Hạt thơ như hạt phù sa...

Thứ Sáu, 25/12/2020, 11:22
Trong thơ cần có tứ mới, cấu trúc mới. Các tập thơ mới đây nhất của nhà thơ Văn Diên như “Vầng sáng đầu mùa”, “Điệp khúc xuân dâng người”, “Về miền thinh không” của nhà thơ Văn Diên ta bắt gặp những hạt phù sa lấp lánh.


Văn Diên có những câu thơ hay, bài hay, có bài rất hay nhất là những bài thơ về mùa xuân, về tình yêu. Các bài thơ Văn Diên viết về mùa xuân bài nào cũng có tứ, với nhiều bình diện khác nhau như “Xuân sang”, “Xuân đời”, “Sớm xuân”, “Nồng nàn xuân”, …

Câu hát thầm thì vui nhỉ
Nắng xuân nâng rượu cùng ta

(Xuân sang vầng sáng đầu mùa, trang 24)

Nâng xuân được nhận hoa thành người tri âm tri kỷ "nâng rượu" uống cùng thi nhân:

Sớm đầu xuân thức dậy
Mưa phùn lất phất bay.
Nửa chăn còn ngái ngủ
Ào ạt tứ thơ sang
Báo xuân về rồi đấy
Kìa chim én lượn bay...

Tứ thơ ào ạt đến, cũng là lúc mùa xuân ùa về. Khi mưa phùn lất phất bay, khi nửa chăn còn ngái ngủ… Nhà thơ dùng vật thể để nói tâm trạng dùng dằng không muốn dậy, vì tứ thơ ào ạt đến, còn phải tư duy thơ, tư duy về sớm xuân chăng?

Bìa tác phẩm mới của nhà thơ Văn Diên.

Thi pháp ví von trong thơ Văn Diên tự nhiên, như thả hồn bằng ca dao xưa.

Vẫn dòng sông của ngày xưa
Vẫn con đò nhỏ như vừa bên nhau
Mà say như mối tình đầu
Như say nắng mới, như trầu say vôi.

Văn Diên sử dụng thể lục bát thuần thục. Một khi anh làm cho câu thơ, bài thơ bay bổng lên, nhờ thủ pháp "láy âm" "vời vợi" trong bài “Giấc mơ hồng”:

- Triệu vì tinh tú đang vơi
Em dang tay hứng trong vời vợi mây.
- Ngày qua nắng gắt oi nồng
Đêm về chở gió "rồng rồng" mưa rơi.
- Em như sóng biển Mỹ Khê
Sóng "lăn lăn" sóng vỗ về bờ anh.

Sóng là em, bờ biển là bờ vai em, câu thơ vừa có hình tượng, vừa lãng mạn:

Áo nâu thấp thoáng ngoài hiên
Mái cong cong cả nỗi niềm từ bi

Nỗi niềm là cụm từ chỉ tư duy trừu tượng, được nhà thơ cụ thể hoá bằng ví von tương ứng, ngang bằng mái cong cong cả nỗi niềm. Tôi còn bắt gặp những câu thơ lạ, mà mới cả về tứ, về lời như:

Tháng tư về lắc lư nắng mới
Cầu Hưng Hà cuộn gió sang sông

(Trong bài Cầu Hưng Hà)

Hình như yếu tố lãng mạn, cộng với sự tìm tòi, làm cho các bài thơ, câu thơ của Văn Diên lấp lánh những hạt phù sa châu thổ:

Gió sông Hồng phập phồng reo gọi
Nụ cười hớn hở nõn xuân thì
Cành gạo xoà với bật đốm lửa
Rừng cháy lòng dõi bước em đi.

Từ vẻ đẹp của thiên nhiên, hoa và bướm làm nền, để cho nhà thơ vẽ chân dung người trong mộng. Hay khi đọc bài thơ "Gọi hè" tôi ngỡ Văn Diên còn là một hoạ sĩ vẽ bằng thi tứ - ngôn ngữ của thơ:

"Hoa như kiều nữ mắt nai
Hoa như rót mật thiên thai ru đời ..."

Ẩn dụ là một phương pháp thường dùng trong ca dao, dân ca, được Văn Diên "cài" trong một câu lục bát, nhẹ nhàng duyên dáng:

"Dâu ơi làm biết ươm tơ
Tằm đang vào kén ta chờ đợi nhau
Có gì để lại lòng nhau
Có gì để lại ngày sau lụa là"

Thú thực với bạn đọc, tôi bị chìm ngập cảm xúc trong những bài thơ lục bát về tình yêu, về thiên nhiên, mặc dù biết anh cũng thích khai thác mảng đề tài về thế sự. Nhưng tôi lại thấy anh thành công nhiều ở thể thơ lục bát ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên.

"Vầng trăng ai đặt ngọn tre
Ai xui cò vạc vỗ về hôm đêm
Tre ngà ấm khóm măng non
Lá cây làm bút trời còn vẽ tô
Trăng cò chắp cánh cho thơ
Tôi xin vẽ chú Cuội mờ trăng nghiêng.

