Vòng tròn với Vũ Từ Trang

Thứ Sáu, 24/06/2011, 08:14
Nhân đọc "những vòng tròn không đồng tâm" của nhà thơ Vũ Từ Trang - NXB Hội Nhà văn, 2010.

Tập thơ này có nét khác so với các tập trước của Vũ Từ Trang: Không hướng thơ ra hiện thực ngoài đời mà lại quay vào những kỷ niệm, những chiêm nghiệm của lòng mình. Thơ nhỏ giọng như lời tâm sự, thì thầm, đứt nối, vừa nói vừa lắng nghe lòng mình. Bài thơ ngắn gọn, gợi nhiều hơn nói, giữ cảm xúc liền mạch, ngân nga, chữ hết tình còn. Tôi có cảm giác tác giả viết khá dễ dàng, câu chữ tự trôi trong cảm xúc. Đôi lúc ngơ ngác thấy cảm xúc dừng mà thơ như chưa xong kết cấu để thành bài, thơ mới như một thao tác đánh dấu nội tâm, lưu giữ một khoảnh khắc của lòng mình. Nhưng chính thơ là vậy. Và là đủ. Tìm kết cấu cho hình thức hay tìm kết ý cho nội dung là thói quen đóng khung cho tranh (thành bức tranh). Tập thơ này như một triển lãm nội tâm chưa lên khung, hóa ra để thế lại dễ thân với người thưởng ngoạn. Tuy thế, hình như tác giả vẫn cứ băn khoăn, ông làm một cái khung chung cho cả tập, ấy là bài thơ "tổng kết", chốt lại, ở cuối tập. Tôi thấy chả cần. Chốt lại có khi thành nhốt lại, chặn đứng những ngân nga thanh nhẹ rất dư ba của tập thơ.

Hai mảng cảm xúc bao trùm: hoài niệm và chiêm nghiệm. Cả hai đều là thao tác của ký ức. Tập thơ là một hơi lặn của tâm hồn tác giả vào dĩ vãng. Nó là nhu cầu tâm lý người vào tuổi lớn (Vũ Từ Trang sinh năm 1948). Do vậy mà chân thực, dột lòng mình cũng nao nao lòng người. Với người viết, đây là những giây phút chìm đắm thật sự hạnh phúc, được sống lại, sống thêm, được trở về mình. Hoài niệm là gì? Là tất cả như xưa mà không như xưa nữa. Là tất cả còn đây mà không thể trở về. Là còn đó và ở đâu, “Hoa đào còn đó trơ trơ/ Mà người năm ngoái bây giờ ở đâu?”. Từ Thôi Hộ đến Bích Câu kỳ ngộ Vũ Thời Trân, lại phả vào hơi hướng hiện thực đương đại thô mộc tạo nên cái nên thơ xốc vác của bây giờ. Ấy là sắc hoa tường vi gần cái vòi nước hỏng trong thời bom đạn ác liệt, "Chiếc bánh mốc ăn trong chiều mưa rét".

Kỷ niệm còn nguyên đó, hoa tường vi ở đâu? "Hoa tường vi bây giờ đã chết/ em có còn nhớ hoa ấy không?". Câu hỏi như một lời nhắc nhẹ, gợi bâng khuâng hơn là trách cứ. Tác giả không trách ai đã để tường vi chết. Thơ không bận tâm về khía cạnh này mà chấp nhận nó như một đương nhiên. Điều thơ muốn là truy lĩnh quá khứ với toàn bộ những gì đã trải. Ký ức sâu đậm của lứa nhà thơ này là chiến tranh, là thể chế xã hội bao cấp, có gian lao, có cay cực, thơ không giấu điều đó, nhưng thơ cũng không mổ xẻ vân vi vào đó, thơ coi nó như cái phông để rọi lên những buồn vui, những tâm trạng. "Hoa tường vi bây giờ đã chết" là một tâm trạng, tiếc nuối nét tinh khiết, cao sang của thuở khó khăn mà trong trẻo. Hoài niệm vốn hàm chứa tiếc nuối. Nghe nhạc ABBA, nhớ lại thời đói và rét ấy, để rồi lưu luyến nhớ tiếc chính tâm hồn mình thuở ấy: đầy khát vọng, vui buồn cũng nguyên vẻ tinh khôi.

