Tóc mây buồn phủ kín tim tôi

Thứ Sáu, 13/12/2019, 17:40
Tục ngữ Việt có câu: "Cái răng cái tóc là góc con người". Quả thế, một trong những yếu tố đầu tiên thuộc hình thức con người gây sự chú ý cao trong tiếp xúc, giao tiếp không thể không kể đến mái tóc. Mái tóc thể hiện phong thái, tính cách, độ tuổi, giới tính, thậm chí cả văn hóa của mỗi cá nhân và hơn thế nữa là văn hóa của cả dân tộc....


Và khi đi vào nghệ thuật, mái tóc còn hiện lên với nhiều cung bậc nỗi niềm hơn nữa khi được người nghệ sĩ thổi vào đó tư duy hình tượng. Bài viết này, vì thế, xin được bàn về mái tóc trong thế giới thi ca.

1.Việc ca ngợi mái tóc, ban đầu hẳn gắn với người phụ nữ bởi tạo hóa đã riêng tặng cho những bông hoa biết nói ấy mái tóc dài tha thướt mà người Việt vẫn quen gọi là tóc mây: "Bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa/ Vẫn tóc mây bay mắt môi nồng thắm" (Giáng ngọc – Ngô Thụy Miên), "Trời mùa đông môi em thắp nắng/ Tóc mây dài chân vui đường vắng/ Rồi mùa xuân cây thay áo mới/ Tóc mây vàng cho nắng thêm tươi/ Rồi mùa thu xôn xao lá úa/ Tóc mây buồn phủ kín tim tôi" (Tóc mây – Phạm Thế Mỹ).

Mái tóc dài của người nữ còn là cái cớ để người nam bảy tỏ tình cảm của mình như trong câu ca dao thuở xưa: "Tóc em dài sao em không búi/ Để chi dài bối rối dạ anh...". Mái tóc dài một thời còn được xem là “tiêu chuẩn cứng” để các chàng trai chọn người yêu, chọn bạn đời: "Một thương tóc xõa ngang vai/ Hai thương đi đứng vẻ ngoài có duyên".

Khi nhan sắc của người phụ nữ tàn phai hoặc khi muốn diễn tả tâm trạng u buồn, một trong những điểm nhìn đươc tập trung miêu tả cũng chính là mái tóc: "Xương mai một nắm hao gầy/ Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương" (Thề non nước – Tản Đà), "Mắt quầng tóc rối tơ vương/ Em còn cho chị lược gương làm gì" (Lỡ bước sang ngang – Nguyễn Bính).

Ảnh có tính chất minh họa - nguồn Internet.

Mái tóc dài của người phụ nữ còn tiếp tục đi vào nhiều câu thơ hay khác của thời kỳ hiện đại. Vẻ đẹp của mái tóc dường như che lấp và bao phủ hết cả không gian và thời gian trong câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Hồng Thanh Quang: "Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc/ Còn điều chi em mải miết đi tìm" (Khúc mùa thu).

Trong con mắt của một nhà thơ thuộc thế hệ 8X, mái tóc dài lại hiện lên với những nét khác biệt. Một chút hoang hoải si mê của thời trai trẻ, một chút cường điệu pha lẫn nét cổ kính đầy bâng khuâng: "Em heo hút tóc dài mê mệt gió/ Một lần đi vướng víu cả kinh thành" (Tám mắt – Trần Trọng Dương).

Vẻ đẹp của mái tóc còn có những lần được quy chiếu để miêu tả cả thiên nhiên, trung tâm chuẩn mực của cái đẹp lúc này đã chuyển từ thiên nhiên sang con người: "Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang/ Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng" (Đây mùa thu tới – Xuân Diệu).

Nếu như con mắt truyền thống chú trọng ca ngợi mái tóc dài thì với một cái nhìn mới mẻ trẻ trung của những năm đầu thế kỷ XXI, mái tóc ngắn của người phụ nữ cũng đã trở thành hình tượng trung tâm trong một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Anh Quân – "Tóc ngắn" – do chính người bạn đời của anh (ca sĩ Mỹ Linh ) thể hiện: "Nụ cười tóc ngắn sáng bừng đêm xuân. Kìa mình em để tóc ngắn dễ thương. Tóc ngắn mắt bồ câu rất hiền. Tóc ngắn chạy xe trên phố như chim bay. Thấy mùa xuân rất vội, em muốn hát muốn kêu lên muốn cười...".

