Những khúc đồng dao…

Thứ Sáu, 06/09/2019, 08:03
“Ca dao”, hiểu theo từ nguyên là lời hát, bài hát có nhạc hoặc không nhạc đệm biểu hiện một cách trực tiếp tâm hồn, tình cảm con người. “Ca” là bài hát có nhạc, “dao” là bài hát không có nhạc. Kinh Thi có câu: “Tâm chi ưu hĩ, ngã ca thả dao” (Lòng ta buồn, ta ca và dao). Như vậy “ca” khác “dao”. Vì thế có khái niệm “đồng dao”, tức những bài hát không nhạc đệm dành cho trẻ con.


Ngày xưa, mỗi đêm trăng những khúc đồng dao vang lên, vui vẻ, rộn rã hay băn khoăn, thắc thỏm… như điềm báo về một thời thế thái bình hay bất an. Vì trẻ em thánh thiện, ngây thơ nên người ta tin đó là những lời hát mang tính “tiên tri”, “tiên cảm”, hoặc do thánh nhân mượn lời trẻ em “phán” cho người trần!

Đồng dao là những lời hát trẻ em dễ nhớ bởi đặc trưng giàu tính nhạc nhờ sự tạo vần vè, ngắt câu đều đặn, thường là 4 âm tiết (Nu na nu nống/ Đánh trống phất cờ…) hoặc lục bát quen thuộc. Chiếm số lượng lớn nhất trong kho tàng đồng dao Việt Nam là những bài hát nói về sinh hoạt vui chơi của trẻ em, như “Rồng rắn lên mây”, “Dung dăng dung dẻ”, “Thả đỉa ba ba”…

Tranh dân gian Đông Hồ: Rồng rắn lên mây.

Lời bài hát ngắn gọn, ngộ nghĩnh: “Dung dăng dung dẻ/ Dắt trẻ đi chơi/ Đến cổng nhà trời/ Lạy cậu lạy mợ/ Cho cháu về quê/ Cho dê đi học/ Cho cóc ở nhà/ Cho gà bới bếp/ Xì xà xì xụp/ Ngồi thụp xuống đây”. Chiếm số lượng nhỏ hơn là những bài đồng dao gắn liền với lao động: “Nghé bầu nghé bạn/ Trâu cày ruộng cạn/ Mẹ cày ruộng sâu/ Lúa tốt bằng đầu/ Cò bay thẳng cánh/ Một sào năm gánh/ Một mẫu năm trăm/ Một bông lúa chăm/ Một trăm hạt thóc/ Hạt bằng đấu bảy/ Hạt bằng đấu ba/ Hạt bằng trứng gà/ Hạt bằng trứng vịt/ Hạt bằng trái mít/ Hạt bằng bình vôi/ Hạt nào vỡ đôi/ Bằng nồi gánh nước/ Nghé ơi...”.

Bộ phận thứ ba là những bài mang tính khám phá tự nhiên, chủ yếu nói về các loài vật. Loại đồng dao này có giá trị bồi dưỡng nhu cầu hiểu biết, trí tuệ, tình yêu thiên nhiên, tinh thần nhân ái: “Tùng, tùng, tùng/ Đánh ba tiếng trống/ Sắp quân cho chỉnh/ Phượng hoàng thống lĩnh/ Bạch hạc hiệp đồng/ Tả chi thì công/ Hữu chi thì sếu/ Giang cao ngất nghểu/ Đi trước tiên phong/ Cả mỏ bồ nông/  Đi sau tiếp hậu/ Giang giục đôi bên/ Chú quạ thông tin/ Mang thư đi trước/ Một đàn vịt nước/ Chú két, chú le/ Sắm sửa thuyền bè/ Cho bọn trẩy thuỷ/  Còn loại bé tí/ Chim chích, chim ri/ Ở nhà coi sóc/ Chú cò, chú cốc/ Coi sóc các làng/ Chèo bẻo nổ năng/ Bầu cho làm huyện/ Đêm hôm đi tuần/ Phó cho chú vạc/ Chú ngỗng nghếch ngác/ Như thể đàn gà/ Chú vịt chú gà/ Chạy như cun cút...”.

Bài này như là một sự “tập hợp” các con vật thân quen (ngày xưa) với phượng hoàng, hạc, công, sếu, giang, bồ nông, quạ, vịt, két, le le, chim chích, chim ri, sóc, cò, cốc… Thú vị là lời hát bước đầu cung cấp hình dáng hoặc tập quán của từng loài: Giang cao ngất nghểu, quạ báo tin, ngỗng nghếch ngác… Chúng cũng là một xã hội như loài người.

