Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Đoàn kịch Nam Định

Những bước tiến vững chắc trên con đường nghệ thuật

Thứ Bảy, 07/10/2017, 08:07
Đã hàng chục năm qua, Kịch Nam Định được coi là loại hình nghệ thuật sân khấu mũi nhọn. Khán giả chính là thước đo đánh giá hiệu quả nghệ thuật và cũng là tiêu chí mà Đoàn Kịch Nam Định theo đuổi bấy lâu nay. Câu chuyện về khán giả lại càng nổi cộm vào thời đoạn hiện nay, khi đời sống đang ngày càng trở nên sôi động trong nền kinh tế thị trường...


Chìa khóa của bài toán đi tìm khán giả

Đoàn Kịch Nam Định nổi tiếng có sức thu hút khán giả từ nhiều năm qua, với những vấn đề nóng bỏng của thời đại được trình diễn trên sân khấu. Cùng với đó, đội ngũ nghệ sĩ tài năng của Đoàn cũng để lại những dấu ấn sâu sắc qua những vai diễn làm xúc động lòng người. Không ai có thể quên những ngày tháng khởi đầu khi mới thành lập Đoàn Kịch Nam Định (năm 1972), khán giả đến xếp hàng rồng rắn, dài hàng trăm mét để chờ mua vé vào xem vở kịch “Đôi mắt” (tác giả Vũ Dũng Minh; đạo diễn Doãn Hoàng Giang).

Từ đó, kịch Nam Định, với dàn diễn viên trẻ tài năng được đào tạo sau này như NSƯT - đạo diễn Đào Quang, NSƯT Nguyễn Thùy Linh, NSƯT Trịnh Tiến Lâm, Quang Nhất, Thiên Nga, Đình Tuyên… đã tạo nên bước tiến nghệ thuật đáng kể. Hoạt động của Đoàn ngày một sôi nổi và có sức lôi kéo khán giả. Có thể kể ra những vở kịch nóng bỏng thời cuộc như vở “Rừng cháy”, với 300 đêm diễn; hay vở “Thiên nga”, với 200 đêm diễn; hoặc vở “Sau cơn giông”, cũng đạt 200 đêm diễn…

Cuộc thi tài năng sân khấu trẻ tại Nam Định tháng 5-2017.

Khán giả là mối quan tâm thường trực trong tâm tưởng của mỗi Trưởng đoàn khi bắt tay dựng vở mới. NSƯT, đạo diễn Đào Quang, nguyên Trưởng đoàn Kịch Nam Định (1990-2012) là người đã có nhiều trải nghiệm và suy nghĩ thấu đáo về khán giả trong quá trình dựng vở.

Anh tâm sự: “Mỗi vở diễn Đoàn đều nhằm vào đối tượng khán giả nhất định và phải đề cập tới những vấn đề liên quan tới họ, trực tiếp tới đời sống thường nhật. Thậm chí cần phải nói được những điều gì sẽ xảy ra với họ thì mới mong kịch bản có hơi thở của thời đại”. Khán giả trở thành những người bạn đồng hành với anh em nghệ sĩ, cùng chia sẻ và tranh luận những vấn đề mà kịch bản đặt ra.

Hãy đừng coi khán giả chỉ là “Thượng đế” theo nghĩa đen, mua vé vào xem rồi dửng dưng ra về. Họ là người xem đồng thời cũng là người đồng sáng tạo vở diễn. Đó chính là chìa khóa của “Phần mềm” giải bài toán kết nối với khán giả cho sân khấu kịch Nam Định từ Đổi mới tới nay.

NSƯT Đào Quang đơn cử tới vở “Vàng đen” của Văn Sử, do chính anh đạo diễn vào năm 2008. Tuy đối tượng khán giả là những người vùng Mỏ, đề tài đề cập tới nạn khai thác than “thổ phỉ” tại các mỏ than ở Quảng Ninh, nhưng vấn đề được đặt ra là trách nhiệm của các nhà quản lý, và thái độ công dân của mỗi người công nhân làm việc tại đây sẽ làm gì để ngăn chặn tệ nạn.

