Ra mắt chùm phim tài liệu: Những cuộc đời “Đáng sống”

Thứ Sáu, 25/11/2016, 09:32
Sau "Lửa Thiện Nhân" - bộ phim tài liệu từng gây sốt tại các cụm rạp năm 2015, đạo diễn Đặng Hồng Giang tiếp tục cho ra mắt chùm phim tài liệu "Đáng sống". Ba bộ phim: "Mầm sống", "Đáng sống" và "Một con đường" với 3 tuyến nhân vật, 3 nội dung câu chuyện với cách giải quyết vấn đề khác nhau nhưng đã mang tới cho người xem một thông điệp đầy yêu thương và hy vọng về cuộc sống. Không chỉ có vậy, những bộ phim "thật như cuộc sống" rất "đáng xem" này còn mang đến tương lai chiếu rạp cho những bộ phim tài liệu Việt Nam.


Ra mắt tại một trong những cụm rạp hiện đại ở Thủ đô, phòng chiếu chùm phim tài liệu "Đáng sống" không còn một ghế trống. Sau giờ chiếu, những nhân vật trong phim được báo chí "săn đón" như những nghệ sĩ ngôi sao của những bộ phim truyện ăn khách khác. Vẻ thật thà pha chút ngượng ngịu của những người chưa quen trước sự nhiệt tình của báo chí càng khiến buổi ra mắt độc đáo và đầy xúc động.

Với thời lượng 90 phút, bộ phim tài liệu "Đáng sống" là 3 câu chuyện điển hình ở ba miền Bắc - Trung - Nam với 3 tầng lớp xã hội, 3 công việc khác nhau: Trí thức - Doanh nhân - Nông dân.

Nếu như "Mầm sống" là câu chuyện về chị Hoàng Thị Kim Dung, Tiến sĩ, giảng viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Vừa kết hôn không lâu thì chồng cô đột ngột tử nạn vì tai nạn giao thông. Vượt lên trên đau khổ tột cùng, Hoàng Thị Kim Dung đã tìm thấy "mầm sống" ấm áp, yêu thương, tìm thấy lẽ sống, tương lai của đời mình khi quyết định sinh con từ tinh trùng của người chồng đã mất.

Cùng giúp cô Dung ươm lên mầm sống ấy là bác sĩ Lê Vương Văn Vệ, người đã "xé rào thủ tục", tạo nên câu chuyện kỳ diệu đầy tính nhân văn của y học. "Đáng sống" là câu chuyện về cuộc chiến ung thư của doanh nhân Tăng A Pẩu.

Chị Hoàng Thị Kim Dung (nhân vật trong phim) và những “mầm sống” của đời mình.

Năm 2005, anh Pẩu bị phát hiện mắc ung thư gan ác tính buộc phải mổ với hy vọng cứu sống chỉ 10%. Nhưng Tăng A Pẩu đã sống mạnh khỏe 11 năm qua cùng với đam mê chụp ảnh chim rừng. Anh lặn lội qua nhiều cánh rừng, núi cao trên cả nước để tìm kiếm và chụp hình được khoảng 500 loài chim hiện hữu của Việt Nam, trong đó có nhiều loài được xác định là chim đặc hữu, chỉ riêng có ở Việt Nam.

Không mấy ai biết, anh Tăng A Pẩu đang sở hữu bộ sưu tập ảnh chim quý giá trị nhất Việt Nam, trong đó có nhiều loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng để truyền lại cho các thế hệ mai sau.  Và "Một con đường" lại là câu chuyện về người nông dân Nguyễn Ngọc Triệu quê ở Cam Lộ, Quảng Trị mưu sinh bằng công việc tìm phế liệu chiến tranh như bao người dân sống trên mảnh đất khô cằn ấy.

