Ngày Thơ Việt Nam - ý tưởng và thực hiện

Thứ Ba, 21/02/2017, 08:04
Trong một lễ hội dành cho thi ca, nếu không nâng tầm được thi ca lên thì chí ít cũng phải làm sao cho thi ca đúng với vị trí của nó, chứ không phải là để xem nhẹ hay tầm thường hóa giá trị, vẻ đẹp của nó.


Vì một lễ hội thực sự thi ca

Bình Nguyên Trang

Công chúng của thi ca thực sự chưa bao giờ là công chúng tầm phào.Họ là những người hưởng thụ nghệ thuật tinh túy, nếu không muốn nói là tinh túy nhất. Theo lẽ đó, cung cấp món ăn cho những người hưởng thụ tinh túy thiết nghĩ không thể là những đầu bếp qua loa, thiếu chuyên nghiệp. Khi thi ca có diễm phúc được dành hẳn một ngày trong năm để trở thành lễ hội, thì càng cần hơn bao giờ hết bàn tay chăm lo khéo léo, cao cấp để làm sao những món ăn, những hương vị của ngày lễ hội đó phải thực sự thỏa mãn người yêu thi ca, để lại những ấn tượng sâu sắc trong cảm nhận của họ.

Trong một lễ hội dành cho thi ca, nếu không nâng tầm được thi ca lên thì chí ít cũng phải làm sao cho thi ca đúng với vị trí của nó, chứ không phải là để xem nhẹ hay tầm thường hóa giá trị, vẻ đẹp của nó.

Dĩ nhiên, những tác phẩm nghệ thuật một khi đã hay thì vẫn luôn có chỗ đứng trong lòng bạn đọc. Thi ca cũng vậy, người yêu thơ trước tiên là tiếp cận tác phẩm bằng văn bản, cảm nhận bằng văn bản. Nhưng một khi thơ đã được mang lên sân sân khấu, mang vào một lễ hội, thì nó phải được bước ra ngoài văn bản bằng một cách khác, và dù thế nào cũng phải giữ cho được sự sang trọng của chính nó.

Ngày thơ Việt Nam 2017 thu hút rất đông người yêu thơ tới tham dự.

Thơ có thể biến thành âm nhạc, có thể trình diễn, có thể được đọc, được vẽ, được treo, nhưng đầu tiên và sau cùng, nó phải tỏa ra tinh thần thi ca đích thực, không được làm méo mó, biến tấu trở thành những thứ kệch cỡm, xuề xòa, giản đơn, ăn xổi ở thì.

Ngày Thơ Việt Nam là một hoạt động có ý nghĩa trong đời sống văn học, khởi đầu cho một năm mới mùa màng hy vọng. Đây cũng là sự kiện thu hút rất nhiều người tham gia trên khắp mọi miền Tổ quốc. Nó là một sự kiện văn hóa tầm quốc gia.Riêng điều đó đủ để thấy gánh nặng trên vai các nhà tổ chức, là phải làm sao để có một ngày của tinh thần thơ ca tràn ngập, bằng các hoạt động phong phú đa dạng, đúng với ý nghĩa của một lễ hội.

Và để không lẫn vào hàng trăm lễ hội đang có xu hướng tạp kỹ, tả- pí- lù đầu xuân khác, Ngày Thơ phải bám vào tính khu biệt của mình, bản sắc của mình đúng như tên gọi. Chất thi ca của lễ hội không thể nào bị xem nhẹ.

Tôi không nghĩ rằng cứ có nhiều nhà thơ lên đọc thơ, cứ có nhiều thơ thả lên trời là đủ để đảm bảo tính thi ca của lễ hội.Nếu thế, ta có thể tổ chức các đêm thơ. Tính thi ca của một lễ hội sẽ còn phải nằm trong tất cả các khâu, từ việc trang trí một cái phông sân khấu, từ việc treo một bức ảnh thi nhân, từ việc cẩn trọng từng con chữ, trong từng câu thơ của các nhà thơ tiền bối, từ việc chọn đúng một bức ảnh nhà thơ, không có chuyện “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, từ chuyện tính toán làm sao để người đến với lễ hội thi ca không bị nhầm tưởng mình đang đi xem kịch hay xem chương trình ca nhạc, hay tệ nữa là xem hội làng biến tướng.

