Vấn đề sinh thái trong thơ Việt

Chủ Nhật, 21/01/2018, 07:55
Nhờ có nhiều nét tiến bộ ưu trội, mang tính thời sự cao, lại phù hợp với nhiều nền văn hóa nên khuynh hướng phê bình sinh thái đang được hưởng ứng rộng rãi trên thế giới. Vì còn mới mẻ nên giới khoa học vẫn chưa thống nhất thuật ngữ, ở Anh hiện gọi là “nghiên cứu xanh” (Green study), ở Mỹ gọi là “phê bình sinh thái” (Ecocriticism), Úc gọi là “phê bình văn học môi trường” (Environmental literary criticism)… 


Tôn trọng Trái đất tức tôn trọng con người, phá hủy Trái đất tức phá hủy căn nhà con người sống, tàn phá môi trường tức làm thui chột tính người. Đó là tinh thần nhân văn đáng quý của hướng nghiên cứu này… Nó kêu gọi con người phải hòa hợp, giữ gìn, tôn trọng tự nhiên, sống chung với tự nhiên.

Một nội dung cơ bản của triết học văn hóa đương đại là đối thoại, mà căn cứ để đối thoại là hiểu biết (tự nhiên); bình đẳng (với tự nhiên); tôn trọng, và biết lắng nghe (tự nhiên). Ngay Thế vận hội mùa Hè Rio de Janeiro 2016 vừa diễn ra tại Brazil nổi tiếng môi trường xanh cũng kêu gọi toàn thế giới bảo vệ môi trường và bầu không khí.

Phê bình sinh thái, hiểu một cách giản dị là nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và môi trường, đề xuất quan niệm lấy “trái đất làm trung tâm” nhằm gắn kết và gắn nối môi trường tự nhiên và văn hóa để kiến tạo văn bản văn hóa về môi trường.

Như một tất yếu, phê bình sinh thái đương đại kêu gọi quay trở về với giá trị văn hóa phương Đông, mà từ hàng ngàn năm nay với thuyết “thiên nhân hợp nhất” luôn quan niệm con người thống nhất, hài hòa với tự nhiên, là một phần của tự nhiên: “Đạo sinh ra một, một sinh ra hai, hai sinh ra ba, ba sinh ra vạn vật” (Lão Tử).

Khổng Tử còn dạy học trò thuận theo tự nhiên thì phải tôn trọng nó, không được đốn cây lớn trong mùa xuân, không được bắt cá nhỏ. Trong truyền thống văn hóa Ấn Độ, trước khi làm nhiệm vụ trị vì quốc gia, các vị anh hùng đều phải có thời gian tu thân trên núi cao, trong rừng thẳm để hòa mình vào thiên nhiên, tu trí, tĩnh tâm.

Là một cộng đồng dân tộc nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm cây cối hoa lá quanh năm tươi tốt nên cảm quan của người Việt Nam là cảm quan của thiên nhiên cây cỏ. Từ hàng ngàn năm nay, người Việt chung sống hài hòa với thiên nhiên, thiên nhiên luôn là đối tượng thẩm mỹ để họ sáng tạo nghệ thuật, nhất là với thơ ca.

Ảnh có tính chất minh họa, nguồn Internet.

Hôm nay, soi lý thuyết phê bình sinh thái hiện đại vào thơ Nguyễn Trãi, thật ngạc nhiên và tự hào khi thấy trong thế giới thơ ông gần như là sự chứng minh cho các luận điểm cơ bản của lý thuyết này. Có thể khẳng định, vĩ nhân ấy là con người của nhân loại, mang tầm văn hóa nhân loại, đi trước thời đại hơn 600 năm.

Thiên nhiên tràn ngập trong thơ Nguyễn Trãi, hầu như bài nào cũng có sự xuất hiện của thiên nhiên, nhất là cái đẹp nơi thiên nhiên luôn gần gũi gắn bó với con người. Vì tôn trọng cái đẹp, yêu cái đẹp mà đau xót, tiếc nuối cho cái đẹp không có người thưởng thức. Xuân đi, hè đến, cả chủ thể và nhân vật trữ tình (cô gái) trong bài thơ này đều tiếc xuân: “Vì ai cho cái đỗ quyên kêu/ Tay ngọc dùng dằng chỉ biếng thêu/ Lại có hòe hoa chen bóng lục/ Thức xuân một điểm não lòng nhau” (Cảnh hè, Thơ Nôm). Một tứ thơ hay, một sự tinh tế chỉ có được khi tác giả lắng nghe bước đi của tạo vật: mùa hè lại có hoa hòe đem đến vẻ xuân gợi ở người sự “não lòng” tiếc xuân.

