Vaccine cho văn hóa

Thứ Sáu, 25/12/2020, 11:07
khi khoa học nhân văn được chú ý hơn thì văn hóa ứng xử - như là một biểu hiện của thực hành văn hóa - lại đang khiến tất cả chúng ta sa lầy trong việc tìm ra nguyên nhân và giải pháp. Một bộ phận người có học thức, có địa vị lại đã và đang có những ứng xử kém văn hóa đến mức khó có thể chấp nhận được.


Ở vào thập niên cuối của thế kỉ trước, thuật ngữ "khoa học nhân văn" bắt đầu xuất hiện nhiều và được chú ý mặc dù bấy lâu nay chúng ta vẫn ngầm hiểu: y học nghiên cứu và chăm sóc phần thân thể, trong khi văn chương và các ngành xã hội khác chăm lo đến tinh thần, tâm hồn của chúng ta. 

Nhưng có lẽ, khi khoa học nhân văn được chú ý hơn thì văn hóa ứng xử - như là một biểu hiện của thực hành văn hóa - lại đang khiến tất cả chúng ta sa lầy trong việc tìm ra nguyên nhân và giải pháp. Một bộ phận người có học thức, có địa vị lại đã và đang có những ứng xử kém văn hóa đến mức khó có thể chấp nhận được.

Bức ảnh gây nhiều ý kiến trái chiều. Nguồn ảnh Báo Tiền Phong.

Khi phát minh ra vaccine, người ta hy vọng nó sẽ trở thành vũ khí vĩ đại để chống lại các bệnh truyền nhiễm có khả năng đe dọa tính mạng con người. Các loại vaccine giúp chúng ta thích nghi, miễn nhiễm với những bệnh dịch truyền nhiễm. Nhờ nó mà tỉ lệ tử vong đã giảm bớt, tính mạng con người được bảo vệ, sức sống của chúng ta được nâng cao. 

Thế nhưng, ở phương diện tinh thần, trừu tượng, lại có không ít các loại "virus" về văn hóa xâm nhập vào mỗi chúng ta mà rất ít có sự đề phòng cảnh giác. Nếu trước kia chỉ có bầy đàn tụm năm, tụm ba thì giờ đây nó trở thành xu thế bởi chúng ta đã mất khả năng đề kháng trước những bất cập ấy? Ở Việt Nam, sự xuất hiện của mạng xã hội chưa lâu nhưng đã có sự chuyển động đáng kể. 

Mạng xã hội Facebook không chỉ là diễn đàn, là cuộc họp, là cuộc thăm dò tín nhiệm, mà dường như đã ngầm trở thành khuôn vàng, thước ngọc. Ban đầu, người ta chỉ tìm cách công bố những hình ảnh của mình rồi săn những "góc chết" trong cuộc sống người khác bằng những dụng ý "dìm hàng" khác nhau. Nhưng giờ đây, những hình ảnh trên mạng xã hội Facebook được lan truyền đã bước sang một giai đoạn mới: tạo ra dư luận xã hội và từng bước xác lập một chuẩn mực mạng xã hội theo một cách riêng.

Công bằng mà nói, nếu không có xu hướng này, chúng ta cũng đâu biết được những gì đang diễn ra ở khắp các vùng miền trên cả nước với khả năng phê phán, phản biện xã hội mạnh mẽ mà thông tin đại chúng cũng chưa đạt tới. Những công trình bê tông cốt tre, những cánh rừng bị "xẻ thịt", các vụ đánh ghen man rợ … 

Cũng nhờ kênh truyền thông "dân gian" này, những hình ảnh đẹp trong cuộc sống được lan tỏa như một hiệu ứng tích cực. Cảnh đồng bào miền núi với những khó khăn, thiếu thốn đã thôi thúc những tấm lòng nhân ái thực hiện các chuyến thiện nguyện; một diễn viên Quyền Linh, một "hiệp sĩ" dép tổ ong Đoàn Ngọc Hải, một ca sĩ Thủy Tiên vượt mưa lũ đến với đồng bào miền Trung… bình dị, đời thường và đáng quý biết chừng nào.

Người Việt Nam có câu "trăm hay không bằng một thấy", hình ảnh được công khai chính là minh chứng hùng hồn nhất, thuyết phục nhất và khách quan nhất. Các chủ nick cũng ngày một "ý tứ" khi chỉ "thuật nhi bất tác" đưa ảnh lên và chẳng cần phải nói hay "chẳng biết nói gì" để người xem tự phán xét. Người đăng ảnh dần dần trở nên có uy tín trong tầm phổ của mình, từ uy tín đó, ngầm có một sự tôn sùng ở những phán xét của họ.

Gần đây, sau sự kiện "hoa hậu về quê", cư dân mạng tiếp tục "bắt chết" cô gái xứ Thanh với hình ảnh cô đang ngồi nghiêm trang trên chiếc ghế được cho là chủ tọa. Trong khi, thày hiệu trưởng đang đứng chắp tay phát biểu có phần khiêm nhường, kính cẩn. 

Sau sự ra đi đột ngột của nghệ sĩ Chí Tài, dư luận lại thêm một lần bức xúc với những hành động "câu like" vô cảm. Hay, gần đây nhất là khi một vị quan tòa đang trò chuyện với bị cáo sau một phiên xử án. Nhiều người đã bình luận về tấm biển bị cáo phía sau lưng ông với lời lẽ đại loại như: "bạn bè" hoặc sẽ đổi chỗ cho nhau…

Tất cả đều rất ổn, khách quan, minh bạch cho thấy khả năng giám sát của mạng xã hội rất lớn. Nhưng, ở chính điểm xuất phát, căn cứ của mọi lập luận ấy lại xuất hiện những bất ổn. Hẳn sẽ rất ít người tham gia mạng xã hội thử một lần đặt dấu hỏi về nguồn gốc những bức hình đó. Ảnh không được kiểm duyệt, kiểm chứng luôn ẩn chứa sai sót bất ngờ. Tất cả đã được làm rõ trên báo chí. Người viết chỉ xin nhắc lại một vài ví dụ. 

