Vui buồn nghề biên tập

Thứ Bảy, 30/11/2019, 07:51
Biên tập ở đây là tôi muốn nói tới biên tập văn học, một thứ nghề lặng thầm, gần như vô danh trong guồng máy xuất bản, in ấn nhưng lại vô cùng quan trọng trong quá trình tạo sinh các tác phẩm văn học, sách, báo chí.


Ai cũng biết rằng biên tập viên là bà đỡ cho các tác phẩm văn học, là người canh gác, theo dõi quá trình một tác phẩm văn học ra đời nhưng trong guồng máy của in ấn xuất bản Việt, những người biên tập gần như bị lãng quên ngoài một dòng ngắn ngủi ở trang cuối sách.

Tôi đã làm biên tập ở tạp chí Văn nghệ Quân đội gần mười năm, biên tập cả văn học Việt và văn học nước ngoài. Một lần tôi đã phát biểu rằng, vai trò của của người biên tập rất quan trọng. Anh ta là người đầu tiên tiếp xúc với bản thảo, xử lí nó, làm cho nó hoàn thiện và hay hơn.

Biên tập văn học là một nghề đầy lặng thầm.

Người biên tập giỏi có thể “biến” một tác phẩm yếu thành một tác phẩm trung bình, một tác phẩm trung bình thành một tác phẩm khá và một tác phẩm khá thành một tác phẩm hay. Một biên tập viên có tâm, có nghề là người luôn đau đáu với bản thảo mình nhận được, vui buồn cùng nó, song hành cùng với tác giả như đứa con tinh thần có một phần đóng góp của mình vào đó.

Rất nhiều nhà văn trên thế giới công nhận và biết ơn các biên tập viên đã làm bà đỡ cho đứa con tinh thần của mình. Nhà văn Toni Morrison người Mỹ, chủ nhân của giải Nobel văn học năm 1993 đã cho rằng, biên tập viên đóng một vài trò  quan trọng trong những tác phẩm của bà.

Nhà thơ nổi tiếng người Anh, Ted Huges cũng cảm thấy rất may mắn khi được bậc thầy là nhà thơ T.S Eliot biên tập cho tập thơ đầu tay của mình. Tác giả gặp được một người biên tập có tâm, có tầm là một điều may mắn trong đời. Tôi biết trong các giải thưởng văn chương quốc tế, đôi khi có những hạng mục dành riêng cho những người biên tập.

Những nhà văn chuyên nghiệp trên thế giới thường rất gắn bó với những biên tập viên giỏi và có trách nhiệm và nhiều người gần như suốt sự nghiệp sáng tác của mình chỉ trao tác phẩm cho vài biên tập viên được sự tin cậy. Với rất nhiều cuốn sách, ta dễ dàng tìm thấy những lời cảm ơn của tác giả dành cho biên tập viên, đó là những góp ý, đánh giá để cho bản thảo hoàn thiện và có chất lượng hơn, và một lần nữa chúng ta lại rất ít thấy những dòng này ở những quyển sách của các tác giả Việt.

Ở trên tôi đã nói một biên tập viên giỏi có thể giúp cho tác phẩm hay hơn. Nhưng đó mới là quá trình vật lí thông thường, biên tập viên khi đó là người tác động trực tiếp vào bản thảo: sửa chữa những chỗ sai, cắt bỏ chỗ lặp, làm cho sự diễn đạt trong sáng và lô gich hơn. Những thao tác đó trong nghề còn có thể liệt kê nhiều việc tỉ mỉ: chấm lại câu, đảo thành phần, chia đoạn hoặc thậm chí viết thêm những từ, những câu để cho tác phẩm trơn tru, chặt chẽ. Công đoạn này thường xảy ra ở những biên tập viên phải làm việc với các tác giả mới, họ phải thao tác các kĩ năng vật lí rất nhiều trên văn bản. Bản thân tôi khi biên tập các tác phẩm của các tác giả mới, bất kể là trẻ hay già, thường phải làm một khối lượng công việc cơ học khá nhiều, chủ yếu là cắt bỏ.

