Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời

Thứ Bảy, 04/04/2020, 08:07
"Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi!" - Lời hát quặn lòng con cháu Tiên Rồng, nhất là khi xa xứ, và góp phần tôn vinh vẻ đẹp tiếng mẹ sinh thành...


Như mọi ngôn ngữ khác, tiếng Việt vận động và phát triển không ngừng. Khi tiếng Việt được chọn làm ngoại ngữ cũng là cơ hội để đưa văn học ra nước ngoài. Và cơ hội ấy không chỉ đối với văn học mà là toàn bộ lịch sử đời sống văn hoá tinh thần lẫn vật chất, để bạn bè hiểu sâu rộng hơn dân tộc, đất nước Việt Nam...

Tiếng Việt hay, đẹp và buồn

Trong bản "Tình ca", nhạc sĩ Phạm Duy đã có những dòng đầy xúc động tự hào về tiếng mẹ sinh thành:

"Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi!
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi, tiếng ru muôn đời.

Tiếng nước tôi, bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi
Tiếng nước tôi, tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi".

Liên quan đến "tiếng nước tôi", cũng vào thời điểm này, từ lóng "toang" xuất hiện khắp thế giới mạng liên quan tới đại dịch COVID-19. Được biết, chữ "toang" vốn gắn liền với câu thoại gây sốt trên mạng "Toang rồi ông giáo ạ!" của nhóm 1977 Vlog trong một clip. Một câu thoại ngộ nghĩnh nhại lời Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao: "Con Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ!".

Những hiện tượng ngôn ngữ vận động trên thế giới ảo không phải bao giờ cũng tốt cho tiếng mẹ đẻ. Từ lâu, dù một số chuyên gia ngôn ngữ đã cảnh báo nhưng mãi gần đây, xã hội mới thực sự cảm thấy lo lắng cho tiếng Việt. Đó là việc dùng từ sai, diễn đạt thiếu chính xác, tạo ra một số từ ngữ dư thừa, sính dùng từ Hán Việt hoặc những từ nguyên của nước ngoài mà phổ biến là tiếng Anh để chen vào tiếng Việt,… Đáng lưu ý là trong môi trường giáo dục.

Như có bạn học sinh viết: "Thông báo: Pa pa (thầy giáo chủ nhiệm) hôm nay sick (ốm). Sau tiết 5, cả lớp đi thăm. Mỗi người nộp 10k (10 ngàn)", hoặc tâm tình: "Hom ni pùn quá! Hok bit làm zì (Hôm nay buồn quá! Không biết làm gì)".

Nhạc sĩ Phạm Duy và ca sĩ Thái Thanh góp phần tôn vinh vẻ đẹp tiếng Việt bằng tài năng âm nhạc thiên phú của mình. Ảnh: TL.

Chẳng những trong sinh hoạt đời thường mà cách diễn đạt sai về tiếng Việt còn thể hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là các biên tập viên, phát thanh viên truyền hình hằng ngày đang bị dư luận phê phán. Nhà báo Như Hạnh còn chỉ ra việc lạm dụng tiếng Anh trong một ấn phẩm dành cho lứa tuổi học trò có tới "12 tiêu đề bài viết dùng chữ teen như: "Chuyện phiêu lưu của các "Kịch gia teen""; "Teen Hà Nội sắp phải đi học sớm"; "Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quên mất teen trong bài phát biểu"; "Bảo tàng ơi, hãy "teen hóa""; "Những bà mẹ tuổi teen"…

Khi tiếng Việt được chọn làm… ngoại ngữ

Giữa sự lo lắng đáng buồn ấy thì tin vui lại đến khi gần đây, tiếng Việt trở thành 1 trong 5 ngoại ngữ bắt buộc ở Australia để học sinh các cấp phổ thông chọn học. Chính phủ Australia còn sẵn sàng hỗ trợ kinh phí, khuyến khích việc dạy và học tiếng Việt trong nhà trường, cũng như thành lập các trung tâm Việt ngữ. Người gốc Việt ở Australia ngày càng đông, các công ty ở nước này làm ăn với Việt Nam ngày càng nhiều, mối bang giao giữa hai quốc gia ngày càng rộng mở, khăng khít.

Trước đó, tại Hàn Quốc, ngoài tiếng Anh là môn ngoại ngữ thứ nhất, bắt đầu từ kỳ thi tuyển sinh đại học 2013, Bộ Giáo dục quốc gia này cũng đã đưa môn tiếng Việt vào danh sách các ngoại ngữ thứ hai để học sinh có thể chọn học, cùng với các thứ tiếng: Trung, Nga, Nhật, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ả Rập. Bài thi tiếng Việt gồm 30 câu hỏi trắc nghiệm trong 40 phút: kiểm tra ngữ pháp, từ vựng, cách dùng từ trong tiếng Việt.

Hiện nay, nhiều trường đại học ở Hàn Quốc đã có khoa tiếng Việt. Ở bậc phổ thông, Trường THPT Ngoại ngữ Chungnam thuộc thành phố Cheonan gần Thủ đô Seoul tiên phong mở bộ môn tiếng Việt từ năm 2015. Những sinh viên biết tiếng Việt sau khi tốt nghiệp đại học dễ dàng kiếm việc làm trong nhiều công ty kinh doanh của Hàn Quốc có đầu tư ở Việt Nam. Tiếng Việt phổ biến giúp cho người gốc Việt các thế hệ ở Hàn Quốc không chỉ giữ được tiếng mẹ đẻ mà còn giao tiếp thuận lợi với người bản xứ, nhất là những người có trình độ văn hoá thấp.

