chọn lọc, biên tập kỹ lưỡng.

Theo tôi, sách tốt cho trẻ em cần đảm bảo 5 tiêu chí: Thứ nhất, nó phải phù hợp với văn hóa Việt. Ngày nay, khá nhiều cuốn sách nước ngoài được dịch sang tiếng Việt, trong đó chứa đựng nhiều nội dung không phổ biến với đời sống Việt Nam. 

Thứ 2, màu sắc và hình ảnh phải rõ nét. Nếu sách in mờ, không chỉ ảnh hưởng đến thị giác của trẻ, gây nhàm chán mà còn làm giảm trí tưởng tượng, sáng tạo của trẻ nhỏ. Thứ 3, sách in phải đúng chính tả, nghĩa rõ ràng. Khi các con đọc sách, các con phải hiểu được điều tác giả muốn nói.

Thứ 4: Sách phân chia theo độ tuổi một cách cụ thể. Lâu nay, chúng ta chỉ ghi chung chung: "Sách cho trẻ từ 3 - 6 tuổi" nhưng rõ ràng trẻ 6 tuổi nếu đọc sách của trẻ 3 tuổi sẽ không phù hợp. Hoặc, trẻ 3 tuổi đọc sách của trẻ 6 tuổi sẽ khó có thể hiểu được. Thứ 5, sách của Việt Nam đã khá phong phú nhưng chưa đa dạng về chất liệu.

Tôi rất mong muốn các NXB trong thời gian tới sẽ đưa ra những loại sách như sách handmade, sách vải... Trong đó, sách có những chất liệu tự nhiên như dán những bông hoa khô, những chiếc lá, những mảnh vụn ép lại. Ở trung tâm tôi phụ trách, tôi thường dùng plastic thiết kế sách cho các con để các con có thể bóc ra, khám phá những điều các con tâm đắc.

- Với những chất liệu đặc biệt như vậy thì giá thành của sách sẽ cao, chưa phù hợp với thu nhập của số đông gia đình người Việt đúng không ạ?

+ Đúng là sách được thiết kế đặc biệt chưa lan rộng tới mọi người. Vì hầu hết những quyển sách dành cho các con đã có giá trung bình từ 20 nghìn đồng trở lên. Trong khi, sách cho lứa tuổi nhỏ thường in theo bộ chứ không chỉ một quyển. Với những phụ huynh có thu nhập chỉ 4 - 5 triệu đồng/ tháng, thì khó có thể mua loại sách này cho con. Họ sẽ chỉ có thể  mua sách với giá thành rẻ hơn. Sách rẻ cũng đồng nghĩa với việc chất lượng không tốt, ảnh hưởng đến các con. Chính vì thế, các NXB cần cân nhắc đến giá cả để sách tới được với đông đảo độc giả.

- Trẻ em hứng thú với truyện tranh hơn là sách chữ và gần đây là sự tham gia của sách điện tử trong đời sống hiện đại. Theo chị, làm thế nào để trẻ em cập nhật được với công nghệ hiện đại mà vẫn giữ được sự say mê với sách truyền thống?

+ Đây là băn khoăn của không ít phụ huynh trong giai đoạn hiện nay. Tôi thường khuyên phụ huynh 3 điều: Thứ nhất, muốn con thích cái gì, bản thân phụ huynh phải thích đã. Nếu trong gia đình có văn hóa đọc, tức là ta chau chuốt tủ sách, dành thời gian cho sách hơn là xem tivi, nói về những điều trong tivi thì con chúng ta cũng sẽ có được thói quen này.

Việc trẻ em thích đọc truyện tranh hơn cũng là điều dễ hiểu vì các em chủ yếu theo tư duy trực quan sinh động. Chính vì vậy, phụ huynh hãy cho con đọc sách với số chữ tăng dần, hình ảnh ít đi. Ngoài ra, phụ huynh nên đưa những kiến thức ở trong sách ra đời sống một cách phù hợp để các em thấy cuốn sách rất hữu ích.

