Nghề biên tập và chuyện "làm dâu trăm họ"

Thứ Năm, 18/02/2010, 10:15
Với sự nhiệt tình và hồn nhiên, nhiều tác giả khi gửi bài qua e-mail cho biên tập viên thường cứ nghĩ rằng, hẳn là biên tập viên đang ngồi trực ở đầu kia máy tính. 24 giờ trên 24 giờ là như vậy. Thực ra, có đến mới biết, việc biên tập chỉ là một phần trong một tòa báo vốn rất lắm thứ việc phải làm...

LTS: Khi số báo này tới tay bạn đọc thì cũng là lúc Báo CAND tổ chức Hội nghị cộng tác viên nhằm tri ân những người đã trực tiếp và gián tiếp ủng hộ, giúp đỡ tòa soạn trong các mặt công tác năm vừa qua. Năm 2009 cũng là năm tiếp tục ghi dấu sự ổn định của chuyên đề Văn nghệ Công an về số lượng bản in, dù rằng xu hướng chung của báo giấy đang gặp nhiều khó khăn. Nhân dịp này, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn tới đông đảo bạn đọc, các cộng tác viên xa gần - những người đã góp phần không nhỏ vào việc duy trì sự ổn định và phát triển của Chuyên đề Văn nghệ Công an hôm nay, đồng thời cũng có một đôi tâm sự, giãi bày từ góc độ của người biên tập, cốt để các đồng nghiệp, những cộng tác viên cả "thân" lẫn "sơ", ai chưa hiểu thì thêm hiểu và cảm thông, ai đã hiểu rồi thì hiểu thêm và cảm thông hơn nữa... với những nỗi nhọc nhằn và khó nói (đặc biệt là những áp lực về tâm lý) của cái nghề thực sự là "làm dâu trăm họ" này.

Dân gian ta có câu "gừng càng già càng cay", đối với các cộng tác viên của  mảng báo chí văn nghệ, nhiều khi sự tích lũy kiến thức, hành trang kinh nghiệm cả đời đã khiến họ có được những bài chân dung văn học sâu sắc, những ý kiến phản biện thấu lý thấu tình, mà điều này nhiều cây bút trẻ không dễ có được. Bởi vậy, việc sử dụng các cộng tác viên có bề dày tuổi tác là một yếu tố không thể xem nhẹ. Song cũng có một thực tế là, với đa phần các cộng tác viên thuộc thành phần kể trên, một trong những điều mà họ thường khiến các cơ quan báo chí lúng túng khi đặt lời mời cộng tác là cách làm việc hoàn toàn ngẫu hứng. Thích thì viết chứ ít chịu khuôn mình mà viết theo "đơn đặt hàng".

Hoặc giả, nếu có viết thì cũng không thật sát nội dung yêu cầu hoặc thời gian có bài thường chậm hơn so với thỏa thuận. Mà như vậy thì thật khó cho anh em biên tập. Bài các tác giả tự gửi đến thoái thác còn… không dễ, huống hồ lại là bài… đặt. Điều này lý giải tại sao nhiều tòa báo, ngoài việc trông vào nguồn bài vở "tự cung tự cấp" (do anh em trong tòa soạn viết), thì nguồn còn lại đành trông chờ vào các bài "trôi nổi" (tức bài cộng tác viên gửi tự do theo đường bưu điện hoặc qua e-mail), mà, những bài này có thể các tác giả gửi cùng lúc nhiều nơi, và độ xác thực của nội dung đến đâu, không phải anh em biên tập viên nào cũng có thời gian và điều kiện để xác minh. Bởi vậy mà đã có những sơ xuất xảy ra và người "chịu trận" trước nhất khi ấy đâu đã phải là tác giả bài viết?

Nói vậy để các tác giả hiểu hơn cho cái khó của người biên tập.

Như trên đã nói, một trong những cái "khó" của người biên tập là việc từ chối dùng bài của một tác giả nào đó. Dẫu "rắn mặt", "cứng vía" thì cũng vẫn có lúc ngại ngần lắm chứ! Mà, đã là người viết, ai cũng có nhu cầu chính đáng muốn hỏi xem đứa con tinh thần của mình số phận ra sao, có được tòa báo tiếp nhận không? Và nếu in thì in ra lúc nào, ở số báo nào? Nếu không in thì lý do vì sao? Nếu chưa đạt thì cần sửa ở đâu? Có rất nhiều câu hỏi nhưng câu trả lời cơ bản vẫn chỉ là: Bài hay hay không hay; in được hay không in được.

