"Khi về mái tóc giắt đầy hoa..."

Thứ Bảy, 12/10/2019, 09:09
Có những buổi sáng thức giấc, nhưng không phải ở trong phòng ngủ tối tăm kín mít, mà ở trong phòng khách, nơi mà cả một vệt ánh sáng đầu tiên ngả xuống lòng. Những buổi sáng như thế, chắc chắn rồi, một ý thơ nào đó lại đậu nhẹ xuống hồn. Và lại những ý thơ ấy dệt đôi cánh mộng đưa hồn người vào cõi khác.

Gọi đấy là cõi mộng cũng được. Gọi đấy là cõi xưa cũng đúng. Mà gọi đấy là cõi thực cũng chẳng sai, bởi chẳng phải đã có nhà phê bình định nghĩa "siêu thực" là một cõi thực hơn cả thực đó sao? Và bởi chẳng phải giáo lý nhà Phật vẫn dạy không không - sắc sắc, A là A, A không phải là A, nên A mới đúng là A, đó sao?

Trong cái sát na này, và trong cõi ấy, tôi lại được cái hạnh ngộ chiêm bái những bông hoa cúc vàng của Huyền Quang, vị tổ thứ 3, mà cũng là vị tổ cuối cùng của Thiền phái Trúc Lâm, Yên Tử. Người ta bảo Huyền Quang yêu hoa cúc, và từng bảo với ông, cúc là loài hoa chúa. Nhưng yêu mới chỉ là một lẽ, đốn ngộ, thăng hoa với cái mình yêu lại là một lẽ khác. Bởi đừng bao giờ lý thuyết và ảo tưởng nghĩ rằng tình yêu lúc nào cũng thăng hoa. Nếu bông cúc có tàn, có nở thì tình yêu cũng tàn cũng nở. Nhưng cũng giống như bông cúc, tình yêu kỳ diệu ở chỗ nhiều khi nó nở rực rỡ - nở lộng lẫy - nở bàng hoàng da diết ngay trong lúc tàn, và ngược lại. Huyền Quang viết thế này:

Năm năm nở đúng tiết thu qua
Gió dịu trăng thanh ý mặn mà
Cười kẻ không hay hoa huyền diệu
Khi về mái tóc giắt đầy hoa

(Nguyễn Lang dịch từ bản chữ Hán)

Những câu thơ khắc chạm một vẻ đẹp thảng thốt và bất ngờ. Nó không bất ngờ với hoa, vì hoa nở "đúng tiết thu qua", theo đúng quy luật tự nhiên của nó, mà nó bất ngờ với con người. Lạ thế và đẹp thế: người đi vào cõi hoa, không ý thực được sự huyền diệu của hoa, để rồi khi quay gót ra đi thì hoa giắt đầy mái tóc. Ý thơ đẹp như một thước phim điện ảnh. Những cánh hoa bất ngờ rơi trên tóc người như một hạnh ngộ vô chừng mà đại tự nhiên ban xuống.

Bức họa chân dung thiền sư Huyền Quang.

Vấn đề là người ấy là ai? Cứ theo ý tứ mà suy xét thì người ấy ắt phải là một cô gái. Nhưng trời ơi, Huyền Quang là một thiền sư cơ mà! Có một cái gì nghịch nhĩ ở đây không? Đọc lại thi ca Huyền Quang, chúng ta chợt thấy đã có những lúc ông viết bằng đúng tâm thế của một con người nghệ sĩ, và thoạt nhìn thì tâm thế ấy khác xa tâm thế một thiền sư:

Giai nhân đôi tám ngồi thêu
Tử kinh hoa nở oanh kêu rộn ràng
Đáng yêu xuân ý muôn vàn
Mỗi lần đụng mũi kim vàng lặng thinh
.

Nào ai nghĩ được một thiền sư mà lại viết về cái khoảnh khắc tương tư, e thẹn của một cô gái mới lớn vừa đúng vừa trúng, vừa thần tình đến thế! Những câu thơ mà ở thế kỷ 21 này đọc lại, chúng ta thấy nó vừa tinh tế, vừa hiện đại. Thành thử ở cuối thế kỷ 18, ông Lê Quý Đôn đọc xong, một mặt khen bài thơ hay, một mặt lại hạ bút nhận xét: Hình như chẳng phải khẩu khí của thiền sư?

Quay ngược 5 thế kỷ trước, ở thế kỷ 13, hình như vua Trần Anh Tông cũng có nghi ngờ y như thế. Cho nên vua đã cử một cung nữ xinh đẹp tên là Điểm Bích đến ở một đêm với Huyền Quang để thử thách Huyền Quang. Sau đêm đó, Điểm Bích trở lại kinh thành, kể cho vua nghe những câu thơ mà vị thiền sư viết khi gặp mình:

Vằng vặc trăng mai ánh nước
Hiu hiu gió trúc ngâm sênh
Người hoà tươi tốt cảnh hoà xinh
Mâu Thích Ca nào thử hữu tình
.

Trời đất ơi, thiền sư thế này thì hỏng quá rồi. Thiền sư mà những câu thơ lại đầy sức gợi, đầy sức dục thì nhà vua nghi ngờ là phải lắm. Nhưng nghe đâu sau này người ta phát hiện ra Điểm Bích là một cung nữ láu cá, đã cố tình dựng chuyện để hại thiền sư. Với tấm lòng vằng vặc của mình, thiền sư đã được minh oan, và sau đó được nhà vua tiếp tục giao cho điều khiền nhiều đàn lễ lớn của đất nước.

