Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4/1907- 7/4/2017)

Đồng chí Lê Duẩn với văn học nghệ thuật

Thứ Sáu, 14/04/2017, 08:09
Tổng Bí thư Lê Duẩn (1907-1986) đã nêu một nhận định rất đáng suy nghĩ và vẫn mang tính thời sự trong lĩnh vực văn nghệ: “Con người là sản phẩm lịch sử của một xã hội nhất định, khi chuyển qua một xã hội khác phải căn cứ vào con người của xã hội cũ mà nói cho đúng, đưa cái cũ lên cái mới cho sát, nếu không làm thế sẽ hỏng việc. 


Nhưng ác một nỗi, là người Việt Nam, nhưng ta chưa hiểu hết con người Việt Nam, lại lệ thuộc vào lý thuyết bên ngoài một cách công thức, nên tư tưởng về xây dựng con người vẫn chưa thực tế”.

Như thế, nếu quan niệm con người một cách máy móc, phiến diện thì nhất định xa rời cuộc sống, xa rời con người và tất yếu sẽ không thành công. Đồng chí cũng muốn lưu ý những người làm công tác tư tưởng văn hóa phải có cách nhìn hiểu mình, hiểu người và tôn trọng giá trị cá nhân đích thực từ cả hai góc độ: triết học và thực tiễn.

 Đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh: "Ta là người Việt Nam nhưng ta hiểu rõ ta không phải là việc dễ, hiện nay chưa phải chúng ta đã hiểu rõ người Việt Nam lắm đâu. Muốn hiểu rõ phải đối chiếu với người khác, nếu không thì mình không hiểu được mình”.

"Đã là một con người thì phải có cái riêng của con người. Không thể có một con người siêu hình. Không thể phá đơn vị con người. Không có cái riêng con người nữa thì xã hội sẽ mất hết ý nghĩa, mất cơ sở".

Đây cũng là luận điểm quan trọng trong hoạt động tư tưởng văn hóa, trong đó có văn hóa nghệ thuật khi phản ánh và sáng tạo về hình tượng con người Việt Nam. Lý trí và tình cảm là hai phạm trù triết học, đồng thời cũng là hai yếu tố quan trọng nhất luôn gắn bó trong đời sống con người. Ví như ngày xưa khi vua chết người ta khóc, đó là lý trí vì tiếc thương một người đại diện cho cả nước đã mất, ấy là về lý trí giữa người dân với bậc quân vương, nhưng còn khóc vì tình cảm.

Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn - một tư duy sáng tạo lớn, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam.

Đồng chí còn dẫn chứng cụ thể về một nhà lý luận nước ngoài. Causky dự đoán đúng về cách mạng Nga khi mà lý trí và tình cảm của ông hài hòa, thống nhất, nhưng khi lý trí ông vẫn thế mà tình cảm không còn nồng nhiệt như trước thì phán đoán, phân tích của ông cũng không còn chính xác, thậm chí trở nên phản động.

 Tất cả tình cảm con người được nảy mầm, nhen nhóm từ những điều gần gũi, giản dị, thậm chí có vẻ nhỏ nhặt, chính nó sẽ dần dà vun trồng nên những điều cao xa. Đặc biệt là tránh được bệnh hô khẩu hiệu. Đồng chí Lê Duẩn đã hơn một lần nhắc nhở điều này: "Lòng thương mến gia đình là cơ sở của lòng thương đồng bào, yêu đất nước; càng thương gia đình, thương đồng bào, yêu đất nước, càng căm thù đế quốc phong kiến, căm thù áp bức bóc lột, càng hăng hái đấu tranh cách mạng... Không có tình thương cha, nhớ mẹ, tình thương yêu con cái, thì không thể có tình yêu nhân dân".

Ngay cả khi làm việc với đội ngũ những người làm báo, đồng chí cũng có những lời căn dặn ngắn gọn mà thấm thía: “Làm báo là làm công tác khoa học, đồng thời cũng là làm nghệ thuật”.

Cũng chính vì coi văn học nghệ thuật là quy luật của tình cảm, sáng tác văn học nghệ thuật trước hết tác động trực tiếp vào cảm xúc con người nên sinh thời đồng chí Lê Duẩn đã có lần tâm sự: “Vài năm gần đây, tôi thấy có những bài viết tốt.

Tuy vậy, có ít bài gây chấn động lớn. Tôi còn nhớ, lúc còn thanh niên, mỗi lần đọc thơ Phan Bội Châu, tôi thấy trong lòng có gì đó náo nức lắm, như thúc giục mình vùng dậy, xông lên làm một điều gì cho Tổ quốc. Đó thật sự là những bài thơ tác giả viết ra từ bầu nhiệt huyết, bằng tất cả óc tim của mình. Tôi mong muốn thơ ca của ta ngày nay cũng có tác dụng tới quần chúng một cách mạnh mẽ, sâu sắc như vậy”.

Khi nói về việc vận dụng những khái niệm xưa trong đời sống hiện đại, đồng chí Lê Duẩn đã dẫn ra ví dụ về phẩm chất trung hiếu. Theo đó thì phong kiến đề cao trung hiếu, tư sản cũng nói đến trung hiếu và xã hội ta ngày nay cũng vẫn đề cập trung hiếu nhưng với một nội hàm mới mẻ.

