Tránh tình trạng lệ thuộc văn hóa

Thứ Ba, 22/01/2019, 11:20
Bước vào năm Hợi, một năm mới, có lẽ cũng đã đến lúc cần phải tạo động lực để các sáng tạo trong giải trí của người Việt được phát huy hơn nữa. Từ những trường hợp tiêu biểu của Sơn Tùng, Châu Đăng Khoa, Mỹ Tâm, có lẽ các cơ quan quản lý văn hoá, nhất là điện ảnh cũng nên đưa ra quy chế về hạn ngạch sản xuất phim có kịch bản chuyển thể từ kịch bản gốc của nước ngoài. 


Chuyện ngành công nghiệp giải trí Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề của những yếu tố ngoại lai đã không còn quá lạ lẫm suốt bao năm qua. Sau một thời kỳ bị “Hong Kong hoá” với cách đặt nghệ danh, xây dựng hình tượng, sáng tác ca khúc, làm phim… theo đúng “tiêu chuẩn TVB”, giải trí Việt Nam tiếp nối bằng những năm tháng thực hành “copycat” (bắt chước) hình mẫu Hàn Quốc.

Và có thể nói, làn sóng ảnh hưởng Hàn Quốc còn mạnh mẽ hơn làn sóng “tiêu chuẩn TVB” ngày xưa. Nó đã trở thành một dấu hiệu đáng ngại cho sự lệ thuộc văn hoá được khoác cái áo ngụy biện bên ngoài là “giải trí thế giới không có đường biên”.

Nhưng bắt đầu khoảng 1 năm trở lại đây, xu hướng khẳng định vị thế Việt của những nghệ sỹ trẻ đã bắt đầu rõ rệt hơn. Điển hình là Sơn Tùng M - TP, một nhân vật giải trí trẻ tuổi đình đám vốn dĩ bị mang tiếng là “copycat” của G-Dragon.

Từ chỗ bị coi là bản sao đa màu sắc của K-pop, Sơn Tùng M-TP đã chứng minh rằng anh sẽ có sức ảnh hưởng không thua kém các ngôi sao Hàn Quốc. Và việc Sơn Tùng M-TP sang Mỹ để hợp tác với ca sỹ, rapper hàng đầu trên thế giới là Snoop Dogg đã cho thấy đúng nghĩa là V-pop đương đại “không phải dạng vừa đâu”. Hợp tác với một người tầm cỡ như Snoop Dogg là điều mà chưa một ngôi sao đình đám nào ở Hàn Quốc có cơ hội.

Tầm cỡ của Snoop Dogg chấp nhận để mắt xanh đến Sơn Tùng M-TP, thậm chí còn đăng tải video giới thiệu Sơn Tùng M-TP trên tài khoản mạng xã hội của mình cho thấy Snoop đánh giá Sơn Tùng cao như thế nào.

Có thể nói, cùng với việc các video của Sơn Tùng M-TP cạnh tranh sòng phẳng về lượt xem với các ngôi sao hàng đầu Hàn Quốc, cú hợp tác này của Sơn Tùng đã cho thấy anh đang dẫn điểm các đồng nghiệp Đông Á của mình bằng một bàn thắng ngoạn mục.

Một ví dụ thứ hai cũng cần phải nói tới là nam ca sỹ, nhạc sỹ trẻ Châu Đăng Khoa. Chàng trai đến từ Đắk Lắk đã chính thức ký hợp đồng để trở thành một nhà sản xuất âm nhạc cho một tập đoàn giải trí của Hàn Quốc và tham gia sáng tác ca khúc cho chính các ngôi sao Hàn Quốc sử dụng.

Đây thực sự là một ca thú vị. Nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc được coi là tiên phong cho thương mại của xứ sở kim chi và trong quá trình xâm thực các nền văn hoá đại chúng nhỏ hơn khác, trong đó có Việt Nam. Và trong quá trình ấy của họ, không ngờ rằng một ngày họ lại phải đón nhận lại những sản phẩm của chính những người trẻ Việt Nam để sử dụng ở thị trường của mình.

Nhưng hai ví dụ lạc quan kể trên cũng chưa đủ để khuất lấp hết một mối quan ngại khác. Đó chính là điện ảnh. Có thể nói, tình cảnh của điện ảnh Việt Nam hiện nay đang đúng như cái tên của một tác phẩm kinh điển là “Hồn Trương Ba da hàng thịt”.

Việc có quá nhiều bộ phim được Việt hoá kịch bản gốc từ phim Hàn Quốc thực sự là điều khiến những người làm điện ảnh, biên kịch ở Việt Nam cảm thấy bị tổn thương. Ví dụ gần nhất là ở cuối năm Tuất vừa rồi, phim “Hồn papa da con gái” ra rạp và nhận được nhiều đánh giá tích cực, cho rằng phim sẽ thắng lớn.

Nếu thắng lớn, thực sự đó là điều đáng mừng đối với nhà sản xuất ở khía cạnh kinh doanh. Song, cái "thắng lớn" đó cũng không làm vơi được nỗi buồn quanh câu hỏi “Chẳng lẽ người Việt kém cỏi đến mức không có được một kịch bản hay đủ để làm phim ăn khách hay sao?”.

Trớ trêu hơn nữa, ở đúng giai đoạn “Hồn papa da con gái” ra rạp, trên truyền hình K + chiếu luôn bản Hàn Quốc của kịch bản phim này. Nó như một sự giới thiệu đầy tự ti rằng “Đây, bản gốc đây và các bạn ra rạp sẽ được xem bản phái sinh, chắc chắn cũng không kém đâu”.

Bước vào năm Hợi, một năm mới, có lẽ cũng đã đến lúc cần phải tạo động lực để các sáng tạo trong giải trí của người Việt được phát huy hơn nữa. Từ những trường hợp tiêu biểu của Sơn Tùng, Châu Đăng Khoa, Mỹ Tâm, có lẽ các cơ quan quản lý văn hoá, nhất là điện ảnh cũng nên đưa ra quy chế về hạn ngạch sản xuất phim có kịch bản chuyển thể từ kịch bản gốc của nước ngoài.

Tốt nhất, nếu một nhà sản xuất muốn làm 1 phim kịch bản chuyển thể từ nước ngoài thì phải làm 1-2 phim kịch bản thuần Việt trong cùng năm. Từ đó chúng ta mới tránh được tình trạng lệ thuộc văn hoá đại chúng như những năm đã qua.
Hà Quang Minh - Xuân 2019
.
.