Những sai sót trong khâu tổ chức của Ngày Thơ vừa qua mà truyền thông đã “nhặt sạn” thực sự là đáng buồn. Lý do thời gian để chuẩn bị quá gấp gáp, hay kinh phí ít thiết nghĩ cũng chỉ là một phần của vấn đề. Vấn đề chính ở đây, thẳng thắn mà nói, là nằm trong tư duy của nhà tổ chức.Phải chăng chúng ta đã quen với lối nghĩ, “cây nhà lá vườn” có sao dùng vậy, có gì làm nấy, xuề xòa đơn giản, dễ dàng thể tất nên mới có những lỗi sai rất không nên.

Và ý nghĩa của việc tôn vinh nhà thơ, tôn vinh thi ca vô hình chung lại trở thành thiếu tôn trọng nhà thơ, thiếu tôn trọng thi ca, kèm với đó dĩ nhiên là thiếu tôn trọng công chúng. Chủ tịch Hội Nhà văn đã lên tiếng chính thức xin lỗi công chúng là cách mà Ban tổ chức nhìn thẳng vào vấn đề, rất đáng hoan nghênh.

Những ngày thơ sẽ còn tiếp tục diễn ra mỗi dịp Xuân về, và chắc chắn để tồn tại dài lâu, ngày một thu hút công chúng văn học, Ngày Thơ không thể không đi cùng sự phát triển của văn học, của thi ca, thậm chí là tấm gương phản ánh đời sống văn học của một năm. Trình độ thưởng thức nghệ thuật nói chung của công chúng đã đi rất xa.

Những đòi hỏi của họ đối với một lễ hội văn hóa cũng cao cấp hơn, khắt khe hơn, nếu như nhà tổ chức vẫn giữ một tư duy cũ, lạc hậu về lễ hội thì khó mà giữ chân họ lâu dài.Trong thời buổi hôm nay, trừ việc làm thơ không bàn chuyện nghiệp dư chuyên nghiệp, còn đã đụng đến các lĩnh vực tổ chức, biểu diễn thì không thể không chuyên nghiệp. Hội Nhà văn có thể là nơi xuất phát các ý tưởng cho một ngày hội, nhưng bàn tay của các nhà tổ chức chuyên nghiệp để có một ngày hội không vị đắng, không sai sót, không hạt sạn là rất cần thiết.

Sân Văn Miếu có thể chật kín người vào ngày thơ, điều đó là đáng mừng nhưng đừng vội nghĩ rằng công chúng thực sự của thi ca đã đến đó.Những người yêu thi ca thật sự, thiết nghĩ, họ cũng giống nhà thơ vậy, dễ bị tổn thương và không dễ chấp nhận những gì thiếu mỹ cảm, thiếu tinh tế.Vì thi ca là cái đẹp.Vậy Ngày Thơ hãy làm thế nào để tôn vinh cái đẹp đó, bắt đầu từ những chi tiết nhỏ nhất.Thi ca không tự khắt khe với mình thì lễ hội của thi ca sẽ biến tướng.Có thể vẫn sẽ đông công chúng, nhưng công chúng thực sự của thi ca không tham gia vào lễ hội, không trở thành một phần của lễ hội, thì ngày đó không thể gọi là ngày của thi ca.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: Đừng “trông giỏ bỏ thóc”

Hội Quân (thực hiện)

- Ngày Thơ mỗi năm một lần tổ chức là một cái khó với Ban tổ chức. Đưa ra những ý tưởng mới và thực hiện nó cho hấp dẫn công chúng là một thách đố với Hội Nhà văn.Thực tế trong những năm gần đây, khâu tổ chức luôn bị truyền thông nhặt ra khá nhiều hạt sạn.Theo anh, để các hoạt động trong ngày thơ Việt nam trở nên phong phú hơn, có nên xã hội hóa hoạt động này?

+ Với tình cảnh hiện nay, không thể không xã hội hóa. Một lễ hội dành cho cộng đồng thì phải khuyến khích cộng đồng chung tay vun đắp, chứ không thể trông chờ tất cả vào ngân sách nhà nước. Muốn có một sự kiện văn hóa, nhất định phải tính toán chi ly kinh phí nhằm đáp ứng nhu cầu của đối tượng thụ hưởng.Chúng ta đang sai lầm khi chỉ giải bài toán tài chính cho những người trực tiếp xây dựng chương trình và chút ít tiền trang trí.Ngày Thơ cho cả ngàn người tham gia mà chi ra có mấy chục triệu đồng thì làm sao đòi hỏi nhiều được.

