Văn học nghệ thuật cần xây dựng động lực mới cho con người thời đại

Thứ Ba, 23/05/2017, 08:39
Hành trình nhận thức và giác ngộ của nhân loại đã đi từ chỗ coi văn hóa nghệ thuật chỉ là thứ con hát mua vui, “xướng ca vô loài” đến chỗ nhận ra văn hóa nghệ thuật cũng là một thứ “quyền lực mềm” có vai trò quan trọng trong qúa trình tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân. Đây là một quá trình nhận thức của nhân loại về quyền lực mềm của tri thức, văn hóa và văn nghệ trong mối tương liên với phát triển của các quốc gia.


Thời chiến tranh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã cấp cho văn hóa văn nghệ quyền lực của chính trị khi đòi hỏi văn hóa nghệ thuật phải là vũ khí cách mạng “Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”. Văn học nghệ thuật cách mạng đã có nhiều đóng góp quan trọng tạo nên khí thế văn hóa đi vào cuộc chiến tranh như đi vào ngày hội, phản ánh những giá trị nhân văn sâu sắc và đa dạng của văn hóa cộng đồng, văn hóa gia đình trong cuộc chiến tranh nhân dân.

Văn học nghệ thuật sau năm 1975 lại nỗ lực chia sẻ những nỗi đau và những khát vọng vượt lên mọi bất công, ngang trái và tội lỗi của các phận người trong xã hội thời đổi mới và hội nhập. Nhưng cho đến hôm nay, khi văn học nghệ thuật có thêm cơ hội và quyền năng để sáng tạo theo nhiều cách khác nhau, văn nghệ sỹ nói chung và xã hội nói riêng vẫn chưa nhận thức đầy đủ vai trò và tác động của văn hóa nghệ thuật đối với sự tăng trưởng với tư cách là một quyền lực mềm có khả năng xây dựng nhân cách con người với những giá trị thiêng liêng riêng chi phối những động cơ hành động riêng của mỗi cá nhân cho một tương lai phồn vinh hạnh phúc của toàn dân tộc.

Sự thất bại của những thần dược tăng trưởng truyền thống

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, vấn đề chất lượng sống của các nước trong thế giới thứ ba gắn liền cùng một lúc với cả vấn đề kinh tế và văn hóa. Người dân thế giới thứ ba bị ném vào kinh tế thị trường ngơ ngác thấy mình bị mất đi những bè bạn chân tình khi phải mang những con gà con lợn thân thiết ra bán ngoài thị trường, mặt khác, họ bị mất đi những ngày sống trong lễ hội truyền thống vui nổ trời trong cảnh đời nghèo khó.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương, (năm 2012).

Văn minh vật chất, quyền lực của đồng tiền và uy lực của văn minh định lượng của phương Tây đã cướp đi của họ những niềm vui sống định tính kiểu “Một mái nhà tranh hai trái tim vàng”. Nghịch lý phát triển đặt ra nhiều bài toán khó liên quan đến văn hóa, nhân cách và những giá trị thiêng liêng truyền thống.

\Các nhà kinh tế học thế giới đã khổ công mở một cuộc truy tìm táo bạo: Tìm những phép màu, những thần dược nào đó để đưa các nước nghèo thuộc thế giới thứ ba phát triển ngang tầm các nước giàu ở châu Âu và Bắc Mỹ. Đủ loại phép màu, thần dược đã được ứng dụng như: Vốn, máy móc, công nghệ và giáo dục…nhưng tất cả đều không đem lại kết quả như mong muốn.

Nhà kinh tế học William Eastly đã chỉ rõ trong cuốn “Truy tìm căn nguyên tăng trưởng” rằng, nguyên nhân của những thất bại này là do tất cả các thần dược tăng trưởng áp dụng vào thế giới thứ ba đều vi phạm một nguyên tắc kinh tế học căn bản, đó là lãng quên vai trò của con người – từ cá nhân đến doanh nghiệp tới các chính phủ và ngay cả các nhà tài trợ nữa, tất cả đều hành động vì một ĐỘNG CƠ nào đó.  