Đối mặt với cái chết, với tật nguyền, mỗi buổi sáng bước ra khỏi nhà là phó mặc mạng sống cho kinh nghiệm, cho may rủi để kiếm từng đồng bạc nhỏ nuôi gia đình. Đời sống và tương lai họ dường như mịt mùng. Nhưng anh Triệu đã đưa người xem qua cuộc mưu sinh chết chóc đó để kiếm tìm một lối thoát hoàn toàn bất ngờ và tươi sáng.

Ba nhân vật trong câu chuyện của Đặng Hồng Giang, mỗi người một hoàn cảnh sống, mỗi người gánh trên vai một nỗi khốn khổ của kiếp người. Đặng Hồng Giang lý giải sở dĩ anh chọn những hoàn cảnh éo le ấy bởi "Cuộc sống hàng ngày xung quanh chúng ta luôn tồn tại những bất trắc, rủi ro.

Đã gọi là tai ương thì mỗi chúng ta không thể nói trước được điều gì. Không ít người trong số chúng ta trở nên bi quan trước những tai ương của đời sống. Mặc dù mỗi câu chuyện trong "Đáng sống" mang đậm màu sắc cá nhân, nhân vật dù là ai, ở vùng miền nào nhưng tôi tin sẽ mang lại những bài học hay những điều đáng suy ngẫm.

Tôi chỉ mong muốn kể những câu chuyện này như một cách gợi mở hữu ích cho mỗi người. Nếu không may lâm vào những khó khăn, tai ương chúng ta cũng tư duy tích cực để tìm lối thoát chứ không chỉ bế tắc ôm mặt kêu trời. Để tôi tin và mong rằng khi mỗi chúng ta vượt qua được những khó khăn sẽ đều ngẩng lên, đáng sống vui tươi trong cuộc đời này"...

Vẫn tiếp mạch của "Lửa Thiện Nhân", phim của Đặng Hồng Giang không quá chú trọng vào kỹ thuật quay, hay cầu kỳ trong lời bình, phim cuốn hút khán giả bằng lời kể, bằng chia sẻ gan ruột của nhân vật. Nhưng ở "Đáng sống" có cảm giác như Đặng Hồng Giang cũng kỹ lưỡng hơn trong từng khuôn hình. Anh chú trọng nhiều tới đặc tả cận cảnh gương mặt nhân vật, làm nổi bật những biểu hiện nhỏ nhưng tinh tế trong cảm xúc, thái độ của họ.

Đặng Hồng Giang chia sẻ, chùm phim "Đáng sống" được bắt đầu thực hiện với những cú bấm máy đầu tiên vào tháng 11 - 2012 cho phim "Một con đường", cùng thời điểm anh quay "Lửa Thiện Nhân". Bốn năm cho một bộ phim, đó không phải là khoảng thời gian ngắn. Chủ nhân của những thước phim lên rừng, xuống biển ấy, người đạo diễn gày gò đã có được không ít kỷ niệm buồn vui trong những tháng ngày làm phim.

Anh tâm sự, ngoài người nông dân Nguyễn Ngọc Triệu thì các nhân vật còn lại anh đều mất khá nhiều thời gian để thuyết phục họ xuất hiện trong bộ phim của mình. Anh Tăng A Pẩu thì bận rộn với những chuyện đi rừng, không muốn nhắc tới bệnh tật. Chị Hoàng Thị Kim Dung không muốn câu chuyện của mình lên truyền thông thêm lần nữa...

Đạo diễn Đặng Hồng Giang (bên trái) và anh Nguyễn Ngọc Triệu tại buổi ra mắt phim.

Nhưng rồi, bằng sự chân tình, bằng những sẻ chia tới gan ruột, họ đã trở thành những nhân vật tự kể chuyện mình trong những thước phim của Đặng Hồng Giang.

Để có được những thước phim chân thực ấy, đoàn làm phim với 11 thành viên trải qua không ít khó khăn, có những thời điểm đối mặt với hiểm nguy, thậm chí cả thương vong. Trước đó, Đặng Hồng Giang đã mua bảo hiểm cho cả đoàn, thậm chí hỏi ý kiến từng người trước ngày xách ba lô lên đường.