Các cụ ta có câu "văn mình vợ người". Nghĩa là nhận xét về văn của người phải hết sức lựa lời, nếu không rất dễ gây thù hận. Thật ra, nhiều biên tập viên cũng quá trải đời để hiểu rằng, cách "khéo" nhất để thoái thác việc dùng bài là nói nó "chưa phù hợp". Một số thì tìm cách đẩy cho… cấp trên với lý do "Sếp không thông qua". Có thể nói, cả hai cách này đều không bền, chưa nói ở cách thứ hai nó còn thể hiện một sự thiếu trung thực rất đáng phê phán.

Tôi thì tôi luôn tâm niệm, làm báo là phải đặt ra những cái chuẩn để từ đó ta có hướng thực hiện. Việc một bài không đăng được đương nhiên nó phải có lý do. Lý do ấy thế nào, tốt nhất ta cứ trình bày một cách chân thành, lịch sự với các tác giả. Họ là những người thông minh và điềm đạm, ắt họ sẽ hiểu và thông cảm. Còn nhược bằng họ không hiểu, hoặc không thông cảm, thì cũng đành chịu, bởi mọi sự không thật, dù khéo léo thế nào rồi cũng như cái kim trong bọc, lâu ngày nó cũng lòi ra.

Nói tới đây là tôi lại nhớ tới một vài câu chuyện tuy không được vui, song kiểm điểm lại, tôi thấy không có gì phải ân hận:

Một lần, một tác giả (qua giới thiệu tôi được biết đã ở tuổi ngoài sáu mươi) không biết qua ai có số điện thoại di động của tôi và ông đã gọi cho tôi, ngợi khen tờ báo mà ông cho rằng ông ngày càng thích đọc. Rồi ông cho biết ông đã gửi cho tôi qua đường bưu điện bài chân dung về một văn nghệ sĩ đất Hà thành. Ông hỏi tôi đã đọc chưa? May mà tôi đã kịp đọc bài viết này và trả lời đại ý là bài về đề tài ấy, nhân vật ấy tòa báo của cháu vừa có bài in, có gì bác gửi thêm cho vài bài khác để biên tập dễ chọn lựa.

Chỉ vài ngày sau, tác giả nọ gửi cho tôi (vẫn qua đường bưu điện) một chùm bài mà nội dung như thể ông đã viết từ lâu rồi, và cách dẫn chuyện thì nói thực là chỉ rặt liệt kê chức danh, thành tích, như thể một bài… cáo phó. Thoạt đầu, tôi cũng ngại, không dám nói thẳng nhận xét này, song vì tác giả cứ gặng hỏi với một tinh thần khá cầu thị, tôi đã buộc phải nói thực nhận xét của mình. Nghe xong, tác giả bài viết cười giòn dã: "Giỏi! Giỏi lắm! Tôi rất thích sự thẳng thắn ấy của anh". Rồi ông bất ngờ đổi giọng, qua điện thoại mà vẫn nghe sang sảng: "Nhưng anh đã nói thẳng thì tôi cũng xin nói thật. Bài viết này tôi lấy từ bài điếu văn tôi viết cho ông nhà văn X, vốn là người cùng xóm với tôi. Nếu anh đồng ý in thì nói thẳng là mỗi sáng tôi có thêm bát phở, bồi bổ tuổi già. Còn không đăng thì đành đi tập thể dục, xơi ôxy ngoài trời".  

Lại một chuyện khác. Lần ấy, sau khi nghe tôi thông báo truyện ngắn nọ không dùng được, một tác giả hiện sống và viết tại Hà Nội đã gửi tiếp cho tôi một phong thư, bên trong ông gài một truyện ngắn mini dày hai trang khổ A4 kèm một con tem mệnh giá 800 đồng cùng vài dòng thư ngắn. Nội dung lá thư chỉ đơn giản là, nếu truyện ngắn đó không dùng được thì ông đề nghị tôi cho cái truyện ngắn vào một chiếc phong bì, lấy con tem ông gửi kèm đó dán vào và ra bưu điện gửi trả bản thảo cho ông.

Tôi đọc dòng chữ trên mà buồn thũng người. Không phải tự nhiên mà từ lâu rồi, tất cả các tòa báo đều có quy định "bài không đăng không trả lại bản thảo". Bởi thực tế, ai cũng gửi bài rồi yêu cầu trả lại bản thảo thì thật phiền phức cho biên tập viên, bởi bài vở tồn đọng mỗi ngày dày tới cả gang tay, người đâu phục vụ cho xuể. Vả chăng, như tôi nghĩ, nếu muốn giữ bản thảo thì các tác giả thiếu gì cách. Chẳng hạn, như trường hợp trên, truyện có hai trang, tác giả đem ra phôtô, quá lắm hết 400 đồng. Việc gì phải gài thêm trong đó con tem 800 đồng. Vừa lãng phí tiền bạc của mình, vừa lãng phí thời giờ của anh em…