Vở kịch được dàn dựng sau những tranh luận, trao đổi cùng sáng tạo trên cơ sở kịch bản, nên Đoàn được khán giả ủng hộ nhiệt liệt, với hàng chục đêm diễn tại khu Mỏ và một số địa phương trong địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Không những thế, vấn đề nóng bỏng của “Vàng đen” mang tầm khái quát điển hình các hiện tượng xã hội, nên đã được khán giả nhiều nơi chờ đón. 

Cùng với sự đồng hành của người xem, Đoàn Kịch Nam Định còn nhiều vở có giá trị trong suốt thời kỳ Đổi mới. Các nghệ sĩ đã tìm ra được cách kể chuyện mới, đặt vấn đề sâu sắc về con người, mang tính dự báo xã hội cao. Nếu “Vàng đen” bật lên lời cảnh báo cấp thiết về những thảm họa mà nguyên nhân chính do con người gây nên thì ở “Rừng cháy” (Giải A - Hội diễn năm 2000; tác giả Lê Quý Hiền, đạo diễn Đào Quang), lại lên án sự hủy hoại rừng vì quyền lợi ích kỷ, đồng thời cũng dự báo sâu sắc về nguy cơ suy thoái môi trường sẽ đem tới sự hủy diệt sự sống trong tương lai. 

Khán giả nhớ tới hàng loạt vở diễn tiêu biểu như: “Đôi mắt” (1972); “Bão biển” (1974); “Mùa hè ở biển” (1985); “Nửa ngày về chiều” (1990); “Tú Xương” (1995); “Không thể có thể" (1996); “Ô cửa sổ bỏ ngỏ” (1997); “Rừng cháy” (2000); “Khoảng trống” (2002); “Ai là thủ phạm” (2007); “Họa mi lại hót” (2010); “Phía sau vụ án” (2015). Đó là những vở diễn tiêu biểu trong số 47 vở diễn của Đoàn trong 45 năm qua. Những vở diễn này điển hình cho phong cách nghệ thuật khác biệt của Kịch Nam Định, với hàng chục huy chương Vàng, Bạc, Đồng qua các Hội diễn Sân khấu toàn quốc và miền duyên hải từ năm 1985 đến năm 2015.

Những thách thức phía trước

Vẫn là câu chuyện khán giả đến với sân khấu kịch nói. Dăm năm qua, hoạt động sân khấu trở nên khó khăn hơn. Bài toán thu hút khán giả trẻ, giờ đây cần cởi mở hơn về đề tài nhưng phải thiết thực, gần gũi với họ.

NSƯT Nguyễn Thùy Linh, Trưởng đoàn Kịch Nam Định hiện tại đã bày tỏ sự trăn trở khi đối diện với những trở ngại trước mắt. Đoàn liên tục phát huy được những tiêu chí nghệ thuật đặt ra bởi những người tiền nhiệm, đừng chỉ coi khán giả là “thượng đế”, mà hãy sát cánh bên họ như những người bạn đồng hành trên con đường nghệ thuật đương đại. NSƯT Nguyễn Thùy Linh bộc bạch, Đoàn vẫn đi phục vụ khán giả ở nhiều nơi, các tỉnh thành trên toàn quốc, với nhiều chương trình mới và những đề tài nóng bỏng trên sân khấu.

Cảnh trong vở “Ai là thủ phạm”.

NSƯT Nguyễn Thùy Linh nhẩm tính, thường mỗi tháng Đoàn đi biểu diễn tại 5 tỉnh. Dường như anh em nghệ sĩ của Đoàn đã có mặt ở khắp đất nước trong nhiều năm qua. Phải đưa cánh gà sân khấu lên rừng, ra đảo và xuống đồng cùng với khán giả. Đến đâu người xem cũng hồ hởi đón chào và nhiệt liệt ủng hộ. Chị nhớ lại chuyến đi mới đây vào đầu năm 2017, khi đến với khán giả là những chiến sĩ hải quân ở Đà Nẵng.

