Người không chơi bập bênh với văn học thiếu nhi

Thứ Sáu, 31/08/2012, 08:00
Đã từng sống và làm việc ở Đức trong một thời gian khá dài và là người tích cực tham gia các hoạt động văn hóa của Viện Goethe ở Hà Nội, Tạ Quang Hiệp rất quan tâm đến các tác phẩm văn học của Đức. Nhưng phải đến năm 2007, cái duyên với việc dịch sách văn học dành cho thiếu nhi mới đến với anh...

Trong một lần dạo quanh các giá sách ở Viện Goethe, anh tình cờ phát hiện thấy cuốn "Krabat và cối xay phù thủy" của nhà văn Otfried Preussler, một tác phẩm văn học kinh điển của Đức từng đoạt nhiều giải thưởng văn học quan trọng và đã được đưa vào chương trình giảng dạy văn học trong nhà trường ở Đức. Nhìn cuốn sách cũ kỹ, giấy đã ngả vàng như bị bỏ quên, anh bỗng thấy tiếc. Anh tự hỏi không biết ở Việt Nam có mấy em nhỏ đã từng được đọc tác phẩm tuyệt vời này. Trong anh bỗng nảy ra mong muốn dịch cuốn sách ra tiếng Việt như một cách mang đến cho các độc giả nhỏ tuổi của Việt Nam một món quà tinh thần. Vậy là anh bắt tay vào thực hiện mong muốn đó. Vốn tiếng Đức vững chắc, sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa và văn học Đức, cùng khả năng sử dụng tiếng Việt nhuần nhuyễn có chọn lọc đã giúp anh dịch tốt tác phẩm nói trên. Cuốn sách được nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành và được nhiều bạn đọc nhỏ tuổi yêu thích. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, sách đã được tái bản. Sự thành công này đã thúc đẩy Tạ Quang Hiệp dấn thân vào con đường dịch văn học dành cho thiếu nhi. Các cuốn "Tên cướp mũi to", "Con dao đá và vành vương miện", "Rico", "Oska và những bóng đen bí ẩn" lần lượt ra đời. Cho đến nay Tạ Quang Hiệp đã có 8 tác phẩm dịch được xuất bản. Hiện anh còn cả chục bản dịch văn học kinh điển chưa công bố.

Phải thấy Tạ Quang Hiệp tại một buổi giới thiệu sách mới hiểu tại sao anh lại say mê với việc dịch sách văn học cho thiếu nhi. Nhìn những độc giả nhí vây lấy anh vòng trong vòng ngoài, chờ xin chữ ký của dịch giả người ta có thể hiểu được niềm vui trong việc cặm cụi chuyển ngữ những tác phẩm văn học kinh điển dành cho thiếu nhi của anh. Tại các buổi giao lưu với độc giả, không chỉ các em nhỏ mà nhiều phụ huynh cũng hào hứng nói về các cuốn sách Tạ Quang Hiệp dịch.

Trên thị trường sách ở nước ta hiện nay sách văn học kinh điển đang bị lép vế trước dòng sách thị trường. Đó là một thực trạng đáng suy nghĩ đối với những người hoạt động văn hóa và văn học. Trong một buổi tọa đàm về văn học dành cho thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cách đây không lâu, Tạ Quang Hiệp đã có một bài phát biểu rất thẳng thắn về thực trạng đáng buồn này. Anh chỉ rõ các quầy sách hiện nay đầy rẫy những cuốn sách tình cảm dành cho tuổi mới lớn có nội dụng nhạt nhẽo, hời hợt, thiếu giá trị nhân văn được dán nhãn sách văn học, song thực chất những cuốn sách đó không đáng được gọi là sách văn học. Theo anh các nhà văn viết cho các độc giả chưa đến tuổi trưởng thành và các dịch giả dịch sách cho lứa tuổi này không nên chiều theo thị hiếu của các em mà phải định hướng và dẫn dắt các em, phải viết và dịch những tác phẩm thực sự có tính giáo dục và có tác dụng nuôi dưỡng tinh thần cho các em. Khi hầu hết các nhà xuất bản đều cắt giảm các dự án sách ngoại văn đã có người gợi ý anh nên chuyển sang dịch những cuốn sách thị trường dành cho tuổi mới lớn. Anh không tán thành. Anh bảo nếu tình hình khó khăn quá thì anh sẽ nghỉ dịch một thời gian. "Làm sách thị trường thì dịch xong mình còn cái gì?"-  Anh nói.

Hàng ngày Tạ Quang Hiệp bận rộn với việc phiên dịch cho các đoàn khách nói tiếng Đức đến tham quan và làm việc tại Việt Nam và cho các sự kiện văn hóa có sử dụng tiếng Đức, nhưng anh luôn dành một khoảng thời gian nhất định cho việc dịch sách thiếu nhi. Anh tranh thủ dịch ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào có thể: Anh dịch sách trên xe ô tô, trong khách sạn, trong giờ nghỉ trưa, dịch vào lúc nửa đêm. Gặp cuốn nào hay là anh dịch. Có khi dịch được vài chục trang của một cuốn đọc lại bản dịch nhận thấy văn phong của mình không hợp để chuyển ngữ tác phẩm anh dừng lại. Được hỏi về "số phận" của những bản dịch mà anh chưa công bố, anh cười: "Những tác phẩm văn chương thực sự có giá trị không bao giờ bị lãng quên"

Nguyễn Bích Lan
.
.