Thư cũ

Thứ Năm, 17/12/2020, 17:27
Tôi vẫn giữ thói quen dọn dẹp giá sách hàng tuần, hàng tháng. Lần nào tôi cũng lần giở, nâng niu những tờ thư cũ như một kí ức, một hoài niệm về những năm tháng đã đi qua. Có những lá thư đã úa vàng, có những lá thư đã nhạt nhòa nét mực, có những lá thư đã bạc phếch màu thời gian và cũ kĩ.

Ừ, thì cũng đã mấy chục năm qua. Có những người đã ra đi, có những người ở lại, có những người làm ta nhớ đến quặn lòng, có những người ngang qua đời ta như một cơn gió thoảng. Duy chỉ có những lá thư và những con tem lưu dấu thời gian là còn ở lại.

Trước hiên nhà chiều xiên xiên nắng, nhìn đàn sẻ thẩn thơ tha mồi, tôi như người đi lạc trong kí ức xa xăm, hoài niệm. Những dấu vết vàng phai bện chặt vào nhau như một tấm khăn màu nhiệm. Đâu đó trong tôi lại vang vọng lời thi sĩ Goethe từng nói "thư từ là một kỉ vật quan trọng nhất mà một người có thể để lại". 

Nói điều này bởi tôi nhớ một người bạn thân đã mất vì tai nạn giao thông cách đây gần 26 năm khi tôi vừa nhận được thư bạn viết vào một chiều cuối tuần trên giảng đường. Cắn môi nghe lòng bật máu, những dòng chữ nghiêng nghiêng bạn viết như run lên trong lòng tay. Đâu đó vẫn hình bóng người bạn ấy ôm cây đàn ghi ta rồi chợt nhòa đi trong không gian chiều tím. Có nỗi buồn xưa cũ đến hụt hơi.

Năm tháng qua đi để lại những vết buồn. Năm tháng qua đi cũng để lại những hồi ức, những tình cảm giữa con người với con người bằng những tờ thư cũ. Mẹ thường kể cho tôi nghe về những lá thư bố viết cho mẹ từ chiến trường, khi ấy ông đang hành quân qua sông Nhật Lệ. Lá thư bố viết cho mẹ vào ngày tôi chưa kịp chào đời. Ngày mẹ nhận được thư của bố cũng là lúc tôi vừa tròn một tháng tuổi.

Đã 46 năm qua đi, nhưng đó là kỉ niệm mà mãi cho tới sau này tôi không bao giờ quên được. Lần sinh nhật nào tôi cũng tự làm thơ tặng mình và đọc cho mẹ nghe những tờ thư cũ: "...tháng ba/ ngày mẹ sinh ta hoa gạo sau nhà cháy đỏ/ chú mèo lười lim dim nằm tắm nắng mùa xuân/ tháng ba/ cha đang hành quân qua sông Nhật Lệ/ thư về nhà đã đầy tháng của con..." và lá thư bố viết: "M...em. Anh đang cùng đồng đội hành quân qua sông Nhật L . Chiến tranh đang vào thời kỳ ác liệt nhất, nhưng anh tin một ngày gần đây chiến tranh sẽ kết thúc, anh và đồng đội sẽ trở về...". 

Chiến tranh qua đi, hòa bình được lập lại, những lá thư của bố viết từ chiến trường xưa vẫn được mẹ gói gém thật kỹ càng bằng những lớp ni lông và để trong chiếc hòm đạn bố mang về như một kỉ vật còn sót lại của người lính.

Chiến tranh là đau thương mất mát, chiến tranh có thể hủy diệt cuộc sống, nhưng chiến tranh rõ ràng không thể hủy diệt được ý chí con người và những lá thư. Đâu đó vẫn còn hàng ngàn lá thư trong bảo tàng quân sự Việt Nam. Đâu đó vẫn còn những lá thư ố vàng, cháy dở, những lá thư được viết trên những trang sổ tay xé vội, trên vỏ bao thuốc lá... ẩn chứa trong đó là tình yêu mãnh liệt, là niềm tin, hy vọng. Những lá thư làm an lòng những người vợ, người mẹ ở hậu phương. 

Tôi đã thật xúc động và trân quý những lá thư của gia đình, của bạn bè, thậm chí là "người xưa cũ" hơn khi được đọc hai cuốn nhật kí và những lá thư của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và bác sĩ Đặng Thùy Trâm. 

Tôi đã run lên khi đọc trên báo lá thư của một liệt sĩ viết gửi người vợ trẻ đang đau đáu chờ đợi ở quê nhà "...Anh ra đi, có hi sinh tính mạng cho Tổ quốc thì em cũng phải can đảm, bớt đau khổ, đừng khóc lóc buồn nản. Em thay anh dạy dỗ con, để có người nối nghiệp. Giọt máu đầu tiên của anh và em cũng có thể là giọt máu cuối cùng...". 

Ôi, những người lính can trường và những lá thư cũ, dù đã úa màu, dù không còn nguyên vẹn, nhưng vẫn còn sống mãi trong lòng những người vợ, người mẹ nơi quê nhà.

Mỗi lần dọn dẹp tủ sách là mỗi lần tôi nhớ những người bạn, người chị, người em, người xưa... xa lăng lắc. Họ vẫn hiện diện đâu đây qua những lá thư, dù thời gian có là 20 năm, 30 năm hay dài hơn thế thì với tôi, kỉ niệm vẫn là một điều khó để lãng quên. 

Gìn giữ những lá thư cũ cũng như gìn giữ tình cảm cảm của một con người như trong bài hát "Hương Xưa" mà thời sinh viên chúng tôi thường hát "không hiểu vì sao ta có buổi chiều nay/ gặp lại nhau và bỗng dưng em khóc/ giọt nước mắt làm sao anh ngăn được/ em bây giờ xa như một tầm tay/... Đốt làm chi những tờ thư cũ/ xóa được không kỉ niệm mênh mông...". 

Những ngày chênh chao nhớ, những chiều chếnh choáng say. Thư cũ, ai cũng mong mình trưởng thành trong tương lai, nhưng lại lặng thầm và day dứt trong những ngày xưa cũ.

Bây giờ việc nhận được một tờ thư viết tay "nghiêng nghiêng nét chữ" giữa cuộc sống xô bồ của thời số hóa đã trở thành xa xỉ và hiếm hoi, nhưng ai trong chúng ta cũng trân trọng những khoảnh khắc mà đã từng đi qua và mơ ước biết đâu đấy vào một ngày thật bất ngờ ta lại nhận được một bức thư tay.

Đinh Tiến Hải
.
.