Có làm việc trực tiếp với các cộng tác viên là nhà văn mới thấy họ thật hồn nhiên, mặc dù không phải sự hồn nhiên ấy không có lúc gây "ức chế" cho người biên tập. Như có tối, tôi gọi điện cho một tác giả, nhắc anh sửa lại bài viết của mình. Phóng sự gì mà chỉ thấy tác giả kể lại buổi gặp gỡ với lãnh đạo đơn vị, rồi thì liệt kê toàn lời nhận xét về đơn vị mình của vị lãnh đạo. Anh nghe ra ngay, nhưng lại yêu cầu: "Các cậu cứ in trước một kỳ như thế đi. Kỳ sau tớ sẽ viết tiếp phần gặp gỡ, hỏi chuyện những người làm việc trực tiếp ở dưới cơ sở". Tôi nói là báo in ra nửa tháng một số, độc giả nào chịu chờ nửa tháng sau để đọc tiếp, tốt nhất anh bổ sung luôn để in trong một kỳ. Anh hỏi, bao giờ là hạn cuối cùng. Ngày kia được không?. Tôi "Okê".

Đêm ấy, khi tôi đang cùng gia đình chìm sâu trong giấc ngủ thì chợt tiếng chuông điện thoại bàn vang lên khẩn thiết. Tim đập thình thịch, tôi bật đèn, bấy giờ đã gần hai giờ sáng. Thôi chết, chắc trong bố mẹ, anh em, họ hàng nội ngoại có chuyện gì rồi (thì ai vào tình thế như tôi chắc cũng sẽ có phản xạ như vậy). Tôi choàng dậy, cầm ống nghe. Từ đầu dây bên kia có tiếng khào khào, mệt mỏi: "Tao đã sửa xong, vừa mail rồi đấy. Thôi thì thức làm cho xong mẹ nó đi, mai còn việc khác. Nhận được bài, báo lại cho anh nhé". Có lẽ, anh say việc nên cũng nghĩ rằng cả thế gian đang thức cùng anh. Với tôi, đây quả là một kỷ niệm đáng nhớ. Song nói thực là cũng không hề mong nó thường xuyên… tái diễn.

Như trên đã nói, với sự nhiệt tình và hồn nhiên, nhiều tác giả khi gửi bài qua e-mail cho biên tập viên thường cứ nghĩ rằng, hẳn là biên tập viên đang ngồi trực ở đầu kia máy tính. 24 giờ trên 24 giờ là như vậy. Thực ra, có đến mới biết, việc biên tập chỉ là một phần trong một tòa báo vốn rất lắm thứ việc phải làm. Thành thử, những câu hỏi tôi thường xuyên nhận được qua tin nhắn vẫn là: "Tôi vừa gửi bài, anh đọc thấy thế nào, có dùng được không?", hoặc "Bài tôi vừa gửi. Tôi đang ở bưu điện. Nếu anh chưa nhận được thì báo lại ngay để tôi gửi lại nhé". Người nhắn tin đâu biết rằng, rất có thể lúc ấy nhà biên tập đang phi xe trên đường, hoặc ở một nơi không có máy tính, không có Internet…

Kể tới đây, bất chợt tôi lại nhớ tới một lần tôi suýt bị cảnh sát giao thông phạt vì phạm lỗi "cấm rẽ…" do vừa điều khiển xe vừa phải trả lời một cộng tác viên. Anh này, chắc không phải vì ngại tốn tiền, mà vì sự say sưa với bài viết, đã gọi điện cho tôi, nói như bắn súng liên thanh, nhắc tôi chữa lại cho anh một đoạn trong bài viết đã lên khuôn của anh. Tôi nghe mà ù cả tai. Đã thế, đường chật, lại đèn đỏ đèn xanh, các xe đi sau cứ giục ồi ồi. Tôi phải nói với anh rằng, có thế nào thì anh để em về cơ quan, em lấy bài của bác ra. Bấy giờ bác muốn chữa thế nào, bác nói với em nó ở dòng bao nhiêu, chữ bao nhiêu từ phải sang hay từ trên xuống. Có vậy em mới biết. Chứ đường sá xe cộ đông nghẹt thế này, nghe bập bõm câu được câu chăng, lại không có giấy có bút, biết sửa ra sao?

Thế đấy, các cộng tác viên của mảng văn nghệ chúng tôi vẫn hồn nhiên thế đấy. Chỉ mong sao các vị hiểu thêm cho một chút công việc làm báo để sự phối hợp đôi bên được thuận lợi, hanh thông hơn…

VNCA Tết Canh Dần 2010
.
.