Sẽ có một câu hỏi đặt ra, là sao biên tập viên không trao đổi những việc ấy với tác giả để họ tự làm. Nói thì đơn giản như vậy nhưng thực tế thì khác biệt khá nhiều. Sự tự sửa chữa, hoàn thiện của các tác giả không phải bao giờ cũng dễ dàng, có người không thể thực hiện được những thao tác ấy, nhất là những người mới viết, họ thiếu một kinh nghiệm thực tế hoặc kiến thức nhất định nào đấy.

Điều này có vẻ mâu thuẫn nhưng chúng ta nên nhớ rằng, đa số tác giả là nghiệp dư, đòi hỏi sự chuyên nghiệp ngay từ đầu là rất khó nếu không có một uốn nắn nào đấy, hoặc có những thao tác “mẫu” của người biên tập để tác giả có những kinh nghiệm cho những lần tiếp theo. Lại nữa, đôi khi các biên tập viên giống như người “bảo trợ” cho tác phẩm, anh ta cần có những tác động trực tiếp vào nó để đạt được những yêu cầu nhất định của nhà xuất bản hoặc toà soạn.

Làm nghề biên tập, chúng tôi thường nói đùa rằng, chúng tôi là những “bác sĩ”, chuyên chữa trị, “khâu vá” cho những tác phẩm chưa thật hoàn hảo để nó có thể có một hình hài chấp nhận được hoặc đạt được những tiêu chí thẩm mĩ và nghệ thuật nhất định. Chắc chắn sẽ có một câu hỏi được đặt ra, nếu tác phẩm không đạt đến một tiêu chuẩn nhất định thì các anh có quyền vất nó đi mà.

Thực tế không phải hoàn toàn là như vậy, nếu tác phẩm non kém toàn diện, không thể “cứu chữa” được hoặc tác giả không có một triển vọng nào chúng tôi sẵn sàng bỏ qua, nhưng có nhiều tác phẩm, sự non yếu chỉ ở một điểm nào đấy, chủ yếu là thiếu kinh nghiệm, những chỗ ấy rất cần người biên tập và vì thế nghề biên tập tồn tại vì lí do đó.

Biên tập sách, báo chí là nghề lặng thầm.

Về mặt cơ bản, người biên tập ít nhất phải có tầm ngang với tác giả hoặc vượt trên thì càng tốt. Tầm ở đây là sự nhận thức hiểu văn bản và các vấn đề liên quan vì chỉ có như thế anh ta mới có thể hiểu, cảm nhận được cái hay đẹp hoặc khiếm khuyết của bản thảo. Nếu biên tập viên quá “non” so với tác phẩm, anh ta sẽ bị ngợp và khó chạm vào. Nhưng mặt khác biên tập viên có những lợi thế mà tác giả không có được, đó là sự bình tĩnh và lí trí hơn tác giả.

Biên tập viên không phải là tác giả nên anh ta không bị cảm xúc phi phối, do đó sẽ nhìn nhận tác phẩm một cách công bằng và khách quan hơn. Tác giả, trong quá trình viết, đặc biệt là với tác phẩm văn học, rất dễ bị cảm xúc chi phối, đôi khi bị cuốn đi và không nhận ra những hạn chế, khiếm khuyết của mình. Biên tập viên sẽ là người nhìn nhận giá trị tổng thể của tác phẩm một cách toàn diện và đưa ra những giải pháp, nếu cần.

Tôi đã nói ở trên, biên tập viên có thể thao tác trực tiếp trên văn bản để tác phẩm hoàn thiện hơn nhưng đó mới là một cấp độ ban đầu. Ở cấp độ cao hơn, các biên tập viên giàu kinh nghiệm và có tầm, họ có thể đưa ra các “gợi ý” cho tác phẩm, định hướng nó nên đi theo con đường nào hoặc gặp vấn đề hóc búa nên xử lí ra sao. Những người ngoài nghề nghe chuyện này đôi khi cảm thấy lạ kì nhưng sự thực là vậy.

