Thơ của người cả nghĩ
Nhà thơ tự nhận mình là người cả nghĩ, cái “bệnh cả nghĩ” (Trong phòng khám bệnh), nhưng đã là nhà thơ, thì ai chẳng cả nghĩ? Vấn đề là cả nghĩ về cái gì, cả nghĩ như thế nào, diễn tả theo phương cách nào để thơ vẫn là thơ, không phải là lý luận hay triết học, để đi vào trái tim người đọc.
“Người cả nghĩ” Vũ Từ Trang đã làm được như thế. Vì ý nghĩ của anh bao giờ cũng gắn với tâm trạng chủ thể với cảnh, với sự, với tình và ít nhiều khái quát về tâm sự thời thế của con người đã qua nhiều trải nghiệm.
Tác giả không thiên về tả, dù có tài về tả. Tác giả cũng không thiên về kể dù bài thơ nào cũng có người, có việc, mà muốn qua đó, gửi một kinh nghiệm (“thơ là kinh nghiệm” - Raina Rilke). Ví dụ bài “Sông Gâm”: “Sông Gâm ngủ quên bên con đường đêm / cây lá xạc xào lòa xòa đổ gió”, “Em ta bơ vơ sang sông một mình, vạt áo mong manh trái tim bỏ ngỏ”. Nhưng quan trọng là “Sông Gâm thuyền tan, bè lao, thác đổ / ném cả tuổi xuân rừng xanh núi đỏ/ ai ai cũng có con sông trong mình/ tôi có con sông vừa yêu vừa sợ”. Cảnh trong thơ anh có khi thành biểu tượng, không phải biểu tượng ước lệ, mà biểu tượng với cách dùng mới.
Sen là sen trên đầm, nhưng cũng là em, nguồn thơ tôi xưa. Nhưng khi em đã thành người buôn đất, xây cao ốc trên đầm sen, thì thơ sen chôn cất dưới đầm sen và người mà xưa nhà thơ gọi là em - sen ấy, bây giờ không chỉ quên thơ sen, mà quên cả sen.
Đúng là “Cây chuyển mùa”, người thơ chuyển mùa, thơ thời chuyển mùa!
Vũ Từ Trang cả nghĩ về con đường. “Con đường lá rụng” không chỉ là con đường có lá rụng, mùa lá rụng, mà là một con đường “vàng hoang hoải một lề lối cũ”. Và người đi trên con đường ấy, muốn em đi một con đường khác. Nhưng em lại đi con đường tôi đã đi như định mệnh. Và “Màu hoa cúc” lại “chơi vơi trước mặt”.
Vũ Từ Trang cả nghĩ về cách sống của mình. Trong một buổi chiều “Con đường ngày một lùi xa/ bước chân chớm mỏi/ con đò ngẩn ngơ/ phận người tỉnh tỉnh mơ mơ/ nhẹ tênh/ cái thuở/ mình/ chưa là mình”. Nhẹ tênh thật, nhưng “mình chưa là mình”, nghĩa là chưa là gì cả, chưa thành nhân. Vì thế, muốn như nhà văn kia “Rũ bỏ bon chen thường nhật, bỏ hạnh phúc nhỏ nhoi như manh áo chật / bỏ hết khen chê, để sống đúng mình/ muốn viết về cái đẹp không bao giờ bị khuất phục…” nhưng lại tự hỏi: “Mình có dám sống như ông” không?
Vũ Từ Trang biết trân trọng những mầm sống bật lên từ đá như những “hạt ngô nhỏ hơn giọt mồ hôi người”, “hạt thóc khe đá chìm hơi thở dốc” (Cao nguyên đá). Sống nhiều, trải nhiều, buồn nhiều hơn vui. Cả đến nơi chốn của tuổi thơ cũng không còn chốn để đi về, nhưng tác giả vẫn còn niềm tin dẫu niềm tin mong manh như hoa khế tím (Góc nhỏ Quy Nhơn).
Anh cảm thông với cái khát của một vùng khô hạn. Anh không mơ mưa, vì “Mơ mưa” ở đây là “xa xỉ”, nhưng anh trân trọng chùm nho người ta tặng anh giữa đất cháy khô.
Tôi xúc động trước “Bình tro” của chị gái anh đặt trên bàn thờ ở quê “mảnh sân gạch rêu lên tứ phía/ chị trở về, chị có trách em không/ thằng em trai tóc trắng đầu sao vẫn lông bông/ lồng ngực nhỏ chất đầy mây gió/ mà thịt da chị đã hóa bình tro”.
Ở ngôi chùa hôm nay, anh thấy những người đến lễ: “Ào một đám gió lạ / tóc vàng váy ngắn, i-phon ầm ào, rốc ráp” và anh hạ một câu: “Chúng cầu chi trong chùa?”. Tôi vừa chia sẻ với anh, vừa tự phê mình dễ tính hơn anh. Song tôi hoàn toàn đồng tình với anh trong buổi Cầu lễ “Thế gian nháo nhào / Tôi cầu xin hai chữ bình an”. Và “Bước hi vọng chập chờn một nửa/ Một nửa thôi, tôi vẫn phải chờ”.
Đi vào Tháp Chàm, tôi cảm thương dân tộc Chàm nhưng cũng mừng vì nền văn hóa Chăm đặc sắc vẫn được gìn giữ, phát huy trong nền văn hóa chung của Việt Nam. Còn Vũ Từ Trang nghĩ sâu hơn, anh suy nghĩ về cái còn lại trong thời gian sau những thời vàng son (Vũ nữ Chàm). Đau đớn nhất là sự mất đi của những con người. Về vùng than, anh nhớ đến Đào Cảng, Đào Ngọc Vĩnh, Yên Đức… và anh thấy “Dòng lũ thung lũng than gào thét”, như dòng đời, dòng thời gian cuốn đi tất cả những gì thân yêu nhất. Cả thơ, cả người thơ, trong đó có mình.
Tôi bùi ngùi chia sẻ với anh “Rồi tất cả trôi qua như dòng sông, con đò…/ Rồi sẽ quên đi ban mai vườn xưa…”, nhưng tôi không đồng ý với câu kết của bài thơ “Rồi lại ga tàu, không chuyến tàu qua…”. Sao lại không nhỉ? Nhiều chứ. Nhiều chuyến tàu khác lạ nữa, nhưng không có mình, không có những người thân của mình, có thể không có cả những người mà mình mong muốn…
Biết làm sao! Phật gọi đời là bến mê. Vũ Từ Trang gọi là Sông mê. Tôi đồng tình với anh 3 trong 4 câu kết bài: “Này sông mệt mỏi đừng trôi nữa/ Uẩn ức tim ta muốn vỡ òa/ Còn còn mất mất là muôn thuở/ Sỏi đá vì ai hóa ngọc ngà”. Sỏi đá mà hóa ngọc ngà thì tốt quá, nhưng phải là ngọc ngà thật và vì mọi người, cho mọi người…
Cũng vậy, tôi tâm đắc với những câu anh viết khi đứng trước Đất mũi: “Mỏm đất cuối cùng, ý nghĩ vẫn nhoài ra biển”; “Đước muốn xanh thì đương đầu cùng sóng lớn”, “Sẽ thất vọng khi mình quay lại/ Sẽ trả giá cho cuộc ra đi/ Nhưng mũi đất vẫn quẫy trên biển lớn/ Hát kiêu hãnh/ Những gì tồn tại”…
Những câu thơ này của Vũ Từ Trang đã thay lời kết của tôi khi viết cảm nghĩ về thơ anh: “Cây chuyển mùa”.
7-10-2016