Một cậu bé ra đồng bị ngã xuống bùn ở Thái Lan bỗng chốc mang "sứ mệnh" cho thân phận em bé miền Trung trong mưa bão, hay bức ảnh đại biểu Việt Nam ngủ gật tại Đại hội đồng Liên hợp quốc… (nhưng thực tế là ông ấy đang ngủ trong giờ giải lao, nhưng bức ảnh bị cắt cúp với dụng ý xấu). 

Bạn chia sẻ bức ảnh này từ ai? Ai là người đưa ra bức ảnh này đầu tiên? Hẳn những chủ nick kia đều chỉ có thể trả lời câu hỏi này theo kiểu "nghe nói có ma" lâu nay vẫn tồn tại trong đời sống. Hóa ra, khi công nghệ thông tin bùng nổ, vốn tri thức về đời sống, xã hội, văn hóa của mỗi người được nâng cao thì chúng ta lại quên mất điều cơ bản nhất đó là sự thật. 

Hay nói cách khác, đám đông, xu thế, hiệu ứng… đã làm mất đi khả năng đối kháng lại những loại "virus" tin đồn trong văn hóa ứng xử như thế. Vì thế chúng ta không bất ngờ gì khi ngay cả một người có tuổi bỗng trở nên bồng bột, nhẹ dạ khi lên mạng xã hội để bình luận và chia sẻ về trang của mình những hình ảnh bị cúp, không có nguồn gốc. 

Tác giả Thành Nam  trên Báo Nhân dân từng nhấn mạnh: "Nghị định số 15/2020/NÐ-CP có hiệu lực, đồng nghĩa với việc mỗi cá nhân tham gia mạng xã hội phải tự nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân. Trước các tin tức được đăng tải hoặc chia sẻ, mỗi người cần phải thận trọng, tỉnh táo, bởi nếu đăng các thông tin không đúng sự thật có thể sẽ gây hại cho cộng đồng và cá nhân vi phạm còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".

Bức ảnh cậu bé ngã lăn xuống vũng bùn ở Thái Lan khiến nhiều người nhầm tưởng tại miền Trung của Việt Nam -Nguồn ảnh Báo Người đưa tin

Có những loại "virus" văn hóa đến cả từ quan niệm bấy lâu tưởng như một triết lý sống của nhiều người. Chẳng hạn, không ít người thuộc các ca khúc, thích các bộ phim, thậm chí cả những bài thơ hay được chép tay, lưu truyền qua các thế hệ học sinh, sinh viên, người yêu văn chương… 

Thế nhưng, khi nhắc đến các tổ chức như Hội Nhà văn, Hội Nhạc sĩ, lập tức họ đã có sẵn một tư tưởng phản biện kiểu "hội tào lao ấy mà", "văn nghệ sĩ thì đầu tư làm gì, uổng phí tiền của"… Đó quả thật là một thái độ vô ơn với chính những sản phẩm nghệ thuật. Sáng tạo nghệ thuật trước hết cũng là lao động, anh không thể vừa sử dụng thành quả người khác, vừa phỉ báng họ như một sự bóc lột không công.

Mạng xã hội tiềm ẩn những thông tin thất thiệt - Nguồn Thuvienphapluat.vn

Từ những bất cập ấy, chúng ta nhận ra trong nhịp sống nhanh, gấp của thời đại công nghệ này cũng cần những suy ngẫm để lắng lại như một sự cảnh tỉnh cho chính bản thân mình.

1. Hãy sống có trách nhiệm với từng con người, thận trọng khi bình giá về họ bởi biết đâu ngay mai bạn sẽ trở thành một nạn nhân như họ. Những chiếc bẫy "dư luận" đang rình rập bạn. Không có ai vĩnh viễn là người thực thi "công lý" của mạng xã hội hay nạn nhân mà đến tus nào biết tus ấy. Một trò vô tình đến ác ý.

2. Bạn vào mạng xã hội, bạn đăng ảnh, viết status hay bình luận để làm gì? Hãy duy trì câu hỏi đó thường xuyên như một sự cảnh báo, một liều vaccine hữu hiệu cho chính bản thân mình. Điều gì hiểu và cần thiết bạn nên tìm hiểu, những gì không tường tận, không trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống hãy gác lại. Làm được như thế, cũng như bạn đã bỏ rác thải vào thùng, tránh cho xã hội một nguy cơ ô nhiễm thông tin.

3. Mạng xã hội là một nhu cầu thiết yếu. Việc tạo dựng một quan điểm nhìn nhận, đánh giá, hình thành những chuẩn mực của nó cũng là điều hiển nhiên phải hình thành. Chúng ta có những quy định, chế tài về thông tin nhưng thiết nghĩ, cũng có những quy ước chung đòi hỏi sự thành ý, trung thực và lương tâm của mỗi người. Đừng quên, trang cá nhân, mọi ý kiến trên mạng xã hội cũng là diện mạo, nhân cách của bạn. 

Nếu trước đây, chúng ta thường nhắc đến câu ngạn ngữ Anh: "Hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ chỉ cho anh biết, anh là người như thế nào" thì có lẽ giờ đây cần một phiên bản khác: Hãy cho tôi đọc trang cá nhân của  anh, "tôi sẽ chỉ cho anh biết, anh là người như thế nào". Thiết nghĩ, chúng ta hãy tự tạo ra một thứ vaccine trong văn hóa ứng xử cho bản thân mình.

Lương Việt
.
.