Phim tài liệu Việt: Để ra rạp bền vững

Thứ Sáu, 05/05/2017, 08:00
Bộ phim tài liệu "Chuyện ngày hôm qua" làm về ban nhạc Bức Tường đã ra mắt đúng dịp tròn 1 năm ngày mất của nhạc sĩ Trần Lập - người được ví như "thủ lĩnh ban nhạc", dù được đánh giá là xúc động và giàu tính nghệ thuật nhưng cũng chỉ trụ ở rạp được 9 ngày...


Cùng với "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" (đạo diễn Nguyễn Thị Thắm), hai bộ phim của đạo diễn Phạm Hồng Giang là "Lửa Thiện Nhân", "Đáng sống"... đã tạo được những cơn sốt nhẹ trong dư luận nhưng nói tới doanh thu, các nhà sản xuất phim vẫn cười trừ... Có lẽ, ra rạp bền vững và đạt doanh thu cao vẫn là giấc mơ của những bộ phim tài liệu Việt Nam.

Từ lâu, người Việt vẫn quen với việc phim tài liệu chỉ để chiếu truyền hình. Nên tâm lý của khán giả tiếp nhận phim tài liệu cũng khá bị động. Khi nào chiếu trên truyền hình thì xem. Không ít phim tài liệu phát sóng khiến khán giả trầm trồ: hay quá, xúc động quá. Nhưng cũng chỉ dừng lại như thế. Chưa khi nào khán giả lại nghĩ tới việc chủ động tới rạp xem một bộ phim tài liệu cả.

Thậm chí, có những bộ phim tài liệu được vinh danh ở các Liên hoan phim trong nước cũng như quốc tế thì khán giả cũng chỉ biết chờ khi nào phát trên sóng truyền hình mới được thưởng thức. Mà đôi khi, vì phải xếp hàng chờ phát sóng nên tính thời sự ở những bộ phim ấy giảm đi ít nhiều.

Ngoại trừ hai bộ phim là "Hà Nội trong mắt ai" và "Chuyện tử tế" (đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy) tạo nên hiện tượng sốt vé ở cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, còn nhiều năm qua, hầu hết những bộ phim tài liệu được khán giả đánh giá cao như "Giọt nước giữa đại dương" (đạo diễn, NSND Đào Trọng Khánh), "Những người giữ biển" (đạo diễn, NSƯT Phạm Huyên), hay những bộ phim bỏng rẫy chất liệu đời sống của NSND Nguyễn Thước, đạo diễn Hồng Chương... đều chỉ được công chiếu trên truyền hình sau khi chiếu ra mắt đồng nghiệp hoặc chiếu tại các Liên hoan phim cho ban giám khảo.

Phim Tài liệu “Đáng sống” dù khá chân thực, xúc động nhưng chưa đạt được doanh thu như kỳ vọng.

Để giúp phim tài liệu đỡ phần nào cảnh "áo gấm đi đêm", những nhà quản lý đã nghĩ ra cách chiếu phim tài liệu tại rạp, vào trước mỗi suất phim truyện. Đây quả là một cách làm ý nghĩa và hay với phim tài liệu. Tuy nhiên chỉ thực sự phù hợp với những bộ phim tài liệu có thời lượng ngắn từ 15 đến 20 phút. Nếu phim dài, sẽ ảnh hưởng thời các suất chiếu cũng như không phù hợp với quỹ thời gian giải trí thông thường của khán giả.

Chính vì vậy, một thời gian dài, kênh phát hành duy nhất của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương là truyền hình. Những người làm phim tài liệu vẫn loay hoay với giấc mơ mang phim ra rạp thương mại và làm thế nào để khán giả móc hầu bao mua vé đi xem phim tài liệu.

Chỉ tới năm 2014, khi bộ phim "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" kể về số phận của những nhân vật trong một đoàn hát của những người chuyển giới đã tìm được cách phát hành. Phim đã tạo được kỷ lục với một bộ phim tài liệu, đó là chiếu gần 3 tháng tại các thành phố lớn và đã khiến một ông lớn "mời" vào rạp.

Ngay thời điểm phim mới phát hành, chỉ trong vòng 11 ngày, 10.000 vé được bán tại thành phố Hồ Chí Minh. Cao điểm có đến 30 suất chiếu/ ngày tại cụm rạp CGV. "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" đã chinh phục khán giả bằng những thước phim chân thực mà xa xót về những phận đời bất hạnh, éo le trong xã hội. Những con người đáng thương, đáng được trân trọng chứ không chỉ gợi tò mò, hiếu kỳ như bấy lâu nay xã hội vẫn ứng xử với họ. Cơn sốt của "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" đã như một cú hích vào những đạo diễn ấp ủ giấc mơ làm phim tài liệu độc lập.

Liên tiếp trong vòng 2 năm, người đạo diễn có vóc dáng gầy gò Phạm Hồng Giang đã cho ra mắt 2 bộ phim tài liệu là "Lửa Thiện Nhân" và "Đáng sống", đều bằng phương thức ra rạp thương mại. Thật may mắn là "Lửa Thiện Nhân" đã có hiệu ứng tốt ở cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Sức nóng của phim đã khiến nhà phát hành Platium Cineplex đưa vào chiếu tại 5 hệ thống rạp trên toàn quốc với hàng trăm suất. Điều đáng nói là "Lửa Thiện Nhân" thu hút khán giả vì đã đánh trúng vào lớp đối tượng rất cần đến những tác phẩm giải trí - giáo dục đích thực, đó là trẻ em. Vượt lên một bộ phim thông thường, "Lửa Thiện Nhân" thực sự là một món quà ý nghĩa, là buổi học kỹ năng thú vị, là tiết học ngoại khóa hấp dẫn với các em nhỏ.