2. Nếu như mái tóc của người nữ xuất hiện trong thi ca thường gắn với tuổi trẻ thì mái tóc của người nam khi xuất hiện trong thơ lại thường gắn với tuổi già, gắn với những hoài niệm về bao năm tháng đã qua.

Nguyễn Trãi ở thế kỷ XV đã từng thốt lên: "Tiếc thiếu niên qua lượt hẹn lành/ Hoa hoa nguyệt nguyệt luống vô tình/ Biên xanh nỡ phụ cười đầu bạc/ Đầu bạc xưa này có tuổi xanh". Thậm chí, trước Nguyễn Trãi, mái tóc của tuổi già đã từng xuất hiện trong bài "Cáo tật thị chúng" của Mãn Giác thiền sư đời Lý (thế kỷ XI): "Sự trục nhãn tiền quá/ Lão tòng đầu thượng lai" (Việc trôi qua trước mắt/ Trên đầu già đến rồi).

Với Đặng Dung (thế kỷ XIII), mái tóc bạc là nỗi bi phẫn của người anh hùng lỡ vận: Quốc thù vị báo đầu tiên bạch/Kỷ lộ long tuyền đái nguyệt ma (Cảm hoài). Mái tóc đã trở thành thước đo sự tàn phai của tuổi xuân, của đời người, của tháng năm dâu bể. Nhà thơ đời Đường Hạ Tri Chương trong bài "Hồi hương ngẫu thư" cũng nhìn mái tóc mà không tránh khỏi nỗi ngậm ngùi: "Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi/ Thanh âm vô cải mấn mao tồi" (Khi đi trẻ lúc về già/ Giọng quê vẫn thế tóc đà khác bao).

Thi thánh Đỗ Phủ trong những tháng ngày khó khăn đau ốm cũng tự nhìn về mái tóc mà thấy bi thương: "Gian nan khổ hận phồn sương mấn/ Lạo đảo tân đình trọc tửu bôi" (Gian nan khổ hận đầu thêm bạc/ Quặt quẹo đành kiêng chén giải buồn) (Đăng cao).

Nhưng có lẽ mái tóc bạc với niềm xót xa ám ảnh tôi nhiều nhất là trong hai câu thơ của Phan Khôi, thật ngắn mà thật sâu đọng: "Mối sầu như tóc bạc/ Cứ cắt lại dài ra" (Cắt tóc, 1952). Trong một số trường hợp, mái tóc bạc của người nam hiện lên với một sự hướng tới đầy thành kính và biết ơn, ở đó có cả chút se lòng của những đôi mắt đang hướng về mái tóc. Ấy là trường hợp những người học sinh nhìn về mái tóc thày: "Mùa hoa mua rồi đến mùa phượng cháy/ Trên trán thày tóc chớ bạc thêm" (Chiếc lá đầu tiên – Hoàng Nhuận Cầm), "Em yêu phút giây này, thày em tóc như bạc thêm. Bạc thêm vì bụi phấn cho em bài học hay" (Bụi phấn – Nhạc: Vũ Hoàng, Thơ: Lê Văn Lộc).

Nhà thơ Tố Hữu cũng từng viết một câu thật đẹp tả về mái tóc của vị cha già dân tộc: "Bạc phơ mái tóc người cha/ Ba mươi năm Đảng nở hoa tặng Người" (Ba mươi năm đời ta có Đảng). So với mái tóc bạc của nam giới thì mái tóc bạc của người nữ xuất hiện trong thi ca ít hơn. Thơ Mới lãng mạn theo tôi chỉ còn đọng lại một câu của Đoàn Văn Cừ trong bài "Chợ Tết": "Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ/ Nước thời gian gội tóc trắng phau phau".

Sau câu thơ của Đoàn Văn Cừ gần nửa thế kỷ, mái tóc bạc của người bà mới lại xuất hiện trong một ca khúc thiếu nhi của nhạc sĩ Xuân Giao: "Bà ơi bà cháu yêu bà lắm/ Tóc bà trắng màu trắng như mây" (Cháu yêu bà).