Sau đêm diễn là cuộc giao lưu ca nhạc. Họ cùng nhau trao đổi những tâm tình về đời sống. Những câu chuyện trên sân khấu đã đem lại những kỷ niệm khó quên cho những người lính trước khi lên đường. Ngày mai họ lại ra biển khơi canh giữ biển đảo quê hương. Cảm xúc của những người lính thêm một đồng hành với các anh em nghệ sĩ trong đoàn. Đó chính là niềm hưng phấn sáng tạo cho mọi nghệ sĩ trên sân khấu.

Mấy năm qua, Đoàn đã dàn dựng được những vở mới, và được khán giả đón nhận như: “Khoảng trống” (Huy chương Bạc Hội diễn-2013); “Phía sau vụ án” (Huy chương Bạc - Hội diễn Sân khấu Công an - 2015), cùng với 8 Huy chương Vàng, Bạc cho các nghệ sĩ trẻ; “Thành Hoàng Làng” (Giải Nhì Hội Nghệ sĩ Sân khấu - Hình tượng Người chiến sĩ Công an - 2015). Hiện Đoàn đã có những hợp đồng biểu diễn cho tới tháng 10-2017, phục vụ khán giả là bà con dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc. Vậy là con đường tìm đến khán giả tại các địa phương vẫn là một giải pháp hữu hiệu để tìm bạn đồng hành.

Tuy vậy, Trưởng đoàn, NSƯT Nguyễn Thùy Linh vẫn xoay xở tìm ra cách để khắc phục hiện tượng thiếu vắng khán giả đến với sân khấu kịch hiện nay. Hai năm qua, Đoàn đã mở các chương trình sân khấu nhỏ, diễn ngay tại sân khấu trụ sở. Đây là hoạt động “lấy ngắn nuôi dài”, khi kinh phí dựng vở lớn hằng năm được cấp khá hạn hẹp.

Chương trình sân khấu nhỏ tổng hợp, gồm kịch ngắn, ca nhạc, hài kịch, ảo thuật, kịch câm phần nào đã đem lại niềm vui cho anh em nghệ sĩ, khi thu hút được khán giả trẻ đến xem. Cứ mỗi quý, Đoàn lại dựng một chương trình mới phục vụ khán giả. Cùng với đó, sự đồng lòng của anh em nghệ sĩ luôn luôn cố gắng vượt lên để dựng những vở lớn, thể hiện trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ đối với cuộc sống.

Chính vì thế Đoàn đã vận dụng cơ chế thoáng, khi vận dụng phương cách xã hội hóa, không dùng tiền Nhà nước, dựng vở “Thành Hoàng Làng” để đi dự Hội diễn Sân khấu lực lượng Công an năm 2015. Mới đây, trong cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2017”, Đoàn Kịch Nam Định đóng góp tới 4 tiết mục trích đoạn, với sự hiện diện của những tài năng trẻ như Phạm Hồng Thanh, Nguyễn Thị Thùy Linh, Đặng Thu Phương, Trần Đức Vân.

 Kết quả, Nguyễn Thị Thùy Linh giành Huy chương Bạc. Sự kiện này minh chứng cho niềm khát khao sáng tạo nghệ thuật vẫn luôn luôn trỗi dậy trong mỗi người nghệ sĩ của đoàn kịch. Để khán giả tìm đến, đoàn kịch sẽ cần phải có nhiều sự bứt phá, sáng tạo, không ngừng thể hiện vai trò mũi nhọn sau 45 năm lớn mạnh trên “Sân khấu Thánh đường Thành Nam”.

Vương Tâm
.
.