Về lại phố Tràng, cảnh khác nhưng lòng mình không khác, chiếc đồng hồ cũ đứt cót rồi, nó không còn chạy nhưng tiếng tích tắc vẫn vang trong tâm trí. Để níu lấy dĩ vãng, ông thành bất động, không dám đụng vào hiện tại, sợ tan đi hình bóng cũ. Đây là một ghi nhận tâm lý không phải một phương châm ứng xử hiện thực. Người viết đang cơn mộng du, săn tìm trong vô thức. Lôgíc ở đây là lôgíc tâm trạng. Và đấy chính là nét khác biệt của tập thơ này với các tập trước của Vũ Từ Trang. Nó tinh tế, nó nhạy cảm, nó là chuyện của lòng người. Nhưng có một nguy cơ, nó dễ dắt người đọc lạc vào cõi mung lung sương khói, hư ảo. Vũ Từ Trang may sao không lạc vì ông đi ngắn đường, chưa kịp lạc thì ông đã ra khỏi không gian ấy. Bài thơ gọn thoáng, ít câu, ít chi tiết, có khi chỉ một chi tiết đủ gây ấn tượng.

Bài "Cà phê lối cũ", ấy là chi tiết nắng: lúc hai người đoàn tụ: quanh chân vàng nắng rơi, lúc cả hai cùng xa vắng: chỉ còn nắng dùng dằng như muốn nói. Đây là phẩm chất nên có của thơ (có một thời thơ thiên về giải thích, lý sự nên thường dài). Bài "Tựa" dùng một cấu trúc ngôn ngữ làm tứ nhưng vẫn giữ được tình vì đích đến của bài là gợi chứ không diễn ngôn hiện thực. Người đọc không rõ hiện thực sự kiện nhưng hình dung được hiện thực tâm trạng. Bài thơ chỉ 12 dòng, số câu thơ còn ít hơn thế, bốn dòng đoạn giữa chỉ là một câu.

Hoài niệm thường dắt đến chiêm nghiệm, chiêm nghiệm quá khứ (nhớ lại và suy nghĩ), tách riêng chiêm nghiệm ra chỉ để nói tính trội có tính đúc kết thế sự trong một số bài. Vũ Từ Trang nhận xét: Thuở đầu đời mơ mộng nên hai với hai là năm. Bây giờ, khi đã qua bao nhiêu dốc cao suối sâu, mới biết hai với hai là bốn. Nhưng cuộc sống lại đổi thay và ông nhận ra hai với hai là ba hoặc lại là năm! Kể cũng buồn nhưng không đến nỗi bi quan vì người trong cuộc ý thức được tình thế của mình: "thuyết tương đối của thời tương đối". Không phải tương đối của A. Einstein mà là thứ "chân lý lâm thời". Hình ảnh mây trôi trong câu thơ cuối có gì gần gụi với bức tranh vân cẩu, chiếu lên "chí trai nông nổi" giúp người đọc nhận ra sự trưởng thành của chủ thể tùy thời. Có bài thơ ngắn mang tên "Ngộ". Ngộ vào lúc "bàn chân chớm mỏi" rõ là một đốn ngộ thế sự, một bừng tỉnh vào tuổi tri thiên mệnh: "Con đường ngày một lùi xa" (tôi chắc tác giả muốn nói cái đích đến ngày một lùi xa, càng đi càng lùi xa), ấy là phía trước mặt, còn ngoái lại thì cũng xa mất rồi cái nơi xuất phát. Tình thế cũng nan giải: đang còn giữa đường mà chân thì chớm mỏi. Ngôi chùa Tháp Bút, Quan Âm nghìn mắt nghìn tay mà con đò cô đơn của người bỏ chùa lại đang chìm, chìm dần trong tiếng chuông ngân nga, long trọng, thanh bình. Tác giả thu hẹp tình huống vào tâm sự cá nhân, không có ý định khái quát xã hội. Giọng thơ bình thản nhưng có chút gì thật buồn, xa xót. Đôi chỗ nhói lên nỗi thảng thốt, nỗi lo âu về những giá trị tinh thần bị coi nhẹ.

