Đọc "Ngàn năm dưới bóng quê nhà", tập bút ký của Nguyễn Thị Thu Hà, NXB Quân đội nhân dân, 2018

Quê nhà - qua một góc nhìn

Thứ Bảy, 31/03/2018, 08:38
Tập bút ký gồm 22 bài, viết về miền quê với những con người, tập tục, đặc sản rất đặc trưng của Bắc Giang - miền Kinh Bắc Thượng.


Bài bút ký có tên được chọn làm tên chung cho cả tập sách nặng trĩu nỗi niềm và tình cảm của người viết. Ấy là bài viết về cây dã hương nghìn tuổi ở đất Tiên Lục (Lạng Giang). Nói tới cây dã hương Tiên Lục, nhiều người đã biết tiếng. Chả thế, thời vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786) đã ra sắc phong cho cây là “Dã đại thần”, nghĩa là cây lớn nhất nước. Đấy là cách suy tôn, chứ thực ra, các miền quê khác còn có những cây lớn hơn cây dã hương này.

Nhưng với con mắt tác giả, thì “Cây đại thụ như một ông lão giương chiếc ô khổng lồ cho lũ trẻ hồn nhiên ca hát, nhảy múa dưới thân mình trên thảm rơm vàng như tơ tằm...” và dưới con mắt du khách phương xa, khi “Đứng trước gốc cây to sù sì và cổ kính” nhận ra vẻ đẹp kỳ ảo “Ngửa mặt nhìn bầu trời qua vòm lá xanh mướt, chỉ thấy nhấp nhánh bao sợi tơ ánh sáng đan xen như tấm lưới dệt bằng kim tuyến”.

Cây gắn liền với bao kiếp người ở nơi đây, cây đã chứng kiến bao thịnh suy và linh ứng bao sự kiện lớn của xóm làng và đất nước. Với lũ trẻ làng, cây dã hương cổ thụ lại cho chúng những con sâu cước, con sâu màu nâu đen mà rất lành, trẻ làng hay nghịch chơi lấy ruột sâu kéo thành sợi cước câu cá rất thú vị. Ngàn năm, cây vẫn lặng lẽ tỏa hương “Mùi thơm của hoa dã hương chỉ thoang thoảng giữa không gian khó nhận dạng ở một loài hoa nào, bởi thứ hương rất tinh khiết trong một vùng không gian trong lành”.

Không gian làng quê trung du hiện lên vẻ đẹp yên bình trong trang sách Nguyễn Thị Thu Hà. Trong bài “Dấu yêu trên đất quê”, chị tự thú “Ai cũng có một quê hương để trở về, nhưng có lẽ với tôi, tôi nghĩ mình có hai quê hương.

Một miền quê sinh ra và nuôi dưỡng tâm hồn tôi thành người; một miền quê cho tôi một đời duyên phận”. Phải là người gắn bó và yêu quê hương lắm, tác giả mới có những cảm xúc đáng yêu như “Những mảnh ruộng lún phún rau khúc trong sương rét ngày cuối đông”, hoặc nét đẹp làng quê thanh bình “Tiếng gió làm những bọng tre sau nhà cọ nhau nghe ọt ọt. Lá trong vườn vờn nhau nghe se se lành lạnh, man mác làm sao...”.

Một đời sống thanh bình, ấm cúng sau lũy tre làng, như bức tranh cổ sơ, ngỡ tĩnh đấy, mà bao xao động: “Chiều chiều, những mục đồng vắt vẻo trên lưng trâu về bỏ lại ánh chiều rớt sau lũy tre làng lao xao. những con kênh trong xanh đến nao lòng, dòng cứ theo dòng chảy mải miết không để ý đến trời xanh ngắm mình dưới lòng kênh...”.

Quê hương, muôn đời tạo ra căn cốt cho con người. Nguyễn Thị Thu Hà là người nặng lòng với làng quê, nên ngay những trang viết về phố thị nhà cao cửa gương sáng loáng, thì ở những con chữ vẫn trăn trở, da diết một nỗi niềm quê nhà. Bắc Giang nay đã là thành phố, nhưng bóng dáng làng quê thanh bình vẫn thấp thoáng ngày còn là thị xã “Những con đường trong thị xã hun hút cứ dài mãi vì bước chân nhỏ và chỉ có người đi bộ, hoặc đi xe đạp”.

Cái thành phố đang xáo trộn của mùa xây dựng, nhưng chị vẫn nuối tiếc một cảnh trí làng xóm “Chẳng còn đâu những rặng cúc tần, chẳng thấy chú chuồn chuồn bên bờ ao”. Mặc dù “Hàng cây mới đã rợp bóng ven đường tỏa ngát hương hoa sữa, tím lịm mùa bằng lăng đến thơ mộng và có chút gì kiêu sa của hoàng điệp thả hoa vàng như cánh bướm xuống lòng phố”.