- Với một hoạt động mang tính cộng đồng rộng lớn, lại liên quan đến thi ca, nghệ thuật, vốn là thứ sang trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân theo anh có nên xem nhẹ khâu tổ chức, hay phải cần đến bàn tay chăm chút của các nhà tổ chức chuyên nghiệp?

+ Ngày Thơ không phải một buổi đọc thơ. Ngày Thơ là một lễ hội thi ca, nên phải cần trình độ thực sự của những người dàn dựng chuyên nghiệp.Các nhà thơ chỉ múa bút trên bản thảo mỏng manh thì chẳng biết gì về sân khấu hóa lễ hội đâu. Càng ôm đồm dài tay thì càng làm mọi chuyện rối tung lên và mất kiểm soát! Tôi đã góp ý nhiều lần ở Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh rồi, Ngày Thơ phải có một tổng đạo diễn đủ năng lực, chứ không thể để các lãnh đạo Hội tay năm tay mười chia nhau thực hiện kiểu tùy hứng và tạm bợ!

- Nếu kinh phí ít, Hội Nhà văn không có tiền, dẫn đến sự vội vàng, cẩu thả, sai sót trong khâu tổ chức thì nên chăng chúng ta nên tổ chức 2 năm, thậm chí là 5 năm một lần Ngày Thơ Việt Nam?

+ Đã gọi là Ngày Thơ thì không thể năm có năm không.Ngày Thơ đã có ý nghĩa toàn quốc. Đâu chỉ Hội Nhà văn không có tiền, mà các địa phương cũng rất khó khăn. Hội Nhà văn Việt Nam thì kêu gọi tài trợ để làm Ngày Thơ tại Hà Nội, còn các tỉnh thành khác nên góp gạo thổi cơm chung, chứ tiếp tục trông giỏ bỏ thóc thì cảnh chợ chiều vẫn tồn tại.

Ở các địa phương, Ngày Thơ khá lúng túng, vì lực lượng nhà thơ tương đối mỏng. Ví dụ khu vực đồng bằng sông Cửu Long chỉ cần tổ chức Ngày Thơ ở hai địa điểm, khu vực sông Hậu và khu vực sông Tiền, mỗi hội văn nghệ đăng cai một năm để nội dung bớt nhạt nhẽo!

- Các sân khấu thơ trong Ngày Thơ Việt Nam thường mang dáng dấp một chương trình tạp kỹ. Các màn múa hát đôi khi quá nhiều, lấn lướt cả yếu tố thơ ca. Theo anh, các chương trình như vậy, dù đông người xem đi nữa thì đó có phải là công chúng thật sự của thơ hay không?

+ Ngày Thơ đang thiếu chất thi ca, là một sự thật. Khi cạn kiệt ý tưởng tôn vinh thơ thì phải mở rộng biên độ sang nhiều yếu tố giải trí khác. Chẳng hạn, Ngày Thơ ở Phú Yên còn có thêm cuộc thi Người Đẹp Nguyên Tiêu. Muốn Ngày Thơ thực sự vì thơ thì phải xác định vai trò chủ đạo của thi ca trong mọi hoạt động, mới mong thu hút công chúng thơ!

- Thơ phải làm thế nào để có thể phù hợp với số đông công chúng?

+ Cách duy nhất là nhà thơ phải tự nâng mình lên, từ hình thức thẩm mỹ đến khả năng giao lưu, chứ đừng ưỡn ẹo như diễn viên thời vụ. Những nhà thơ cảm thấy bản thân không phù hợp với không khí trình diễn, thì mạnh dạn chọn vị trí khán giả.Đừng vì chút danh phận mà chường mặt ra đám đông một cách vụng về. Chúng ta phải sòng phẳng chấp nhận cuộc chơi, có loại thơ quảng trường, có loại thơ phổ nhạc và cũng có loại thơ đọc âm thầm!

