(Nhân đọc tiểu thuyết “Hừng Đông” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Nxb Văn học, 2020)

Những tia sáng màu hồng

Thứ Sáu, 08/01/2021, 10:56
Sau tiểu thuyết “Chuyện tình Khau Vai” (2019), “Hừng Đông” là cuốn tiểu thuyết thứ hai của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ (nộp lưu chiểu tháng 12-2020), tôi dùng tên chương 11 trong tiểu thuyết “Hừng Đông” làm nhan đề bài viết “Những tia sáng màu hồng” – phản ánh một chủ nghĩa lạc quan cách mạng cao cả của một thế hệ kim cương suốt đời tận hiến cho sự nghiệp chung với tinh thần “dĩ công vi thượng”.


Nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu (1902-1941) là một hình tượng văn học điển hình, biểu trưng cho vẻ đẹp tâm hồn, khí phách của người chiến sỹ cách mạng. 

Tiểu thuyết viết về một thời đại bi hùng bão táp cách mạng Việt Nam; viết về nhân vật lịch sử Phan Đăng Lưu, một nhà hoạt động cách mạng tiền bối của Đảng (Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng,1938) là một đóng góp của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, góp vào kho tàng văn chương viết về các bậc kiệt xuất của Đảng từ lãnh tụ Hồ Chí Minh đến các học trò xuất sắc của Người trong sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc thời kỳ hiện đại.

Dòng văn chương về đề tài truyền thống (lịch sử, cách mạng, chiến tranh) có xu hướng được kéo gần lại, xét về mặt thời gian, đó là những biến cố của thời hiện đại (thế kỷ XX). Vì sao? 

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ.

Câu hỏi có thể được đặt ra trong trường hợp này. Có thể có câu trả lời như sau: Hiện chúng ta đang đứng trước những vấn đề rất nhạy cảm của chủ quyền lãnh thổ, những vấn đề về các thang giá trị văn hóa, đạo đức đang có nguy cơ xuống cấp, tinh thần đoàn kết giảm sút nơi này, lúc khác khiến cho phân tán lực lượng, suy giảm sức mạnh cộng đồng. Vì thế chúng ta cần tìm những câu trả lời cho hiện tại từ quá khứ gần. Đó là động hướng tinh thần “ôn cố tri tân” cần thiết và cấp bách hiện nay.

Tiểu thuyết “Hừng Đông” viết về phong trào cách mạng Việt Nam những năm trước thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930) và sau đó khoảng 10 năm đến cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (1940). Trên cái nền rộng (toàn cảnh) ấy, nhà văn không chạy theo sự kiện, biến cố (vì nếu làm như thế thì không thể bao quát hết lịch sử), mà hướng tới con người cụ thể với tư cách một nhân vật văn học – người chiến sỹ Cộng sản Phan Đăng Lưu. 

Ai đó nói chí lý “Không phải là nhà viết sử, chính nhà văn mới là người chép lại lịch sử cuộc đời”. “Hừng Đông” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ phù hợp với lối cấu trúc tiểu thuyết hiện đại: đi từ “cấu trúc lịch sử - xã hội” đến “cấu trúc lịch sử - tâm hồn” (từ chương 1 “Bình minh bầm tím” có bức thư viết bằng tiếng Pháp của Phan Đăng Lưu gửi con trai trước lúc lên pháp trường, đến chương 11 “Những tia sáng màu hồng” với những giây phút cuối cùng trên pháp trường).

Phan Đăng Lưu là nhân vật chính trong tiểu thuyết. Viết “Hừng Đông”, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, theo tôi, phải giải quyết mối tương quan giữa nhân vật “tập thể” và “cá thể” theo yêu cầu điển hình hóa (con người này như Heghen đã nhấn mạnh). Phan Đăng Lưu không thể thoát ly khỏi gia đình (bố mẹ, vợ con), bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí, quê hương làng xóm. 

Tất nhiên. Nhưng đây là nhân vật văn học Phan Đăng Lưu, nên phải có cá tính, số phận như một điển hình nghệ thuật. Nhân vật này đã đi suốt tác phẩm từ trang đầu đến trang cuối. Trong nhân vật này riêng, chung hài hòa, bện chặt, tương hỗ,... 

Con người xã hội của nhân vật Phan Đăng Lưu rất rõ. Thoạt đầu là con người công chức, học hành bài bản, làm công ăn lương. Vào thời kỳ những năm 20 của thế kỷ XX, tốt nghiệp Trường Nông nghiệp thực hành, trở thành kỹ sư canh nông, trước đó đã học ở Trường Quốc học Huế, học hành đến nơi đến chốn, đỗ đạt như thế, là chuyện hiếm thời ấy. Anh bước vào cuộc đời hoạt động cách mạng kể từ khi gặp gỡ thầy giáo Trần Văn Tăng (một chiến sỹ cách mạng hoạt động bí mật). 

Bước chân của Phan Đăng Lưu từ “Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu/ Dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Là gươm kề tận cổ, súng kề tai/ Là thân sống chỉ coi còn một nửa” (Tố Hữu), đã in dấu từ Bắc chí Nam, sang tận Trung Quốc,... Phan Đăng Lưu là con người chí lớn, gan bền, cao vọng lập thân, lập nghiệp vì nghĩa lớn – đất nước độc lập, tự do; nhân dân no ấm, thái bình. 

Tác giả đã khéo léo đặt nhân vật Phan Đăng Lưu trong mối quan hệ rộng và sâu với nhiều nhân vật khác thuộc nhiều khuynh hướng chính trị và mục đích dấn thân khác nhau như Phan Bội Châu, Ngô Đình Diệm,... cũng như các đồng chí cùng chung chí hướng của mình như Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Tôn Quang Phiệt, Hải Triều, Nguyễn Chí Diểu, Lê Duẩn,... Mỗi nhân vật xuất hiện ít hay nhiều, có vị trí xã hội khác nhau nhưng đều như những thỏi nam châm cực mạnh hút nhau tạo thành một “từ trường” đặc biệt.

