Khi di sản văn hóa truyền thống bị xâm phạm

Thứ Năm, 12/11/2020, 11:34
Mất văn hóa là mất nước, điều này những người bình thường nhất cũng biết. Cho nên, văn hóa của mình mà mình không tự giữ lấy thì chẳng ai giữ hộ cho mình được đâu!

Ngày 25-10-2020, trên Instagram cá nhân, cô gái có tên Trần Mạn, nhiếp ảnh gia người Trung Quốc đăng tải dòng trạng thái với nội dung: “Mặc sản phẩm do chính tôi thiết kế trong lần hợp tác gần nhất với @shangsia”. Kèm theo bài đăng là những bức hình Trần Mạn mặc một bộ váy áo dài tay. 

Ngay lập tức, cộng đồng mạng Việt Nam đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ, bởi những trang phục trong ảnh được cho là y hệt áo dài Việt Nam. Nhiều người cho rằng trang phục mà Trần Mạn tự nhận là của mình thực chất chỉ là áo dài Việt Nam cách tân.

Đây không phải lần đầu các di sản văn hóa truyền thống của chúng ta bị xâm phạm, bị chiếm dụng. Chắc hẳn chúng ta còn nhớ, bộ phim cổ trang “Thịnh Đường huyễn dạ” do Trung Quốc sản xuất năm 2018 đã bị khán giả Việt tố ăn cắp “Nhã nhạc cung đình Huế” vào một phân cảnh. Phim được chiếu trên sóng VTV8 và được nhiều đơn vị khác mua bản quyền phát sóng. 

Giới chuyên môn nhận định, bản nhạc được dùng trong phim là “Lưu thủy - Kim tiền”, bản hòa tấu quen thuộc của người Việt trong các sinh hoạt, nghi lễ mang tính cộng đồng hay lễ hội truyền thống ở khắp đất nước chúng ta từ hàng trăm năm qua.

Nhiếp ảnh gia Trần Mạn (Trung Quốc) bị cộng đồng lên án dữ dội vì tự nhận trang phục cô đang mặc là chiếc áo dài do cô tự thiết kế.

Tại Tuần lễ thời trang Trung Quốc Xuân - Hè 2019, hình ảnh bộ thiết kế thời trang của Ne-Tiger gọi những chiếc áo dài và nón lá của Việt Nam là “phong cách Trung Quốc”. Thậm chí, phía nhãn hàng còn cung cấp tài liệu chứng minh từ phom dáng, sắc màu và hoạ tiết trong trang phục Trung Quốc giống đến 99% thiết kế Việt Nam.

Đầu tháng 6-2020, liên quan đến cảnh quay ở phố cổ Hội An xuất hiện trong một tập phim (thuộc series Madam Secretaty) được chiếu trên Netflix nhưng lại được chú thích là Fuling, China (Phù Lăng, Trung Quốc). Trong khi Hội An không chỉ vinh dự được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, mà còn nhiều lần được các tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới vinh danh.

Trong thời đại truyền thông bùng nổ như hiện nay, giúp các nền văn hóa dễ dàng giao lưu, tạo động lực bảo tồn và phát triển. Thế nhưng, chúng ta cũng đang phải đối diện với những nguy cơ nhiều sản phẩm văn hóa truyền thống bị mất chủ quyền. Chính những tính năng xoá tan ranh giới địa lý của những ứng dụng công nghệ sẽ khiến nguy cơ “mất quốc tịch” của những di sản văn hoá của chúng ta trở thành một nỗi lo, khi mà công chúng nước ngoài mặc nhiên cho rằng những gì họ đang được xem, thưởng thức là văn hoá nước khác chứ không phải của Việt Nam.

Trên thực tế, đã có không ít dân tộc bị mất dần các giá trị văn hóa ngay trên chính Tổ quốc mình và đã có nhiều trường hợp những đặc sản văn hoá của quốc gia, dân tộc lại được nhiều người biết tới và nổi tiếng ở nước ngoài chứ không phải được biết đến từ nơi nó được sinh ra. Điều này cho thấy, chỉ có dân tộc nào xây dựng được nội lực văn hóa mạnh mẽ mới vượt qua sự bức tử văn hóa từ bên ngoài.

Qua việc các di sản văn hoá của chúng ta bị “nhận vơ”, bị “đánh cắp”, dù rằng có di sản đã được UNESCO công nhận, đặt ra vấn đề đối với các cơ quan quản lý văn hoá về truyền thông di sản, đặt ra bài học về việc gìn giữ, bảo vệ và xây dựng thương hiệu cho áo dài, ẩm thực, cho các di sản thiên nhiên, kiến trúc Việt Nam… nói riêng và các thương hiệu văn hóa Việt Nam nói chung, để từ đó không chỉ giúp các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật của chúng ta tạo ra những giá trị tinh thần mà mang lại những giá trị kinh tế lớn cho đất nước, mà còn khẳng định giá trị văn hóa Việt Nam trên thế giới và tránh được tình trạng đánh cắp bản quyền.

Sự việc lần này cảnh tỉnh người Việt Nam cần có ý thức, hành động tích cực để khẳng định chủ quyền văn hóa. Kinh nghiệm từ các quốc gia thành công trong việc quảng bá văn hóa ra thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản và ngay cả Trung Quốc… cho thấy, đầu tư cho quảng bá văn hóa nội địa ra nước ngoài chính là tăng cường tiềm lực, “sức mạnh mềm” cho quốc gia.

Việt Nam có một nền văn hóa lâu đời và đậm đà bản sắc, tuy nhiên, chúng ta cần phải xây dựng những “mã” định danh cho các sản phẩm văn hóa, đồng thời phải quảng bá mạnh mẽ ra bạn bè quốc tế, để thế giới chỉ cần nhìn vào mã đó là có thể biết ngay đây là sản phẩm của Việt Nam. Khi đó, sức mạnh của văn hóa Việt được lan tỏa, sẽ không còn chuyện âm nhạc, trang phục, món ăn, danh lam thắng cảnh… của chúng ta bị lẫn, “nhận vơ” thành của nước khác. Song song với đó thì cần tích cực đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về văn hoá để mỗi người dân, mỗi cơ quan, đặc biệt là cơ quan quản lý văn hoá có thái độ kiên quyết khi chủ quyền văn hoá của mình bị đánh cắp, bị xâm lăng.

Việt Nam đứng trước yêu cầu hội nhập sâu rộng với quốc tế, chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, có thể nói đòi hỏi về gìn giữ, bảo vệ và chấn hưng văn hóa bức xúc không kém các đòi hỏi về cải cách kinh tế và hệ thống chính trị quốc gia… Mất văn hóa là mất nước, điều này những người bình thường nhất cũng biết. Cho nên, văn hóa của mình mà mình không tự giữ lấy thì chẳng ai giữ hộ cho mình được đâu!

Cù Tất Dũng
.
.