Tinh tú trời cao thành vương miện sáng...

Chủ Nhật, 10/01/2021, 20:36
Không biết tự bao giờ, con người đã học được cách trò chuyện với bầu trời. Không dừng lại ở những quan sát về chuyển dịch tối - sáng, ngày - đêm, người ta có thể tâm sự cùng nắng mưa, nhật nguyệt hay mây gió, thậm chí là mỗi cánh chim bay qua không trung.


Con người cũng học được cách xem thiên văn để đưa ra nhiều dự đoán chính xác về số phận mỗi cá nhân, quốc gia hay thời đại. Và trong vô vàn những vẻ đẹp của bầu trời rộng lớn và cao xanh ấy, nhỏ bé nhất nhưng cũng chiếm số lượng đông đảo nhất về mặt cá thể, đó chính là những vì sao...

1. Trong tình yêu, người nghệ sĩ thường gắn câu chuyện của mình với những vì sao. Khi hạnh phúc, sao có thể là chứng nhân cho tình yêu, tô điểm thêm cho tình cảm của con người: “Tinh tú trời cao thành vương miện sáng/ Khai lễ đăng quang vũ trụ chong đèn/ Hoàng hậu về cao sang quyền quý/ Đẹp nụ cười quân vương vừa ý/ Và lâu đài mang tên Tình Ái/ Đón hai đứa chúng ta mà thôi” (Lâu đài tình ái - Nhạc và lời: Trần Thiện Thanh). 

Những ánh sao có thể làm tình yêu thêm lãng mạn, và cô gái dường như đẹp hơn trong mắt chàng trai: “Đêm nay ai đưa em về/ Đường khuya sao trời lấp lánh/ Đêm nay ai đưa em về/ Mắt em sao chiếu long lanh” (Ai đưa em về - Nhạc và lời: Nguyễn Ánh 9). 

Đến khi xa cách, chàng trai cũng có thể nhìn trăng sao mà thề hẹn, mà khẳng định tình cảm thủy chung hay nỗi nhớ cháy bỏng của mình: “Anh không ngủ hẳn vì em đang nhớ/ Một trời sao rực cháy giữa đôi ta/ Em nhắm mắt cho lòng anh lặng gió/ Cho sao trời yên rụng một đêm hoa” (Hai bài tứ tuyệt - Chế Lan Viên), “Trời còn có bữa sao quên mọc/ Anh chẳng đêm nào chẳng nhớ em” (Đêm sao sáng - Nguyễn Bính). 

Cũng có khi nhìn sao mà đợi chờ, lo âu và dự cảm về tình yêu tuột mất: “Tôi đi tìm mũ Thần Nông/ Thấy con vịt trắng giữa sông Ngân Hà/ Dài ra, vệt sáng dài ra/ Hồn em bay đấy hay là hồn tôi?/ Lại vì sao nữa đổi ngôi/ Không mà, sao ấy vào chơi sao này/ Vội vàng, tôi ngửa bàn tay/ Phải hồn em xuống nơi này cùng tôi?/ Bao giờ sao hết đổi ngôi/ Hồn em xa cách hồn tôi nghìn trùng” (Trông sao - Nguyễn Bính). 

Những vì sao có khi xuyên suốt một câu chuyện tình, từ lúc đắm say hạnh phúc cho đến lúc cách xa ly biệt, dở dang tan vỡ: “Bầu trời nhiều sao sáng đêm nay. Nhiều như những gì mình muốn có (...) Bầu trời nhiều sao sáng đêm nay. Nhiều như những gì mình đã có (...) Bầu trời nhiều sao sáng đêm nay. Nhiều như những gì mình đã mất (...) Bầu trời nhiều sao sáng đêm nay. Nhiều như những kỷ niệm qua tay” (Người tình trăm năm - Nhạc và lời: Đức Huy). 

Lúc đắm say bên nhau, người ta có thể cùng nhìn sao mà thề non hẹn biển: “Sao anh và sao em vẫn luôn gần nhau. Dù mây đen và bão tố, ta luôn kề bên nhau. Rồi bão tố cũng qua đi. Và mây kia cũng tan đi. Tình yêu đôi ta sáng như sao khuya” (Sao anh và sao em - Nhạc và lời: Hồ Trọng Tuấn). 