Phố thị đang đà lớn mạnh, vậy mà Thu Hà vẫn nhìn ra vẻ đẹp của những góc chợ ở phố ven sông. Ở đấy, cách thức bán mua vẫn nặng tình nặng nghĩa hơn là lợi nhuận. Những người bán hàng vẫn còn đậm nét người nông dân một nắng hai sương. Những món quà dân dã, những con người nồng hậu, vẫn lưu giữ nếp sống tao nhã: “Bà tôi chọn chiếc áo nâu, còn thơm mùi vải hồ đi lễ chùa cùng các cụ. Vào đêm thanh, mùi hương trầm từ đâu tỏa ngát làm không gian như hẹp lại, đưa người ta vào cõi chay tịnh, thư thái hơn” (Cho ta gửi chút niềm tâm sự).

Những trang viết về đặc sản của miền đất cũng gợi nhiều thi vị cho người đọc. Bánh đa Kế vốn là đặc sản quà quê của Bắc Giang. Nom chiếc bánh ngon lành, nào mấy người biết bí quyết để tạo ra chiếc bánh đa mỏng manh dễ vỡ này: “Gạo làm bánh muốn xuê, rẽ thường dùng gạo Thái Bình, loại gạo khô chứ không dùng gạo dẻo. Loại gạo mùa trước làm bánh mới ngon vì gạo đã hết nhựa, tráng sẽ róc, bánh nở, xốp”.

Cũng qua trang viết của Thu Hà, người đọc hiểu thêm tập tục bày cỗ trung trăng ngày rằm tháng tám ở làng làm bánh đa Kế, là bên mâm cỗ hoa quả, bánh Trung thu, người ta còn treo buộc chiếc bánh đa, tượng trưng cho mặt trăng tròn. Nếu vùng Lục Ngạn có vải thiều, ở Huyền Sơn (Lục Nam) có rừng na, thì Yên Dũng lại có mùa cua da rất đặc trưng.

Cua da Yên Dũng khác hẳn cua đồng, cua bể. Đây là giống cua ở sông nước ngọt, vị ngon riêng biệt và chỉ tháng mười mới có. Còn hương vị thanh cao, chay tịnh ở chùa Bổ Đà, như riêng chùa cổ này lưu giữ, như muốn kéo con người thoát khỏi cảnh xô bồ, hỗn tạp của một thế giới hiện đại: “Bước qua cổng gạch cũ là bước vào một chốn thiền không. Loài hoa có hương đặc trưng như hồi chuông báo cho ta biết đang ở giữa sân chùa đó là hoa đại. Mùa này, cây đại cổ thụ đã rắc hoa vàng điểm sắc trên nền gạch nâu, trên cả thảm lá trầm khô trong vườn chùa”.

Những con người trong tập bút ký của Nguyễn Thị Thu Hà đều có những nét đáng yêu. Ấy là những mỹ nữ ở chân mây phía Tây Yên Tử. Bản Mậu, xã Tuấn Mậu là một xã cheo leo, heo hút của huyện Sơn Động, vậy mà nơi đây lại là quê của bao người đẹp qua các cuộc thi tuyển. Truyền thuyết nơi đây có giếng Tiên, nước từ núi cao chảy ra, mát lành, con gái tắm nước giếng Tiên có nước da trắng đẹp. Lại còn có hòn đá Nứng, trai gái sờ vào, tình duyên thêm đậm đà.

Cũng theo truyền thuyết, xa xưa, con gái bản Mậu thường được chọn tiến vua. Lại truyền thuyết khác, khi vua Trần Nhân Tông giã từ kinh thành, lên Yên Tử xuống tóc đi tu, ngài đã khuyên và mở lối cho bao cung tần mỹ nữ trở về đời thường. Nhiều cung tần mỹ nữ bùi ngùi bái chào nhà vua, dạt xuống phía Tây Yên Tử, lập nên chòm bản, lấy chồng sinh con đẻ cái, tạo thành miền gái đẹp ở bản Mậu. Không riêng gì những người đẹp tiến vua, mà ngay anh thợ gốm làng Ngòi, những người nông dân một đời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, người nghệ sỹ mê chèo quyết gây dựng đoàn chèo để lưu giữ làn điệu cổ của cha ông, rồi người đi sưu tầm chuyện cười xứ Bắc... tạo ra những khuôn mặt độc đáo của miền Kinh Bắc Thượng.

Nguyễn Thị Thu Hà với tập bút ký “Ngàn năm dưới bóng quê nhà”, như sự tri ân, trả nghĩa cho những làng xóm và con người quê hương. Cũng qua tập bút ký này, người đọc thêm yêu những con người, những mảnh đất của vùng Kinh Bắc Thượng, một miền đất vừa trữ tình, vừa đượm tinh thần thượng võ.

Tháng 3-2018 
Vũ Từ Trang
.
.