Nỗ lực đáng ghi nhận

Thứ Năm, 20/09/2018, 07:49
12 năm trước, phim "Áo lụa Hà Đông" ra mắt, được giải ở Busan - Hàn Quốc và giành luôn 5 giài "Cánh diều Vàng" (2006). Bộ phim gây tiếng vang lớn trong giới chuyên môn nhờ vào mạch cảm xúc mạnh, câu chuyện gần gũi và gắn với một thời đoạn lịch sử của dân tộc. Nhưng điều đáng buồn là nó không thành công khi ra rạp.


Nếu xét về khía cạnh một thương phẩm văn hoá, "Áo luạ Hà Đông" là một thất bại đáng tiếc và thất bại ấy khiến cho không ít những nhà đầu tư phải chùn tay trước những dự án phim có hơi hướng nghệ thuật, kén khán giả.

Lưu Huỳnh, người biên kịch và cũng là đạo diễn của "Áo lụa Hà Đông" từng chia sẻ rằng, khát vọng lớn nhất của anh ngày ấy là làm một bộ phim tôn vinh tà áo dài truyền thống của Việt Nam. Và nếu chỉ xét gọn trong khuôn khổ một tác phẩm, "Áo lụa Hà Đông" đã làm Lưu Huỳnh thoả tâm nguyện, nhất là khi nhiều đồng nghiệp vẫn nhắc đến bộ phim bằng sự ghi nhận rất tích cực. Nhưng tất cả chúng ta đều hiểu, điện ảnh khác với những môn nghệ thuật khác ở chỗ đầu tư của nó là cực lớn.

Vẽ một bức tranh, nếu không bán được, người hoạ sỹ cũng không buồn bởi mục đích thực chất của họa sỹ là tạo ra tác phẩm. Hơn nữa, đầu tư cho một bức tranh (về tài chính đơn thuần) cũng không quá lớn. Nhưng một bộ phim thì khác.

Đầu tư lớn tạo ra áp lực doanh thu phải tương xứng. Và khi doanh thu chưa tương xứng, điều đó đồng nghĩa với chuyện phim chưa tiếp cận được số đông khán giả. Ở khía cạnh này, khát vọng tìm sự đồng cảm của số đông trong quan niệm đẹp về tà áo dài của Lưu Huỳnh cũng coi như chưa đạt được thỏa nguyện.

Câu chuyện "Áo lụa Hà Đông" cho thấy thực sự việc xây dựng những tác phẩm điện ảnh đề cao giá trị của truyền thống, giá trị của dân tộc, tinh thần quốc gia là vô cùng thách thức. Nếu thể hiện nó khô cứng, chắc chắn việc chiếm cảm tình của giới chuyên môn còn không thể đạt được chứ đừng nói đến đại chúng. Nhưng thể hiện mềm mại, uyển chuyển, lớp lang đi nữa thì cũng chưa chắc đã chiếm được số đông mà "Áo luạ Hà Đông" là điển hình. Nhưng điều đáng mừng là thách thức kia dường như không đủ khiến những người làm điện ảnh Việt hôm nay chùn chân.

Năm 2017, "Cô Ba Sài Gòn" ra mắt và thắng lợi cả về chuyên môn lẫn doanh thu. Cũng như "Áo lụa Hà Đông", "Cô Ba Sài Gòn" cùng nhắm tới cái đích tôn vinh vẻ đẹp áo dài truyền thống của Việt Nam. Nhưng thứ khác biệt rất lớn mà "Cô Ba Sài Gòn" có được so với "Áo lụa Hà Đông" chính là câu chuyện.

Nếu câu chuyện của "Áo lụa Hà Đông" có phần bi thương vì chiến tranh (một ám ảnh quen thuộc của điện ảnh Việt Nam) thì "Cô Ba Sài Gòn" đời thường hơn, gần gũi với đời sống giới trẻ hơn. Chính vì thế, phim không chỉ thắng về giải thưởng, doanh thu mà còn thắng cả công chúng khi đã có cả trào lưu mặc áo dài kiểu "Cô Ba Sài Gòn".

Xem bộ phim, chúng ta dễ dàng liên tưởng đến cách kể chuyện gần gũi của bộ phim "Thợ may hoàng cung" của Hàn Quốc, cũng là tôn vinh tấm áo truyền thống của họ. Rõ ràng, kể chuyện thế nào, chọn đối tượng nghe chuyện ra sao và từ đó xây dựng câu chuyện phù hợp với họ là điều quyết định để có thể vượt qua thách thức khi làm phim tôn vinh giá trị truyền thống.

Năm nay, "Song Loan" ra mắt và cũng gây hiệu ứng khá tốt trong giới làm nghề. Thậm chí, có những người còn xem đi xem lại phim nhiều lần để phân tích, mà điển hình là Diễn viên điện ảnh - Đạo diễn Hồng Ánh.

Được gây cảm hứng từ "Song Loan", với đề tài ca ngợi nghệ thuật cải lương, Hồng Ánh thậm chí còn tổ chức buổi toạ đàm nhỏ xoay quanh bộ phim và có thể chính những hoạt động như vậy sẽ là điểm kích thích để những nhà làm phim dũng cảm hơn với đề tài tôn vinh giá trị truyền thống của dân tộc.

Nhưng có một thực tế đáng buồn là một bộ phim tử tế về chất lượng nghệ thuật như "Song Loan" đã không thuyết phục được khán giả tới rạp. "Song Loan" không thành công khi ra rạp cho thấy làm phim nghệ thuật tử tế trong xu thế giải trí hiện nay là khá khó khăn.

Rõ ràng, với sự xuất hiện của "Cô Ba Sài Gòn" và "Song Loan" liên tiếp trong 2 năm liền, chúng ta cần phải ghi nhận nỗ lực không ngại khó của những người làm phim Việt Nam hôm nay. Điều đáng ngợi khen là bản thân họ cũng còn trẻ tuổi và việc họ mê say bảo tồn, gìn giữ những giá trị của dân tộc cũng cho thấy giới trẻ không hề thờ ơ với những thứ mà chúng ta nghĩ là cũ, là cổ. Cái cơ bản nhất là chúng ta cần tìm được cánh cửa để mở tấm lòng của họ, mà như nói ở trên, cách kể chuyện cũng chính là một chìa khoá để mở cánh cửa ấy.

Văn Đoàn
.
.