- Xin cảm ơn nhà thơ Lê Thiếu Nhơn!

Nhà văn Lê Phương Liên - Phó Trưởng Ban Văn học Thiếu nhi - Hội Nhà văn Việt Nam: Trẻ em hiện nay vẫn yêu thơ

Tuấn Phong (ghi)

Ngày Thơ Việt Nam 2017 là lần đầu tiên Hội Nhà văn dành cho thơ thiếu nhi không gian lớn nhất từ trước tới nay. Không gian thơ thiếu nhi gồm 3 gian giới thiệu các hoạt động văn học nghệ thuật dành cho thiếu nhi trong năm 2016, các tác phẩm văn học thiếu nhi được giải cao, những trò chơi đố vui xếp chữ thành thơ...

Đây không chỉ là sự quan tâm của Hội Nhà văn với thế hệ độc giả nhỏ tuổi mà còn mang đến một điểm nhấn ý nghĩa trong ngày hội thơ. Chúng tôi đã thử nghiệm trò chơi với các em trong "Câu lạc bộ đọc sách cùng con" và thấy các em rất thích thú. Tôi cho rằng, ngày nay, dù các bạn nhỏ bị hấp dẫn bởi khá nhiều trò chơi công nghệ hiện đại, nhưng không vì thế mà thơ nói riêng, văn học nói chung không còn thu hút chúng.

Tuy nhiên, với một thế hệ trẻ em nhanh nhẹn và giỏi công nghệ như hiện nay thì cách thức để thu hút các em đến với văn hóa đọc cũng phải thay đổi cho phù hợp. Hiện tại cũng đang có khá nhiều phương tiện như sách in, sách điện tử, sách nói... với nhiều thể loại khác nhau như truyện chữ, truyện tranh, sách kỹ năng hay sách giải trí.

Chúng ta đều biết hiện nay, e - book (sách điện tử) rất phát triển nhưng sách giấy chưa bao giờ mất đi vị thế quan trọng của nó trong việc truyền dạy tri thức. Mảng văn học thiếu nhi vẫn luôn có độc giả. Đơn cử như mỗi lần nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ra sách mới vẫn có rất đông độc giả đứng xếp hàng mua hay Câu lạc bộ "Đọc sách cùng con" của chị Nguyễn Thụy Anh thu hút được rất đông bạn nhỏ tham gia.

Dưới góc độ nhà văn, tôi thấy dòng văn học thiếu nhi không đứng yên mà vẫn đang chảy với nhịp độ không hề yếu ớt. Dù số lượng tác giả viết chuyên cho thiếu nhi không nhiều nhưng lại rất tâm huyết. Tuy nhiên, xét ở phương diện giáo dục, nếu chúng ta không có chiến lược toàn diện, chú tâm dạy các em cảm thụ văn học từ trên ghế nhà trường thì chúng ta khó có được thế hệ nhà văn tiếp theo.

Nhà thơ Bùi Tuyết Mai: Đừng quá câu nệ vào hình thức

Thảo Duyên (thực hiện)

- Thưa nhà thơ Bùi Tuyết Mai, được biết chị là người chưa bao giờ vắng mặt tại các Ngày Thơ Việt Nam từ năm đầu tiên tổ chức cho đến nay? Theo cảm nhận của chị, trong suốt chặng đường ấy, tình yêu của độc giả với thơ có sự thay đổi không?

+ Tôi có mặt tại Ngày Thơ Việt Nam ngoài tư cách nhà thơ còn với tư cách Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam và nằm trong lực lượng viết văn trẻ của hội nên có tham gia một số đầu việc. Tôi cho rằng Ngày Thơ Việt Nam là một trong những sự kiện tuyệt vời nhất, nơi công chúng có thể gặp gỡ những nhà văn lão thành cũng như các nhà văn trẻ. Đến với Ngày Thơ, bản thân tôi vừa học hỏi được kinh nghiệm của các nhà văn đi trước, vừa lĩnh hội được những đòi hỏi mới, những nhu cầu thưởng thức về thơ mới đương đại.