Những cảnh trèo đèo lội suối vất vả nhưng nguy hiểm lại rơi vào những ngày quay cảnh thu gom phế liệu chiến tranh ở Quảng Trị. Theo sát bước chân của những người dân lên những mảnh đồi in dấu bom mìn, Đặng Hồng Giang thành thực anh từng muốn rớt tim theo những nhát cuốc của nhân vật. Thậm chí, anh từng nhắc khéo nhân vật: "Cuốc nhẹ thôi em!"...

Phim của Đặng Hồng Giang hầu như không có lời bình, chỉ có hình ảnh và lời kể của nhân vật. Nhưng mỗi hình ảnh, câu nói đều cảm xúc và ẩn chứa sức ám ảnh. Khi thì là nét cười sảng khoải hồn nhiên của anh Tăng A Pẩu khi nói về bệnh tật, về đam mê chụp ảnh của mình. Khi thì là nét cười phúc hậu của bác sĩ Vệ, là giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt cô gái miền Trung khi kể chuyện tìm kiếm phế liệu chiến tranh...

Hay câu nói không thể thật hơn, không thể xót xa hơn của người nông dân Nguyễn Ngọc Triệu "Người quê tôi thấy bom thì... mừng lắm". Bước ra khỏi bộ phim, người nông dân nhỏ thó ấy, vẫn nét cười rạng rỡ và tật nói lắp khi trả lời phỏng vấn. Mỗi buổi sáng bước ra khỏi nhà là đối mặt với thương vong, thậm chí cái chết, phó mặc cho sự may rủi của số phận.

Nhưng "mỗi câu chuyện là một lối thoát" đúng như slogan của phim, người xem tìm thấy được ý nghĩ và hy vọng từ chính những cuộc đời tưởng như tăm tối, đầy hoang mang ấy. Đặng Hồng Giang đã gieo được hy vọng vào lòng người xem, như nụ cười tỏa nắng của cậu con trai Nguyễn Ngọc Bắc trong ngày nhận bằng cử nhân xuất sắc, anh đã ôm chầm người cha lam lũ, tần tảo của mình.

Hành trình bền bỉ 4 năm cho một bộ phim của Đặng Hồng Giang là minh chứng cho đam mê với dòng phim tài liệu. Mỗi bộ phim của anh luôn đề cập tới một vấn đề bức xúc của đời sống như tai nạn giao thông, thực phẩm bẩn hay thương tích do bom mình còn sót lại...

Anh tâm niệm: "Kiểu phim tài liệu hiện thực này không thể ăn xổi được. Tôi phải làm công việc khác để kiếm tiền và chăm chút cho những đứa con máu thịt. Hay nói cách khác là "cần cù...bù nhiều thứ". Anh cũng nêu quan điểm, hiện nay, nhiều người làm phim tài liệu cứ cho rằng, khán giả lạnh nhạt với phim tài liệu, nhưng bản thân những người làm phim đã tự hỏi, mình đã mặn mà với nghề nghiệp, với đứa con của mình chưa?

Không theo nếp cũ của phim tài liệu là để chiếu... truyền hình, Đặng Hồng Giang cũng là đạo diễn đầu tiên mang phim chiếu rạp. Những câu chuyện đời gần gũi, thân quen mà không sa đà vào lối làm phim tài liệu truyền thống có phần khô khan khiến "Đáng sống" đã thuyết phục ngay Hội đồng duyệt phim của BHD và được nhận chiếu trên toàn bộ hệ thống 7 cụm rạp của BHD tại Hà Nội. Đó là một tín hiệu vui, không chỉ với riêng Đặng Hồng Giang mà với các nhà làm phim độc lập Việt Nam, đặc biệt là những người theo đuổi dòng phim tài liệu "thật như cuộc sống" này.

Thảo Duyên
.
.