Sự xuất hiện của sách điện tử là điều tất yếu của thời đại công nghệ thông tin. Các phụ huynh cũng không nên quá lo ngại trong việc cho các em tiếp xúc với loại sách mới này mà cần cân nhắc về thời lượng tiếp xúc với sách điện tử. Sách điện tử có hấp dẫn với các em nhỏ nhưng dễ hại mắt khi sử dụng quá lâu.

Tôi cho rằng, ngày nay, việc học tập của các con khá nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ tới văn hóa đọc. Từ đó dẫn tới tâm lý ngại đọc sách. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng lớn nhất đến sở thích đọc sách của trẻ em vẫn là phụ huynh. Nếu muốn, chúng ta có một nghìn lý do để làm. Nhưng nếu không muốn, chúng ta cũng có một nghìn lý do để từ chối. Chính vì thế, các phụ huynh hãy đọc sách cùng con ngay từ hôm nay.

- Cảm ơn chuyên gia!

Nhà báo Nguyễn Ánh Tuyết (Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam): Kiên trì giúp con ham đọc sách

Theo tôi, cho con đọc sách cũng cần một lộ trình hợp lý để các bạn ấy hứng thú và dễ tiếp thu, đọc từ dễ đến khó. Khi các con đã biết chữ, hiểu biết nhiều hơn, phụ huynh có thể giúp con hình thành thói quen mang theo sách để đọc khi rảnh như lúc đợi ở sân bay, phòng khám, chờ ba mẹ đến đón ở lớp học … cho đỡ phí thời gian.

Trước mỗi chuyến đi, tôi sẽ chuẩn bị một số cuốn và giới thiệu cho con đọc, vì qua văn học, miền đất, địa danh ấy cũng hiện ra khá rõ rệt. Với gia đình tôi, đa phần mỗi chuyến đi đều được lên kế hoạch trước vài tháng nên cũng thuận lợi trong việc lên danh sách những cuốn để các bạn đọc, phục vụ trực tiếp cho sự hiểu biết về nơi mình sẽ đến.

VD: Trước mỗi chuyến về quê trong kỳ nghỉ hè, các bạn ấy sẽ đọc "Tuổi thơ im lặng" (Duy Khán), "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" (Nguyễn Nhật Ánh)... Đi Huế các bạn ấy sẽ đọc "Tuổi thơ dữ dội" (Phùng Quán), tới Nam bộ thì sẽ đọc những tác phẩm như "Đất rừng phương Nam" (Đoàn Giỏi), ''Người mẹ cầm súng'' (Nguyễn Thi),...

Đồng thời, tôi cũng giúp các con đọc sách theo chủ đề, gom những tác phẩm cần đọc theo từng nhóm để con đọc tập trung, giúp mở rộng kiến thức và dễ liên tưởng. Tôi nghĩ, để con yêu sách thì cần kích thích sự hiếu kỳ của trẻ mà không cần phải hô hào hay ép buộc. Tôi cố ý để những cuốn sách phù hợp ở những nơi mà các bạn hay để mắt như trên bàn học, rồi ít ngày sau mình "giả vờ" nói rất say mê về nội dung cuốn sách ấy (nhưng không nói hết), thế là các bạn ấy thốt lên "Con biết mẹ đọc nó ở đâu rồi" và nháo nhào đi tìm cuốn đó để đọc và ngay lập tức thích thú.

Khoa học cho thấy, tập cho con trẻ đọc sách càng sớm càng dễ hình thành thói quen. "Hãy đặt xung quanh con bạn những cuốn sách hay ngay từ khi con bé. Hãy biến các chuyến đi đến hiệu sách thành "chốn vui chơi" thường xuyên của cả gia đình. Hãy biến sách thành món quà hay phần thưởng qúy giá với con khi đạt được thành tích nào đó...."

Rèn được con ham đọc, đọc tự giác, tốc độ và biết chọn lọc thì dù vướng bận với học hành thi cử, thời gian biểu dù bận rộn con vẫn luôn biết cách sắp xếp khoa học để có thể đọc sách thường xuyên. Ví dụ như con gái tôi đang học lớp 6, cháu đã đọc được gần 200 cuốn sách hay (không kể những cuốn truyện tranh có nội dung tốt mà các bạn nhỏ đều thích đọc).