Cùng được tạo ra từ những đam mê, từ những lăn lộn vất vả với nghề của đạo diễn Phạm Hồng Giang nhưng "Đáng sống" lại không có được may mắn về mặt doanh thu như "Lửa Thiện Nhân". Là một chùm 3 phim khá xúc động về ba đối tượng ở ba vùng miền, ba tầng lớp khác nhau, dù đạo diễn đã dày công tìm đến các rạp, đưa phim đến trường học nhưng chưa có được hiệu ứng tốt như mong đợi.

Gần đây nhất, bộ phim "Chuyện ngày hôm qua" (đạo diễn Đặng Linh) không chỉ là những thước phim sống động về hành trình hơn 20 năm của ban nhạc Bức Tường mà còn truyền tải đam mê, nhiệt huyết cho khán giả ngày hôm nay.

Dù phim ra mắt đúng tròn 1 năm ngày mất của nhạc sĩ Trần Lập, với mục đích gây quỹ từ thiện cho trẻ em ung thư tại Bệnh viện K Tân Triều, Hà Nội nhưng chỉ trụ ở rạp được một tuần. Mặc dù ngay từ ban đầu, với mục đích, số tiền thu được từ việc bán vé, ủng hộ của các đơn vị, cá nhân sẽ hỗ trợ phát hành phim và đóng góp vào quỹ "Vì bệnh nhân ung thư" với tinh thần thắp lửa và truyền đi thông điệp "Vì một cộng đồng khỏe mạnh", phim cháy vé ngay trong ngày đầu công chiếu. Dù được hỗ trợ tối đa tại rạp "người nhà", không áp lực về mặt doanh thu vì được Nhà nước đầu tư nhưng vì có ít người xem cũng chỉ trụ được 9 ngày.

Rõ ràng, nhìn vào hành trình ra rạp của những bộ phim tài liệu Việt Nam đã thấy ở đó lấp lánh những tín hiệu vui. Có bộ phim đã tạo được hiệu ứng tốt trong dư luận và mang về doanh thu cao cho nhà sản xuất. Tuy nhiên, những thành công này còn quá ít.

Ngay cả những bộ phim gây sốt tại phòng vé thì có lẽ doanh thu cũng chỉ đủ để đạo diễn trang trải chi phí sản xuất phim, chưa ai cầm đồng lãi nào thì họ vẫn kiên trì mang tài liệu ra rạp. Không thể phủ nhận nỗ lực, sự cố gắng của những người làm phim tài liệu. Đạo diễn Phạm Hồng Giang cũng chia sẻ rằng, làm phim tài liệu vì đam mê chứ nghĩ tới doanh thu sẽ dễ nhụt chí.

Sự thành công của mỗi bộ phim tài liệu khi ra rạp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó đề tài là một vẫn đề thực sự quan trọng. Sở dĩ "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" hay "Lửa Thiện Nhân" thu hút được đông đảo khán giả vì đạo diễn đã có lựa chọn đúng ngay từ đề tài.

Thế giới người đồng tính hay chuyển giới vẫn luôn là một bức màn bí mật khiến không ít người tò mò. Chính cách làm phim sáng tạo là đi cùng, ăn ở cùng chuỗi ngày mưu sinh của gánh hát những người chuyển giới, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm đã đưa tới cho khán giả được dịp hiểu và cảm thông hơn với những phận người không bình thường này.

Tương tự như vậy, Thiện Nhân cũng đã là một chú bé nổi tiếng trên giới truyền thông về số phận đặc biệt của mình. Chính vì thế, ngay từ khi phim ra mắt, nhiều khán giả đã tới rạp để mong muốn được hiểu hơn về câu chuyện cổ tích giữa đời thường ấy.

Đặc biệt, không ít phụ huynh muốn nhờ "Lửa Thiện Nhân" để thắp lên ngọn lửa yêu thương, ngọn lửa nghị lực trong những đứa con bé nhỏ của mình. Nói như vậy, không có nghĩa, những bộ phim chưa có nhiều khán giả không phải vì chọn sai đề tài hay phim không hay mà đôi khi vì giờ chiếu không phù hợp hoặc cách truyền thông chưa hiệu quả...

Phim tài liệu ra rạp có một thuận lợi là không nhất thiết phải xuất hiện ở những cụm rạp hiện đại, hoành tráng. Giá vé cũng thường thấp hơn nhiều so với phim truyện. Thế nhưng, không phải phim tài liệu nào đưa ra rạp cũng thành công.

Theo quan điểm của những người làm nghề thì để hấp dẫn người xem phim tài liệu Việt Nam phải có sự đột phá mới mẻ từ tư tưởng đến cách làm. Còn thực tế cho thấy, khán giả ra rạp chủ yếu từ độ tuổi từ 15 đến 25 không phải ai cũng thích xem phim tài liệu. Chưa kể, họ chưa có thói quen ra rạp xem thể loại phim này. Vì thế, để phim tài liệu ra rạp bền vững những nhà làm phim cần chọn đúng đề tài, phù hợp đối tượng khán giả và ra mắt đúng thời điểm.

Khánh Thảo
.
.