Tôi cho rằng hiếm có một quốc gia dân tộc nào mà lại yêu thơ như Việt Nam. Bạn cứ nhìn số lượng người ùn ùn đến Văn Miếu hôm nay và nếu bạn là người có mặt tại Văn Miếu trong lần tổ chức đầu tiên như tôi, bạn sẽ cảm nhận được điều này rõ hơn tất cả. Hôm nay ở đây, không có gì ngoài thơ và sách, nhưng số lượng người khá đông, ai cũng ăn mặc lịch sự, đi lại thư thái, tức là họ đã chuẩn bị một tâm thế đẹp đẽ nhất để đến với thơ. Đó cũng là cách để họ tìm về bản nguyên, bồi đắp cho tâm hồn của chính mình. Điểm đến của Ngày Thơ Việt Nam hàng năm và mãi mãi sau này luôn là dấu ấn của một nền văn hóa bền vững, chắc chắn và là căn cốt của người Việt Nam.

- Nhiều người cho rằng, thơ cần phải cách tân, thay đổi cả ở nội dung, hình thức lẫn phương tiện biểu đạt để đến gần với độc giả thế hệ mới hơn...Ý kiến của chị về vấn đề này như thế nào?

+ Tôi quan niệm đã là một nhà thơ thì cứ hình thức nào biểu đạt được nội dung tốt nhất thì chọn và theo đuổi. Người viết nên có một tâm thế nhất định, không nên gượng ép. Đơn cử như bạn thấy "mốt" bây giờ là thơ tự do, nhưng bạn làm thơ tự do chưa hay, không phù hợp với ý tưởng thì đừng cố. Sau đó thơ hay còn bởi nhận thức, vốn văn hóa và tầm cỡ của người làm thơ. Mà thời gian vốn là một vị giám khảo công minh nhất, có thể khẳng định đâu là giá trị thực sự. Có người làm cả trăm bài thơ nhưng không đọng lại bài nào. Như thế, không có thơ trong lòng độc giả tức là không có gì.Chúng ta không quá câu nệ vào hình thức.Cái gì còn lại sẽ là giá trị.

Gần đây có những thử nghiệm táo bạo trong trình diễn thơ, tôi cho rằng chúng ta làm những cái cần thiết nhưng phải quan tâm đến cái lắng lại lâu dài.Tôi không khắt khe về hình thức ấy lắm và tôi vẫn trông đợi rằng nó sẽ có chiều sâu hơn.Có những thử nghiệm thành công nhưng cũng có những thử nghiệm trôi đi cùng năm tháng.Nhưng những cái đấy tự công chúng sẽ bảo cho chúng ta biết.Các nhà thơ không phải thử nghiệm làm gì.

Các nhà thơ cứ sáng tạo, cống hiến hết mình đi rồi công chúng sẽ thì thầm thứ họ cần, thứ họ thích với anh. Thơ nào bồi đắp được tâm hồn thì sẽ là món ăn ngon nhất. Bạn cũng không phải hoang mang khi giới trẻ thích hình thức này hay hình thức kia. Các nhà văn đồng thời là các nhà văn hóa, bên cạnh nhiệm vụ sáng tạo, các anh cũng phải định hướng, dẫn dắt, chủ động được điểm đến cho công chúng.

- Chị là một nhà thơ của dân tộc Mường, nghĩ và nói về thơ với tinh thần rất lạc quan. Vì đâu chị có được tâm thế lạc quan ấy?

+ Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình trí thức Mường. Tôi thấy thơ ngày xưa, ngày nay đều hay. Không quan niệm thơ theo hình thức nào. Tôi thường làm thơ về vẻ đẹp của dân tộc Mường nên mọi người hay gọi tôi là Mai "Mường" để phân biệt với các Mai khác. Tôi rất tự tin khi thấy dân tộc Mường cũng như các dân tộc thiểu số khác đều có những tinh hoa văn hóa.Tùy tài năng của mỗi người mà giới thiệu cho cộng đồng trong nước cũng như quốc tế những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình và đó là cách bảo tồn tốt nhất hiện nay.

Tôi thấy dân ca Mường rất hay nên tôi muốn đưa nó đi xa hơn nhưng không rời gốc. Làm thơ cũng như say mê một lĩnh vực nào đó, bạn phải luôn quan tâm và vun trồng để nó trở thành cây cổ thụ. Cần mẫn, chăm chỉ nhưng không có gì phải vội vàng cả.

- Cảm ơn nhà thơ! 

PV
.
.