Nhà thơ cảm nhận cái đẹp luôn trong trạng thái non tơ đang cựa quậy chứ không tròn trịa đã vào thời viên mãn, thậm chí ở thời điểm khởi đầu: “Xuân chầy liễu thấy chưa hay mặt/ Vườn kín hoa truyền mới lọt tin/ Cành có tinh thần ong chửa thấy/Tính quen khinh bạc bướm chăng gìn/ Lạc Dương khách ắt thăm thinh nhọc/ Sá mựa cho ai quẩy đến bên” (Đầu Xuân đắc ý, Thơ Nôm).

Vì xuân đến chậm nên liễu chưa thấy mặt. “Vườn kín hoa truyền mới lọt tin” tức hoa mới chớm nụ, hương hoa mới chớm bay ra khỏi vườn kín nên “ong chửa thấy” mà tìm đến nhưng bướm thì chẳng biết giữ gìn gì cứ vô tư đậu vào cành. Đúng là thế giới của cái đẹp “non tơ phong nhụy”, tất cả như đang phập phồng xuân khí.

Đất Lạc Dương là kinh đô Trung Quốc thời Ngũ đại vốn rất đẹp, từng là nơi tụ hội các thi nhân. Lạc Dương đẹp thế nhưng nơi này đẹp không kém nên ta chẳng cho (sá mựa) ai quẩy xuân này đến đó mà đem cái đẹp của ta đi. Cũng chỉ mạo muội “diễn nôm” câu thơ để thấy phần nào cái đẹp của ý thơ phải nói là tuyệt bút này. Nhưng có thể hiểu một triết lý của triết gia Nguyễn Trãi: Cái đẹp, đẹp nhất là ở buổi ban đầu… Đặc sắc hơn là nói bằng hình tượng thơ.

Thơ Ức Trai có lúc đậm chất huyền thoại để diễn tả cái đẹp hư ảo mong manh, cũng là để giãi bày tấc lòng say, tiếc, trân trọng cái đẹp: “Một tiếng chày đâu đâm cối nguyệt/ Khoan khoan những lệ thỏ tan vừng” (Thơ tiếc cảnh, Thơ Nôm). Hình tượng thơ kiến tạo trên nền thần thoại: trên mặt trăng có thỏ giã thuốc tiên. Nhưng tất cả là hư ảo nên không biết đó là tiếng chày con thỏ giã thuốc trên mặt trăng hay tiếng chày dưới trần thế, vì vậy mà thi nhân mới thốt lên “khoan khoan” kẻo tiếng chày làm vỡ mất vầng trăng. Đây không phải thơ của người mà là thơ của tiên. Phải là thi tiên mới có những câu như vậy!

Kế thừa quan niệm, thi pháp và thành tựu từ Nguyễn Trãi, thơ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng rất nhiều hình ảnh thiên nhiên, nhiều nhất là hình ảnh mùa xuân. Chỉ tiếc ông làm thơ hầu hết bằng chữ Hán. Mùa xuân trong thơ Trình Quốc Công biểu trưng cho sự sống sinh sôi, nảy nở, ấm áp, tươi vui. Với nhà thơ chữ Xuân đồng nghĩa với chữ Hoà: “Mộ xuân tối ái nhất thiên hòa/ Cuối xuân thích nhất là khí trời luôn hòa dịu” (Mộ xuân); “Thiều quang thục úc kháp giai thần/ Ánh sáng xuân dịu, đúng là tiết tốt lành” (Tân niên hý tác).

Xuân cũng đồng nghĩa với cái đẹp: “Am quán trùng lai hựu nhất xuân/ Tứ thì giai cảnh tối nghi nhân - Lại mùa xuân nữa đến với quán am/ Phong cảnh bốn mùa rất đẹp, hợp với con người” (Hữu bộ hạ tân huyện). Thiên nhiên thiên về tĩnh với gam màu xanh trong: “Thanh phong minh nguyệt vi ngô hữu/ Bích thủy thanh sơn độc tự ngu - Gió mát trăng sáng là bạn của ta/ Nước biếc non xanh vui riêng mình” (Tân quán ngụ hứng 24).

Trước cửa cái lều của thi nhân có cành tre la đà nhìn ra vùng sông nước: “Ngô ái ngô lư thủy trúc thanh/ Ta thích lều ta có cảnh tre nước trong xanh”. Thiên nhiên vừa là bạn hữu vừa là đối tượng sáng tác, lại là nơi để sống thanh sạch nhất, theo đúng nghĩa của từ này: “Thi tá oanh hoa thiên thủ hữu/ Phong lâm kỉ án nhất trần vô - Thi tứ về hoa và chim, sẵn có nghìn bài/ Gió lọt vào án sách và ghế, không một hạt bụi” (Tân quán ngụ hứng).

Đến thời hiện đại, nhà thơ lớn Hồ Chí Minh rất ưa cuộc sống gần nơi thiên nhiên tự do, tĩnh tại, thanh sạch: “Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu…”.