Và rồi lúc tiễn biệt chia ly, cũng không thiếu được những vì sao: “Từng chiều xuống anh vẫn ngóng chờ tình yêu sao đã phôi pha. Phút cuối tiễn đưa cánh sao lưa thưa" (Tình nồng - Tô Chấn Phong), “Người về, một mùa thu gió heo may. Về đâu, có nhớ chăng những vì sao long lanh. Đưa tiễn người một đêm không trăng. Nói sao nên lời, lòng buồn như chiều rơi. Như trong đêm khuya, những bước chân qua thềm gợi niềm thương nhớ vô vàn” (Hai vì sao lạc - Nhạc và lời: Anh Việt Thu).

2. Trong văn chương cổ điển, có khi người ta nhắc đến những vì sao mang tên thật cụ thể. Từ thế kỷ 13, Phạm Ngũ Lão trong bài “Thuật hoài” đã so sánh khí thế của quân sĩ Đại Việt ngất trời như muốn nuốt sao Ngưu: “Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu/ Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu” (Múa giáo non sông trải mấy thu/ Ba quân hùng khí át sao Ngưu). 

Sau hai thế kỷ, vua Lê Thánh Tông vào năm 1464 đã minh oan cho Nguyễn Trãi, truy tặng tước hiệu Tán trù bá, bỏ lệnh truy sát của triều đình với gia quyến của ông và ra lệnh bổ dụng con cháu ông làm quan. Bài thơ “Quân minh thần lương” của Lê Thánh Tông trong tập “Quỳnh uyển cửu ca” đã dành một câu viết về Nguyễn Trãi, ví tấm lòng của ông như sao Khuê: “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”. 

Trong đời sống ngôn ngữ và văn hóa của người Việt, nhiều người vẫn quen thuộc với thành ngữ “sao hôm sao mai” chỉ sự xa cách giữa hai con người do cảnh ngộ khác nhau gây nên. Thực chất thì theo khoa học, sao hôm và sao mai chỉ là một vì sao duy nhất - sao Kim. Bởi sao Kim và Trái đất đều quay xung quanh mặt trời nhưng do vòng quay của sao Kim nhỏ hơn Trái đất (gần mặt trời hơn), nên khi mặt trời chưa mọc, ta thấy nó ở bên Đông, đến chiều khi mặt trời chưa lặn, ta lại thấy nó ở đằng Tây. 

Nhạc sĩ Vĩnh Cát trong ca khúc nổi tiếng “Ngôi sao Hà Nội” đã mượn cách hiểu của dân gian về sao hôm sao mai để diễn tả một khát vọng tình yêu thủy chung son sắt, luôn khát khao bên nhau: “Anh không làm sao Hôm/ Em chẳng làm sao Mai/ Phải tìm nhau mãi mãi/ Em không làm sao Mai/ Anh chẳng làm sao Hôm/ Chỉ làm ngôi sao không tên/ Để được gần nhau suốt đời/ Để được gần nhau suốt đời/ Để được gần nhau suốt đời”.

Ngoài những biểu tượng và ví von những vì sao gắn với tình yêu đôi lứa, trong văn chương thi ca người Việt, sao còn có thể  gắn với nhiều tình cảm khác, mang những ý nghĩa biểu tượng phong phú khác. 

Nhà thơ Trần Quốc Minh đã mượn hình ảnh những ngôi sao ban đêm để ngợi ca tình mẫu tử, bày tỏ lòng biết ơn của con cái với mẹ hiền: “Những ngôi sao thức ngoài kia/ Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con” (Mẹ). 

Sao còn có thể trở thành biểu tượng trên quốc kỳ của nhiều dân tộc. Lá cờ đỏ sao vàng của người Việt đã đi vào biết bao tác phẩm thi ca, trong đó phải kể đến bài thơ “Thụy bất trước” (Không ngủ được) của Hồ Chủ tịch trong tập Nhật ký trong tù: “Nhất canh... nhị canh... hựu tam canh/ Triển chuyển, bồi hồi, thụy bất thành/ Tứ, ngũ canh thì tài hợp nhãn/ Mộng hồn hoàn nhiễu ngũ tam tinh” (Một canh... hai canh... lại ba canh/ Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành/ Canh bốn canh năm vừa chợp mắt/ Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh).

