Sức sáng tạo và cá tính văn chương Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Hai, 18/09/2017, 08:06
Văn chương đòi hỏi người viết phải sống chết với nó để nảy ra cá tính. Không có cá tính, không bay cao ý tưởng thì coi như chẳng thể tồn tại một thể loại văn chương đích thực. Văn chương dường như không còn chỗ dung thân ở Đồng bằng...


Đồng bằng sông Cửu Long (xin được gọi tắt là Đồng bằng) là một vùng rộng lớn, phì nhiêu, nổi danh hào sảng và chịu chơi. Đâu đó vẫn còn câu “Người ta lấy táo đong lúa chớ ai lấy táo đong chữ”. Chữ ở đây là chữ trong bằng cấp, chữ học đường - những món một thời có thể gặt hái được tiền bạc và danh phận. Còn chữ trong văn chương thì hoàn toàn không phải là món dễ tiêu hóa với số đông người dân đồng bằng.

Số đông người dân nhắc con “học bài đi” như tụng kinh mỗi ngày thì cũng chỉ là đọc, học những bài văn trong sách giáo khoa, vì với họ đó là kiến thức. Ngoài giáo khoa, dẫu hay ho cỡ nào thì không được tính!

Ngày nay, chữ của bằng cấp đang xuống giá trầm trọng. Thầy giáo, kỹ sư, bác sĩ thất nghiệp hoặc làm việc khác chuyên môn không hiếm thì những cái nhìn không kỳ vọng về chữ cũng ngày càng nhiều. Chữ bằng cấp còn bi đát, chữ của văn chương, vốn dĩ ở đồng bằng “chẳng là trò trống gì”, càng không biết trôi về đâu, người viết trôi về đâu. 

Những người làm nghề viết trên đất Đồng bằng nhìn nhận, sách mình nếu xuất bản ở TP Hồ Chí Minh thì còn bán được chút ít cho thị trường đô thị. Thị trường các tỉnh Đồng bằng, mỗi đầu sách bình thường may lắm bán được dăm ba cuốn. Trên cái nền thị hiếu phi văn chương, trên cái nền văn hóa “quen đong lúa đong đậu”, người viết còn viết được đã may. Trong khi văn chương đòi hỏi người viết phải sống chết với nó để nảy ra cá tính. Không có cá tính, không bay cao ý tưởng thì coi như chẳng thể tồn tại một thể loại văn chương đích thực. Văn chương dường như không còn chỗ dung thân ở Đồng bằng.

Thật ra văn chương Đồng bằng không yểu mệnh như cái số phận nó đang gánh. Vùng đất khó sẽ nảy sinh ra con người vượt khó. Những đứa con văn chương Đồng bằng sống với văn chương bằng một sự hiến mình, chấp nhận đùa với áo cơm để nuôi dưỡng văn chương. Một cuộc chơi văn tài tử cống hiến và phi tính toán.

Để những dược sĩ như Trương Thị Thanh Hiền bỏ mặc tất cả thuốc men một thời tốn công đèn sách để vùi đầu vào từng trang sử cho ra đời “Mệnh Đế Vương” dầy kiến thức và sáng tạo. Để những Lê Minh Nhựt có thể dẹp bỏ nghề y đang tạo được bình an cho manh áo chén cơm mà chuyển hẳn sang chuyên canh ngòi bút và ung dung nuôi dưỡng kỹ lưỡng từng trang viết.

Các tác giả trẻ Đồng bằng sông Cửu Long trong chuyến đi thực tế sáng tác tại cửa khẩu Xà Xía, Hà Tiên.

Nhiều cây bút trẻ ở Đồng bằng như Lê Quang Trạng, Vĩnh Thông, Huỳnh Trọng Khang lăn xả vào văn chương từ rất sớm và bằng trọn vẹn tâm huyết. Họ sớm góp mặt vào văn đàn bằng những giải thưởng cũng như sức bền bỉ trong sáng tác. Ở góc nhìn của một nhà phê bình, người theo dõi văn chương Đồng bằng qua nhiều thế hệ, từ những nhà văn Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam tới những người viết trẻ mới bước vào văn đàn. Giáo sư Tiến sĩ Bùi Thanh Truyền đã đánh giá khá cao về văn chương Đồng bằng.

Dưới con mắt của người trong cuộc lẫn ngoài cuộc, văn chương Đồng bằng đều hiện ra quá nhiều yếu tố mang chất tiềm năng. Ngoài nền tảng là nơi từng sản sinh và nuôi lớn những nhà văn tiền bối lừng danh như Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Trang Thế Hi, thì thế hệ trẻ giàu nhiệt huyết lẫn tài năng cũng đang có một sức viết mạnh mẽ vượt trội, không thua những vùng miền khác. Dù vậy, văn học Đồng bằng sông Cửu Long vẫn luôn mang một tâm thế “miền Nam đi trước về sau” như cách nhà văn Lê Văn Thảo từng nhận định. 

Trong tọa đàm về văn chương trẻ đồng bằng diễn ra trong khuôn khổ trại sáng tác của Tạp chí Văn nghệ Quân đội tại Châu Đốc, nhà văn Nguyễn Bình Phương có nói, văn đồng bằng sông Cửu Long mang tính người miền Tây, hiền lành chân chất và hào sảng nên thiếu chất hiểm. Văn chương mà thiếu “hiểm” thì thiếu chiều sâu và thâm trầm cần có.