Chẳng hạn như Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nhận xét về quân đội ta: “Trung với Đảng, hiếu với dân” thì đồng chí Lê Duẩn cho là vận dụng rất khéo theo lối “bình cũ, rượu mới”, vừa kế thừa được giá trị truyền thống vừa đưa vào một nội dung mới, khiến người nghe dễ chấp nhận, đồng thuận và cũng dễ tiếp thu, dễ nhớ. Đó là vận dụng Nho giáo vào cuộc sống hiện đại một cách nghệ thuật. Phải tiếp thu giá trị cổ truyền trên tinh thần chọn lọc và phê phán.

Vì vậy khi nhận xét vở chèo cổ nổi tiếng “Lưu Bình-Dương Lễ”, đồng chí cho rằng, tình bạn như vậy ngày xưa là tốt, nhất là việc cho vợ đi nuôi bạn dùi mài kinh sử để đỗ đạt vinh quy, nhưng ngày nay làm như vậy thì cần xem lại, như vậy là tàn nhẫn đối với phụ nữ, cho nên phải tiếp nhận vốn cổ trong văn học nghệ thuật với cách nhìn gạn đục khơi trong.

Chính vì vậy, khi bàn về việc kế thừa vốn cổ trong văn học nghệ thuật, đồng chí Lê Duẩn đã nêu những dẫn chứng về các vở chèo xưa như “Ba anh em nhà họ Điền” hay “Lưu Bình-Dương Lễ” để nhìn nhận một cách thấu đáo.

Dù bận bịu quốc gia đại sự, đồng chí Lê Duẩn vẫn quan tâm đến nghệ thuật sân khấu. Năm 1952, đồng chí dành thời gian xem vở tuồng "Chị Ngộ” của Đoàn tuồng Liên khu 5. Sau này, thời kháng chiến chống Mỹ, đồng chí không ít lần thưởng thức tác phẩm của các nghệ sĩ tiêu biểu như Đàm Liên, Kim Cúc thể hiện vở tuồng "Trưng Nữ Vương”. Vào năm 1980, sau khi cùng xem với các đồng chí lãnh đạo, đồng chí Lê Duẩn còn góp ý cụ thể cho vở tuồng "Quang Trung đại phá quân Thanh” của đoàn tuồng Nghĩa Bình.

Không chỉ về phương diện lý luận và thưởng thức nghệ thuật mà còn trong những trường hợp cụ thể, đồng chí Lê Duẩn đã có cách xử lý vừa đảm bảo nguyên tắc, vừa am hiểu vấn đề tác phẩm và tác giả, lại vừa đúng mực khi mà tiếng nói của lãnh đạo cấp cao có thể ảnh hưởng đến số phận văn nghệ sĩ. Đó là trường hợp nhà thơ Việt Phương.

Đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, tập thơ “Cửa mở” nổi tiếng của Việt Phương ra đời đã gây chấn động dư luận. Lối tư duy triết học trong cảm hứng thi ca gắn liền với thời sự chính trị khi lật lại những mệnh đề có sẵn thường được xem là chân lý của số đông đã làm khó một nhà thơ trí tuệ và tâm huyết.

Trong hoàn cảnh chiến tranh, hai miền đều chịu đựng những gian khổ, hy sinh, khó khăn nhiều mặt, nước nhà chưa thống nhất thì những phát ngôn thi sĩ công dân với tư duy mới mẻ của Việt Phương đã gây sốc trong dư luận.

Nhiều ý kiến cho rằng nhà thơ đang dao động tư tưởng, có quan điểm “xét lại”, thậm chí chống đối chế độ bằng tác phẩm văn nghệ  khiến tác giả gặp nhiều bất lợi, thậm chí có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh mệnh chính trị. Đang trong tình thế dầu sôi lửa bỏng, Ban Bí thư đã có phiên họp về nội dung này. Đây là phiên họp có sự tham gia của người lãnh đạo cao nhất nước ta.

Nhà thơ Việt Phương đã nghe ông Đậu Ngọc Xuân, Thư ký đồng chí Lê Duẩn kể lại: “Khi đến buổi họp, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã dành 90% thời gian buổi họp để nói về văn học - nghệ thuật, về việc sáng tác của người nghệ sĩ, về sự tìm tòi cái mới, cái khó khăn của người làm nghệ thuật.

Cuối cùng, khi bàn về tập thơ "Cửa mở", Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định 2 điều: “Trước hết Việt Phương là cán bộ tốt của Đảng. Thứ hai, tập thơ này không có vấn đề gì về mặt tư tưởng”. Nhà thơ Việt Phương trong tình cảnh rất khó khăn, phức tạp “Được lời như cởi tấm lòng”. Đây cũng là biểu hiện sự hiểu biết và tôn trọng đúng mức nghệ sĩ và tác phẩm của họ của một nhà lãnh đạo quốc gia ở vào một thời điểm rất gian nan của dân tộc Việt Nam.

Nhà thơ lớn Chế Lan Viên đã từng trân trọng: “Tôi lại nhớ lời của đồng chí Lê Duẩn: “...Người ta cần xem hát, xem hoa. Và xem hát, xem hoa làm cho tình cảm con người trong sáng hơn. Có thể một ngày nào đó người Việt Nam ta không còn ghét nhau nữa được không?". 

Đồng chí tiếp thêm: "Chúng ta làm thế nào để ngày mai con người Việt Nam trở thành những con người mới có văn hóa, không chỉ là những người chiến đấu kiên cường nhất, mà còn là những người có văn hóa đẹp nhất. Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc là thỏa mãn mọi nhu cầu tinh thần và vật chất. Đó là mục đích của chủ nghĩa cộng sản. Những lời ấy làm tôi suy nghĩ...".

Phạm Xuân Dũng
.
.