Khi phải gánh vác nhiệm vụ trọng đại lãnh đạo cuộc kháng chiến Bác Hồ vẫn cố dành thời gian hạnh phúc cùng thiên nhiên, làm thơ cùng “bạn” trăng: “Trăng vào cửa sổ đòi thơ”, dành thời gian hạnh phúc cùng con trẻ, cùng cỏ cây: “Việc quân, việc nước đã bàn/ Xách bương dắt trẻ ra vườn tưới rau”… Bác Hồ đã học tập, tiếp thu, kế thừa, phát triển và nâng cao từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến…

Thơ Việt ở ngày hôm nay, nhất là thơ trẻ có một đặc điểm dễ nhận thấy là hay thiên về triết lý, trong khi đó, để có màu sắc trí tuệ không hẳn dễ vì đòi hỏi phải có vốn sống từng trải, vốn văn hóa sâu rộng. Tài năng như Chế Lan Viên cũng phải đợi khi đủ độ chín về hiểu biết và tuổi tác mới có những triết lý về thơ, về đời, về lẽ sống và cách sống. Thế nên, mặc dù có thể thực sự trí tuệ nhưng do còn thiếu sự va đập từng trải nên thơ trẻ triết lý chưa đủ sức thuyết phục bởi sự, khiên cưỡng của hình tượng.

Từ góc độ tiếp nhận cũng cho thấy khi xã hội ngày một văn minh, vật chất ngày thêm nhiều thì con người lại phải đối phó với bao nỗi bất an, là môi trường ô nhiễm, là tai nạn do thiên tai và do chính con người gây ra như giao thông, văn hóa xuống cấp, ô nhiễm không khí…

Do vậy, khao khát sâu thẳm của nhân loại là được sống cùng thế giới trong lành, yên tĩnh, bình an mà tươi tắn sống động. Thế giới ấy chỉ có thể có được ở nơi thiên nhiên chan hòa ánh sáng của mặt trời và ánh trăng, đầy gió và nắng, đầy cỏ và hoa cùng thế giới loài vật quen thuộc, là cánh chim, là tiếng gà gáy, là âm thanh mõ trâu… Thật tiếc, một thế giới trong trẻo, nguyên sơ, thanh khiết ấy lại thiếu vắng trong thơ trẻ hôm nay!

Khi trở về với thiên nhiên là ta có được một thế giới tính từ lấp lánh sắc màu đời sống, một phẩm chất quan trọng của thơ. Hãy minh họa điều này bằng tác phẩm của các nhà thơ đã được khẳng định, với Dương Kiều Minh sở hữu vốn tính từ đáng khâm phục: tim tím, ngai ngái, lấp lóa, âm âm, dìu dịu, thiêm thiếp, heo heo xanh, mênh mang ánh sáng… và hàng loạt hình ảnh làng quê sinh động mà lạ lẫm: con đường hoa vối, giọt sương, ngồng cải, cỏ may…

Với Ngân Hoa là mùi bùn ngai ngái, làn khói xanh âm ẩm dịu dàng, nhỏ nhoi, chập chững, đo đỏ, rôn rốt, chun chút… Với Bằng Vũ là trăng cào ổ lá, mùa núm áo đơm bông, con bướm vàng dạm ngõ, lá sen nghiêng như mặt người quay lại… Và nhiều nhà thơ khác tên tuổi họ gắn liền với các hình tượng thiên nhiên, đúng hơn thiên nhiên đã nâng tên tuổi họ trong thơ, là Hữu Thỉnh, Ý Nhi, Xuân Quỳnh, Ngô Văn Phú, Nguyễn Duy, Đỗ Trung Lai, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quyến…

Những câu thơ hay nhất của Nguyễn Quang Thiều được lấy cảm hứng từ thiên nhiên: “Những xôn xao lùa qua hơi ẩm/ Vọng về từ cánh đồng rộng lớn mù sương/ Tiếng bánh xe trâu lặng lẽ qua đêm/ Chất đầy hương cỏ tươi lăn về nơi hừng sáng… Bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh, một trong những bài thơ hay nhất của ông, cũng về đề tài thiên nhiên…

Xã hội ngày một văn minh, khoa học kỹ thuật ngày một phát triển thì con người càng cần đến thơ, để cân bằng với cuộc sống hối hả, nhộn nhịp, để trở về với thế giới đồng thoại đậm màu cổ tích lung linh, lộng lẫy mà nguyên sơ. Vì thế thơ phải tươi mát hơn, hồn nhiên hơn, trong sáng, ấm áp hơn. Có một con đường ngắn nhất là trở về với thiên nhiên, nhất là với các nhà thơ trẻ!

Nguyễn Thanh Tú
.
.