Bìa tiểu thuyết “Hừng Đông” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ.

Nhưng nếu thiếu cái riêng, cái cá thể hóa, thì tiểu thuyết “Hừng Đông” chỉ có thể dừng lại tư liệu – lịch sử, khó bề nhập vào địa hạt văn chương. Người đọc lúc đó sẽ tìm hiểu nhân vật Phan Đăng Lưu qua hồ sơ lưu trữ lịch sử quốc gia. 

Tôi thích cách tác giả cá thể hóa nhân vật qua chuyện riêng tư, đời thường, qua thế giới nội tâm phong phú của một con người kết hợp trong mình các phẩm tính của một trí thức - chiến sỹ cộng sản - một nhân cách có căn cốt văn hóa trong ứng xử với gia đình, vợ con, bạn bè, với tự nhiên. 

Phan Đăng Lưu giỏi ngoại ngữ nên có điều kiện đi ra thế giới qua sách vở, chữ nghĩa. Con người này vừa hướng ngoại vừa hướng nội. Tôi thích cách tác giả tả gia cảnh của Phan Đăng Lưu trước và sau khi lấy vợ. 

Chị Danh, người vợ yêu quý của Phan Đăng Lưu là người phụ nữ truyền thống, tam tòng tứ đức, công dung ngôn hạnh. Chị là mẹ của hai con, là vợ của người chồng ở chốn tranh đấu sa trường nhiều hơn trong gia đình riêng của mình. Phan Đăng Lưu làm sao có thể yên lòng với hậu phương của mình nếu không có một người vợ hiền thục, dâu thảo trong nhà như chị Danh. 

Bao nhiêu gian khổ của nhà chồng và gia đình riêng chị giành chuyển gần hết sang đôi vai bé nhỏ của mình. Kể cả cái đơn ly hôn giả mạo (đánh lừa bọn giặc) mà chồng nghĩ ra để bảo toàn cho vợ con khi anh phải dấn thêm một bước vào chốn hiểm nguy trên đường tranh đấu, cũng chỉ mình chị chịu đau đớn. Người ta nói, đằng sau một người đàn ông thành đạt có bóng dáng một người phụ nữ là hoàn toàn đúng trong trường hợp này.

Đặc trưng nghệ thuật của truyện (truyện ngắn, truyện dài) là kể (tự sự). Nhưng có một văn mạch, tạm gọi là “tự sự trữ tình”, trong đó kể và gợi liên kết hữu cơ, chất văn xuôi và chất thơ kết dính. Mở đầu thời hiện đại là Hoàng Ngọc Phách, Thạch Lam, Đỗ Tốn, Thanh Tịnh... trước 1945. Sau này là Nguyễn Thành Long, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Bản, Đỗ Chu,  Trần Thùy Mai, Huỳnh Thạch Thảo, Nguyễn Thế Hùng, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Quang Thiều, Như Bình,... Tôi nghĩ, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đứng vào văn mạch này một cách tự giác (hoặc không tự giác). 

Đặc điểm của văn mạch “tự sự trữ tình” là không trọng cốt truyện (tình tiết/chi tiết) mà hướng đến “tìm vào nội tâm”, chú ý tới mối liên hệ của con người với tự nhiên, dung chứa những trữ tình ngoại đề gợi liên tưởng thú vị. 

Đọc “Hừng Đông” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, tôi thích những đoạn trữ tình ngoại đề, kiểu như: “Phan Đăng Lưu trở về quê nhà Yên Thành vào giữa mùa hè. Cánh đồng đã gặt xong, lúa phơi vàng trên những mảnh sân, con ngõ. Gió phơn Tây Nam mà người dân quê anh gọi là gió Lào, thổi rạt những bờ tre, mái rạ. 

Dẫu vậy, Lưu cảm nhận trong đó có hương vị quá đỗi thân thuộc của thân cây lúa mới bị cắt bông, mùi chua chua của bùn đất và tiếng ve râm ran. Những thứ ấy, là cả một gia tài quý giá cho một người vừa thoát ra khỏi chốn lao tù cùng cực. 

Những ngày bị giam, kỳ lạ thay, thứ mà anh nhớ nhất lại là những ngọn khói. Bếp ở quê anh chủ yếu đun bằng rơm rạ (....). Phan Đăng Lưu nhớ gương mặt đỏ rực, bụi tro hòa lẫn những giọt mồ hôi của mẹ, khi đứng bên bậu cửa, tay cầm chiếc đũa cả còn dính mấy hạt gạo ướt. Trong bếp đã có mùi thơm thơm của cơm bén nồi, của cá kho tương với khế lẫn mùi của một ít hạt thóc lép cháy cùng với rơm, rạ” (tr.186). 

Trước lúc từ giã người thân, đồng chí, anh còn kịp nhận ra: “Phan Đăng Lưu cảm thấy trong gió sớm có mùi những bông lúa đang chín, thơm ngọt ngào. Anh nhớ những bữa cơm mới. Bữa cơm đầu tiên của một vụ gặt mẹ anh luôn cẩn trọng chuẩn bị như một thứ nghi lễ, thể hiện lòng biết ơn trời đất, tổ tiên đã cho con cháu sức khỏe cũng như mùa màng bội thu” (tr.286).

Những đoạn trữ tình ngoại đề này khác nào những bóng cây râm mát, nơi ta dừng nghỉ, trên con đường dài giữa một ngày nóng bức.

Hà Nội, 29-12-2020

Bùi Việt Thắng
.
.