Thời kỳ Thơ Mới, những vì sao còn có thể diễn tả tâm trạng cô đơn lẻ loi mất phương hướng, mất niềm tin của con người: “Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh/ Một vì sao trơ trọi cuối trời xa/ Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh/ Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo” (Những sợi tơ lòng - Chế Lan Viên). “Đêm tàn chẳng có chiêm bao/ Đêm tàn có mấy chòm sao cũng tàn” (Một con sông lạnh - Nguyễn Bính). 

Trong thơ Đinh Hùng, sao còn gắn với những niềm kinh dị, mê ảo, là cuộc kiếm tìm mải miết của người thi sĩ với cái đẹp hay một thế giới tiên nguyên nào đó: “Khi miếu đường kia phá bỏ rồi/ Ta đi tìm những hướng sao rơi/ Lạc loài theo dấu chân cầm thú/ Từng vệt dương sa mọc khắp người” (Những hướng sao rơi ). 

Và Hàn Mặc Tử, thi sĩ của đau thương và bất hạnh, máu cuồng và hồn điên, cũng được người bạn của mình, Chế Lan Viên, ví với một vì sao: “Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình”.

Trong thi ca hiện đại sau này, khi diễn tả về nỗi cô đơn, người ta vẫn dùng hình ảnh vì sao: “Hiểu tôi là ngọn núi cao/ Thương tôi có một vì sao cuối trời” (Đồng Đức Bốn), “Em hãy vì mọi người, từng lời hát, từng nụ cười. Riêng em có buồn, thì ngồi yên cho tôi ngắm xem. Vì sao trong đôi mắt em, có những ngôi sao cô đơn (...) Tôi mong suốt đời, bình yên cho tôi ngắm xem. Vì sao trong đôi mắt em, đã vắng những ngôi sao cô đơn” (Ngôi sao cô đơn - Nhạc và lời: Thanh Tùng)

Những ngôi sao cũng có khi gắn với những tình cảm thật trong sáng vui tươi của trẻ thơ, như trong bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Chung, nhưng câu chuyện về ca khúc ấy lại lấy đi nước mắt của bao thính giả. 

Năm 1947, con gái của nhạc sĩ Văn Chung bị chết trong một trận ném bom của địch. Nhớ thương con gái mình, ông đã viết nên ca khúc “Đếm sao” để tặng cho con và rồi biết bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam đã yêu mến và hát ca khúc này: “Một ông sao sáng hai ông sáng sao. Ba ông sao sáng, sáng chiếu muôn ánh vàng. Bốn ông sáng sao kìa năm ông sao sáng, kìa sáu ông sáng sao, trên trời cao...”.

3. Không chỉ đi vào trong thi ca của người Việt, nhiều tình khúc danh tiếng của người phương Tây cũng có những vì sao, nhờ ánh sao để diễn tả tình yêu bất diệt. 

Ca khúc “Love story” của nhạc sĩ Francis Lai đã khép lại bằng những lời ca: “I know Ill need her till the stars all burn away. And she will be there” (Tôi biết tôi mãi cần nàng cho dù tất cả những vì sao sáng ngời kia vụt tắt. Và nàng vẫn mãi nơi đây bên tôi.) 

Và bản ballad “And I love her” của ban nhạc tứ quái huyền thoại The Beatles cũng kết thúc bằng những vì sao: “Bright are the stars that shine. Dark is the sky. I know this love of mine will never die and I love her” (Như những vì sao đang tỏa sáng lấp lánh giữa trời đêm, tôi biết rằng tình yêu của tôi không bao giờ chết. Và tôi yêu nàng).

Cùng với trần gian và tình yêu muôn thuở, những vì sao sẽ mãi còn làm bạn với con người cho tới ngày tận thế...

Đỗ Anh Vũ
.
.