Nói tất cả những điều này để thấy trong tâm hồn một thiền sư vẫn có cái phóng khoáng lãng mạn của một nhà nghệ sĩ (phóng khoáng đến mức nhà vua cũng phải nghi kia mà!). Nhưng cái phóng khoáng ấy không hề giết chết bản ngã của một vị thiền sư. Nếu không như vậy thì một thiền sư đã không thể tạo dựng trong cõi thơ mình những bông cúc vàng giắt lên mái tóc thiếu nữ, để lại trong lòng hậu thế nhiều băn khoăn, ám ảnh đến như vậy.

Những bông hoa cúc vừa hiện thực vừa siêu thực, nở tung trong thi ca của tiền nhân ở thế kỷ 13, để rồi thi thoảng lại rơi xuống và nhói lên trong lòng hậu thế sau đó 8 thế kỷ. Bây giờ là thế kỷ 21, gần 800 năm sau, khi đụng chạm lại màu vàng hoa cúc huyền diệu bất ngờ rơi trên mái tóc người, trong cái khoảnh khắc người quay gót ra về, trong một đêm thanh vắng, lòng ta vẫn chợt run lên bởi vẻ đẹp thảng thốt mà thi ca mang lại.

Sau này rất nhiều thi sĩ hiện đại cũng bị ám ảnh bởi hoa cúc, đặc biệt là Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. Cõi vàng hoa cúc trong thơ họ, đối ứng với nhau, cô đơn như nhau, mơ mộng cùng nhau và ảo vọng cho nhau nữa. Chẳng hạn có lần, hình như sau một đêm trở về căn nhà nhỏ của mình trong cô đơn tột bậc, Lưu Quang Vũ viết:

Em trở về đêm lạnh áo em đen
Gian phòng nhỏ một bình hoa ướt sũng
Em đã ngủ anh ngồi im lặng
Cái màu hoa ám ảnh suốt đêm dài
Ở ngoài kia thành phố mưa bay
Bùn lầy lội những ngả đường khuya khoắt
Mưa và gió ầm ào trên mặt đất
Hai chúng mình bên cạnh một loài hoa
.

Hai con người ở cạnh một loài hoa thì cô đơn hơn, lo sợ hơn hay ấm áp hơn và được an ủi nhiều hơn? Chẳng biết nữa. Chỉ biết rằng bài thơ ấy, như nhiều bài thơ khác cùng thời điểm của Lưu Quang Vũ đã kết lại với những run rẩy tế vi rất thật của một người đa cảm:

Cháy bên mình một phút nguôi quên
Tình đã hẹn đời không thể khác
Chỉ e nữa lòng em rồi cũng nhạt
Quên hoa vàng ở lại những đêm mưa...

Vẫn là bông hoa cúc ấy, nhưng màu vàng quen thuộc đã được chuyển thành màu xanh trong cõi nhớ của Xuân Quỳnh. Một màu xanh đặc biệt, một màu hoa đặc biệt, một bài thơ đặc biệt mà nghe đâu Xuân Quỳnh gửi chép tặng Lưu Quang Vũ nhân ngày sinh nhật ông:

Hoa cúc xanh có hay là không có
Tháng năm nào ấp ủ thủa ngây thơ
Có hay không thung lũng của ngày xưa
Anh đã ở và em từng đến đó
Châu chấu xanh chuồn chuồn ngô thắm đỏ
Những ngả đường phơ phất gió heo may
Cả một vùng vương quốc tuổi thơ ngây
Bao ước mơ mượt mà như lá cỏ...

Anh đã nghĩ chắc là hoa đã có
Mọc xanh đầy thung lũng của ta xưa.

Đọc bài thơ này, bạn có tin là màu hoa ấy có thật không? Bạn có tin vào một thung lũng ngập tràn những bông cúc xanh minh chứng cho một thời tinh khôi, vụng dại của tình yêu con người? Tin hay không, đấy là quyền của bạn. Giống hệt như cô gái trong bài thơ "Hoa cúc" của Huyền Quang ngày xưa, làm sao cô gái tin rằng vào đúng cái lúc mình quay gót ra về thì kỳ lạ thay và huyền diệu thay, những cánh hoa cúc lại thảng thốt rơi xuống, giắt đầy lên tóc mình...

Còn với chúng ta, những người bỗng nhiên đột khởi vào thế giới của những bông hoa cúc kỳ diệu ấy, thì có vẻ như những bông hoa ấy, âm thầm và vô ngôn, đã nói với chúng ta về một vẻ đẹp bí ẩn mà có thể là chỉ vài chục giây nữa thôi, khi cơn đột khởi qua đi, quay lại với thực tại của mình, chúng ta lại tuyệt đối không có bất cứ ý niệm nhỏ nhoi nào về một vẻ đẹp như thế nữa! Thành thử trước khi rời cõi ấy và chia tay những bông hoa ấy, cứ phải đọc lại hai câu kết trong bài thơ Huyền Quang để tự nhắc nhở mình:

Khi mọi loài hoa rơi chật đất
Dậu Đông hoa cúc vẫn chưa tàn
.

Phan Đăng
.
.