Tôi nghĩ, đây là "khối tài sản" rất có giá trị với bất cứ ai trong chúng ta, không riêng gì một bạn nhỏ ở tuổi 12. Mỗi khi cháu đọc được một cuốn sách mới, tôi đều cùng con tỉ mỉ ghi lại vài điều về cuốn sách đó trong cuốn sổ đẹp đẽ. Thậm chí, chụp lại ảnh những seri sách viết về cùng chủ đề mà con đã đọc trong thời gian qua. Những việc làm này thể hiện sự trân trọng thành quả của con, con như được khích lệ đối với việc tích cực mở rộng kiến thức cho bản thân mình.

Tôi tin rằng, cứ đọc đi, đọc đủ lượng, ngấm dần, rồi con sẽ viết tốt, viết hay. Đó là điều dễ thấy, không văn mẫu nào có thể làm thay!

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Minh, Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, Sáng lập Dự án phát triển văn hóa đọc "Sách ơi mở ra": Đọc sách là con đường hiệu quả để hoàn thiện bản thân

- Thưa Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Minh, không chỉ là người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, chị còn là người dành nhiều thời gian, công sức cho những dự án đọc sách dành cho thiếu nhi. Từ kinh nghiệm giảng dạy cùng những quan sát thực tế, theo chị, vai trò của sách trong cuộc sống hiện đại ngày nay thế nào?

+ Nhiều người cho rằng, khi công nghệ phát triển thì việc đọc sách đã trở nên lỗi thời, tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, việc đọc sách có nhiều điểm ưu việt hơn rất nhiều so với việc có được thông tin từ các thiết bị công nghệ.

Trong khi nếu sử dụng các thiết bị công nghệ, não bộ của ta luôn trượt từ thông tin này tới thông tin khác mỗi khi click vào một đường link. Bằng cách tập trung tối đa vào việc đọc, đọc để suy ngẫm, tưởng tượng và đồng cảm chứ không đơn thuần chỉ là nắm bắt thông tin, đọc sách mang lại cho chúng ta những trải nghiệm đặc biệt sâu sắc và giúp chúng ta có thể sống chậm lại để nhìn sâu hơn vào chính mình.

Vì thế, điều tôi muốn nói ở đây là sách vẫn có một vai trò không thể thay thế được. Điều này đã được lí giải một cách hết sức thú vị trong một cuốn sách có tên là "Đừng mơ từ bỏ sách giấy" của Umberto Eco, một nhà tư tưởng đồng thời là một nhà sưu tập sách người Italia.

Đối với trẻ con, việc đọc lại càng quan trọng. Bởi việc đọc, về bản chất là một quá trình phức tạp, đòi hỏi đứa trẻ phải huy động rất nhiều khu vực khác nhau trong não bộ để xử lí thông tin. Việc đọc giúp làm giàu kiến thức, gia tăng vốn từ vựng, phát triển tư duy, năng lực tưởng tượng và sáng tạo, khả năng đồng cảm. Sách còn kích thích và thỏa mãn trí tò mò, sự ham hiểu biết của trẻ, tạo động lực cho việc học. Những cuốn sách hấp dẫn thậm chí còn có thể đánh thức những tiềm năng bên trong mỗi đứa trẻ. Vì thế, tôi cho rằng, đọc sách là một con đường rất đơn giản, hiệu quả để tự hoàn thiện bản thân.

- Có ý kiến cho rằng, trẻ em ngày càng ngại đọc sách. Với những dự án đọc sách mà chị sáng lập hoặc tham gia tổ chức, chị có thường xuyên bắt gặp tâm lý đó không?