Nhà văn Nguyễn Thu Phương thì cho rằng, văn đồng bằng sông Cửu Long giàu tình nghĩa, trong sáng và nhân hậu, vẫn có nét riêng. Cứ khai thác cho tới nơi tới chốn vốn quý giá riêng biệt của vùng đất là tạo được dấu ấn. Đừng nên biến mình thành những thứ không phải là mình, vì như vậy sẽ tạo ra những thứ lai căng khó chấp nhận.

Người viết đồng bằng sông Cửu Long đối với văn không phải như đối với một cái nghề, mà như đối với một người bạn, một người yêu. Và chàng bút Đồng bằng yêu nàng văn bằng tình yêu bản năng nhất của mình. Bao yêu thương, bao ngọt ngào, bao tin tưởng và công sức đều dành cho nàng tất cả, chỉ mỗi một thứ không đầu tư một chút nào là sự tính toán.

Chàng bút Đồng bằng không thể tính toán với nàng văn. Bản chất chàng mãi mãi không tính toán, với người yêu lý tưởng của mình, chàng càng để cảm xúc dắt đường. Chàng yêu chân thành, yêu bằng toàn bộ trái tim với đủ đầy cung bậc hỉ nộ ái ố của cảm xúc. Chàng mặc kệ nàng văn vốn kiêu kì và khó tính. Thỉnh thoảng được nàng tặng cho một chút ưu ái đã thấy hạnh phúc rồi, đã sống được hoặc chết được với nàng rồi. Những người làm văn chương miền Tây ngồi lại với nhau thường không nói về văn chương. Không khen không chê, không tuyên ngôn về xu hướng sáng tác của bản thân.

Một vài cây bút trẻ của đồng bằng sông Cửu Long viết về miền đất nơi mình sống và trở nên nổi danh. Một số người nhìn vào đó cứ nghĩ, hễ văn hay là phải vùng miền. Sự nhầm lẫn từ đó lan truyền. Rồi có những sự lặp lại vì cho rằng, chỉ có văn học vùng miền mới có thể là tuyệt tác.  Bông điên điển cá linh với những sợi bông súng dài ba bốn thước được nấu lại cùng một kiểu để đãi thực khách trăm mùa. 

Cái riêng thật ra đồng nhất với sáng tạo và nó mang dấu ấn tư duy lẫn cách bay nhảy của riêng mỗi người viết. Vùng miền là một chất liệu có sẵn và tiện lợi nhất. Cảm về vùng đất trong một góc nhìn cá biệt, lối biến tấu riêng, lạ của mỗi người viết mới thật sự là cá tính. Vùng miền được mượn để nói lên một cái nhìn lạ lẫm, mới mẻ về thời đại của dân tộc, của nhân loại hơn là được nói về riêng nó, chỉ mình nó. Cũng như nỗi lòng của mỗi con người vậy, khi nào nó mang tính cá nhân, khi nào nó là đại diện cho một lớp thân phận tương đồng và đông đảo. Cá tính được chấp nhận là một cá tính vì mọi người mà sống, dẫu rằng nó không đi chung với mọi người.

Người miền Tây có thừa cá tính, thừa sáng tạo. Lớp từ vựng ngôn ngữ miền Tây vốn dĩ không ngừng biến đổi. Vốn dĩ, người miền Tây không thích nói hoài một kiểu, kể hoài một truyện cũng như dùng mãi một từ. Chỉ mỗi  hành động ăn thôi mà qua từng thời kỳ khác nhau nó được gọi khác nhau cho những tình huống khác nhau. 

 Có lẽ vậy mà nhà văn Nguyễn Trí, một người từng trải và mạnh mẽ trong cách sống mê đồng bằng sông Cửu Long đã từng khẳng định: “Văn chương đồng bằng sông Cửu Long bây giờ rất mạnh mẽ. Nhiều tác giả thành danh đang bừng sức sáng tạo. Những cây bút như Trần Tùng Chinh, Vĩnh Thông đang ngày một lớn. Đặc biệt Trần Tùng Chinh rất khỏe và nội lực. Rất ngạc nhiên là khi tham gia ra mắt Văn học tuổi hai mươi năm nay không có một gương mặt Đồng bằng nào. Tôi nghĩ rằng văn học trẻ Đồng bằng đang đứng lại để phóng lên”.

Những con người không ngừng sáng tạo, không ngừng tìm kiếm trên đất miền Tây sẽ tìm tới món ăn cao cấp tinh thần cho tâm hồn vốn dĩ rất nhạy cảm của họ. Chữ của văn chương sẽ được nhìn nhận với đúng giá của nó. Nền văn hóa đong lúa đong đậu sẽ không còn là duy nhất. Chữ sẽ được đong đo và chữ kiến thức sẽ được hiểu theo kiểu không phải chỉ tồn tại duy nhất trong sách giáo khoa. Người viết ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có trách nhiệm xây dựng thị hiếu đó và cũng sẽ hưởng được quyền lợi từ thị hiếu đó.

Võ Diệu Thanh
.
.