Bộ phận thứ tư được gọi là “đồng dao sấm ký”, tức những bài hát trẻ con mang tính tiên tri về thời cuộc. Trong các tiểu thuyết cổ điển thường hay có những khúc đồng dao tiên đoán về vua này lên ngôi, trận đánh kia thất bại…

Rất nhiều khả năng là do người lớn làm rồi bày cho trẻ con đọc. Đây là hình thức “tâm lý chiến”, “truyền thông chiến” đánh vào tâm lý đối phương! Tương truyền để dân lành bớt đổ máu, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm làm bài sấm đồng dao “phán” cho vua Lê, chúa Trịnh phải biết chấp nhận nhau, liên kết với nhau để cùng tồn tại: “Lê tồn Trịnh tại/ Trịnh bại Lê vong/ Bao giờ ngựa đá sang sông/ Thì dân Vĩnh Lại Quận Công cả làng”.

Giai thoại kể, sau này khi họ Trịnh mạt thời, Trịnh Khải qua làng Vĩnh Lại kêu gọi mọi người giúp Nhà chúa, những ai giúp đều được ban Quận công, thành ra đúng là “Vĩnh Lại Quận công cả làng”!!!

Thế giới đồng dao từ xa xưa được văn bản hoá trong truyện Nôm được coi là những bài hát có giá trị cả về nội dung và nghệ thuật, rất đáng được nghiên cứu, tìm hiểu. Ở đây, chúng tôi xin sơ lược giới thiệu đồng dao ở một vài tác phẩm.

Đối tượng nghe cơ bản của truyện Nôm hướng đến là trẻ em nhằm mục đích để giáo dục, chủ yếu là mang tính khuyến giáo đạo đức. Điều này lý giải nhân vật tích cực thường ở độ tuổi từ 8 đến 13 tuổi, và hầu hết là học trò, con nhà nghèo, bình dân để tạo nên một sự đồng cảm trong tâm lý tiếp nhận. Vì mục đích này mà ta thấy dân gian nhiều khi hy sinh tính chân thật của sự kiện, có nhân vật đã “nếm trải” mấy năm trong cuộc đời mà vẫn thấy kể tuổi ban đầu.

Sự vận dụng đồng dao vừa tạo ra tiếng cười vui, vừa để dễ đọc, dễ nhớ, lại gần gũi với đối tượng nên rất được ưu tiên sử dụng. Ví dụ một đoạn tiểu sử “tự thuật” của nhân vật Tống Trân trong “Tống Trân - Cúc Hoa”: “Anh là Tống Trân/ Mười ba bảng xuân/ Tên anh đệ nhất/ Nghĩ mừng gia thất/ Bái tổ vinh quy/ Lòng vua có nghì/ Gả nàng công chúa/ Lòng anh thương vợ/ Có nghĩa có nhân/ Nuôi mẹ ân cần/ Nghĩa nàng khẩn khẩn/ Công chúa lòng giận/ Làm bản tấu lên/ Đày anh viễn biên/ Hầu vua Tần quốc…”. Ta thấy trong cách ngắt nhịp 4 chữ quen thuộc thì nguyên tắc cơ bản của đồng dao là láy âm: ân (trân/ xuân/ ân cần/ khẩn khẩn/ giận); ất (nhất/ thất); i (quy/ nghì); âu (tấu/ hầu); iên (viễn/ biên).

Tranh dân gian Quan Trạng vinh quy.

Một mảnh bản trạng cáo (tức sớ tâu bày) của Phạm Công trong “Phạm Công - Cúc Hoa” dâng lên Ngọc Hoàng: “Hung Nô man rã/ Bắt gả con cho/ Tôi đội ơn vua/ Vợ nhà đã có/ Hung Nô thịnh nộ/ Dạy phải đóng gông/ Giam hãm ngục trung/ Chân tay chặt hết/ Những điều hà hiếp/ Khốn khó làm vầy/ Khoét mắt khoét mày/ Tội tình khổ nhục/ Làm tôi cơ cực/ Giam hãm ngục hình/ Mấy nhời chứng minh/ Phân phân khúc trực… Nay trạng”, láy các vần: a (rã/ gả/ nhà/ đã/ hà); ô (nô/ nộ/ khổ); inh (thịnh/ tình/ hình/ minh); ân (chân/ phân phân); ung (hung/ trung); uc (ngục/ nhục/ ngục/ khúc).