"Đêm 16", nghĩa là sau đêm rằm, trăng tròn đã tròn rồi, cây ướt mưa, đường ngủ bụi, xe dừng, nhà lặng, đèn tắt, trang sách nằm mê "tư tưởng tuột ra ngoài con chữ", Vũ Từ Trang có hai câu thắt buộc: "chỉ có vầng trăng cổ tích/ sáng ngẩn ngơ trên bầu trời bỏ quên". Thuộc về cổ tích nên trăng bị bỏ quên dù rằng vẫn sáng, ánh sáng ngẩn ngơ như lỗi mốt (!). Trở lại trung du đồi chè tán cọ bên nỗi nhớ thường tình cái "thuở tuổi trăng rằm" là một phát hiện tâm lý: những nét cố hữu của thiên nhiên làm lòng ta vang động những âm thanh dĩ vãng. Phát hiện của Vũ Từ Trang thường nhỏ nhẹ như một nhận xét hoặc nêu lại một chân lý đã thành phổ biến (Vô vi) nhưng bao giờ cũng làm ta cảm động. Đây là tư tưởng được dẫn đến từ trải nghiệm, không phải do tư biện nên tràn đầy cảm xúc riêng tư. Tác giả lại diễn đạt bằng giọng thầm, độc thoại nên sức cảm thông cao.

Không gian chủ yếu của tập này là không gian hoài niệm, không gian ảo. Không gian thật có tồn tại trong mấy bài thơ bây giờ lại như bị lẫn vào hư ảo. Đấy là không gian những miền nghèo, vùng sâu vùng xa của "Rừng", của "Ngôi nhà Chiêm Hóa", "Lại về Đức Thọ", "Ngược núi Thiên Thai", của "Phận cò"... Thiên nhiên mênh mông, phận người lầm lụi "em bé chân đất/ oằn mình xay ngô". Địa danh Thiên Thai gợi cảnh bồng lai, hạc trắng nhưng anh Cứ, "bạn tôi nhoài người đẩy xe lưng trần đen đủi". Rồi "hạc vàng bay đi, người lưng trần ở lại". Trong cơn say điển tích, tác giả làm lạc mất con hạc trắng của Thế Lữ, mà chính ông thả bay ở đầu bài thơ, rồi túm nhầm vào con hạc vàng của Thôi Hiệu tận bên Tàu. Thế là không gian hiện thực cũng thành không gian ảo. May sao thơ không buồn như thơ hạc vàng bay mất, gian khổ mà không buồn, tác giả đã kịp tỉnh cơn mộng du trong tiếng trẻ nô cười lúc xe lúa anh Cứ đẩy vào trong ngõ.

Tập thơ dễ đọc. Thích nhất là có sức gợi, tứ thoáng, tình mở. Tranh không đóng khung mà. Tuy vậy tác giả như vẫn có chút e ngại thơ chưa đến độ. Với loại thơ lấy gợi làm cứu cánh, e ngại đó bộc lộ một kinh nghiệm bút pháp. Nhưng ở đây thơ chưa đến độ không phải vì "chưa đóng khung" mà nếu có - là ở chỗ cảm (cảm giác, cảm xúc) chưa đủ dẫn đến tình (tình cảm), tình chưa dẫn đến ý (ý tưởng, chủ đề). Bài thơ chơi vơi, thoáng nhẹ, là tài, nhưng nhẹ quá lại hóa bay mất. Ranh giới rất mỏng manh giữa thành và không thành (xin so sánh "Nho nhỏ nhà mình" và "Vai em gió lướt"). Chính vì thế tập thơ này mở ra một hướng thử thách khá thú vị với Vũ Từ Trang.

18/5/2011

Vũ Quần Phương
.
.