Trên đây là những tin tốt lành mang lại hy vọng tiếng Việt sẽ có cơ hội nhanh chóng được tiếp nhận gần gũi với bạn bè năm châu, mở rộng phổ biến thêm ở nhiều nước trên thế giới. Bởi ngôn ngữ là nền tảng quan trọng của văn hoá. Tiếp nhận ngôn ngữ là con đường nhanh nhất, ngắn nhất để tiếp cận và tiếp nhận nền văn hoá của một dân tộc hay một quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ ngoại giao, đầu tư, kinh doanh…

Ngoài Hàn Quốc và Australia, từ lâu tiếng Việt đã được sử dụng và ngày càng phổ biến ở nhiều nước, nhất là tại những nước có cộng đồng đông đảo người Việt sinh sống, học tập, làm việc như Lào, Campuchia, Thái Lan, Pháp, Nga, Ukaine, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ba Lan, Czech… và lãnh thổ Đài Loan. Nhờ đó giúp cho người Việt các thế hệ sau sinh ra ở nước ngoài nói được tiếng Việt, giữ được nguồn gốc văn hoá tổ tiên. Đồng thời, bà con Việt kiều qua ngôn ngữ mẹ đẻ cũng đã làm cầu nối bang giao, góp phần giúp Việt Nam năng động hội nhập mạnh mẽ, sâu rộng hơn với thế giới về mọi mặt.

Tuy nhiên, làm sao dạy và học tiếng Việt như một ngoại ngữ cho hiệu quả, điều này không chỉ là nỗ lực của những người liên quan ở các nước có nhu cầu sử dụng tiếng Việt, mà còn cần có sự quan tâm hỗ trợ từ các cơ quan chức năng và các chuyên gia ngôn ngữ của Việt Nam.

Nỗi trăn trở ấy cũng đã được các đại diện kiều bào nêu lên với Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc gặp mặt giao lưu. Các kiều bào mong Nhà nước ta tạo điều kiện cho việc biên soạn giáo trình, tổ chức các lớp đào tạo tập huấn cho giáo viên, kết nối tiếp nhận các đoàn học sinh, sinh viên học tiếng Việt về nước giao lưu học hỏi…

Tiếng Việt là một ngôn ngữ vốn bị người nước ngoài kêu là khó học. Ngay cả nhiều học sinh, sinh viên trong nước cũng yếu kém tiếng Việt, mà nguyên nhân chủ yếu là do quan điểm và phương pháp giảng dạy lạc hậu, xa rời bản chất của tiếng Việt. Điều này từ lâu nhà ngôn ngữ học hàng đầu thế giới Cao Xuân Hạo đã cảnh báo và ông cũng đã dày công nghiên cứu, đưa ra quan điểm, phương pháp mới gần gũi với tiếng Việt, người Việt, văn hoá Việt được giới ngôn ngữ đánh giá cao nhưng không phải ai cũng tiếp nhận.

Sinh thời, trong một lần trò chuyện với chúng tôi, thầy Cao Xuân Hạo tâm sự rằng ông thực sự đau lòng khi thấy sinh viên ngày càng yếu kém tiếng mẹ đẻ. Ở trong nhà trường người ta đang dạy ngữ pháp tiếng Pháp với ví dụ Việt, chứ không phải tiếng Việt. Nếu cứ dạy như thế thì chỉ làm thầy và trò ngày càng ghét tiếng Việt. Tiếng Việt tinh tế lắm, đừng làm hỏng nó. Những người có trách nhiệm cao về quản lý giáo dục cũng thấy rõ vấn đề đó nhưng thay đổi thì lại sợ bị xáo trộn.

Hàng chục năm nay, mặc dù Bộ Giáo dục - Đào tạo tiến hành nhiều đổi mới về phương pháp dạy và học ngữ pháp tiếng Việt, nhưng theo các chuyên gia ngôn ngữ thì vẫn chưa toàn diện để trả lại đúng vẻ đẹp tinh tế của nó. Ở chừng mực nào đó, ngữ pháp tiếng Việt vẫn còn "sợ hơn bão táp" như bậc thầy Cao Xuân Hạo từng nói, gây cho người học nhiều khó khăn, mà cụ thể là còn không ít học sinh, sinh viên vẫn kém tiếng mẹ đẻ, gây nên việc diễn đạt sai lệch, làm hỏng tiếng Việt như chúng ta đang chứng kiến hằng ngày.

Trước đây Bộ Giáo dục - Đào tạo đã từng có Đề án 281 dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, xây dựng được 2 bộ sách là "Tiếng Việt vui" và "Quê Việt" dành cho cộng đồng Việt kiều. Tuy nhiên, để đẩy mạnh việc đưa tiếng Việt ra thế giới, mà trước mắt là tại các nước xem tiếng Việt là ngoại ngữ chính thức như Hàn Quốc và Australia, điều tiên quyết vẫn là phương pháp đúng đắn dạy và học tiếng Việt từ trong nước, kết hợp với nghiên cứu đặc điểm bản sắc văn hoá của từng nước có nhu cầu, nhằm đưa ra đề án giáo khoa tối ưu nhất.

Một nhà văn vui mừng nói với tôi rằng, tiếng Việt được chọn làm ngoại ngữ cũng là cơ hội để đưa văn học ra nước ngoài. Điều ấy hoàn toàn đúng. Cơ hội ấy không chỉ đối với văn học mà là toàn bộ lịch sử đời sống văn hoá tinh thần lẫn vật chất, để bạn bè hiểu sâu rộng hơn dân tộc, đất nước Việt Nam. Vấn đề là chúng ta nắm bắt và thực thi cơ hội ấy ra sao cho hiệu quả để "Tiếng nước tôi, tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi" mãi âm vọng và lan xa!

Phan Hoàng
.
.