Thư của Phạm Công (“Phạm Công - Cúc Hoa”) gửi cha mẹ cũng là “đồng dao”:

“Thư rằng:

Giời cao muôn trượng/ Non cách ngàn trùng/ Gặp hội tao phùng/ Thương cha cùng mẹ/ Xưa tôi còn bé/ Tên là Phạm Công/ Đội đức cửu trùng/ Cho tôi phò mã/ Vua cho sang cả/ Tặng chức Quận công/ Tiết chế binh nhung/ Cầm quyền sinh sát/ Thuỷ bộ kiêm hết/ Khắp cả chư dinh/ Đội đức thánh minh/ Được bề vinh hiển/ Khi tôi bần tiện/ Cơ khổ quá chừng/ Vợ chồng chân nâng/ Mẹ cha về trước/ Chạy xuôi chạy ngược/ Được sáu đồng tiền/ Bây giờ làm nên/ Trình cha mẹ biết… Kính thư”, láy các vần: ương (trượng/ thương); ung (trùng/ phùng/cùng/ nhung); inh (binh/ sinh/ dinh/ minh/ vinh/ trình); iên (hiển/ tiện/ tiền).

Đơn của Cóc trong truyện “Trê Cóc” trình quan cũng tuân theo thể đồng dao mặc dù “trình bày” có phần “hàn lâm” theo mẫu đơn từ hành chính:

“Đơn rằng: Nguyên danh Cóc trình vi khất thôi cứu sự/ Vì Trê gian khiếu/ Nên Cóc thân oan/ Sự đã tỏ tường/ Vậy nên tục khống/ Trời sinh có giống/ Ai dám tranh càn/ Trê quả lòng gian/ Tìm đường giam chấp/ Mấy phen thăm bắt/ Tin tức vắng không/ Nay đã khỏi vòng/ Trở về đất cũ/ Trần tình cụ thử/ Đồng đồ nhũng tệ/ Cóc tôi yếu vế/ Vậy phải chịu im/ Vị thử phục quỳ/ Ơn trên soi xét/ Giãi bày các tiết/ Nhờ lượng cao xa/ Dân được điều hoà/ Khỏi điều oan khốc”, láy các âm: ất (khất/ đất); ông (khống/ giống/ không/ đồng); an (oan/ càn/ gian/ oan); a (xa/ hoà). Ta thấy sự có mặt của các từ chuyên biệt nghề nghiệp, lĩnh vực đặc thù ở ngày trước nhằm tăng cường chất đời thực của văn bản, như “khất thôi cứu” là xem xét cho ra; “giam chấp” là giam giữ đàn con, “trần tình cụ thử” là trần tình chi tiết…

 Những khảo sát trên cho thấy, trong lời đồng dao đậm chất ngộ nghĩnh trẻ em, ngắt câu đều đặn sau 4 âm tiết, các âm láy thường ở gần nhau để “liên kết” vần. Mỗi đoạn đồng dao lại thường có một âm chủ đạo làm nhiệm vụ kết nối âm của cả đoạn, như trong đoạn “tự thuật” của Tống Trân là vần ân (trân/ xuân/ ân cần/ khẩn khẩn/ giận); trong đoạn bản trạng cáo của Phạm Công là vần a (rã/ gả/ nhà/ đã/ hà); trong thư của Phạm Công là vần inh (binh/ sinh/ dinh/ minh/ vinh/ trình); trong đơn của Cóc là vần an (oan/ càn/ gian/ oan). Sự liên kết vần giữa âm bộ phận và âm chỉnh thể tạo ra sự liền mạch của cả đoạn văn bản. Âm điệu chung toát ra là sự vui vẻ, nhẹ nhàng, hưng phấn có tác dụng kích thích sự tiếp nhận được dễ dàng hơn.

Những khúc đồng dao được sử dụng vừa có tác dụng minh hoạ cho nội dung, kết nối các đơn vị cốt truyện, đồng thời tạo ra chất thơ, sự vui vẻ, ngộ nghĩnh, hóm hỉnh để tiếp nhận dễ dàng hơn. Nhờ vậy mà ngày xưa hầu hết người dân mù chữ nhưng vẫn thuộc lòng nhiều tác phẩm. Những thế hệ trẻ em cứ lớn lên từ những câu chuyện đậm sắc màu huyền thoại và đầy khát khao ấy! 

Nguyễn Thanh Tú
.
.