Một trong những nhà thơ Việt Nam đưa mái tóc vào thi ca nhiều nhất là Bùi Giáng. Ông là người sáng tạo ra cách diễn đạt mới – "vầng tóc" – và đưa cụm từ này vào nhiều bài thơ của mình: "Trang của tờ giấy cũ/ Của vầng tóc ban đầu" (Thuở buồn), "Em là người con gái/ Có vầng tóc mênh mông/ Rối bời như cỏ dại/ Dìu dặt như cánh đồng/ Cơn gió nồm thổi lại/ Trời quên mất càn khôn" (Em là).

Mái tóc trong thơ Bùi Giáng lúc thì xuất hiện như một lãng mạn kỳ ảo "Cồn xưa cỏ mọc/ Là sông chảy xuống chân trời/ Chảy lên mái tóc/ Một mùa thu gục bên tôi", lúc lại xuất hiện như một hiện thực nghiệt ngã đến nghẹn ngào: "Hai bên đường ngồi lại/ Những người đếm tóc nhau/ Kỷ niệm về kinh hãi/ Tóc xưa đã phai màu" (Mơ về phương ấy).

3. Mái tóc đi vào thi ca của người Việt không chỉ là chuyện ca ngợi, chuyện ký thác gửi gắm tâm sự nỗi niềm mà nó còn là những ẩn tầng văn hóa. Trong tục ngữ Việt, mái tóc gắn với quan niệm về ứng xử: "Túm kẻ có tóc, không ai túm kẻ trọc đầu". Việc cắt tóc thề nguyền được coi là một hành động đầy thiêng liêng, từng xuất hiện trong kiệt tác "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du, thể hiện tình yêu của Thúy Kiều và Kim Trọng: "Tiên thề cùng thảo một chương/ Tóc mây một món dao vàng chia đôi".

Mái tóc, cách để tóc còn thể hiện văn hóa, phong tục tập quán tự ngàn đời của cha ông: "Tóc mẹ thì búi sau đầu/ Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn" (Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm). Tóc đã trở thành tuyên thệ của chủ tướng với ba quân trước giờ xung trận chiến đấu với giặc thù: "Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng /Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn / Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ" (Hịch ra trận – Quang Trung).

Trong Kinh Thánh, mái tóc còn là biểu tượng cho sức mạnh lớn lao của con người được Chúa Trời tiếp sức. Dũng sĩ Samson có được sức mạnh vô địch thắng nổi muôn người chính là nhờ mái tóc dài. Đến lúc mái tóc bị cắt đi vì sa lưới mỹ nhân kế của nàng Delilah thì sức mạnh cũng hết, Samson bị chọc mù mắt và giam xuống ngục tối.

Trước giờ bị hành hình, Samson cầu xin Chúa lần cuối: "Cho con được chết chung với kẻ thù" rồi dùng hết sức lực để lật đổ ngôi đền đá của người Philistine. Câu chuyện về chàng Samson và nàng Delilah đã được chuyển thể thành phim năm 1949 dưới bàn tay của đạo diễn tài ba Cecil B. DeMile và trở thành một trong những tác phẩm điện ảnh kinh điển mọi thời đại.

Trong nhạc Việt, mái tóc đã trở thành hình tượng trung tâm cho biết bao ca khúc để đời của những nhạc sĩ tài danh. Ngoài bài "Tóc mây" (Phạm Thế Mỹ) đã kể phía trên còn phải nhắc đến "Tóc gió thôi bay" (Trần Tiến), "Tóc mai sợi ngắn sợi dài" (Phạm Duy), "Về đâu mái tóc người thương" (Hoài Linh), "Tóc em đuôi gà" (Thế Hiển)...

Xin được khép lại bài viết bằng một câu hát của Trịnh Công Sơn mà ở đó, mái tóc người phụ nữ không chỉ là gió là mây như cách tư duy của nhiều thi sĩ mà đã trở thành muôn con sóng vỗ mãi vào hồn người: "Nắng có hồng bằng đôi môi em. Mưa có buồn bằng đôi mắt em. Tóc em từng sợi nhỏ, rớt xuống đời làm sóng lênh đênh... (Như cánh vạc bay).

Đỗ Anh Vũ
.
.