Nhà thơ cảm thấy vẽ vầng trăng, cánh cò, ngọn tre chưa diễn tả hết bằng thơ, anh muốn mình là hoạ sĩ vẽ trăng, tre và cả chú Cuội cho thỏa.

Viết về trăng thế chưa đủ với Văn Diên, anh còn có trăng trong tình yêu hò hẹn:

Trăng treo lời ngỏ đến giờ
Xa hình, nhớ bóng câu thơ hẹn thề.

Thơ phải là thơ, thơ hay càng khó, là thứ lộc trời cho, nhưng phải có hồn, biết chọn lọc, khám phá, biết tu luyện, học và đọc. Văn Diên là nhà thơ như vậy. Có những câu thơ anh viết cho người tình mà lại như viết cho đời vậy:

Con tim nào biết lắng nghe
Tim nào loạn nhịp như ve nắng hè?

Sự tương tác giữa phụ nữ và nam giới được nhà thơ khái quát ở bốn câu thơ:

Đàn bà dựa vào đàn ông
Đàn ông dựa vào mênh mông đất trời
Đàn bà duyên ở nụ cười
Đàn ông duyên ở cái người kể sau
Của đời là nửa của nhau
Bên nhau hình bóng nông sâu nổi chìm.
Làm tôi chợt nhớ tới câu ca dao xưa:
Đàn ông nông nổi giếng khơi
Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu.

Đem sáu câu thơ của Văn Diên so sánh với hai câu ca dao nói về tính cách đàn bà và đàn ông mới biết nhà thơ Văn Diên học hỏi và kế thừa ca dao xưa một cách khéo léo, tinh tế…

Nhìn lại toàn bài viết về thơ Văn Diên qua hai tập thơ, không biết tôi có chủ quan hay không mà những bài thơ lục bát đã cuốn hút tôi đến thế. Hồn ca dao đã nhập vào anh và cả tôi nữa, để tôi chỉ viết và giới thiệu thơ lục bát của Văn Diên. Tuy nhiên ở một số bài thơ anh viết theo thể thơ tự do, thơ mới, có những bài hay câu hay.

Bén duyên ghép chữ làm quà
Văn chương đâu dễ như là trò chơi
Thương thân nghiền chữ đau đời
Càng đau đáu lắm càng bời bời đau…
Ủ men cất giọt “diệu” màu
Thắm đằm hương sắc vẫn trau nắng chiều
Đam mê giăng mắc bùa yêu
Thinh không ngóng nhịp cầu Kiều sang sông.

Viết lục bát chênh vênh như cầu Kiều mà vẫn sang được. Không những thế, Văn Diên đã sang được bờ bên kia để có những bài lục bát hay mà tôi đã dẫn ở trên.

Như vậy chỉ trong 3 năm, Văn Diên đã cho xuất bản ba tập thơ (riêng trong năm 2020 in hai tập). Số lượng tập sách tôi không bàn, mà đáng mừng ở tập sau hay hơn tập trước. Tôi được biết nhà thơ Văn Diên vẫn luôn trăn trở để cho thơ anh ngày càng hay, vì thế anh chịu đi, chịu đọc, tìm bạn thơ để có thơ. Anh nhận thức điều đó rất sâu sắc: như Chế Lan Viên đã nghĩ về thơ (trong tập “Hoa Ngày Thường” và “Chim Báo Bão”, NXB Hội nhà văn 1967):

Mỗi ngày gặp một người
Họ là một mảnh thiên tài của nhân loại
Máu và mồ hôi của người
Đúc nên bao hình ảnh ngữ ngôn…

Với Văn Diên có cách nói riêng về thơ:

Thấy hoa của đất mà say
Thấy làn suối tóc mà ngây ngất trời
Cám ơn tạo hóa cho đời
Cho tôi cho bạn làm người quan san
Kìa mây trắng thưởng gió ngàn
Mênh mang biển rộng ngát ngan tình đời.

Vâng, hoa của đất, mây của trời, suối tóc của thôn nữ, tình đời, tình thơ cứ đi vào thơ Văn Diên, cứ ngan ngát hướng CHÂN - THIỆN - MỸ lan tỏa, cho thơ… cho bạn đọc. Nét nổi bật trong thơ Văn Diên qua ba tập thơ là anh đã có một phong cách riêng nhất về thơ lục bát không lẫn với ai. 

Dù viết về trăng, về hoa gạo, về các đề tài đã cũ, đã từng đi vào thi ca, và nhiều các nhà thơ lớp trước đã viết, nhưng Văn Diên có phát hiện riêng, không trùng lặp. 

Những câu thơ hay của anh trong chữ, trong vần gặt hái từ dòng sông Hồng quê mẹ, tạo lên những hạt thơ như hạt phù sa lấp lánh long lanh, lại như tiếng chuông chùa để lại dư âm trong lòng tôi… ngân nga, ngân nga… sâu lắng.

Lê Hồng Thiện
.
.