Đó là một phát hiện mới với thế giới, nhưng không mới với Việt Nam. Vì trong hơn nửa thế kỷ lãnh đạo cuộc đấu tranh giành tự do độc lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa dân tộc đi hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác nhờ biết phát động những cuộc chiến tranh nhân dân, huy động sức người sức của từ dân, coi con người Việt Nam yêu nước, tin Đảng là nguồn lực quan trọng nhất có thể chiến thắng mọi vũ khí tối tân của mọi kẻ thù hung mạnh nhất, hung bạo nhất.

Lúc đó, động cơ sống và chiến đấu của con người Việt Nam đi theo lãnh tụ Hồ Chí Minh là lý tưởng xây dựng một đất nước Việt Nam tự do độc lập và hạnh phúc:“ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, “sánh ngang các cường quốc năm châu”. ĐỘNG CƠ sống và chiến đấu đó đã thấm vào trong máu của hàng triệu đồng bào chiến sỹ, thôi thúc mỗi con người phát huy hết sức mạnh tiềm năng để chiến đấu hy sinh cho sự nghiệp chung.

Đến nay, sau 40 năm thống nhất, người Việt Nam dù đã đạt được nhiều thành tích đáng kể về tăng trưởng, vẫn đứng trước nguy cơ tụt hậu, với mức sống thua các nước trong khu vực mấy chục năm và một đống nợ công khổng lồ trút lại cho con cháu.

Trong khi đó xã hội ngày càng nảy sinh nhiều lối sống thực dụng, suy đồi, quái dị; con người ngày càng chạy theo đồng tiền và hư danh, tiếp thu một cách nô lệ những giá trị văn hóa ngoại lai, những lối sống cá nhân ích kỷ, bệnh hoạn, phản đạo lý, vô đạo đức… dẫn đến những tội ác rùng rợn, những bi kịch thương tâm với những vụ giết người hàng loạt chỉ vì tiền, vì tình, vì bức xúc về phân chia của cải, những vụ tự thiêu cả gia đình vì nghèo khó, những vụ giết chồng, giết vợ, giết cha mẹ, giết con… liên tiếp xảy ra. Tất cả những thực trạng đó báo động về sự tan rã, tiêu vong trông thấy của văn hóa Việt truyền thống với bao nhiêu giá trị nhân văn minh triết cao cả mà tổ tiên ngàn đời xây đắp.

Mất văn hóa dân tộc là mất tất cả. Nếu mất nước mà còn văn hóa thì sẽ còn triển vọng giành lại nước như người Do Thái lang thang hàng thế kỷ nhưng nhờ kiên trì văn hóa dân tộc với niềm tin mình là con của Thượng đế mà họ lại giành lại đất đai của Tổ tiên mình. Nhưng nếu mất đi văn hóa Việt thì sẽ không còn động cơ cho các thế hệ sau gìn giữ đất đai mà tổ tiên và cha ông đã đổ máu ra xây đắp và gìn giữ mấy ngàn năm.

Thực trạng đáng báo động đỏ này gắn với thực trạng tăng trưởng, thực trạng tham nhũng và thực trạng phát triển của chủ nghĩa tư bản rừng rú không có luật… cho thấy vấn đề xây dựng lại con người Việt Nam, xã hội Việt Nam là vấn đề cấp bách và sinh tử.

Trong đó, vấn đề ĐỘNG CƠ sống và làm việc là vấn đề cốt tử. Thần dược văn hóa tư tưởng chữa được bệnh biến thái nhân cách, méo mó tư tưởng và lệch lạc động cơ của con người Việt Nam hôm nay cũng sẽ là thần dược chữa được những căn bệnh về tăng trưởng gắn với động cơ lao động và sáng tạo, động cơ đầu tư và tích lũy, động cơ tiêu dùng và quảng bá…mà các thần dược vốn đầu tư, máy móc, công nghệ và giáo dục đều thất bại, như học giả William Eastly đã chỉ ra. 