Ví dụ, có những tác phẩm mà tác giả không biết kết thúc ở chỗ nào hoặc kết thúc sao cho hợp lí, hoặc một mối tình tay ba, nên giải quyết mâu thuẫn theo hướng nào hoặc một con bệnh nặng, lúc nào cho nhân vật ấy “chết” là thoả đáng… Biên tập viên có thể đưa ra những lời “tham khảo” hoặc trao đổi trực tiếp với tác giả để tìm được những phương án hay.

Để làm được những điều kể trên, biên tập viên thường phải là những người có tầm ngang bằng, cao hơn hoặc làm cùng nghề. Một ví dụ rất dễ thấy là trước đây, biên tập viên văn học ở các nhà xuất bản chuyên văn học, các trang văn nghệ các báo thường là các nhà văn. Họ làm cùng nghề, hiểu nghề và có kinh nghiệm nên dễ góp ý sửa chữa giúp đồng nghiệp. Rất nhiều các nhà văn xuất thân từ việc làm biên tập, chính Toni Morrison từng là biên tập viên trước khi trở thành nhà văn, T.S Eliot là nhà thơ và cũng là biên tập viên.

Ở Việt Nam cũng có nhiều trường hợp tương tự. Nguyễn Đình Thi, Hữu Thỉnh, Ma Văn Kháng, Xuân Quỳnh, Lê Minh Khuê… đều là nhà văn và đồng thời cũng là biên tập viên. Hiện tại tất cả các biên tập viên văn học ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội đều là các nhà văn, các tờ báo khác như Văn nghệ, Văn nghệ Công an những người biên tập trang văn học cũng đều là các nhà văn.

Nghề biên tập có lắm chuyện vui buồn, khó nhất có lẽ là việc từ chối bản thảo. Việc từ chối những yêu sách về tiền bạc, thời gian đôi khi đã khó, từ chối một sản phẩm tinh thần của những người yêu văn chương còn khó hơn. Nghệ thuật có một nhược điểm là luôn hướng đến sự toàn mĩ và hoàn hảo, nó không cần những thứ trung bình và tầm thường.

Nhưng một nghịch lí là hầu như không ai thấy tác phẩm của mình trung bình hoặc tầm thường, người ta luôn kì vọng vào nó, thường là hơn mức cần thiết. Vì thế sự từ chối đôi khi bắt buộc phải xảy ra nhưng diễn giải sự từ chối ấy thế nào cho nhẹ nhàng gần như là một trong những thách thức lớn của các biên tập viên. Và đã từng có nhiều chuyện bi hài, đôi khi là bi kịch từ những việc như thế.

Chính Milan Kundera đã cho tôi một bài học cay đắng về nghề biên tập từ một truyện ngắn của ông trong tập “Những mối tình nực cười”. Một biên tập viên ở một tạp chí từ chối đăng một bài chỉ vì chất lượng nó quá yếu. Nhưng anh ta đã không dám nói thẳng lí do vì sợ mếch lòng tác giả. Anh ta nói dối để tác giả khỏi “quấy ”nhưng chính điều đó đã làm hại anh ta. Từ lời nói dối này nảy sinh lời nói dối khác và cuối cùng biên tập viên đó kết thúc trong một tấn bi kịch mà khởi đầu chỉ là một lời từ chối không xác đáng. Một thái độ rất cần có trong biên tập là sự thẳng thắn và khách quan nếu không muốn rơi vào những hệ luỵ khó lường.

Nghề biên tập dẫu có thầm lặng nhưng cũng không ít niềm vui vì người làm nghề hiểu rằng mỗi bông hoa khi nở tung cánh dưới mặt trời thì ít nhiều nó đã được vun xới, bắt sâu, tưới nước làm cho vẻ đẹp của hoa thêm rạng ngời, rực rỡ.

Vui buồn nghề biên tập
.
.