+ Thực sự, qua quá trình làm việc với hàng trăm trẻ em và phụ huynh, tôi lại phát hiện ra một điều rất bất ngờ. Xét về đại thể thì rõ ràng là phần lớn trẻ em ngày nay ngại đọc sách, chúng thường thích xem tivi và chơi game hơn, và dường như cũng không có nhiều thời gian dành cho việc đọc. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, vì rõ ràng là đọc sách vất vả hơn nhiều so với việc tiếp thu thông tin từ các kênh khác.

Tuy nhiên, với những em đã có hứng thú và thói quen đọc sách thì các em lại đọc được rất nhiều, và vô cùng hiểu biết, có vốn từ vựng phong phú, dồi dào. Như vậy là, rõ ràng có một tâm lí ngại đọc sách và khi vượt qua tâm lí này thì trẻ em ngày nay có một cơ hội và một môi trường vô cùng thuận lợi để có thể tự học bằng con đường đọc sách.

- Tôi cho rằng, hầu hết các bậc phụ huynh rất muốn con mình đọc sách. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách khuyến khích trẻ đọc sách?

+ Trong những năm gần đây, tôi nhận thấy nhiều phụ huynh đã rất quan tâm đến việc khuyến khích con đọc sách. Tuy nhiên, không ít các ông bố bà mẹ đã biến việc đọc thành một bài tập bắt buộc, và gây áp lực cho con cái, dẫn đến phản ứng chống đối của đứa trẻ.

Nhiều phụ huynh không tiếc tiền mua sách cho con, song lại chưa chú ý đúng mức tới việc chọn sách cho trẻ. Cũng như tạo cho con một không gian đọc, hay giúp con sắp xếp thời gian đọc, khiến việc đọc khó có thể trở thành một thói quen. Nhiều phụ huynh lại tỏ ra lúng túng trong việc làm thế nào để có thể đọc sách cùng con...

Tôi nghĩ, các ông bố bà mẹ tâm huyết với việc đọc sách của con có thể bắt đầu từ những điều rất nhỏ: Tạo cho con một góc đọc xinh xắn và thú vị trong nhà, dành cho con một khoảng thời gian nhất định trong ngày, trong tuần dành riêng cho việc đọc, cùng trao đổi với con về những cuốn sách mà con đang đọc, cho con tham gia các câu lạc bộ đọc sách hoặc các sự kiện cộng đồng về đọc sách.

Với những gia đình có con chưa biết đọc, thì việc đọc sách cùng con vào một giờ nhất định trong ngày, với những hoạt động tương tác như đặt câu hỏi, vẽ tranh, đóng kịch… trong và sau khi đọc sách rất hữu ích. Mỗi cuốn sách cần có một cách đọc khác nhau, điều này đòi hỏi bố mẹ phải thật sự kiên trì, tâm huyết. Và điều đặc biệt quan trọng là nếu nhìn thấy bố mẹ chúng thường xuyên đọc sách, nhiều khả năng đứa trẻ cũng sẽ có hứng thú và thói quen đọc sách.

-  Theo chị, các nhà xuất bản hiện nay đã có những cải tiến để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của độc giả hiện đại chưa?

+ Nếu được quay trở lại làm một đứa trẻ thì tôi nghĩ mình sẽ vô cùng hạnh phúc khi được tiếp xúc với vô vàn những cuốn sách hay, thú vị và đẹp mắt. Nếu quan sát thị trường xuất bản, bạn có thể thấy trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều nhà sách đã thật sự đầu tư cho dòng sách thiếu nhi để mang lại cho bạn đọc những cuốn sách vô cùng hấp dẫn và hữu ích, thuộc nhiều các thể loại khác nhau.

Thị trường sách dịch cũng bùng nổ trong những năm gần đây, nhiều cuốn sách hay mới xuất bản trên thế giới cũng được xuất bản ở Việt Nam. Có thể nói, hoạt động này đã dần giúp xóa bỏ khoảng cách văn hóa giữa Việt Nam và thế giới, cho phép các em nhỏ sớm tiếp xúc được với những nền văn hóa khác nhau.

- Xin cảm ơn chị!

Thảo Duyên - Tuấn Phong (thực hiện)
.
.