Văn hóa, văn học nghệ thuật xây dựng động cơ nào cho xã hội hôm nay?

R.Bonnaud, nhà quan sát uyên bác về lịch sử thế giới đã viết trong cuốn “Những bước ngoặt”(1992) : “Chính phương Tây đã làm ra lịch sử. Phần những người còn lại rất thường khi chỉ đi theo hoặc phải chịu đựng. ..

Một sự thụt lùi của đạo đức phi phương Tây tương ứng với một tiến bộ của lý trí phương Tây, một sự thụt lùi về bình đẳng phi phương Tây tương ứng với một bước tiến của tự do phương Tây…”. Khi dẫn ra ý kiến này trong cuốn “Lịch sử chủ nghĩa tư bản từ 1500 đến 2000”, Michel Beaud đã bình luận: “Sự đột biến lớn hiện nay chắc chắn đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ này. Chúng ta đang đi tới một sự lập lại cân bằng của cái thế giới trong đó các nền văn minh lớn và các lục địa lớn bị thống trị và khinh miệt quá lâu sẽ tìm được vị trí của chúng chăng?

Hay là, với sự đột phá của CNTB châu Á, chúng ta đang chứng kiến một sự bắt đầu suy thoái một cách tương đối của CNTB phương Tây và của cái mà F.Perroux gọi là “Châu Âu không bờ bến”… “Phải chăng châu Âu, phương Tây phải chuẩn bị nhận lấy cơn bão táp mà họ đã gieo khi chinh phục thế giới để truyền bá lòng tin Kito giáo, tiến bộ, văn minh? Cơn bão mà cho đến nay người ta mới chỉ cảm nhận được những cơn gió lốc mà thôi! Đây là đường hướng tất yếu, chắc chắn của sự đảo lộn thế giới”.

Thật đáng buồn khi các học giả thế giới đã nhìn thấy sự đảo lộn vị thế của các nền văn minh, đưa các nền văn minh ngoài phương Tây lên ngôi, mà bây giờ ở Việt Nam, văn hóa nghệ thuật và lớp người trẻ tuổi vẫn đang bị mê hoặc trong ước vọng làm bản sao của các nền văn minh quá khứ. Nếu chia sẻ quan điểm của William Easterly về tăng trưởng, thì các thần dược truyền thống như vốn đầu tư, máy móc, công nghệ và giáo dục, dạy nghề…không thể đem lại tăng trưởng nếu không có một động lực mạnh mẽ của người lao động, nhà đầu tư, nhà quản lý và các thành viên khác trong hệ thống kinh tế xã hội của một quốc gia.

Động lực đó là gì? Phải chăng là lý tưởng của dân tộc Việt Nam trong giai đoạn mới, vượt lên những động cơ ích kỷ cá nhân và phe nhóm để xây dựng động cơ lớn lao hơn: Đưa dân tộc vươn lên “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ đã nói?

Để xây dựng được động cơ đó trong toàn xã hội, làm cho động cơ đó thực sự thôi thúc mỗi con người tạo nên một động lực chung như thời kháng chiến, các nhà quản lý hãy dũng cảm thoát khỏi những toan tính cá nhân và những ràng buộc phe nhóm để đóng góp tích cực cho tiến trình cải cách thể chế. 

Giới văn học nghệ thuật hãy thoát khỏi những cái nhìn vụ việc nhỏ bé và hời hợt, thoát khỏi mốt “giải thiêng” có màu chiến tranh lạnh để xây dựng vun bồi cho cái thiêng liêng mới gắn liền với động cơ phấn đấu cao cả cho phát triển và tăng trưởng đó. Vì theo Durkhiem.E, cái thiêng không phải là sản phẩm của một giai đoạn ấu trĩ sẽ bị mất đi khi phát triển, mà luôn tồn tại trong tâm thức con người, luôn gắn liền với cấu trúc tinh thần của một dân tộc ở mọi thời kỳ.

Đỗ Minh Tuấn
.
.